Triết lý về “một con người”!
Theo một khảo sát, tác phẩm "Đôn Kihôtê" của Xécvantéc (1547 - 1616) có nhiều bạn đọc chỉ sau "Kinh Thánh". Nhưng khi mới ra đời, tiểu thuyết không được đánh giá cao, có lẽ vì ý nghĩa sâu sắc chưa hiểu ngay.
Đi suốt tác phẩm, bên cạnh Đôn Kihôtê cao gầy, hốc hác, đăm chiêu cưỡi con ngựa già gầy trơ xương là Păngxa khỏe mạnh, thấp béo, tươi tắn. Nhìn từ cấu trúc mô hình, họ là đối cực của nhau. Nếu không có trò, một mình thầy chắc khó đi đến, hoặc có đi đến cái "đích" lý tưởng "cứu nhân độ thế" đã đặt ra từ đầu, câu chuyện cũng nhạt.

Có thể thêm một cách hiểu về cuộc hành trình của họ chính là cuộc hành trình của một con người vươn đến mục đích đã định, luôn phải đấu tranh, phải kiên trì, phải quyết liệt giữa hai bờ vực chênh vênh: mơ mộng, viển vông và ảo tưởng, hão huyền; tỉnh táo, cụ thể và chắc chắn, thực dụng. Nhìn vào tác phẩm hay, người đọc sẽ thấy mình trong đó. "Đôn Kihôtê" hấp dẫn người đọc còn ở chỗ, ai cũng thấy trong mình có cả Đôn Kihôtê, có cả Păngxa (!?).
"Tây du ký" (Ngô Thừa Ân) cũng có thể hiểu tương tự. Chủ yếu nhờ Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới hàng phục yêu quái mà thầy trò Đường Tăng sang đến được Tây Trúc. Có thể hiểu yêu quái là biểu tượng cho những gian nan vất vả trên đời. Kinh Phật là biểu tượng cho lý tưởng ở đời.
Đây là câu chuyện về một con người trên hành trình đi tìm lý tưởng (Kinh Phật), con người (Đường Tăng) chủ yếu phải dựa vào sự khôn ngoan trí tuệ (Tôn Ngộ Không), chứ không thể dựa vào cảm xúc bồng bột (Trư Bát Giới). Chỉ vậy mới có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại (81 nạn) để thành công.
Hầu như ai cũng có thể đồng ý rằng, trong con người mình đều có cả Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Nhiều lúc "chất" Trư Bát Giới trội lên, khi đó, nản lòng, nản chí, muốn hưởng thụ, chơi bời, dễ quên nhiệm vụ…
Xét đến cùng, các triết học đều nói về con người. Cũng vậy, các nghệ thuật, xét đến cùng, cũng đều nói về con người. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói, "bên trong mỗi con người đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ". Ý ông dặn mình và dặn bạn viết đừng viết "một chiều" chỉ có tốt, mà cả hai chiều, nếu không sẽ sa vào "minh họa". Thực ra, L.Tolstoy đã tâm niệm điều ấy lâu rồi. Thế nên, nhân vật của đại văn hào Nga sinh động, nhờ được xây dựng là một thực thể phức tạp, tồn tại, đấu tranh, xung đột giữa các tính cách cả cao thượng, tốt đẹp, cả hèn kém, xấu xa...
