Tiếng tuồng Kẻ Gám
Trở lại với những dòng hồi ức trong một trạng thái phấn chấn đến kỳ lạ, nghệ nhân Phạm Văn Lạng bảo, cứ như những gì mà các bậc tiền nhân truyền lại, lúc đầu đã tưởng tuồng cổ không thể có "đất sống" ở đất Kẻ Gám. Vì lẽ, tuồng cổ là bộ môn nghệ thuật mang tính bác học với tính ước lệ cao của những điển tích cũ. Mỗi một điển tích đều gắn với các nhân vật lịch sử. Đã vậy, tuồng cổ lại rất khó nhớ, khó mà thuộc một cách dễ dàng.
Mời khách cốc trà nóng mang làn hương của món chè xanh đặc trưng quê mình, người nghệ sĩ tuồng làng Kẻ Gám, ông Phạm Văn Lạng thân thiện mở lời: "Thật ra cũng chả riêng gì nhà bác lấy làm khó hiểu như vậy đâu. Hầu hết người trong thiên hạ khi về Kẻ Gám đều có chung cảm giác, nhắc tới xứ Nghệ quê tôi là phải nói tới những làn điệu dân ca có "thương hiệu" từ đời nảo đời nao. Nào là hò ví dặm. Nữa là hát phường vải. Ấy là ca trù. Lại còn cả chèo nữa cơ đấy.Vậy nên mấy ai nghĩ, ngay từ thế kỷ 19, Kẻ Gám đã hình thành, phát triển một bộ môn nghệ thuật bác học. Đó là tuồng cổ. Chẳng phải duyên kỳ ngộ hay sao, nhà bác nhỉ?".
Nghệ nhân Phạm Văn Lạng kể, đất Kẻ Gám có con sông Dinh chở đầy chất thi ca thuộc vùng quê lúa Yên Thành của Nghệ An là đất của "bờ xôi ruộng mật" với "cây đa bến nước sân đình". Đất lành đã hun đúc nhiều bậc danh hiền, học hành đỗ đạt để trở thành những học giả, cụ đồ nho, các bậc sỹ phu yêu nước. Gia đình có "của ăn của để", những con người ấy đã bước ra khỏi lũy tre làng Kẻ Gám đi giao du khắp chốn thiên hạ. Thế rồi một vài người có cơ duyên tiếp xúc với những bậc thày tuồng - những "cây đa cây đề" trong làng tuồng xứ Huế và "đất tuồng" Bình Định.

"Say tuồng" đến độ không thể dứt ra được một ngày nọ, những người con của Kẻ Gám đã đưa rước các thầy tuồng về chốn chôn nhau cắt rốn để truyền dạy những ngón bài lòng bản của nghệ thuật tuồng cổ cho người làng mình. Người ta làm việc đó như một sự hiếu nghĩa đầy đặn hơn cả bát nước đầy với quê cha đất tổ.
Trở lại với những dòng hồi ức trong một trạng thái phấn chấn đến kỳ lạ, nghệ nhân Phạm Văn Lạng bảo, cứ như những gì mà các bậc tiền nhân truyền lại, lúc đầu đã tưởng tuồng cổ không thể có "đất sống" ở đất Kẻ Gám. Vì lẽ, tuồng cổ là bộ môn nghệ thuật mang tính bác học với tính ước lệ cao của những điển tích cũ. Mỗi một điển tích đều gắn với các nhân vật lịch sử. Đã vậy, tuồng cổ lại rất khó nhớ, khó mà thuộc một cách dễ dàng.
Buổi ban đầu bỡ ngỡ tiếp cận với tuồng cổ của người nông dân - nghệ sĩ Kẻ Gám khó khăn là vậy. Nhưng người Kẻ Gám vốn có "duyên tiền định" với tuồng cổ "từ kiếp trước" thành ra, chỉ sau một thời gian ngắn, bộ môn nghệ thuật trứ danh này đã nhanh chóng sâu rễ bền gốc tại miền quê thuần nông xứ Nghệ.
Nghe bảo, thuở ấy, tuồng cổ không chỉ đơn thuần "người làng diễn người làng xem" mà nó còn có cơ may được vời vào cung biểu diễn cho các bậc vua cùng chúa thưởng lãm. Cái cụm từ "tuồng Kẻ Gám" được định hình nơi cửa miệng người trong thiên hạ kể từ đó. Nó đánh dấu cái thời hoàng kim có một không hai của cái gọi "nghệ thuật tuồng trên cây lúa" tại miền quê bờ xôi ruộng mật Kẻ Gám.
- Thời kháng chiến chống Pháp, tuồng Kẻ Gám mình góp phần làm nên một chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" thì đã rõ như ban ngày rồi. Có điều thời đó, gian khó thế nào, tôi cũng chả nhớ lắm, vì còn là đứa trẻ trâu. Nhưng mà gì chứ, trần đời chửa bao giờ gian nan, vất vả, thiếu thốn đủ bề như những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ấy thế nhưng, lúc đó lại là thời kỳ vui nhất trần đời cả nhà ạ! - ánh mắt rưng rưng nhìn vào cõi xa xăm, nghệ nhân Phạm Văn Cung bồi hồi trong trạng thái đầy kiêu hãnh, vô vi - Sung sướng vì hầu như đêm nào cũng được gửi những tích tuồng cổ đến với quân dân trong xã ngoài huyện để tiếp thêm hào khí dân tộc giúp họ vững tay cày chắc tay súng bảo vệ trời biển quê hương, nước non. Thật chả gì sướng bằng!
