Tìm về chốn xưa, chùa cũ

Thứ Hai, 16/01/2023, 19:21

Nằm trong “Tứ đại danh thắng của xứ Đoài” gồm chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, chùa Thầy, quần thể khu di tích chùa Trầm vẫn giữ dáng vẽ xưa cũ hoài cổ đến nao lòng. Bỏ qua những hối hả, ồn ào của cuộc sống thường nhật, thong dong vào ngày nghỉ cuối tuần để về với vùng quê yên ả, thanh bình cách Hà Nội 24km tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (cũ).

Khi những nụ hoa đào đang hé sắc hồng tươi trên từng con phố, cúc vàng đại đoá nở rộ trên những thửa đất trải dài phía dưới sườn đê, hồ nước dập dềnh trong xanh của một mùa đông là mùi thơm ấm cúng của nhang khói đền chùa, lòng người lại muốn thư thái và tĩnh tại. Từ xa tiếng chuông chùa đã ngân vang mời gọi khách thập phương đến nơi cửa Phật.

Nhiều năm nay, do nhu cầu tín ngưỡng nên nhiều huyện xã khắp trên cả nước đã sửa sang và tôn tạo những di tích đền chùa, một số nơi cửa Phật đã được khoác lên màu áo mới do tiền công đức của du khách thập phương và một số những doanh nghiệp lớn. Với nhiều người, tìm về chốn xưa, chùa cũ để hoài niệm, vẫn là sự mong mỏi đợi chờ của người xa xứ.

Hình ảnh về ngôi chùa nhỏ bé, rêu phong cũ kĩ dưới những tán cây xanh tốt um tùm, những hoành phi câu đối có hàng trăm năm đã mờ những vết mực qua thời gian, những bức tượng có từ hàng thế kỉ trước chứng kiến biết bao nhiêu ước nguyện và khát vọng của con người đã thành điểm đến của nhiều du khách.

vẻ-đẹp-lạ-lùng-trong-chùa-hang.jpg -0
Vẻ đẹp lạ lùng trong chùa Hang.

Vì nằm cách không quá xa trung tâm Hà Nội, nên chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, chùa Thầy là những ngôi chùa cổ được hàng lớp thế hệ tìm đến. Văn hóa xứ Đoài đa dạng, mỗi ngôi chùa lại mang trong mình một huyền tích và dáng vẻ khác nhau nhưng có đặc điểm chung là thân thương, gần gũi. Người xưa đã chọn thế đất để xây chùa nên chùa Trầm nằm ở vị thế phong cảnh hữu tình, tựa núi hướng thuỷ. Ngôi chùa được bao bọc bởi những núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ. Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ XVI, đến nay vẫn bảo tồn và giữ được gần như nguyên vẹn.

Ông Đặng Đình Điền - Trưởng Ban quản lý cụm di tích chùa Trầm và chùa Hang vẫn hàng ngày có mặt ở đây, như một hướng dẫn viên lành nghề để kể cho du khách những câu chuyện về cụm chùa vô cùng đặc biệt này. Từ cửa chính của cụm quần thể di tích đi vào bên tay trái là chùa Trầm với dáng vẻ cổ kính rêu phong, đi thẳng là chùa Hang nằm sâu dưới hang núi đá, gọi là động Long Tiên, bên trái là đền Mẫu mang đậm sắc thái văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

Mang đậm phong cách kiến trúc chùa cổ Việt của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, chùa hài hòa giản dị nương nép vào thiên nhiên, gần gũi với con người. Chùa nằm trên thế đất không quá cao, đi 17 bậc là đến chính điện, ban Tam Bảo. Có 4 tháp cổ cheo leo trên vách núi đá và không có bậc lên, tương truyền những tháp này để tro cốt của những người có công xây dựng chùa.

Cũng giống như những ngôi chùa khác, chùa Trầm có tượng Thích Ca Mâu Ni, tượng Phật Bà Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt, các vị Bồ Tát và thập điện Diêm vương, Đức Ông. Nói đến hình tượng Đức Ông trong chùa và tượng Phật Bà Quan Thế Âm đã trở nên thân thuộc và gần gũi với bao thế hệ người Việt. Khi con người rơi vào hố sâu của tuyệt vọng, bế tắc, Phật Bà Quan Thế Âm như người mẹ nhân từ nhất đã dang tay cứu vớt chúng sinh. Đã biết bao nhiêu người phụ nữ mong có con đến trước tượng Phật Quan Thế Âm để cầu con.