Cho đến cuối thời trung đại, văn chương vẫn giữ kiểu kiến tạo hai hình tượng đối cực, mâu thuẫn nhau về tính cách, nhưng là để nói về một con người. Bước sang hệ hình mới, khi bút pháp phân tích tâm lý phổ biến (tiêu biểu là L.Tolstoy), nét tư duy ấy mới được khắc phục. Đó là quá trình đấu tranh phức tạp, tinh vi "con người trong con người". Chí Phèo của Nam Cao là ví dụ. Thằng Chí Phèo không chỉ say rồi "rạch mặt ăn vạ", còn rất sâu sắc khi yêu, thậm chí còn có linh giác về một tương lai bất an, khi đưa ra một câu hỏi đầy tính dự cảm: "Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?"…
Một cổ mẫu xa xưa nhất của nhân loại là Vườn Địa Đàng trong "Kinh Thánh", theo cách hiểu phân tâm học, cũng là biểu trưng về một đời người. Giai đoạn "Ađam và Eva bị cám dỗ" (tuổi dậy thì) là thời kỳ khủng hoảng phá phách, ưa tự do, hay chống đối, phản ứng, đam mê, bồng bột, dễ bị quyến rũ, dễ sa vào tính dục.
Giai đoạn "sống ngoài vườn địa đàng" (tuổi trưởng thành) có ý thức trách nhiệm trong việc lập thân. Đàn ông phải kiếm sống nuôi gia đình, đàn bà phải mang nặng đẻ đau. Phải vượt mọi vất vả để tạo dựng mái ấm gia đình riêng. Thiên thần "cầm gươm đứng gác cửa" Vườn Địa Đàng biểu trưng cho sự ngăn chặn trốn chạy trách nhiệm… Hiểu vậy, ai cũng có "vườn địa đàng" của riêng mình, có "trái cấm" là bước ngoặt trong đời... Trong Vườn Địa Đàng có cây "biết lành, biết dữ", cũng rất đối lập.
Ở phương Đông, nguyên lý âm dương chi phối gần như tuyệt đối mọi khoa học về con người, thể hiện rõ nhất trong y học cổ truyền. Với quan niệm con người là một thực thể, có âm, có dương, trong âm có dương, trong dương có âm, nương tựa lẫn nhau, xen kẽ vào nhau trong sự tồn tại phát triển. Nguyên nhân bệnh tật là do mất cân bằng âm dương, nên về bản chất, chữa bệnh là điều chỉnh lại để tạo sự cân bằng. Như vậy, con người sinh học cũng là "sự thống nhất của các mặt đối lập".
Soi những vấn đề mang tính nguyên lý trên vào một số tác phẩm cổ tích, truyền thuyết của ta, có thể thêm cách hiểu sau.
Truyện "Thạch Sanh - Lý Thông" là cấu trúc mô hình một người đàn ông với những đối cực thiêng/phàm, cao thượng/hèn kém, tốt/xấu. Tên gọi cũng thiêng. Đá (thạch) là một cổ mẫu thiêng. Ngày xưa, nhân vật lịch sử đáng kính sẽ được "dựng tượng đá" hoặc xây mộ đá. Ngôi chùa/đền thiêng được làm bằng đá... Điều phổ quát này có trong mọi nền văn hóa. Luôn được lấy từ núi đá, mà núi đá gắn liền với sự vững chãi, lâu bền, muôn thuở. Hơn thế, núi đá chính là một "phiên bản" của "cây vũ trụ" nối đất và trời, rồi thành "cột" chống trời… "Vật tổ" xa xưa nhất là "trụ trời" (trong "Thần trụ trời") được đắp bằng (đất) đá. Bà Nữ Oa vá trời bằng "đá" là vì thế.
