Tiếng vọng lịch sử diệu kỳ từ hang Ngườm Bốc

Thứ Sáu, 19/05/2023, 15:52

Một thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng. Một di chỉ khảo cổ học người tiền sử. Một địa điểm lưu giữ bài minh văn độc đáo. Một di tích quốc gia gắn liền với lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng bộ thống soái lãnh đạo tối cao thời khai quốc và chín năm chống Pháp. Đó là hang Ngườm Bốc nằm ở dãy núi đá Lam Sơn của tỉnh biên giới Cao Bằng mà khi đến đây chúng ta như được nghe âm vọng tiếng nói bí ẩn lịch sử diệu kỳ.

Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có núi rừng chiếm hơn 90% diện tích, chủ yếu núi đá vôi xen một ít núi đất, nên có nhiều hang động kỳ thú như những báu vật được thiên nhiên ban tặng. Nổi tiếng nhất là hang Pác Bó và động Ngườm Ngao. Kế đến là các hang Kỳ Rằng, Dơi, Ngườm Slưa, Ngườm Pục,… và tất nhiên không thể quên Ngườm Bốc dù hang này còn ít người biết đến nhưng là một thắng cảnh và di tích chứa đựng nhiều bí ẩn kỳ diệu của lịch sử từ thời nguyên thủy đến hiện đại.

Từ truyền thuyết vợ chồng thủy tổ khổng lồ đến di chỉ người tiền sử

Chúng tôi nghe đến tên Ngườm Bốc lần đầu là nhờ Đại tá Nguyễn Quang Hoài. Ông còn là nhà thơ, nhà báo, thông dịch viên tiếng hoa cho cán bộ cao cấp quân đội. Say mê lịch sử, am hiểu Cao Bằng, ông từng nhiều lần đến với vùng biên giới này. Sau mấy lần lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng đã cùng ông từ Hà Nội theo đường 14 vượt qua Thái Nguyên, Bắc Cạn lên Cao Bằng thăm thú nhiều nơi trong đó có hang Ngườm Bốc.

hang nguom boc 1.jpg -0
Hang Ngườm Bốc.

Theo tiếng Tày Nùng, Ngườm Bốc nghĩa là Hang Khô, Hang Cạn. Hang này thuộc về Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nằm ở địa phận xóm Bản Nưa, thôn Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hòa An. Từ năm 2004, Ngườm Bốc được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Tô Xuân, hướng dẫn viên xinh đẹp người Tày của Bảo tàng tỉnh Cao Bằng được “biệt phái” đi cùng chúng tôi, cho biết, hang Ngườm Bốc gắn liền với truyền thuyết Pú Luông - Slao Cải của dân tộc mình. Vợ chồng Pú Luông - Slao Cải được tôn vinh là thủy tổ gây dựng nên vùng nông nghiệp trù phú Hòa An.

Chuyện rằng xưa kia dọc theo dòng sông lớn là những vùng sình lầy hoang vu cây cối um tùm âm u với đàn đàn chim muông sinh sống. Bỗng đâu có hai người khổng lồ xuất hiện, men theo dòng nước chăm chỉ tìm kiếm thức ăn. Người con gái men theo sông bên phải. Người con trai men theo sông bên trái. Hai người gặp nhau nơi ngã ba sông. Đây là vùng đất bằng phẳng rộng lớn không có nơi cư trú để tránh thú dữ và nắng mưa nên họ đưa nhau qua bên phải có dãy núi Lam Sơn tìm thấy hang Ngườm Bốc. Họ sống bằng săn bắn hái lượm. Họ tình cờ phát hiện ra lửa dùng để nấu nướng, trồng lúa lấy gạo ăn. Họ dần dần sinh con đẻ cái thật đông nên chuyển ra khỏi hang tìm đồi đất lớn cất nhà để ở. Và tại hang Ngườm Slưa gần đó, chàng Pú Luông đánh nhau với hổ dữ để bảo vệ cuộc sống cho gia đình.

Hang Ngườm Bốc, nơi cư trú đầu tiên của đôi vợ chồng Pú Luông - Slao Cải không chỉ tồn tại trong truyền thuyết, mà ngày nay còn được chứng minh qua khảo cổ học đây là di chỉ thực tế con người cổ đại từng cư trú. Vào năm 2003, các nhà khoa học phát hiện nhiều di vật trong hang, qua nghiên cứu cho biết người tiền sử sơ kỳ đá mới, tương đương với Văn hóa Hòa Bình sớm, cách đây khoảng 10.000 năm, đã sinh sống tại Ngườm Bốc.

Trong khi đó, về mặt địa chất, các chuyên gia cho rằng hang Ngườm Bốc phát triển trong đá vôi hình thành do biển nông và ấm cách đây khoảng 360 - 270 triệu năm (kỷ Carbon- Permi). Dấu vết của thềm và dòng chảy cổ còn hiện rõ ở cửa hang. Điều này chứng tỏ hang đá đã bị nâng lên trong thời kỳ sau này, gọi là giai đoạn tân kiến tạo. Hang ở độ cao hơn 10m so với chân núi, nằm trên sườn phía Tây một quả núi lớn. Miệng hang hình vòm lớn mở về phía Tây. Bề mặt hang diện tích khoảng 500m2, chia làm 2 gian lớn. Từ cửa vào, gian thứ nhất nằm ở trục giữa của hang có chiều dài gần 40m, chiều rộng trung bình 8m; còn gian thứ hai ăn sâu vào vách đá bên trái. Ở phía dưới hang khoảng 20m có một hang đá to với dòng nước trong xanh tuôn chảy êm đềm.

