Truyền dạy cồng chiêng ở Tây Nguyên: Vẫn theo kiểu "chuồn chuồn đạp nước?"

Thứ Năm, 26/05/2022, 10:06

Mùa hè, tiếng chiêng nhí lại vang lên khắp nẻo đại ngàn. Buôn làng nào có lớp dạy đánh chiêng cho trẻ nhỏ thì như đang vào hội. Gặp gỡ các già làng, ai cũng bảo vui cái bụng lắm. Nhưng khi lớp học kết thúc, sờ vào cái chiêng, các em lại lóng ngóng. Tiếng chiêng nghe lạc nhịp, “chữ thầy trả lại cho thầy” khi mùa hè nữa lại về...

Trong cơn mưa phùn rét mướt dai dẳng phủ mờ cao nguyên, những em nhỏ trong buôn KBu (xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột) vẫn đội áo mưa, đội dù, bấm mười ngón chân trên bùn đến Nhà cộng đồng. Chiếc xe đạp dính bùn bê bết, cứng lầy hai bánh xe dựng trước Nhà cộng đồng. Xe của thầy Y Hiu Niê KDăm. Thầy từ phường Ea Tam vào dạy các em. Đúng 13 giờ, các em vào lớp, co ro ngồi san sát nhau cho ấm. Độ gần 20 em ngồi thành hàng ngang. Tay cầm chiêng tre bắt đầu gõ theo thầy. Tiếng chiêng ngân vang, át đi tiếng mưa phùn, gió thốc ngoài cửa lớp. Càng gõ, không khí càng hăng say và tưng bừng.

1 y hiu.jpg -0
Thầy Y Hiu Niê KDăm dạy chiêng cho các thiếu nhi Ê Đê.

“Nghỉ hè, em được học chinh Kram (một loại chiêng tre của người Ê Đê - PV). Ba mẹ không cho em đi làm rẫy hằng ngày nữa. Chỉ khi nào không học đánh chinh thì đi thôi” - Y Hạnh (12 tuổi) nói bằng giọng háo hức khi vừa được thầy cho tập đánh tự do. Y Hạnh bảo “Ông em nói học chiêng để giữ gìn phong tục của dân tộc mình. Là con cháu của Giàng mà không biết cái chiêng là tệ lắm. Ba mẹ em thì nói nếu không biết đánh chiêng không phải là người Ê Đê”. 

Cùng lớp với Y Hạnh có Y Lơi (10 tuổi). Cậu bé có làn da đen nhẻm, tóc cháy nắng say sưa kể: “Già làng bảo bạn nào học giỏi, có năng khiếu sẽ được cho vào đội chiêng của buôn nên em thích lắm. Học chiêng thích hơn đi chăn bò, đi đá banh nhiều”. Cũng như Y Hạnh, Y Thiên đây là lần đầu tiên những đứa trẻ ở buôn KBu học đánh chiêng. Khắp buôn làng vang dậy âm thanh vụng về nhưng thánh thót vui tai.

Ngồi cạnh Y Thiên, em Y Phi hớn hở khoe: “Học đánh chiêng vui lắm cô ạ. Lúc đầu tập hơi khó nhưng bây giờ em có thể đánh được bài “Chào khách - mời rượu”rồi”. Em Y Phi là cháu của già làng Y Bling Niê Kriêng. Già từng bảo: “Cuộc sống hiện đại rồi, bọn trẻ trong buôn chỉ thích học cái lạ, cái mới từ phương khác chứ ít đứa ưng cái chiêng, cái cồng. Được chính quyền địa phương quan tâm, mở lớp dạy đánh chiêng cho các cháu, già mừng cái bụng lắm! Nhất quyết phải vận động bọn trẻ trong buôn đi học để bọn nó biết cái hồn của đồng bào mình”.

Thầy Y Hiu Niê KDăm – người trực tiếp đứng lớp cho biết, lớp truyền dạy đánh chiêng căn bản diễn ra một tháng, có khoảng 30 em người dân tộc Ê Đê từ 6 đến 12 tuổi, chia làm 3 đội học xen kẽ nhau trong tuần. Các học viên nhí sẽ được truyền dạy về ý nghĩa, tiết tấu và hiểu được từng vị trí của bộ chinh Kram. Bộ chinh Kram thông thường có 7 chiếc, tương ứng với 7 vị trí. Mỗi em trong đội được phân công một vị trí nhất định và tập đánh. Để chọn lựa các em vào từng vị trí phù hợp, thầy Y Hiu phải kiểm tra khả năng thẩm âm của mỗi em. Nhìn đám học trò nhỏ đang hăng say tập luyện, thầy mỉm cười: “Bọn trẻ thích học chiêng lắm. Mưa gió vậy nhưng các em đến lớp rất đều đặn”.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc cho biết, cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác, lớp học này là hoạt động nằm trong chương trình bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng, bắt đầu triển khai năm 2006 lần lượt cho các thôn buôn của 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh kể từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại năm 2005. Thanh thiếu niên người dân tộc Ê-đê, Mnông, Gia-rai, Xơ-đăng trong độ tuổi từ 6-18 sẽ được học đánh các loại cồng, chiêng của đồng bào mình.

Ngoài mục đích bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, hoạt động này nhằm phát hiện tài năng trẻ, bồi dưỡng năng khiếu, xây dựng các đội chiêng nhí chuyên nghiệp như đội chiêng nhí buôn Kram, buôn Trấp (huyện Krông Ana), đội chiêng nhí buôn Cư Nul (huyện Krông Bông), đội chiêng nhí buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, Thành phố Buôn Ma Thuột)… Các đội chiêng nhí không chỉ diễn tấu khi buôn làng có lễ hội mà còn gặt hái được nhiều thành tích đáng kể khi tham gia các cuộc thi dân ca dân vũ của địa phương, quảng bá đến bạn bè quốc tế. 

