Trăng xưa, hạc cũ với xuân này

Thứ Sáu, 28/01/2022, 15:12

Chúng tôi về Định Hóa (ATK-Thái Nguyên) với bao cảm xúc khó tả. Những câu thơ của Bác Hồ vịnh cảnh nơi đây ẩn chứa cảm xúc lắng đọng một thuở kháng chiến đầy gian khó. Mỗi một cảnh sắc trong miền sơn cước giờ đây hiển hiện đúng với hình ảnh ngày nào Bác viết: “Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt chè tươi mặc sức say” (Cảnh rừng Việt Bắc). Dãy núi Hồng nghiêng nghiêng trong mây trời như mơ bên dòng thác bảy tầng Khuôn Tát.

Những lán rừng chim kêu vượn hót

Định Hóa là một chiến khu cách mạng (1946-1954) và được mệnh danh là “Thủ đô gió ngàn” (lời thơ Tố Hữu). Nay di tích lịch sử An toàn khu (ATK) được phục dựng từ những di sản gốc rải rác tại 9 xã và thị trấn chợ Chu. Rừng núi Định Hóa rất hiểm trở và là trung tâm giao thông đi bốn phương nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Thái Nguyên (cách thành phố 60 km).

Chủ tịch Hồ Chí Minh có con mắt chiến lược đã chọn nơi này làm chiến khu bí mật. Những cơ quan Nhà nước được bố trí rải rác xung quanh dãy núi Hồng định vị tại các xã cách nhau vài cây số tạo thế cài răng lược. Đầu tiên là lán ở đồi Khau Tý, nơi làm việc của Bác năm 1947. Người hướng dẫn nói với chúng tôi, tại lán Bác đã viết cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”. Đặc biệt trong thời gian này, Bác đã chỉ đạo quân và dân ta đánh tan cuộc tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp (chiến dịch Thu-Đông năm 1947).

9-bên bếp lửa, bà con vẫn ngồi đánh đàn tính, hát then.jpg -0
Bên bếp lửa, bà con ngồi đánh đàn tính, hát then.

Lán đồi Khau Tý còn là nơi tạo cảm hứng thơ ca trong tâm hồn Bác cùng với thiên nhiên ríu rít chim ca và những đêm trăng sáng. Bác đã viết một bài thơ xuân “Cảnh rừng Việt Bắc” với cảm xúc dạt dào: “... Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Sau đó không bao lâu Bác viết bài thơ “Cảnh khuya” với tâm trạng đau đáu trong cuộc kháng chiến dài lâu: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Giọng cô hướng dẫn viên trong trẻo và ngọt như tiếng suối reo khi đọc những câu thơ của Bác.

Con dốc đèo De dẫn chúng tôi tìm đường về lán Khuôn Tát, nơi Bác làm việc dưới chân dãy núi Hồng (từ 11-1947 tới 1-1954). Lán được dựng trên đồi Tỉn Keo bên dòng suối Khuôn Tát. Phía đầu nguồn nước là một sân đất rộng dưới một cây đa lớn. Bác đã cùng các chiến sĩ thường tập thể dục và chơi bóng chuyền tại đây.

Đã trải qua 75 mùa xuân, cây đa vẫn xanh tốt tỏa bóng với những ký ức thân thương. Chúng tôi đi qua những tảng đá xanh trên suối nước trong vắt. Hình ảnh Bác ngồi câu cá bên suối ngày nào như một tiên ông hiện về trước mắt. Ngôi lán trên đồi Tỉn Keo đẹp như một bức tranh dân gian. Vẫn còn đó cây xà đơn, xà kép và tạ gỗ bên mái lán đơn sơ. Cách đồi không xa là thác Khuôn Tát xếp thành 7 tầng nước dội xuống tạo nên nguồn suối chảy về xa. Núi non thơ mộng đã gây cảm xúc cho thi nhân tức cảnh sinh tình.

Trong một đêm trăng, Bác đã viết bài thơ “Nguyên Tiêu” với những câu thơ ấm áp tình người: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (Xuân Thủy dịch). Thơ của Bác luôn thường trực những suy tư về công cuộc giải phóng dân tộc ẩn sâu trong những câu thơ tài hoa. Lán đồi Tỉn Keo còn là nơi Bác cùng Bộ chỉ huy quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân và dân ta đã chiến thắng, đánh tan căn cứ địa Điện Biên Phủ, giành lại chính quyền. Thực dân Pháp phải đầu hàng và rút quân khỏi nước ta.

Những câu Lượn Cọi bên Chợ Chu

Thị trấn Chợ Chu là trung tâm huyện Định Hóa. Chúng tôi đi qua mấy con đèo và dốc núi về khu Chợ Chu (cũ). Mặc cho khu “Trung tâm thương mại Chợ Chu” đã được xây khang trang trên đường lớn tạo nên gương mặt mới cho thị trấn nhưng tại phiên Chợ Chu (cũ) mọi người vẫn về đây hội ngộ. Khung cảnh buôn bán sầm uất.

