Tiếp biến văn hóa của Tết Việt trong thơ đầu thế kỷ XXI

Chủ Nhật, 04/02/2024, 10:22

Khi mà âm hưởng của một năm mới dần tới, để tạm biệt năm cũ, tôi nhâm nhi một ly cafe và ngắm đào, mận nở sớm. Xuân vẫn còn thủng thẳng đâu đấy thôi, đào mận đã khoe sắc rồi. Lật từng trang thơ viết về sắc xuân đầu thế kỷ XX, tôi bắt gặp Vũ Đình Liên từng chạnh lòng:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
(Ông Đồ)

Tiếp biến văn hóa của Tết Việt trong thơ đầu thế kỷ XXI -0
Hình ảnh ông đồ cho chữ trong Tết xưa.

Là vì trong không gian của đất Việt đầu thế kỷ XX, văn hóa phương Tây bắt đầu len lỏi vào xứ ta. Khi Trần Tế Xương thốt lên: "Vứt bút lông đi, giắt bút chì" là khi Nho học ở trong nước bị mai một, không còn được trọng như trước. Những ông đồ không còn thắm lòng trong dịp Tết, bởi nhận thấy sự lạnh nhạt, hờ hững của lòng người với nếp cũ.

Trải qua một thế kỷ, Tết nay là hương Tết của thời kỳ hội nhập. Sự giao lưu, tiếp biến văn hóa càng bộc lộ rõ nét, có một Việt Nam hiện đại trong lòng truyền thống, một bản sắc Việt Nam truyền thống chấp nhận tiếp biến trong dòng chảy hội nhập kinh tế, văn hóa. Vì vậy,  Tết Việt trong thi ca Việt Nam hiện nay vẫn thể hiện nét bản sắc văn hóa Việt Nam nhưng có nhiều nét đổi mới.

Bắt đầu từ tháng Chạp, Tết lấp ló trong tâm trạng vừa rộn ràng, vừa lắng lại, đong đầy tâm tưởng. Trong cảm nhận của nhà thơ Hồng Thanh Quang, một người tinh tế, nhạy cảm và sắc sảo, có độ chín của trải nghiệm thì tháng Chạp vừa như ngưng đọng, đúc kết ủ lại để sẽ mở ra điều mới mẻ.

Tháng Chạp như đường biên,
Có thể qua thực dễ,
Có thể rất gian nan,
Như tận cùng cõi thế
... (Vận hạn hay may mắn)

Tháng Chạp báo hiệu Tết đến gần, mong manh, gắn với tâm trạng vừa hồi hộp, thấp thỏm vừa nặng ưu tư, lo toan của những thân phận người. Tháng chạp để vào Tết, có người đón đợi, có người lo lắng. Tết là sự chờ đợi của các cháu nhỏ, nhưng đối với đa phần người lớn, Tết nhiều khi đúng hẹn đến lạnh lùng.  Là vì, còn nhiều người đang lo cuống cuồng, rối rít, biết bao câu chuyện ở đời, những bữa ăn ngày cuối năm, những công việc ngày cuối năm. Bởi là lúc tổng kết một năm về những điều làm được và điều chưa làm được. Với những tâm hồn đa cảm thì nhiều thi sĩ nhìn thấy trong tháng Chạp là ánh mắt âu lo, mệt mỏi của người lớn, loay hoay xoay xở để có bánh chưng, áo Tết cho con.

Chầm chậm trong quang cảnh phiên chợ ngày cuối năm ta thấy Tết là thời điểm trao đổi hàng hóa thêm nhộn nhịp. Chợ quê ngày cuối năm có không khí hân hoan, sôi nổi của người quê và thắm tình quê mà Phạm Tân Dân khắc họa:

Rổ cà với mớ rau cua
Miếng trầu môi đỏ mến ưa nụ cười.

Giữa đồng bằng hay miền biển, miền núi thì thường vẫn toát lên cảnh đông vui, chen chúc nhau ở chợ. Mới thấy rằng, cái câu "vui như Tết" thường thì vẫn đúng. Tết mang đến chút rộn ràng trong tim.

Cùng với tháng Chạp là Giao thừa sẽ đem đến cái Tết - thời khắc thiêng liêng chuyển hóa những cũ - mới, kỷ niệm - mong ước, và đặc biệt là thời khắc để ta khai bút, bắt đầu một năm nhiều khát vọng may mắn. Trong không khí rộn ràng của giây phút giao thừa, lòng người trầm lắng một chút để thổi bùng lên khao khát yêu:

... Khi đã lịm trời pháo hoa rạng rỡ,
Ta nhìn nhau muốn nói lại yên lời...
Tay đang mát mầm xuân vừa hé nụ,
Trái tim yêu lại nóng ấm tê người.

