(Đọc “Lần đường theo bóng” của Văn Thành Lê, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2021)

Tính đa thanh trong phê bình

Thứ Năm, 24/03/2022, 19:42

Từ “Như cánh chim trong mắt của chân trời” (2017) đến “Lần đường theo bóng” người đọc có thể thấy ở “Lần đường theo bóng” không còn là “chạm” là “lần đường” nữa mà đã có sự cọ xát, giao hòa, thẩm thấu tế vi giữa Văn Thành Lê với cuộc đời - tác phẩm của người được dựng chân dung. 20 chân dung văn học lần này vừa có sự kế thừa của cuốn trước vừa có sự bổ sung các góc nhìn, hướng tiếp cận trên cơ sở đối chiếu, liên văn bản, tạo cách thức phê bình mềm mại, linh hoạt, kích thích sự tò mò, hứng thú cho người tiếp nhận.

Dựng chân dung người nghệ sĩ, Văn Thành Lê phối hợp, gắn kết giữa kiến thức tổng hợp với khả năng đánh giá, đối thoại và phát hiện, luôn chú ý thông qua những luận bàn về văn chương, đưa ra những quan điểm, suy nghĩ, thậm chí cả những phản biện, lật lại vấn đề. Anh thể hiện chính kiến ngay trong tác phẩm như về đội ngũ sáng tác trẻ, chất lượng giải thưởng, mối quan hệ giữa nhà phê bình với người sáng tác, văn học hải ngoại, văn học thiếu nhi, thực trạng của phim truyền hình, sự đọc...

Trước khi đưa ra vấn đề, bao giờ Văn Thành Lê cũng rào đón kiểu “tôi hình dung”, “trong hình dung non nớt của tôi”, nhưng thật khó cưỡng lại những lập luận sắc bén, chắc chắn của anh. Tiếng nói phản biện đã phần nào thể hiện thái độ nghiêm cẩn, trách nhiệm, bản lĩnh của anh đối với lĩnh vực phê bình. Ở đó, còn thấy sự “khiêu khích” rất duyên của anh hòng đặt niềm tin, hi vọng vào chặng đường phía trước của các cây bút, nhất là các cây bút trẻ. Thông qua những đường dẫn gọn, chặt, tinh của Văn Thành Lê, người đọc hiểu hơn về tác phẩm, phong cách, cá tính cũng như tâm thế sáng tạo của người nghệ sĩ trước dòng chảy của đời sống văn học.

Tính đa thanh trong phê bình -0

Nhà văn Văn Thành Lê.

Đối tượng dựng chân dung của anh có sự bao quát từ các cây đa cây đề đến các tác giả trẻ tỏa khắp vùng miền ở nhiều lĩnh vực: phê bình, thơ, văn xuôi, biên kịch phim truyền hình… Bên cạnh những chân dung đồng điệu về văn và người, cũng có những chân dung được anh dựng trên cơ sở sự tương phản, đối nghịch, nhưng không đơn điệu một kiểu mà có sự nhấn nhá bóng dáng của chất kí, cốt cách đời sống của người nghệ sĩ, pha trộn với phê bình tiểu sử, đánh giá tác phẩm và có cả sự tham dự của ấn tượng, tư duy sáng tạo.

Từ sự tương hỗ các góc nhìn, các kiểu tư duy, người đọc lẩy ra được những sắc nét và sống động riêng của mỗi nghệ sĩ. Đó là Ngô Thảo với văn phong phê bình uyển chuyển lấp lánh chất đời và sức nặng của suy luận; Nguyễn Nhật Ánh hết sức nhuần nhuyễn, tinh tế khi đặt cảm xúc, kí ức hoài niệm của mình vào đời sống đương thời của thiếu niên; Trần Đăng Khoa vụt sáng thành thần đồng và những nỗ lực vượt ra khỏi cái bóng thần đồng; Thuận, cây bút hải ngoại từ chối thỏa mãn đám đông, róng riết với cái tôi bản thể và sẵn sàng quăng quật, xới trở ở vùng “tabu”; Đỗ Tiến Thụy mê mải sống kĩ lưỡng, nghiêm túc với con chữ,… Và những bứt phá, chuyển mình riêng của các gương mặt trẻ như Nguyễn Thị Kim Hòa, Phan Tuấn Anh, Hoàng Công Danh, Khải Đơn, Lê Vũ Trường Giang, Cao Nguyệt Nguyên, Hiền Trang…