Chợ Chu cũng là một di sản trong quần thể Di tích ATK. Không gian rộng lớn của chợ quê đã được hình thành từ năm 1915. Đặc biệt hai cây đa trước cửa chợ là một trong những địa chỉ đỏ ghi dấu những cuộc tập trung lớn mở đầu cho những cuộc tấn công đồn địch. Tấm bia bên cây đa khắc ghi thời điểm lịch sử: 28-3-1946, ngày lực lượng cách mạng (Việt Minh) tuyên bố xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và chính quyền tay sai ở Định Hóa. Hàng ngàn quần chúng và quân dân du kích đã tập trung để lắng nghe và củng cố lực lượng mở rộng chiến khu cách mạng.

6-quang cảnh chợ chu.jpg -0
Quang cảnh chợ Chu.

Cứ hai phiên chợ trong một tuần, bà con người Tày, Nùng và Dao về đây như trẩy hội. Nhất là những ngày xuân và lễ hội trong đình của tổ dân phố Núi thì đông vô kể. Phải nói đó là những ngày hội của các chàng trai cô gái. Họ đến chợ với món hàng duy nhất đem theo là những câu hát giao duyên. Người dân tộc Tày chiếm đa số trong huyện nên văn hóa Then được định hình nơi đây cùng với dân tộc Nùng đồng hệ thổ âm và phong tục tập quán. Những làn điệu Then, Lượn Cọi hay Sli luôn vang rền vách núi.

Riêng làn điệu Then được ví là “Điệu hát thần tiên”. Cây đàn tính réo rắt âm thanh được coi là tiếng nói con người liên hệ với cõi trời. Những lời hát luôn cầu mong được ban phát điều lành, may mắn và hạnh phúc cho con người. Cùng với hát Then, các chàng trai cô gái Tày, Nùng còn trao gửi tâm tư qua làn điệu Cọi. Những lời hát đối thiết tha quyến luyến với tình cảm chân thành. Trai hẹn rằng: “Trên đường tới ngọn núi/ Em ơi hãy ngóng chờ anh. Ứ…ơi…”. Còn cô gái đối lại rất ngọt ngào: “Ứ…ơi…Nước trôi nước cạn bến sông/ Anh đi biết có còn nhớ em không?”. Rồi họ cùng hòa chung trong niềm vui: “Hẹn năm sau khi hội xuân đến/ Mùa hoa nở mình sẽ gặp lại nhau”.

Đáng chú ý lời hát trong điệu Cọi luôn thay đổi tùy hứng của người chơi hội. Ít ai ngờ những lời dân ca Tày Nùng lại đầy ẩn dụ sâu xa cùng với những liên tưởng rất phong phú. Đó là những câu hát được bày tỏ rất tự nhiên nhưng hàm chứa những đặc trưng của thi ca hiện đại. Chúng tôi thật bất ngờ với những ví von rất kín đáo khi người con trai tâm sự: “Hoa đẹp, hoa rào kín xung quanh/ Én nhạn bay đứt hơi bên ngoài”. Trong khi đó người con gái đối lại với hình ảnh: “Anh có công ngắm thấy nhành hoa/ Hoa rào kín hoa mới bền lâu”. Họ đã nhắn nhủ nhau dưới cây đa lịch sử với một tình cảm chân thành và ẩn chứa triết lý nhân sinh về hạnh phúc ẩn sâu trong lời ca. Cứ thế mỗi mùa xuân về, những làn điệu Cọi lại được đổi mới bên những cây đàn tính rộn ràng như suối reo thác đổ.

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền

Chúng tôi lên đỉnh đèo De để dâng hương tại “Nhà thờ Bác Hồ”. Đây chính là khu “Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” được xây dựng vào năm 2005. Chúng tôi đi dưới tán cây vạn tuế và dọc hàng râm bụt thân quen. Người hướng dẫn viên cho biết, giống cây râm bụt được lấy từ những cây hoa Bác đã trồng tại đồi Tỉn Keo từ năm 1948. Từ cổng tam quan, chúng tôi vượt qua 79 bậc đá để vào “Đền thờ Bác Hồ”. Đây là con số tượng trưng cho 79 mùa xuân cuộc đời Bác đã dâng hiến cho cách mạng. Hai bên khu vườn bao quanh nhà tưởng niệm có 18 cây cọ và 18 cây chò chỉ của vùng Đất Tổ Hùng Vương. Đền thờ Bác Hồ ở vị trí trung tâm khu di tích lịch sử ATK Định Hóa.

Hai trụ bên điện thờ Bác Hồ ghi những câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu: “Thâu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này”. Một điện thờ trang trọng giản dị đúng như cuộc đời Bác ở chiến khu Việt Bắc: “Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau” (''Vô đề'' - Hồ Chí Minh). Những hình ảnh chân đất áo vắt vai của Bác ngày nào hiện lên trong khung cảnh bát ngát mây bay: “Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo…” (''Việt Bắc'' - Tố Hữu). Núi rừng Định Hóa luôn luôn ngân vang âm hưởng bản hùng ca chín năm trường kỳ kháng chiến trên mảnh đất sáng ngời lịch sử của Đảng ta.

Vương Tâm
.
.