Từ Messi nghĩ về sứ mệnh văn hóa

Thứ Năm, 29/12/2022, 10:52

Bóng đá kể cũng thú vị. Ngay trong cái đêm 19/12/2022 (tính theo giờ Việt Nam), một đêm không ngủ, người ta nhắc nhiều đến Lionel Messi với nhiều cách khác nhau. Người cho rằng: “Chúng ta đang nợ Messi một chiếc cúp vô địch”, người khác lại bảo: “Messi cần có một danh hiệu như thế để bước vào ngôi đền thiêng nơi đã có huyền thoại Diego Armando Maradona (1960-2020) ngự trị ở đó, ngôi đền của tình yêu bóng đá...”.

Ai nợ ai, kỉ lục hay huyền thoại, chỉ là bóng đá hay còn là nhân cách, bản lĩnh, tầm vóc của một con người…? Điều này sẽ được những người hâm mộ bàn thảo, đánh giá kĩ lưỡng. Một người đã trải qua gần hết sự nghiệp của mình, đã phải qua 120 phút thi đấu và loạt sút luân lưu cân não ở trận chung kết để cuối cùng vỡ òa trong chiến thắng như Messi liệu có phải là một người hạnh phúc? Chắc chắn, câu hỏi này chỉ có chính danh thủ mang áo số 10 ấy mới trả lời được. Liệu đỉnh cao nhất trong sự nghiệp có phải là hạnh phúc tột cùng trong cuộc đời của anh hay chưa?

untitled-4.jpg -0
Nghệ thuật kể chuyện trong kinh doanh đem lại sự tin tưởng.

Người Achentina có quyền phấn khích khi Ngân hàng Trung ương của họ đã tính đến phương án in hình Messi trên tờ 1.000 peso, vốn là tờ có mệnh giá cao nhất ở đất nước này. Như thế có nghĩa, một danh thủ bóng đá, một người hùng trong thể thao đã vượt ra ngoài giới hạn của môn thi đấu để trở thành sứ giả cho tình yêu và hòa bình…

Nói đến đây, người viết bỗng nhớ đến một câu chuyện thú vị trong bài “Cà phê và phở” của nhà báo Hồng Phúc, chị kể: “Giáo sư, tiến sĩ Willie R. Tubbs của Đại học Tây Florida - nói với tôi, "Nhưng có một sự thật: Người Mỹ chúng tôi thích phở". Câu nói thật lòng của một nhà khoa học khiến chúng ta phải suy ngẫm: quả thật, trong thời đại toàn cầu hóa, khi văn hóa đóng vai trò sứ giả thì chính những “đặc sản” văn hóa sẽ đóng vai trò thuyết khách. Thể thao, ẩm thực, âm nhạc, hội họa, văn chương… hay bất kì một loại hình mang trong mình sự tiến bộ, văn minh nào cũng trở thành “đặc sản” đưa những nền văn hóa xích lại gần nhau.

Có người từng hỏi tôi: “Sao trong thời buổi này có nhiều cơn sốt đến thế, sợ nhất là sốt thần tượng. Người ta làm như thể nếu muốn là y như rằng đội ông này, ông kia phải vô địch; hay đổ xô đi mua cái này, thử cái kia…”. Tôi bảo với người đó như thế này: “Hiện tượng nào cũng đem đến cho chúng ta hai thông tin. Ngoài thông tin chính (có thể là tốt hoặc không tốt) thì thông tin thứ hai là tín hiệu thông  báo. Ví dụ: việc nhiều fan túc cầu trên thế giới thích Đội tuyển Achentina vô địch FIFA Word cup 2022, muốn Messi là vị “vua” mới cho thấy bóng đá đã chiến thắng tất cả mọi kì thị, phân biệt để gắn kết con người với nhau. Dù đội nào thắng, đội nào thua thì cái đẹp vẫn lên ngôi. Bởi thế, Messi ấy, bài hát ấy cũng như một món ăn này, một bộ phim kia… không chỉ mang giá trị thực nữa mà đã thành biểu tượng, thành chiếc cầu nối các châu lục, các vùng đất… Điều quan trọng là chúng ta có biết biến các trend thành những giá trị tích cực để lan tỏa hay không?”.

Trong trận chung kết bao giờ cũng có một đội bóng đăng quang và một đội cúi đầu thất bại trong nước mắt. Lâu nay, nhiều người đã nói đó là sự nghiệt ngã của bóng đá. Nhưng, khi sự nỗ lực, cống hiến của tinh thần fair-play được đẩy lên cao thì sẽ chẳng có sự thất trận nào. Hãy xem một người “thất bại” như Kylian Mbappe “ghi bàn” trong mắt người dân trên toàn thế giới bằng việc quyên toàn bộ 400.000USD (khoảng 9,4 tỷ đồng) tặng cho một quỹ từ thiện vì trẻ em ở châu Phi. Nếu không có bóng đá, không đi đến trận chung kết, anh sẽ không có được khoản tiền đó, nhưng bóng đá cũng nhờ những tấm lòng như Mbappe mà trở thành giá trị tốt đẹp lan toả. Chính anh đã hướng người hâm mộ túc cầu trên thế giới vào một hướng đi tích cực thay vì những cay cú, được - thua…