Trong “Lần đường theo bóng”, Văn Thành Lê còn chỉ ra dấu ấn của mỗi nhà văn thông qua quy chiếu ngôn ngữ. Chữ làm nên cá tính, phong cách của nhà văn, “chữ bầu lên nhà thơ” (Lê Đạt), nên dựng chân dung, Văn Thành Lê đồng thời khẳng định luôn cái thần “chữ”, sáng tạo “chữ” của mỗi người nghệ sĩ. Anh dùng nhiều cách gọi để chỉ ra cái riêng của mỗi người.

Anh gọi “nhà - ảo - thuật - chữ” Nguyễn Nhật Ánh; “ma trận chữ”, “đường - bay - chữ”, “hồi - hương - chữ” của Thuận; “bữa - tiệc - chữ” của Phong Điệp; “quang - hợp - chữ” của Hoàng Vũ Thuật; “kết tinh chữ” của Vũ Thanh Lịch; “đường - chỉ - văn”, “năng lượng chữ” của Nguyễn Thu Thủy; “chữ cất lời” của Hoàng Công Danh; “tơ chữ” của Cao Nguyệt Nguyên,… Mật độ dùng như thế này khá dày đặc trong “Lần đường theo bóng” đã góp phần xác tín những đánh giá, nhận xét hết sức khách quan, “nói có sách mách có chứng” của Văn Thành Lê khi đứng ở điểm nhìn của nhà phê bình, bám chặt vào cấu trúc văn bản.

Tính đa thanh trong phê bình -0
Bìa cuốn “Lần đường theo bóng” của Văn Thành Lê.

Mọi sự so sánh, đối chiếu của Văn Thành Lê trong tập sách hết sức thuyết phục, điểm ra được những sự gặp gỡ về mặt tư tưởng, bút pháp của những tâm hồn tài hoa, nhân cách lớn. Nhưng để đưa một nhận định vào bài viết, bất kì người dựng nào cũng phải nắm khá kĩ sự nghiệp văn chương của nhân vật mà họ muốn lấy làm so sánh, bởi nếu không khéo họ sẽ rơi vào tình thế “lạy ông tôi ở bụi này”. Do vậy, đọc “Lần đường theo bóng”, người đọc không chỉ được thưởng thức một đối tượng mà còn được khám phá đối tượng khác thông qua cái nhìn liên văn bản của anh.

Nói về Nguyễn Nhật Ánh, anh không quên nhắc đến nụ cười tủm tỉm với trẻ em của "ông Dế mèn" tiền bối - nhà văn Tô Hoài; nói về những câu văn mang tính triết luận có khả năng trở thành danh ngôn của Phan Việt, anh cho người đọc biết chỉ dẫn này đã có trong văn Nguyễn Khải trước đây; từ nặng nhọc đời và chữ của Nguyễn Thị Kim Hòa nghĩ đến Nguyễn Bích Lan; hay từ chân dung Ngô Thảo - “người hiền gom dĩ vãng trong văn chương” chỉ ra cái thế kiềng ba chân của ba chàng ngự lâm (Vương Trí Nhàn và Lại Nguyên Ân) trong làng nghiên cứu, phê bình; từ đường - bay - chữ của Thuận liên tưởng đến những nhà văn gốc Trung Quốc như Đới Tử Kiệt, Anchee Min, nhà văn Mỹ gốc Hàn Min Jin Lee…; có khi nhìn nhận trên sự tương phản về nhân vật du kí như Nguyễn Thu Thủy thì dắt nhân vật chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong nước, còn Dương Thụy thì dắt nhân vật ra nước ngoài,… Những phát hiện này đã mở rộng chiều sâu và nâng tầm tư duy thẩm mỹ, tư duy logic cho tập sách của anh.

