Đọc trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong” của Lê Tuấn Lộc, NXB Hội Nhà văn, 2022

Tiếng vọng của dòng sông

Thứ Sáu, 30/12/2022, 09:01

Trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong”, hay nói cụ thể hơn là những bài thơ của Trúc, của Mai không chỉ là chuyện tình yêu. Đó là chuyện cuộc đời, chuyện dòng sông, chuyện thiên nhiên, chiến tranh và hòa bình, đất nước và nhân loại.

1. Cảm nhận đầu tiên của tôi về trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong” là một trường ca ấn tượng, độc đáo. Ấn tượng bởi mấy nhẽ sau đây: dày hơn 600 trang, khổ rộng 16x24cm. Nhà thơ, TS Lê Tuấn Lộc đã đóng cửa phòng văn hì hục viết trong bảy năm trời; đã thay cho việc đi tìm hiểu, khám phá từ đầu nguồn đến cuối nguồn sông Mekong - dòng sông dài nhất thế giới (4.350km), chảy qua sáu nước Nam Á - bằng việc đọc sách, xem phim, xem ảnh, đi đến nhiều nơi ở cuối nguồn sông Mekong (tại Việt Nam) để tận mắt, tận tai và tận nghĩ về một vùng đất kỳ thú này.

Về sự độc đáo: Trường ca không theo lối viết truyền thống, mặc dù cũng được chia thành tám chương. Tức là, đây không phải “bài thơ cực dài” mà là nhiều bài thơ nối nhau trong một trường liên tưởng, một mạch cảm xúc dạt dào, say đắm. Tôi đã đếm được 175 bài thơ, bài dài nhất 85 câu, bài ngắn nhất 8 câu, mỗi câu 5 chữ.

Tiếng vọng của dòng sông -0
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc.

2. Trường ca có thể coi là tiểu thuyết bằng thơ. Câu chuyện kể về tình yêu định mệnh của Măng Trúc và Kiều Mai. Hai nhân vật huyền thoại xuất hiện từ chương đầu đến chương cuối, rõ số phận, hình hài, tính cách. Họ đau khổ đến tột cùng, hạnh phúc đến tột cùng. Họ đã đi từ đầu nguồn sông Tây Tạng (Trung Quốc), qua Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Dòng sông Phật giáo, dòng sông tâm linh đã che chở họ và chính họ đã giới thiệu với bạn đọc về một vùng văn hóa vô cùng rộng lớn, giàu có, huyền bí.

Măng Trúc - Kiều Mai quen nhau trong một chuyến bay định mệnh đến Nha Trang hội thảo về môi trường trên sông Mekong. Mai, một thi sĩ, tiến sĩ về môi trường. Trúc hơn Mai 15 tuổi. Từ đấy trở đi là một cuộc tình lãng mạn và trắc trở. Hai người đã có 5 năm bên nhau, đi khắp ngọn nguồn sông, từ Lan Thương tới Biển Hồ, sông Cửu Long... Họ ăn ở cùng nhau, mỗi đêm đờn ca trên sông họ quấn vào nhau trong những nụ hôn tan nát cả đất trời. Nhưng, không một lần ái ân. Lời nguyền: chỉ đến khi làm đám cưới thì mới dành cho nhau trọn vẹn.

Bi kịch lớn nhất cuộc đời cũng là bi kịch cuối cùng, vào đêm cuối, khi bài thơ đêm tân hôn Trúc làm và đã đưa Mai đọc thì tai nạn ập đến. Nước sông Hậu cuồn cuộn dâng lên do thủy điện xả nước bất ngờ. Thuyền lật. Mai bị nước cuốn trôi! Đêm tân hôn thay bằng đêm tang lễ. Trúc tìm đến một ngôi chùa và viết bản tình ca, với niềm tin mãnh liệt: Mai sẽ trở về.