Lớp dạy đánh chiêng là một sân chơi nhiều ý nghĩa dành cho các em thiếu nhi đồng bào các dân tộc trong dịp hè nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, bất cập. Ghé Nhà cộng đồng buôn Tơng Jú, bộ chiêng tre nằm im ỉm, lăn lóc một góc. Lấy cho chúng tôi xem những chiếc chiêng cũ kỹ, ông Y Thăm Kbuôr, trưởng buôn Tơng Jú lắc đầu ngao ngán khi những chiếc chiêng giờ đã hư hại, mối mọt nhiều, đánh lên không còn đúng âm nữa.

Ông Y Thăm thở dài: “Qua một mùa hè, kêu tụi nó đánh lại, đứa nào cũng xoay tới xoay lui. Lâu rồi không tập luyện, không có ai truyền dạy, cái đầu bọn nó có nhớ bài nào nữa mà đánh. Mấy đứa ra phố học, xa nhà thì quên gần hết, về nhìn cái chiêng thấy lạ quá. Còn mấy đứa trong đội chiêng nhí mỗi lần có lễ hội, dù đánh bài quen nhưng đều nhờ các nghệ nhân trong buôn luyện tập lại vì đánh theo đội, không tập luyện, tụi nó đánh lạc thanh, sai nhịp hết”.

Nghe chuyện buôn Tơng Jú, nghệ nhân Y Hiu buồn bã lắc đầu. Đó là thực trạng mà những nghệ nhân đau đáu với văn hóa cồng chiêng luôn trăn trở, lo âu. Theo thầy Y Hiu, việc giảng dạy cho các em khá vất vả. Lớp học có nhiều lứa tuổi khác nhau nên khả năng tiếp thu rất chênh lệch. Những em nhỏ tuổi mới vào lớp Một, mặt chữ còn chưa thuộc nên việc truyền đạt là hết sức khó khăn. Các em học trước quên sau, nhiều khi chỉ nghịch cho vui. Các em lớn thì tiếp thu nhanh hơn, khiến những em nhỏ không theo kịp.

“Bọn trẻ lần đầu được sờ cái chiêng nên ban đầu còn vụng về, đánh bị lạc thanh, sai tiết tấu. Mình phải thật kiên trì, dẫn ra từng nhịp, đánh đi đánh lại cho bọn trẻ làm theo. Có em phải cầm tay chỉ từng nhịp đánh nhưng trong một tháng học có vài buổi mà để các em biết cách đánh, đánh được vài bài chiêng là không đơn giản”, ông chia sẻ.

2 doi chieng.jpg -0
Nếu không có sự phối hợp đồng bộ, các lớp truyền dạy chiêng cho trẻ em vẫn chưa thể phát huy hiệu quả.

Nhiều nghệ nhân lo lắng, với cách thức tổ chức như hiện nay, kết quả thu được từ các lớp truyền dạy này là con số không, đứng trước nguy cơ “muối bỏ bể” bởi: “Mỗi buôn làng chỉ được mở lớp một lần trong một tháng. Khi lớp học kết thúc, việc duy trì cho các em hoạt động như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng buôn làng. Buôn nào có đủ chiêng, có nơi sinh hoạt, có nghệ nhân tâm huyết thì các em “say chiêng” còn được tiếp xúc với cồng, chiêng. Ngược lại, địa phương không quan tâm, thiếu thốn điều kiện thì “chữ thầy trả cho thầy” - nghệ nhân Y Hiu nói.

Trong khi đó, nghệ nhân Y Dhơn Byă ở buôn Băng Cung, xã Eatrul, Krông Bông lại trăn trở: “Có rất nhiều em có năng khiếu, say chiêng nhưng khi lớp dạy mùa hè kết thúc, các em không có điều kiện để rèn luyện thì rất dễ mai một tài năng”. Riêng thầy Y Hiu nhìn thấy thực trạng các đội chiêng nhí rất khó duy trì vì các em mỗi người học tập mỗi nơi nên việc tập luyện bị ảnh hưởng. Mai này lớn lên, trở thành nhưng thanh niên các em lại lóng ngóng với cồng chiêng dân tộc mình.

Đây cũng là điều mà bấy lâu nay chính quyền đang quan tâm, tìm hướng tháo gỡ để chương trình đạt được hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, ngành văn hóa các địa phương đang vận động các nghệ nhân, các gia đình ở từng buôn làng tập hợp các em đến sinh hoạt văn hóa, đánh cồng, chiêng vào dịp cuối tuần tại Nhà văn hóa cộng đồng. Tăng cường điều kiện, cơ sở vật chất cho các buôn làng.

Bên cạnh việc ngăn chặn nạn chảy máu cồng chiêng đang làm thiếu trầm trọng cồng chiêng tại các buôn làng, ngành văn hóa tỉnh Đắc Lắc cũng đã nghiên cứu và đề xuất những biện pháp phục dựng không gian diễn tấu văn hóa cồng chiêng như: không gian rừng, bến nước, lễ hội... Bởi lẽ, nếu mất không gian diễn tấu, hồn cốt của cồng chiêng sẽ mất. Ngoài ra, hằng năm ngành văn hóa địa phương sẽ tổ chức các cuộc thi, liên hoan cồng chiêng cho các em. Cùng với đó là việc mở thêm các lớp dạy dài hạn nâng cao, nhằm phát triển kỹ năng cho những em có năng khiếu thật sự.

Mai Quỳnh Nga
.
.