Cá tính phê bình chân dung của Văn Thành Lê không chỉ thể hiện qua vốn kiến thức, mà còn thể hiện qua khiếu hài hước, dí dỏm và sự khéo léo tạc chân dung cái tôi của anh. Nếu sự hóm hỉnh của “Như cánh chim trong mắt của chân trời” xuất phát từ sự gần gũi, thân mật với các thành ngữ, tục ngữ, khẩu ngữ thì “Lần đường theo bóng” lại chọn lựa kiểu vay mượn các câu nói trend, lời của bài hát, để ví von vấn đề được nói đến và làm mềm sự giễu. Các dạng này được đặt đúng/ trúng chỗ như là điểm giải tỏa những “khô khan của lý trí”, trong cái giỡn có cái thật, trong sự suồng sã có sự tinh tế, đồng thời thể hiện giọng điệu phê bình riêng biệt của anh.

Không phải lúc nào anh cũng vay mượn mà anh còn đa dạng hành văn bằng cái chất tưng tửng vốn có. Cái chất này ảnh hưởng ít nhiều đến cách xây dựng nhân vật và đặt tít bài của anh: Có một Nguyễn Nhật Ánh với 54 cú lắc có một không hai, một Phạm Thị Ngọc Liên chọn việc lặn vào chữ chứ không trồi lên màn ảnh hay sân khấu, một Phan Việt mổ xẻ mình bằng lưỡi dao thiện xạ, một Phong Điệp viết văn giống với việc làm chủ bữa tiệc...

Gom những lát cắt tãi ra trong “Lần đường theo bóng”, người đọc còn thấy khá rõ thông tin về Văn Thành Lê. Khái quát người khác đồng thời khái quát luôn chính mình khiến cho phát ngôn của anh luôn có sự tin cậy, khả tín.

Trong vai trò là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, anh thâm nhập vào đời sống văn học, rút ngắn khoảng cách giữa người dựng và người được dựng, người đọc cảm giác như mình đang chia sẻ, đối thoại và trải nghiệm cùng người nghệ sĩ. Mặt khác, bản thân anh cũng là đối tượng để người đọc “lần đường theo bóng”.

Anh bộc lộ mình là người thích đi, thích khám phá, thích học hỏi, tâm huyết với nghề viết, và rất thẳng thắn khi so sánh mình với người khác, cụ thể là với những bạn văn cùng trang lứa. Cách nói học mót, ghen tị,… không hạ vị thế của anh, ngược lại, cho thấy ý thức cầu tiến, đọc là để tự học, xét mình rồi xét người, đồng thời nâng người khác lên, làm nổi bật người khác cũng là sự chia sẻ, lòng trân quý đối với bạn viết.

Như vậy, từ chân dung của anh, có thể thấy được tính đa thanh trong văn phong phê bình: giọng điệu của người phê bình, giọng điệu của nhà thơ/văn và giọng điệu người tiếp nhận. Hay nói cách khác, là người “cùng hội cùng thuyền”, phê bình của anh luôn có sự đi về, gắn bó giữa tư duy của lí trí và trực cảm, trực giác, giữa chất văn và chất đời.

Công việc viết văn luôn đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng về cơ bản cần có sự hài hòa giữa yếu tố thiên bẩm và lòng đam mê, nhiệt huyết, tận tụy vì nghệ thuật của người nghệ sĩ. Văn Thành Lê hội tụ đủ. Anh luôn bộc lộ cá tính, nét riêng của mình trong văn lẫn trong phê bình. Cái nhìn tinh, sắc, am hiểu rộng cùng với sự co giãn về ngôn ngữ, giọng điệu đã giúp anh thiết kế được cái hồn, cái thần của đối tượng được dựng. “Lần đường theo bóng” của Văn Thành Lê cũng đã giúp tôi lần đường theo cái bóng còn nhiều hạn chế của chính mình, từ đó nhận thức, trăn trở hơn nữa về giá trị đọc và giá trị viết. Với tôi, đây chính là điểm bội phần tâm thế mà “Lần đường theo bóng” của anh mang đến.

Hoàng Thụy Anh
.
.