Tự hào, tin tưởng vào sức mạnh nội sinh

Thứ Bảy, 03/05/2025, 08:22

Ngay trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong bài viết tiêu đề "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta không thể để đất nước tụt hậu. Chúng ta không thể để dân tộc đánh mất cơ hội. Chúng ta không thể để lặp lại những vòng xoáy của lịch sử”.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, “cách đây 50 năm, dân tộc Việt Nam đã viết nên một bản anh hùng ca chói lọi bằng ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường - đó là bản hòa ca của ý chí, quyết tâm, thống nhất và hòa bình. Nửa thế kỷ sau, chính dân tộc ấy đang tiếp tục viết nên một bản hùng ca mới - bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI”.

untitled-3.jpg -0
Sức mạnh nội sinh tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc.

Khẳng định “trước đây, không một người Việt Nam chân chính nào muốn đất nước mình bị chia cắt”, Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định “ngày nay, chắc chắn không một người Việt Nam chân chính nào lại không mong đất nước mình ngày càng hùng cường, thịnh vượng sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Và, để làm được điều đó, theo Tổng Bí thư Tô Lâm là “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Chúng ta phải hành động vì tương lai lâu dài chứ không vì thành tích ngắn hạn... Nhìn về phía trước, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào, tin tưởng vào sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã bao lần đánh thắng ngoại xâm và đứng dậy từ chiến tranh, khẳng định mình trước lịch sử và trước thế giới. Với truyền thống nghìn năm dựng nước và giữ nước, với khát vọng vươn lên không ngừng, với thế hệ trẻ tài năng, hoài bão, yêu nước, sáng tạo và đầy bản lĩnh - Việt Nam nhất định sẽ thành công”.

Nói đến “sức mạnh nội sinh” của dân tộc Việt Nam là nói đến nhiều nội dung trong sự phong phú của hệ giá trị đặc trưng về văn hóa, con người, dân tộc Việt Nam, trong đó có sức mạnh nội sinh về văn hóa, đúc kết qua nhiều thế hệ, dưới sự soi rọi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính sức mạnh nội sinh về văn hóa đã làm nên bản lĩnh Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé về địa lý nhưng lớn mạnh về tinh thần, kiên cường qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc, vững vàng trong xây dựng hòa bình.

Cuối năm 2022, tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, nhằm nhìn lại một năm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chuyên gia về lý luận đã khẳng định rõ hệ giá trị quốc gia là nền tảng, sức mạnh nội sinh mang tính quyết định để dân tộc trường tồn và phát triển.

Hệ giá trị quốc gia về văn hóa dựa trên nền tảng là những giá trị truyền thống, văn hóa và con người Việt Nam đã hình thành, hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, gắn với yêu cầu của thời đại mới - thời đại Việt Nam đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển, hội nhập sâu rộng đời sống quốc tế.

Những nội dung này đã được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cụ thể hóa, khẳng định trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021.

Sức mạnh nội sinh về văn hóa là nguồn cảm hứng vô tận cho đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Để từ đấy, các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nối tiếp nhau sáng tạo nên nền văn học nghệ thuật cách mạng. Nền văn học nghệ thuật ấy là bức tranh tổng thể phong phú sắc màu, giọng điệu chất liệu, hình khối của những giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ, tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái bao dung, tinh thần tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam. Và, đó chính là mạch nguồn của “sức mạnh mềm” thời đại Hồ Chí Minh, bền bỉ và liền lạc chảy như một dòng sông ngầm đi qua năm tháng, cả trong thời bình lẫn khi đất nước rơi vào cảnh chia cắt - trường tồn qua mọi biến thiên của lịch sử.

Mạch nguồn ấy chắc chắn sẽ tiếp tục lan tỏa, tiếp tục tỏa sáng trong kỷ nguyên mới, để viết nên “bản hùng ca mới - bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI”, đúng như sự kỳ vọng và tin tưởng của cả dân tộc Việt Nam, mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã bày tỏ.

Lương Duy Cường
.
.