Tiểu thuyết "Suối Cọp" ra mắt ở Hội chợ sách quốc tế Goteborg

Thứ Năm, 10/10/2024, 11:50

Tiểu thuyết “Suối Cọp” của Trung tướng  - nhà văn Hữu Ước do NXB Hội Nhà văn xuất bản lần đầu năm 2022, tái bản năm 2023, với ba ấn bản tiếng Việt, Anh và Thụy Điển đã hiện diện tại Hội chợ sách quốc tế Goteborg diễn ra ở thành phố Goteborg, Thụy Điển từ 26 đến 29/9/2024. Năm nay, nhà văn Hữu Ước là tác giả Việt Nam duy nhất có một gian trưng bày và bán tác phẩm của mình tại hội chợ sách quốc tế Goteborg.

Tiểu thuyết “Suối Cọp” hiện diện ở Hội chợ sách quốc tế Goteborg

Theo giới xuất bản trên thế giới, Hội chợ sách quốc tế Goteborg, Thụy Điển định kỳ tổ chức vào dịp cuối tháng 9 hàng năm là hội chợ sách có quy mô lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau hội chợ sách Frankfurt  (Đức) thường tổ chức vào tháng 10. Năm nay, Hội chợ sách quốc tế Goteborg kỷ niệm năm thứ 40 kể từ lần tổ chức đầu tiên năm 1985, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hàng vạn người tham dự.

nhà văn hữu ước ký tặng sách cho bạn đọc thụy điển.jpg -0
Nhà văn Hữu Ước ký tặng sách cho bạn đọc Thụy Điển.

Tổng cộng có khoảng 300 cuộc đối thoại, phỏng vấn, tranh luận được tổ chức trong mấy ngày hội chợ, thu hút 862 tác giả, nhà nghiên cứu, những người có ảnh hưởng trong giới học thuật gồm cả 113 học giả đến từ 29 quốc gia. Các chủ đề thảo luận khá đa dạng, từ chiến tranh, khủng hoảng cho đến lịch sử, truyền thông, nghiên cứu tư tưởng…

Năm nay, nhà văn nữ người Mỹ nổi tiếng thế giới Joyce Carol Oates được mời tham dự Hội chợ sách quốc tế Goteborg và nhận Giải thưởng văn chương 2024 Sjojungfrun - Mỹ nhân ngư  - của Ban tổ chức Hội chợ.

Việc bán được sách tại một hội chợ sách với số lượng các gian hàng vô cùng nhiều ở một hội chợ sách như Goteborg không hề dễ dàng. Vì trên trời dưới sách, người đi đông như nước lũ, không dễ để người ta dừng lại tại một quầy sách nào đó bỏ tiền ra mua một cuốn sách, đặc biệt là khi mà hiện diện tại hội chợ sách này có vô số các tác phẩm của những nhà văn từ lớn đến cực lớn trong nền văn chương thế giới.

Gian hàng giới thiệu tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước chỉ chiếm một vị trí khiêm nhường trong Hội chợ nhưng đã được nhiều bạn đọc Thụy Điển và quốc tế ghé thăm, mua sách và xin chữ ký của tác giả. Trong số những độc giả đến mua sách và xin chữ ký của nhà văn Hữu Ước tại gian hàng hội chợ có cả ông cựu Thị trưởng thành phố Goteborg, Lars Backstrom và vợ.

“Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh!”

Trả lời phỏng vấn của một kênh truyền hình tại Hội chợ, nhà văn Hữu Ước cho biết ông viết “Suối Cọp” với tâm thế phản ánh sự khốc liệt cùng cực của chiến tranh, để cho bạn đọc ngày nay hình dung ra phần nào những sự hy sinh to lớn của những người tham gia cuộc chiến năm xưa. Vào thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, Thụy Điển là một trong số những quốc gia đi đầu ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

nhà văn hữu ước và dịch giả tác phẩm suối cọp sang tiếng thụy điển anna ohlsson.jpg -1
Nhà văn Hữu Ước và dịch giả tác phẩm “Suối Cọp” sang tiếng Thụy Điển Anna Ohlsson.

Nhưng thế hệ bạn đọc Thụy Điển ngày nay không thể hình dung nổi cuộc chiến tranh Việt Nam đã diễn ra như thế nào, các cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu trong điều kiện gian khổ ra sao. “Có những điều trong chiến tranh mà nếu tôi không viết ra sẽ không có ai viết. Cho dù đứng ở vị trí nào trong cuộc chiến ấy thì tất cả những người tham gia đều phải chịu những sự tổn thương ghê gớm mà chúng ta ngày nay không sao có thể hình dung ra được” - nhà văn Hữu Ước nói.

“Nhưng tôi xin lưu ý với các bạn rằng một nhà ngoại giao của chúng tôi từng nói Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh. Dẫu phải trải qua cuộc chiến tranh cực kỳ khốc liệt với vô vàn đau thương mất mát nhưng ngày nay chúng tôi vẫn là một đất nước với đầy đủ những thuộc tính của nó, người dân Việt Nam chúng tôi vẫn không mất đi đức tính nhân hậu và tinh thần lạc quan, vui sống” - ông nói thêm.