Cái khó nhất của câu chuyện tình yêu Trúc - Mai là họ giữ được khoảng cách giữa người yêu và chồng vợ, cái khoảng cách mong manh sương khói đã không bị xóa nhòa trong suốt gần 2.000 đêm ấy, trên dòng sông Mẹ cồn cào, bi tráng. Họ từng có bao đêm “Anh đan vào em như mây đan mây/ Quấn vằn vện như thừng vặn chão”. Ở đây cái giỏi của Lê Tuấn Lộc là đã thi vị hóa tình yêu để lý giải câu chuyện gần như hoang đường này: “Kiều lấy hiếu làm trinh/ Em lấy yêu làm trinh” (Dâng hiến)

Cái chết của người yêu thật đau đớn nhưng không khép lại, vì “Ta đã thành tiên trên trời”, vì họ đã giữ được lời hứa thiêng liêng, tình yêu lớn hơn, cao hơn tất cả, niềm tin vững bền hơn tất cả, sự trong sạch, thánh thiện hơn tất cả. Họ gửi vào nụ hôn tất cả. Để rồi khi còn lại một nửa của Mai trên thế gian, câu hỏi vẫn mãi mãi lay thức chúng ta:

Con người đang tự giết mình
 Ta đớn đau, âm thầm lặng lẽ
 Ta ngửa mặt hỏi trời
 Trời bao la im lặng

                          (Đám cưới thành đám tang)

Con người đang tự giết mình bằng việc ngăn sông đắp đập, làm thủy điện, “ăn rừng”, tàn phá môi trường. Sông Mekong, dòng sông Phật giáo cũng không là ngoại lệ. Giết môi trường đã là vô tình giết người rồi. Nhưng còn có điều đáng sợ hơn, cần phải cảnh báo mạnh mẽ hơn, đó là văn hóa, đạo đức, lẽ sống cũng đang chết dần chết mòn. Nói là “môi trường văn hóa” đang bị vấy bẩn, bị tiêu diệt có lẽ đang còn nhẹ. Khi con người không còn tin vào lòng tốt, khi sự trong sáng trở thành món hàng xa xỉ, khi sự trinh bạch hóa thành trò cười thì, con người có thật Người không?

Thơ ơi, thơ đang ở đâu? Hạnh phúc có thật không?

3. Trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong”, hay nói cụ thể hơn là những bài thơ của Trúc, của Mai không chỉ là chuyện tình yêu. Đó là chuyện cuộc đời, chuyện dòng sông, chuyện thiên nhiên, chiến tranh và hòa bình, đất nước và nhân loại. Thật là thú vị khi bản trường ca - du ca đi khắp các miền đất vừa quen vừa lạ. Ta chiêm ngưỡng Tây Tạng - khởi nguồn của tam giang. Ta lặng ngắm Myanmar - Tam giác vàng. Ta chìm đắm Kinh Phật trắng đêm Luang Prabang. Ta say đọc bài thơ Angcor wat. Ta choáng váng đêm sâu Bangkok - thiên thần đền đài, lăng tẩm, nghìn năm nép bên dòng Chao Phraya. Ta sông Tiền, sông Hậu với trời xanh. Đến đâu du ca cũng chạm đến hai miền hư thực, miền Người và miền Trời.

Vẻ đẹp nguyên sơ, lộng lẫy của những ngọn núi, dòng sông, ngôi chùa, của những điệu múa, câu hò, điệu lý, của những đàn chim... Cái đẹp ấy đều có một ngọn nguồn: sông Mekong. Xuyên suốt trường ca nhiều lần điệp khúc “Nếu không có Tây Tạng”, “Nếu không có sông Mekong” thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu không Tây Tạng thì không có sông Trường Giang, sông Hoàng Hà, sông Mekong. Không có Tây Tạng không có Nam Tông, Bắc Tông... Nhưng vĩ đại như Mekong, hiển nhiên như Mekong mà cũng có những người muốn độc chiếm nó: “Ai muốn chiếm sông Mekong thành của riêng mình, muốn gì phán nấy. Để rồi vùng hạ lưu Việt Nam khi cần không có nước, khi không cần thì lũ lụt đầy sông”.

Đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, từ cái đơn lẻ đến cái khái quát, nghĩ suy của một thế hệ, dáng vóc một dòng sông, tầm vóc một thời đại hiển hiện trong trường ca bằng những hình tượng thơ tiêu biểu, với ngôn ngữ bình dị, thấm đẫm chất dân gian, phù hợp với tiếng nói của người dân mỗi vùng đất mà dòng sông đi qua.

4. Chúng tôi muốn nói đôi điều về thi pháp trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong”. Như đã trình bày ở phần trên, có thể coi đây là cuốn du ca, hoặc tiểu thuyết bằng thơ. Do độ mở ấy, do sự giao thoa về thể loại mà trường ca có sự hòa quyện giữa tự sự và trữ tình. Có những bài thơ, đoạn thơ đầy ắp chi tiết, sự kiện như văn xuôi vậy.

Theo một số nhà nghiên cứu, trường ca có bốn đặc điểm cơ bản: một, được viết bằng thơ; hai, nội dung lớn, được chia thành nhiều phần; ba, chất trữ tình lấn át chất tự sự; bốn, cảm hứng ngợi ca là điểm tựa chủ đạo và nhất thiết phải có nhạc điệu. Cái tôi trữ tình trong trường ca có sự khác biệt so với thơ trữ tình. Khác biệt đó là, chủ thể trữ tình trong trường ca mang sắc thái cộng đồng, thể hiện tính lý tưởng của cộng đồng, sắc thái cá nhân không biểu hiện rõ như trong thơ trữ tình. Ở đây chủ thể trữ tình là Măng Trúc - Kiều Mai, nhưng cuộc đời họ, câu chuyện mà họ kể với chúng ta lại là câu chuyện của dòng Mekong vạm vỡ nuôi lớn những cánh đồng bất tận của lúa, ngô, tôm cá, của thơ ca và cánh đồng Người. Dòng sông ấy còn là “Dòng sông Phật giáo”, không bao giờ chết, trừ khi trái đất này không còn. Và đó là lý do chỉ có vòng tay lớn của trường ca mới đủ sức chứa.

Tiếng vọng của dòng sông -0
Bìa tập trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong'' của nhà thơ Lê Tuấn Lộc.

Trong những năm qua, trường ca đang vận động, nhiều thay đổi về nội dung, hình thức, nhưng phần lớn vẫn kế thừa tính sử thi. Chúng ta cần phải nắm bắt thêm, định dạng lại, ủng hộ sự tìm tòi, cách tân, bởi trường ca cũng như nhiều thể tài khác trong văn chương “không bao giờ bị đông cứng” (M.Bakhtin - nhà nghiên cứu khoa học xã hội, khoa học nhân văn Nga). Ngôn ngữ nghệ thuật là yếu tố rất quan trọng của thi pháp trường ca.

Theo chúng tôi có bốn loại hình ngôn ngữ nghệ thuật thường thấy trong các trường ca hiện đại: ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ biểu cảm, ngôn ngữ phản tư (đặt ra những câu hỏi tự vấn). Trong “Cảm ơn Người, sông Mekong”, ngôn ngữ kể chuyện và đối thoại tiêu biểu nhất. Họ kể chuyện và trò chuyện với nhau và trò chuyện với những di tích cổ xưa, với cỏ cây, muông thú; trò chuyện với chính mình. Đến Xiêng Khoảng của Lào, Mai viết: “Đừng già nhé những trưa thu xanh cỏ/ Cho em qua suối nữa một lần”. Còn khi viết “Sông Cửu Long, bản trường ca bất tử” là nhà thơ đang đối thoại với chính mình:

Sông Cửu Long
Là cái gì không rõ ràng, vô cùng vô tận
Sông chỉ cho không bao giờ nhận

Gấp lại cuốn sách như người vừa leo tới đỉnh dốc. Mệt nhoài mà sung sướng, hạnh phúc. Bỗng vang lên câu hỏi, một câu hỏi phản tư trong tập trường ca: “Nếu mai mất sông Mekong?”. Không. Mekong sẽ không bao giờ mất. Như lý giải của Lê Tuấn Lộc, cái gì để lại di sản khổng lồ sẽ không bao giờ mất được. Đó là tiếng vọng của dòng sông.

Hải Đường
.
.