Và, biết bao nhiêu đứa trẻ khó nuôi, cha mẹ ông bà của chúng đã mang chúng bán khoán cho Đức Ông để đứa trẻ dễ nuôi và được sự bao bọc trong mỗi bước đi sau này của chúng. Trải qua năm tháng thăng trầm, khi đến tuổi về già, răng lợi móm mém, mái tóc điểm bạc, những người đàn bà “nhà quê” ấy lại khoác tấm áo nâu, áo lam ngồi gõ mõ tụng kinh dưới mái chùa trước ban Tam Bảo, ở phía trên là tượng Thích Ca Mâu Ni Phật như một sự giác ngộ và thức tỉnh con người.

Cứ như thế, từng lớp thế hệ đã lớn lên dưới mái chùa quê và cho dù đi đâu cũng không thể quên được hình ảnh nếp chùa cũ một thời xa vắng của tuổi ấu thơ, tiếng chuông chùa ngân vang trong mỗi buồi chiều tàn. Từ xa ngắm nhìn chùa Trầm như con thuyền cổ neo đậu trên bến, chợt thấy lòng lắng lại xốn xang.

Nằm trong quần thể danh thắng di tích chùa Trầm còn có chùa Hang (chùa Long Tiên) nằm trong động Long Tiên như một sự ưu ái đặc biệt của thiên nhiên ban tặng. Khác với những ngôi chùa nằm ở bên ngoài không gian thì chùa Hang lại thu mình hoàn toàn ở trong hang có vô vàn nhũ đá hóa thạch và những giọt nước trong mát lạnh nhỏ xuống từ những phiến đá như bầu sữa mẹ căng tràn dồi dào không ngừng chảy từ hàng ngàn năm nay. Hiện nay, hằng ngày quần thể khu di tích này đón nhiều đoàn du khách đến thăm quan, chiêm bái, nhiều người chỉ mong mỏi vào được chùa Hang để uống được giọt nước mát lạnh nhỏ xuống từ nhũ đá như một sự gia trì ban phát của thế giới tâm linh huyền bí.

chùa-trầm-huyện-chương-mỹ.jpg -0
Chùa Trầm huyện Chương Mỹ

Tương truyền chùa Hang được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ 7 (1669). Ngôi chùa mang tên ngọn núi “Tử Trầm Sơn”. Toàn bộ khu Núi Trầm này thời xưa được vua Lê chúa Trịnh đã vi hành đến đây để thưởng ngoạn cảnh đẹp. Ngày nay, chùa Hang vẫn còn những câu thơ được khắc trên vách núi đá, khánh đá, chuông đồng bằng chữ Hán và chữ Nôm ca ngợi cảnh đẹp của ngọn núi Tử Trầm. Vào sâu trong hang là những bức tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Thần Nông… bằng đá trắng đã có hàng trăm năm tuổi, được chạm khắc vô cùng sinh động.

Đất nước ta trải qua những cuộc binh biến và hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng tượng đá cổ trong chùa Hang vẫn không hề suy xuyển, được giữ nguyên vẹn đến tận bây giờ. Vào sâu bên trong còn có hai lối đi mà theo cách gọi dân gian: đường lên trời và đường đi xuống địa phủ. Không chỉ xứng đáng là một trong những đệ nhất động của xứ Đoài, mà “Long Tiên động” còn được biết đến vì một sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chỉ một ngày sau là ngày 20/12/1946, tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, nằm chính giữa trước cửa sân rộng của quần thể di tích kiến trúc lịch sử chùa Trầm, chùa Hang, đền Mẫu, được xây dựng một biểu tượng văn hóa, lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đặc biệt hơn, chùa Hang còn có một vách đá nếu đập tay vào đấy sẽ phát ra tiếng như tiếng trống, nên nhiều du khách đã muốn gõ lên vách đá ấy, tiếng trống lại ngân lên như một lời thỉnh cầu, khát vọng của con người đến với mười phương cõi giới. Cảnh sắc trong chùa Hang nhuốm màu thần bí mê hoặc lòng người bồi hồi đến khó tả. Cửa động chùa Hang có chiều cao 7m, chiều ngang 3m, lại nằm ẩn mình trong núi Tử Trầm nên hình dáng từ bên ngoài nhìn vào giống một chú rùa đang bò. Lạ lùng thay, trước cửa chùa Hang có một phiến đá mà người xưa đã đẽo con rùa đặt ngay trước cửa. Rùa mẹ ôm ấp rùa con như câu chuyện về sự trường tồn, chắc chắn của mảnh đất này.

Dù trải qua bao họa xâm lăng, bao mùa mưa lũ, những con người cần lao ở chốn tổ quê hương vẫn trụ vững với mảnh đất này, vẫn được đất mẹ yêu thương và chở che trong suốt năm tháng cuộc đời. Một mùa xuân mới đang đến gần trên từng góc nhà, con phố, tiếng chuông chùa ấm cúng ngân vang gọi mời và người ta lại lắng lòng muốn du hành để tìm về chốn xưa, chùa cũ - quần thể khu di tích chùa Trầm, chùa Hang xứ Đoài.

Mỹ Trân
.
.