Với sự trợ giúp của dịch giả Phan Thanh Hảo chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiểu thuyết “Suối Cọp” đã đến với bạn đọc quốc tế và từ phiên bản tiếng Anh tiếp tục được dịch sang tiếng Thụy Điển nhằm phục vụ bạn đọc Thụy Điển.

“Kinh khủng quá!”

Người dịch “Suối Cọp” sang tiếng Thụy Điển là nữ nhà văn, dịch giả Anna Ohlsson. Chị cho biết thông qua một người bạn nhà báo giới thiệu chị đã biết đến bản “Suối Cọp” tiếng Anh và khi đọc nó, cảm nghĩ đầu tiên của chị là “kinh khủng quá!”.

Anna Ohlsson còn quá trẻ nên không biết đến cuộc chiến tranh Việt Nam khi nó diễn ra nhưng sau khi đọc cuốn “Suối Cọp” qua bản dịch tiếng Anh của Phan Thanh Hảo, chị quyết định phải dịch sang tiếng Thụy Điển để cho những người đồng bào của mình có thể hiểu phần nào về cuộc chiến đã lùi xa ở một đất nước cách xa Thụy Điển hàng vạn dặm.

“Đây là lần đầu tiên tôi dịch một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Việt Nam. Trước và sau khi dịch cuốn sách, tôi đã là hai người khác nhau. Càng thấy sự khốc liệt của chiến tranh qua từng trang sách, tôi càng mong và hy vọng rằng sẽ không còn một cuộc chiến tranh nào xảy ra trên đất nước tươi đẹp của các bạn nữa” - Anna Ohlsson nói.

Đây không phải là lần đầu tiên tiểu thuyết “Suối Cọp” đi ra thị trường sách quốc tế và nhận được sự chào đón của người đọc ở ngoài biên giới Việt Nam. Trước đấy, cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang tiếng Hungari và sang tiếng Anh, thứ ngôn ngữ mang tính toàn cầu.

Ông Bob Babcock, người sáng lập Nhà xuất bản - Chủ tịch Công ty xuất bản Deeds - USA, nguyên là Sĩ quan Bộ binh Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam trong hai năm 1966 -1967 đã viết lời tựa cho bản tiếng Anh tiểu thuyết “Suối Cọp” xuất bản ở Mỹ:

“Suối Cọp” - một cách nhìn mới mẻ và đáng được đón đọc về chiến tranh. Khi được giao trọng trách viết lời tựa cho cuốn sách xuất bản ở Mỹ, tôi đã đứng trước cơ hội có một không hai đọc cuốn sách, tìm hiểu cuộc đời của một người lính Bắc Việt Nam và đồng đội của anh ta. Càng đọc tôi càng bị cuốn vào câu chuyện của người lính Hữu Ước. Cuộc sống của những người lính Việt Cộng được viết trong sách rất giống chúng tôi về một mặt nào đó, và khác nhau vô cùng theo những cách khác. Họ đã chiến đấu trong suốt cả cuộc chiến tranh… Tôi đã khích lệ các cựu chiến binh Mỹ, gia đình và bạn bè của họ cũng như tất cả những người đọc cuốn sách này hãy giữ cho tâm trí cởi mở… Hy vọng cuốn tiểu thuyết “Suối Cọp” sẽ giúp các cựu chiến binh Mỹ hiểu rõ hơn về những người lính đến từ miền Bắc Việt Nam, những người mà chúng ta đã từng đối mặt trong các trận đánh trong chiến tranh Việt Nam, ở vào thời mà chúng ta đều hãy còn là những người lính trẻ”.

Trong bức thư gửi cho dịch giả Phan Thanh Hảo của bản dịch tiếng Anh “Suối Cọp”, dịch giả bản tiếng Thụy Điển Anna Ohlsson nói rõ hơn về những biến động trong suy nghĩ cũng như tình cảm của cô khi lần đầu dịch một tác phẩm viết về chiến tranh của một nhà văn Việt Nam:

Chồng tôi và tôi dự kiến sang năm sẽ thăm Việt Nam. Tôi không chắc là liệu đó có phải là thời điểm tốt hay không nhưng quả thật là tôi muốn nói thêm về cuốn sách (“Suối Cọp”), về khả năng hồi phục cực kỳ ấn tượng cũng như sức mạnh vô song mà người dân Việt Nam đã thể hiện trong cuộc chiến tranh khủng khiếp. Cha tôi, người không may qua đời hồi năm ngoái, từng là phóng viên ảnh làm việc cho một hãng tin Thụy Điển trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam hồi những năm 1970; tôi đã nghe ông ấy kể về những sự tàn bạo trong cuộc chiến tranh đó. Xin bà hãy chuyển tới ông Hữu Ước ấn tượng mạnh mẽ của tôi về việc cuốn sách của ông ấy đã quyến rũ tôi thế nào, và rằng ông ấy đã vẽ chân dung những người lính can đảm và cuộc chiến tranh cùng những trận đánh mà ông ấy thể hiện một cách nên thơ ra sao…

Yên Ba
.
.