Khi khảo sát hang Ngườm Bốc, các nhà khảo cổ học tìm thấy những di vật đồ đá của người tiền sử ở hai bên vách trái và vách phải gần cửa hang. Đặc biệt, trên vòm trần gian thứ nhất, cách cửa hang chừng 5m ở độ cao khoảng 7m so với bề mặt hang còn phát hiện được một bài minh văn độc đáo. Đứng ở mặt hang nhìn lên thấy được nét chữ nhờ ánh sáng tự nhiên ban ngày rọi thẳng vào bài minh văn.

Dấu ấn lãnh tụ thời khai quốc và tấm ảnh lịch sử chín năm chống Pháp

Với địa thế hiểm yếu, hang Ngườm Bốc trong dãy núi Lam Sơn trùng điệp gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử đương đại nước ta. Đầu năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đến vùng biên giới Cao Bằng, thời gian đầu Người hoạt động bí mật ở Pác Bó thuộc huyện Hà Quảng, sau đó chuyển về núi Lam Sơn lấy hang Ngườm Bốc làm nơi ở từ tháng 8/1942. Nhiều cuộc họp quan trọng và chỉ thị của bộ thống soái tối cao cách mạng đã diễn ra ở đây.

Vào đầu tháng 5/1945, khi chuẩn bị chuyển địa bàn làm việc về căn cứ địa Việt Bắc, lãnh tụ Hồ Chí Minh còn tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng bàn về công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Đến thu đông năm 1950, Người từ Thái Nguyên vượt mấy trăm cây số đèo núi hiểm trở lên Cao Bằng trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới với mật danh Chiến dịch Lê Hồng Phong 2, do Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng và Thiếu tướng Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đứng đầu ban tham mưu. Đây là chiến dịch đầu tiên quân đội ta chủ động tấn công và giành thắng lợi lớn, vòng vây quân Pháp nhằm cô lập căn cứ địa Việt Bắc đã bị phá, biên giới Việt - Trung được khai thông.

Tháng 10/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở hang Ngườm Bốc, tham dự Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới, thăm công nhân xưởng quân giới Lê Tổ ở hang Ngườm Slưa và nhân dân địa phương đã góp phần vào chiến thắng vang dội. Sau khi hội nghị bế mạc, Người đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi “ba cậu Dũng đến gặp Bác tại nhà riêng”. Đó là Nguyễn Thái Dũng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 (về sau được thăng quân hàm Thiếu tướng - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân); Dũng Mã - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 - Phủ Thông (về sau được thăng Thiếu tướng - Cục trưởng Cục Huấn luyện Học viện Quốc phòng) và Hoàng Thế Dũng - Chính trị viên Trung đoàn 102 (về sau chuyển sang làm báo, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân). Cả ba người bấy giờ đều thuộc Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Tư lệnh kiêm Chính ủy.

Theo lời kể của tướng Dũng Mã lúc sinh thời với chúng tôi, khi được nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An trực tiếp báo tin thì ông phấn khởi thu xếp lên đường ngay. “Nhà riêng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy thật ra là một cái lán nhỏ ở cửa hang Ngườm Bốc núi đá Lam Sơn. Thái Dũng và Dũng Mã đến trước. Sau khi nghe hai chỉ huy trẻ báo cáo, lãnh tụ gật đầu khen: "Hai Dũng đánh giặc giỏi, tên xứng với người". Rồi Người ân cần căn dặn: "Dũng cảm nhưng cần phải mưu trí nữa". Nhìn thấy cánh tay phải của Thái Dũng bị cụt bàn tay, Người cảm động hỏi: “Chú có gặp khó khăn lắm trong sinh hoạt và chiến đấu không?”. Trung đoàn trưởng Thái Dũng trả lời: “Thưa Bác, dần dần cháu cũng quen. Chỉ có trèo cây và leo núi đá là khó thôi ạ!”. Mọi người cùng ồ lên cười vui vẻ trong nỗi xúc động!

Trời dần về chiều. Chờ mãi mà không thấy Chính trị viên Trung đoàn 102 Hoàng Thế Dũng đến, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An sợ trời hết nắng, mới xin phép cho chụp một bức ảnh kỷ niệm nhân buổi gặp thân mật. Đó chính là một trong những bức ảnh lịch sử nổi tiếng nhất thời đánh Pháp, mà các nhân vật hiện lên trong ảnh trước hang Ngườm Bốc bên vách đá Lam Sơn ở Cao Bằng là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn trưởng Nguyễn Thái Dũng và Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã.

Tướng Dũng Mã cho biết ông đã có dịp trở về thăm chiến trường xưa Cao - Bắc - Lạng, đến hang Ngườm Bốc núi đá Lam Sơn tưởng nhớ lãnh tụ cùng những đồng đội đã quên mình vì sự nghiệp cứu nước, trong đó có người em ruột của ông là Sơn Mã đã anh dũng ngã xuống nằm lại vĩnh viễn trên vùng đất thiêng này thời còn trai trẻ!

Vào tháng 12/2003, Viện Khảo cổ học tiến hành khảo sát điều tra di tích tiền sử hang Ngườm Bốc đã phát hiện một bài minh văn viết bằng chữ Hán được khắc trên trần hang đá từ năm Tự Đức 7 (1854) thời nhà Nguyễn. Theo các nhà nghiên cứu, để tạo được bài minh văn này, người xưa có thể phải dựng một giàn giáo cao đứng khắc và tu sửa nét chữ. Trong đó có đoạn tạm dịch nghĩa: “Phong cảnh thật là đẹp giữa núi và nước/ Lồng lộng giữa nơi kỳ diệu, càng thêm quý nước non/ Gió gõ cửa hang vọng vào nghìn khúc/ Trăng soi vào lòng khe in bóng nửa vầng”.

Nam Việt
.
.