("Khai bút Giáp Ngọ"- Hồng Thanh Quang)

Tiếp biến văn hóa của Tết Việt trong thơ đầu thế kỷ XXI -1
Khung cảnh Tết hôm nay.

Cùng với Tết, cứ độ xuân về, đặc biệt là cái rét của miền Bắc càng ngọt thì nỗi mong nhớ sum họp cận kề nhau càng da diết. Nếu như có một ngày được chạm vào rêu phong thì mong nhớ chất đầy bên cánh cửa, bên nồi khoai, bên bếp củi mẹ đang cời than hồng, bọn trẻ đùa vui bên sân. Tết mang lại điều thiêng liêng không gì hơn thế. Những phong tục thăm cha, thăm mẹ thăm thầy vẫn được gìn giữ. Tết nay vẫn đậm đà hơn những lời chúc mừng với nghi lễ thờ cúng tổ tiên, (tiễn ông Táo, đón ông vải, giao thừa, đưa ông vải đi, đón ông Táo về). Người với người xí xóa cho nhau những câu chuyện sau một năm đi qua, mong một năm mới với niềm vui mới.

Tết nay, trong chút thi vị của đời sống này, sự tiếp biến đang dần nảy nở. Những gì dễ thương ở đời này đang bắt đầu với những suy nghĩ riêng cởi trói cho con người, đặc biệt là phụ nữ bớt mệt mỏi trong những nghi lễ, được nghỉ ngơi vui chơi. Những áo quần mới, những buổi cafe trà nước cùng bạn bè, người thân. Những lời chúc mới đầy táo bạo, mới mẻ gắn với những khát vọng của con người, mong cho nhau một năm mới may mắn. Xuân vẫn mãi xanh với những cuộc gặp gỡ chào hỏi cả trực tiếp và trực tuyến. Những hạnh ngộ thêm vui. Ta thấy trong thơ của các nhà thơ hiện đại, Tết thường là niềm vui, tình yêu chan chứa. Tết mang đến lời hò hẹn, bao nhiêu đường mật. Dẫu qua nhiều thế hệ, bóng dáng nàng xuân trong Tết vẫn là biểu tượng của sự sống mới mẻ, tinh khôi, đầy ắp niềm yêu:

Ô kìa! Xuân hiểu thấu
Tô thắm cặp môi hồng
Châm lửa trái tim nồng
Xuân- em như trẩy hội.

(Nguyễn Đình Cường)

Nếu như có một ngày, bông mận trắng, bông đào hồng đầu tiên bật lên sẽ làm lòng ta reo lên cái phút đầu tiên thức tỉnh trong lòng vật. Rồi theo thời gian, hoa trắng muốt tràn cành, hoa trong nhà, hoa trong vườn, hoa trên đồi. Nắng cứ chan chứa nắng, lòng bồi hồi, xốn xang cùng với đất trời. Tết khoác chiếc áo của mùa xuân, mùa xuân khoác chiếc áo hy vọng, yêu thương, hoan hỉ. Trong tiếng mùa xuân của Phan Thu Hà có đầy đủ cung bậc:

Ta nghe làn hương say
Trên má xinh vừa ửng
Ấm áp tia nắng hửng
Thắp mặt trời trong tim

Ta nghe trong lặng im
Điều gì như nỗi nhớ
Đóa tầm xuân vừa nở
Khẽ hát lời tình yêu.

Thiếu nữ đã bớt chút e lệ so với "cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ" trong thơ Đoàn Văn Cừ ở thế kỷ trước, đồng thời ở nàng bùng lên niềm tin, tình yêu.  Bởi thiếu nữ ngày nay đã dành nhiều thời gian cho lòng mình và bộc lộ bản thân hơn, chủ động hơn.

Năm nay, dẫu một năm thật chật vật với nhiều người, song Tết vẫn đến dịu dàng như trước, mơn trên cuộc đời ta những đầy ắp hy vọng, yêu thương và sự mới mẻ. Tôi cũng đang ở "đường biên"  tháng Chạp lo toan, sắp xếp, cân nhắc mọi điều để đong đầy hy vọng vào một năm mới. Yêu mến ạ! Thế là mình lại mừng nhau thêm một tuổi. Mong cha mẹ, mong anh, mong chị, mong người người, nhà nhà đón Tết với những ân tình, rộn rã hơn những tiếng cười yên vui.

Mai Thị Hạnh Lê
.
.