Ở Ấn Độ, các bậc tu sĩ tu tập và "đắc đạo" trên núi đá. Các vị tiên trong truyền thuyết Trung Hoa cổ cũng luôn sống trên núi (đá), thậm chí chơi cờ trên núi (đá), bàn cờ hẳn cũng bằng... đá. Chàng Thạch Sanh chẳng phải sinh ra (Sanh) từ đá (Thạch) đó sao. Chàng là biểu trưng cho khát vọng về người đàn ông hoàn hảo nhất: mạnh mẽ, bản lĩnh, tài năng (Giết mãng xà vương, diệt đại bàng); có tâm hồn nghệ sĩ (gẩy đàn thu phục quân 18 nước chư hầu); có phép màu (niêu cơm ăn hết lại đầy); có tinh thần cao thượng (cứu công chúa, cứu con vua Thủy Tề). Còn là biểu trưng cho khát vọng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao, từ một người nghèo chỉ mảnh khố che thân nhưng trở thành phò mã…
Đại để, đó là mẫu người lý tưởng mang tính tiêu biểu cho mọi thời (đến nay vẫn rất cần những "Thạch Sanh"). Đối cực với chàng là Lý Thông đủ điều hèn kém… Nhưng nhờ có Lý Thông, Thạch Sanh mới có "điều kiện thể hiện"… Dân gian không để Lý Thông chết sớm, mà luôn để nó "song hành" cùng Thạch Sanh. Bởi Lý Thông chính là "mặt trái" của người đàn ông, theo Dịch học phương Đông, là "phần âm", xấu xí, tối tăm. Thạch Sanh là phần "dương" sáng chói.

Cấu trúc này tương tự truyện "Tấm Cám". Cám nanh ác, lười biếng bao nhiêu, Tấm thật thà, chăm chỉ bấy nhiêu. Khi sống chăm chỉ, chết hóa thành quả thị vẫn chăm chỉ. Cám ít nói, hầu như chỉ nói mỗi câu (Chị ơi đầu chị có cứt trâu…). Tấm nói rất nhiều. Có hóa kiếp vẫn nói nhiều. Hóa thành chim vàng anh, Tấm vẫn đay đả, chua ngoa: "Giặt áo chồng tao/ Thì giặt cho sạch...". Hóa thành khung cửi, vẫn đanh đá, thách đố: "Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị…". Ngoài ý nghĩa xã hội, tiếng nói là biểu hiện cho khát vọng tinh thần dân chủ; còn là một "dấu chỉ" cho tính cách phụ nữ Việt: nói nhiều!
"Tấm" là phần gạo nhỏ nhất bị vỡ/gãy vụn trong quá trình xay giã (xưa). "Cám" là lớp vỏ bên ngoài và một phần phôi của hạt gạo bị nghiền ra khi giã (gạo). Tấm, cám đều từ hạt gạo mà ra. Tấm Cám trong cổ tích cũng từ một người đàn bà có thân phận hẩm hiu (trong xã hội phong kiến) mà ra. Họ cũng mang đối cực âm dương triệt để. Phải chăng những cổ tích trên cũng là triết lý thâm sâu về một người phụ nữ, mang ý nghĩa giáo dục không dễ nhận ra.
Một, cái xấu như là một thực thể tồn tại tất yếu trong cuộc sống, bên cạnh (ta), trong (ta). Vấn đề cơ bản là nhận thức đúng về nó để dần loại trừ, không để nó khắc chế, chi phối (ta). Nhiều khi cái xấu lại có ý nghĩa tích cực, thử thách bản lĩnh, thúc đẩy ý chí, nghị lực vươn lên. Lúc này cái xấu lại là chất xúc tác để (ta) có những hành động tỉnh táo, khôn ngoan. Vì là một phần của cái xấu, nên những tai ương, gian nan, vất vả (ta) gặp trong cuộc sống, như là sự đương nhiên vậy. Đời người là quá trình loại bỏ cái xấu, vượt qua cái gian nan, vươn tới lý tưởng. Thế nên, những người không có "kẻ thù" luôn nhạt nhẽo!
Hai, ngoài cảnh giác với cái xấu bên ngoài, còn phải cảnh giác với bên trong chính mình. "Sông có khúc người có lúc". Là người tốt nhưng vẫn có thể trở thành người xấu (do môi trường đưa đẩy, do không làm chủ bản thân…). Không bao giờ toàn vẹn, vì thế con người phải luôn vươn lên, phải luôn đấu tranh loại bỏ phần "âm" tiêu cực, đen tối, để tỏa sáng phần "dương" tích cực, tốt đẹp!
Xin được tiếp thu các ý kiến phản biện!