Trong, đục ao làng...

Thứ Sáu, 04/10/2024, 10:04

Hình tượng cái ao ăn sâu vào tâm thức người Việt đến mức hầu như ai cũng thuộc và hiểu câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Không biết có tự bao giờ, chắc rất lâu rồi, nhưng ở ngày toàn cầu hóa hôm nay người ta vẫn thường đọc để nói cái ý về quê mà sống, mà làm ăn, dù nghèo, dù thiếu thốn… “vẫn hơn”.

Ai cũng hiểu cái tâm lý cục bộ, địa phương chủ nghĩa, cho quê mình, làng mình là nhất trong câu ca ấy không hợp với thời nay. Nhưng dù có “hiện đại” đến đâu, “tâm lý làng xã” vẫn cứ neo trong cõi lòng, để rồi có lúc bật ra “Ta về ta tắm ao ta…”. Ngày nay “ao làng” trở thành một ẩn dụ quen thuộc chỉ những việc gì quanh quẩn, hạn chế, thiếu tầm chiến lược.

Trong, đục ao làng... -0
Ao quê.

Ngày xưa cái ao quen thuộc với hầu hết mọi người dân. Vì để làm nhà thì phải “đào ao vượt thổ”, thế là không gian quen thuộc của một hộ gia đình là vào ngõ đến sân, tiếp đến là nhà, sau nhà là mảnh đất nhỏ rồi đến cái ao. Tùy đất rộng hẹp mà ao to nhỏ. Ao để nuôi cá, mặt nước thả bè rau muống, một khoang nuôi bèo dành cho lợn. Ao là chỗ giặt giũ, là nơi chứa nước mưa… Bờ ao thường trồng cây nhãn, cây sung, cây chanh, bụi chuối… vừa để tránh bờ lở lói vừa không phải tưới cây. Những trưa hè oi ả đem chõng hoặc mắc võng hóng mát ở bờ ao thì sung sướng hơn nhiều ngồi phòng máy lạnh thời nay. Rất có thể nhiều thi nhân đồng quê thai nghén tác phẩm từ bờ ao thi vị này. Còn bọn trẻ thì đánh trận giả, rồi trèo lên cây nhảy tùm xuống ao… Đứa thì ngồi câu. Đứa đi bắt chuồn chuồn. Cả một thế giới trẻ thơ hồn nhiên tươi tắn gắn với bờ ao.

Chắc nhiều người tuổi trung niên trở lên nhớ mãi kỷ niệm khi những cơn mưa rào đang cỡ dữ thì đám trẻ con cởi trần chui rào vào “mai phục” ở bờ ao nhà nào nuôi nhiều cá nhất. Những con cá rô to bằng bàn tay, chắc lẳn vàng ươm hoặc đen chũi ngoi lên bờ đón mưa… Đầu tiên thường là con rô đực thân dài ngóc đầu, ưỡn thân, giương vây rạch nước lên trước, lúc sau, thấy êm, đàn rô mới lên theo. Đứa nào có kinh nghiệm thì để cả đàn lên rồi mới lao ra bắt từng con… Thú vị vô cùng! Quên hết mưa gió. Chỉ bừng tỉnh khi chủ nhà bắt quả tang… Thế là chui rào chạy, có khi quên cả giỏ cá rô… Thật tiếc, những cảnh này đã đi vào cổ tích… Bây giờ, ao bị lấp để làm nhà…

Đi vào ca dao, bờ ao trở thành một không gian tâm trạng đa nghĩa, như gợi về sự tiêu điều, nghèo nàn, khuất lấp: “Cam sành rã rượi bờ ao/ Tưởng không rào anh hái, có rào thì thôi”. Câu ca dao có phần chua chát này khó hiểu. Tại sao lại ví cô gái là “cam sành”, đã thế còn “rã rượi” xấu mã cả cây cả quả? Cô có “người” rồi thì thôi, còn chưa, thì “anh hái”. Cái “mã” để mở phải chăng ở hai chữ “rã rượi”: cô ấy nhà nghèo, xấu xí, quá lứa lỡ thì…(!?). Bờ ao là không gian mong ước: “Chiều chiều ra đứng bờ ao/ Nước kia không khát, khát khao duyên chàng”. Phần nhiều để chỉ không gian bình dân, mộc mạc có tác dụng làm “nền” để bật ra hình tượng người con gái xinh xắn, dịu dàng: “Hỏi đâu trúc mọc bờ ao/ Ai xinh, ai đứng nơi nào cũng xinh”. Hoặc: “Trúc xinh trúc đứng bờ ao/ Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh”.

Lại là một quan niệm mỹ học: cái đẹp không phụ thuộc vào không gian nơi “giữa xóm đầu làng” hay nơi lầu son gác tía mà ở trong bản chất, đã đẹp thì đứng “bờ ao gốc dứa” cũng đẹp. Đúng quá. Cái đúng này chắc được nhiều người thừa nhận nên còn được nâng lên thành bài hát Quan họ chơi vơi luyến láy: “Cây (i) trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc/ Qua (i) lối nọ (i) như bờ ao/ Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng/ Đứng nơi nào qua lối như cũng xinh…”.

Cái ao chân quê đến mức rất ít khi được “thiêng hóa” trong văn chương. Ngay trong “Thánh Gióng” - một trong những thần thoại hay nhất, thì cái ao được lý giải là do vết chân ngựa của chàng Gióng mà thành. Chàng Gióng lớn nhanh như thổi, ăn “bảy nong cơm, ba nong cà, uống cạn đà khúc sông”. Chàng vươn vai thành Phù Đổng nhảy lên ngựa phi ra trận tiền. Ngựa sắt phun lửa. Chàng Gióng nhổ tre đuổi giặc… Thế là từ đó những cái ao được hình thành theo dấu chân ngựa của chàng Gióng vĩ đại! Gióng và ngựa thì bay lên trời để thành người trời. Còn những cái ao thì mãi mãi ở dưới mặt đất, gần gũi, bình lặng cùng người nông dân “một nắng hai sương” lam lũ, tảo tần.