Trong một thế giới mở mà khả năng kết nối, chia sẻ đạt tới mức độ chưa từng có, thực tế đã chứng minh những nhân vật không chỉ có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình mà có “sức mạnh mềm” trong đời sống. Việc một cá nhân chia sẻ bằng cách kể chuyện còn đem lại. Hãy thử lắng nghe một chuyện như thế này: “Theo Margaret Wolfson - một chuyên gia xây dựng thương hiệu, kể chuyện (storytelling) có hiệu quả là một trong những cách tốt nhất khiến doanh nghiệp trở nên khác biệt. Câu chuyện đó có thể tạo ra giá trị thực sự hoặc những xúc cảm giúp khách hàng gắn bó và giúp công ty trở thành một thương hiệu đáng tin cậy”.

untitled-5.jpg -0
Xây dựng niềm tin trong xã hội là trách nhiệm của mỗi người.

Xúc cảm trong kinh doanh đang là một xu thế tích cực. Nó không còn là các chiêu trò lửa phỉnh, đánh vào cảm tính nhất thời của người tiêu dùng gợi niềm tin vào sứ mệnh. Mỗi thương hiệu, mỗi sản phẩm đều có sứ mệnh thực hiện mong muốn như thế. Cũng trong bài viết được trích dẫn ở trên, tác giả chia sẻ: “Ban đầu những người sáng lập của Innocent, một công ty sản xuất các sản phẩm nước uống sinh tố của Anh, không chắc chắn về việc họ có nên tiếp tục công việc hằng ngày hay nên bắt đầu kinh doanh sinh tố. Để quyết định, khi bán hàng tại một lễ hội âm nhạc, họ đặt một ký hiệu lớn ở phía trước quầy sinh tố của mình. Ký hiệu đó hướng dẫn mọi người vứt chai lọ đã uống hết vào một thùng được đánh dấu "có" nếu họ nghĩ rằng họ nên từ bỏ công việc hằng ngày và bắt đầu kinh doanh nước uống sinh tố hoặc "không" nếu họ không nên. Đến cuối ngày hôm đó, thùng "có" ngập tràn chai lọ. Mặc dù đây là một cách khá ngờ nghệch hay "ngây thơ" (innocent) đối với một quyết định quan trọng, nhưng nó lại có tác dụng tốt với hai thành viên sáng lập của hãng này”.

Những cách thức theo kiểu "ngây thơ" (innocent) đã mang lại lòng tin cho người tiêu dùng trong kinh doanh cũng như ở nhiều lĩnh vực khác. Khi nhà kinh doanh minh bạch, dành cho người tiêu dùng quyền đánh giá; cũng như cách các ngôi sao hâm mộ để các fan tự tìm thấy niềm tin chính là một sứ mệnh cao cả. Từ niềm tin của cá nhân, của nhóm xây dựng thành niềm tin xã hội (social trust). Đây là một khái niệm được đề cập đến từ khá sớm, trải qua một thời gian dài, được định nghĩa là: “Sự tin tưởng về những giá trị xã hội cao quý dựa trên những cam kết xã hội chân chính, đúng đắn của thể chế chính trị và cộng đồng xã hội, luôn có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa hình thức diễn ngôn xã hội với sự thật tương ứng được thực hiện” (theo Trần Hữu Quang, "Lòng tin và vốn xã hội", NXB Tri thức, Hà Nội, 2013). Khi một chính phủ, một xã hội hay tổ chức đem lại lòng tin bằng việc phát triển ổn định, khi những cá nhân, thương hiệu đã “cam kết” bằng hành động là chất lượng phục vụ có nghĩa là lúc đó sứ mệnh đã được cụ thể hóa bằng các giá trị mà người dân thụ hưởng.

Có thể thấy, mọi thành công trên các lĩnh vực, theo thời gian sẽ chuyển hóa thành các giá trị văn hóa. Cũng như chiếc cúp vô địch thế giới chỉ bốn năm sau sẽ có chủ nhân mới, giới hâm mộ lại có một thần tượng để yêu mến nhưng câu chuyện của sứ mệnh, của “đặc sản” văn hóa sẽ còn lan tỏa, làm nên vẻ đẹp của một môn thể thao, một đất nước, một cách ứng xử.

Messi cần thiết phải vô địch hay không, thiết nghĩ cũng không quan trọng bằng những gì mà anh đã làm được. Người viết nhớ đến dòng cảm nhận của một cô giáo yêu bóng đá: “Người ta sẽ nhắc mãi một Messi - với vị thế một ông vua đã có được ngai vàng và ở đỉnh cao của danh vọng! Messi đã trở thành huyền thoại, như một đấng tối cao đang ngự trị trong ngôi đền của những giấc mơ! Messi đẹp ở mọi góc độ! Nghị lực phi thường của một cậu bé thiếu hormone tăng trưởng bẩm sinh. Messi đã từng bước chinh phục mọi đỉnh cao bằng nụ cười phúc hậu và đôi chân lặng lẽ cống hiến”. Cùng với Kylian Mbappe, Luka Modric hay Christian Eriksen… và nhiều ngôi sao bóng đá khác đã tạo nên vẻ đẹp văn hóa trong cuộc sống này bằng tài năng, lòng nhân ái và nghị lực sống…

Lương Việt
.
.