Trong văn học viết, một trong những người viết sớm về hình tượng ao là Chu Văn An, trong bài “Miết trì”: “Trăng nước bên cầu đùa giỡn bóng chiều hôm/ Hoa sen, lá sen, yên lặng tựa nhau/ Cá bơi ao cổ, rồng ở chốn nào/ Mây đầy núi vắng, hạc chẳng thấy về”. “Miết trì” nghĩa đen là ao ba-ba, cũng là tên một chiếc ao trong dãy núi Phượng Hoàng (nơi Chu về ẩn, thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương). Có thể hiểu “ao” là hình ảnh ẩn dụ chỉ thời thế, cá đua nhau bơi trên mặt ao, tức bọn tiểu nhân đang đắc ý. Không thấy rồng ở đâu hay vua đi vắng (hay làm bù nhìn). Núi vắng, hạc không trở về hay những bậc quân tử không chịu ra giúp nước nhà. Có thể cụ Chu làm bài thơ này gửi tâm sự bất đắc chí sau khi dâng “Thất trảm sớ” nhưng không được nghe theo, đành cáo quan về hưu.

Là nhà tư tưởng thân dân, Nguyễn Trãi làm thơ Nôm cũng thật gần dân. Hình tượng ao xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi cũng là đương nhiên. “Cảnh ngày hè” là bài thơ hay: “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương/ Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Cảnh mùa hè bừng lên sức sống khỏe khoắn, mới mẻ, có hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hương vị hiện đại, gần với hôm nay. Hoa thạch lựu nở đỏ ở hiên nhà, hoa sen dưới ao tỏa hương thơm ngát. Không còn là cái ao bình thường mà trở thành một không gian về cái đẹp dân dã, thanh bình, nồng nàn, trong sáng.

Trong, đục ao làng... -1
Hình minh họa bài thơ "Con ếch" (Tranh Nhật Bản).

Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng viết về hình ảnh cái ao nhà quê của người quê giản dị: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”. Có lẽ Trạng Trình là người duy nhất và chỉ một lần thiêng hóa cái ao trong bài “Bạch lộ thi” (Bài thơ về cò trắng), có câu: “Linh chiểu ưu du đào thánh hóa” (Nhởn nhơ ở ao thiêng, rũ hết giáo hóa của thánh nhân) với cái ý mỉa mai sự không tương xứng giữa môi trường và cá thể. Có thể hiểu ý câu thơ: không nên để kẻ tiểu nhân (con cò), dù đẹp mã bề ngoài đến (tắm) nơi sang trọng, cao quý (ao thiêng).

Là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, Nguyễn Khuyến viết nhiều nhất về ”ao”: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…/ Tựa gối,ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo” (Thu điếu). Ao mà “nước trong veo” thường ít cá. Thế nên “Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được”, thì có thể hiểu “câu cá” chỉ là nguyên cớ để giãi bày/gửi gắm tâm trạng bên trong không nói ra được. Ở bài thơ “Bạn đến chơi nhà” có phần hóm hỉnh, vui vẻ hơn: “Đã bấy lâu nay, bác tới nhà/ Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa/ Ao sâu nước cả, khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà...”.

Trong văn hóa Nhật Bản, cái ao bình dị đi vào thơ Haiku đã kiến tạo nên những mô hình sâu xa ý nghĩa, được nâng lên thành biểu tượng lớn lao hơn rất nhiều hình tượng ban đầu. Bài thơ “Con ếch” của Matsuo Basho là tiêu biểu: “Ao cũ/ Con ếch nhảy vào/ Vang tiếng nước xao”. Bằng lượng con chữ ít nhất nhưng nói được nhiều ý nghĩa nhất. Đó là một định nghĩa về thơ. Nhưng với thơ Haiku, còn hơn thế, là sự kết hợp, là sự lan tỏa, là vô thanh…

Bài thơ trên là sự kết hợp tương phản giữa cái cổ xưa, bất biến, ổn định, khuôn mẫu (ao cũ) với cái trước mắt, linh hoạt, phá cách (con ếch nhảy) tạo nên sự xao động (thay đổi/chuyển động). Cảnh vốn đã tĩnh càng thêm tĩnh nhờ cái âm thanh xao động ấy. Nhưng dù rất nhỏ, như mơ hồ, cũng đủ để đánh thức mặt ao. Cái ao hay là cả một xã hội Nhật Bản tĩnh lặng, cổ hủ (!?). Chú ếch hay mỗi cá nhân, nhất là những người trẻ nếu cùng nhau “nhảy vào”, sẽ tạo ra cả một trường xung lực lớn, thậm chí dữ dội… để thay đổi. Bên trong chất Thiền tưởng như tĩnh lặng mà ngùn ngụt chất chứa một khát khao đổi mới. Đó cũng là một nét tính cách Nhật!

Ở làng quê Việt hôm nay, những hình ảnh trong bài hát thật hay “Bên bờ ao nhà mình” (Lê Minh Sơn) bây giờ còn ít lắm. Cố mà giữ lại, vì đó là một phần hồn làng quê Việt: “Bên bờ ao nhà mình, con chuồn chuồn vẫn đậu cánh bèo tây/ Bên bờ ao nhà mình, lập lòe đom đóm bay…/ Trái cam màu vàng em đã trồng bên bờ ao”…!!! 

Nguyễn Thanh Tú
.
.