Mạch cảm xúc thiêng liêng dâng trào, ông Phạm Văn Cung hào hứng kể, những "năm tháng gian lao mà anh hùng" ấy, mặt trời chưa kịp lặn, ở đồng về vứt vội cái cày, đôi quang gánh… vào góc vườn, chân tay lấm lem bùn đất, thây kệ chả thèm rửa ráy. Cơm nước lại càng chả thiết màng tới dù bụng rỗng tuếch. Cứ thế là xấp ngửa lo "cả trăm thứ việc không tên" cho một tối diễn tuồng đêm nay góc sân chùa làng này; tối mai sân đình xã bên.

Sân khấu dựng tạm vội vàng bằng tre bằng nứa. Mà cũng chả thể đào đâu ra những thứ đèn đóm, thiết bị âm thanh tối thiểu cho một đêm diễn. Vậy là thắp đèn dầu. Đốt đuốc lên soi đường cho các nhân vật anh hùng trong lịch sử bước ra sân khấu.
Những đêm tuồng huyền thoại thấm đẫm chất sử thi anh hùng ấy, dửng dưng kệ bố từng đàn máy bay Mỹ gầm rú. Rồi thì bom đạn làm tan nát bầu trời. Nhưng những "Lưu Bình - Dương Lễ", những "Trưng Trắc - Trưng Nhị", những "Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga", những "Trần Quốc Toản ra quân", "Tống Trân - Cúc Hoa",… với sự "cháy hết mình" của những người nông dân áo vá Kẻ Gám vẫn cứ hồn nhiên, vô tư hiện hữu.
Trong giây phút xuất thần thành những vua sáng tôi hiền; những hào kiệt lẫm liệt khí phách anh hùng; những nàng công chúa hiền thục,… thì tiếng gầm rú của đám "thần sấm con ma" cùng bom đạn của chúng dẫu có là "tiếng thú" song với những người nghệ sĩ - nông dân Kẻ Gám họ lại "nghe tiếng bom rất nhỏ" (Phạm Tiến Duật), mới thần diệu làm sao.
"Phải lòng" tuồng từ cái ngày còn là cô gái làng bím tóc đuôi gà chưa hề biết khái niệm "đàn bà là gì", nghệ nhân Hoàng Thị Dung, nàng Mỵ Châu đẹp như một pho tượng nữ thần cổ đại ngày nào bỗng trở lại cùng dòng hồi ức tinh khôi với một thần thái trẻ trung đến diệu kỳ: "Thật thà với cả nhà, mai này dù có phải theo hầu ông bà ông vải rồi thì nhà em cũng chả thể quên những ngày diễn tuồng dưới mưa bom bão lửa ấy đâu nhé!".
Run run dùng bàn tay chùi nước mắt, bà Hoàng Thị Dung ngào ngạt cất giọng: "Ngày ấy, ăn còn chả được no bụng thì đào đâu ra cắc ra bạc để thửa son thửa phấn về "bôi tro trát trấu" vào mặt cho ra hồn ra cốt vai diễn của mình cơ chứ. Thế là cánh mình "tuyền" phải lấy lá cây; gạch non. Rồi thì nhọ nồi, đất sét,…thay phấn son để hóa trang. Nghèo là vậy, nhưng tuồng Kẻ Gám mình chả kém cạnh gì mấy ông mấy bà đoàn tuồng Nhà nước nhá!".
- Đâu đó thì tôi chả rõ, nhưng ở Kẻ Gám, tuồng cổ được lưu truyền, phát triển theo lối "cha truyền con nối" đấy nhà chú ạ! - chân thành chen lẫn niềm tự hào, nghệ nhân Phan Văn Cung thổ lộ - Người đi trước làm thày tuồng cho kẻ đi sau. Vậy nhưng tuồng cổ Kẻ Gám vẫn cứ có sức sống mãnh liệt. Chả thế mà, trong khi thiên hạ chả mấy người mặn mà thiết tha với tuồng, chèo, nhưng hiện tại ở Kẻ Gám vẫn cứ là 10 / 12 xóm có đội tuồng. Mà tuồng ra tuồng, kém gì mấy ông bà chuyên nghiệp!
- Phải! Đến tuổi trưởng thành, người Kẻ Gám không biết hát tuồng thì ngay giọng điệu hát cũng ra chất tuồng cả - Nghệ nhân Thái Văn Ân chợt nghẹn lời - Nhiều gia đình có tận bốn thế hệ biết hát tuồng. Lớp anh diễn, lớp em thuộc lòng từng câu hát, từng động tác vũ điệu, kỹ thuật hóa trang. Chắc nhà chú chửa biết đấy thôi, ngay như nhà "trùm Lạng" của cánh tôi đây, gia đình có 8 người con thì 5 người biết hát tuồng. Khiếp chửa nào!
Vui vẻ gật đầu xác nhận những gì mà người bạn diễn tri kỷ vừa bộc bạch, ông Phạm Văn Lạng thủ thỉ rót vào tai tôi rằng, nhờ có cái sự "trao truyền" ấy mà cả trăm năm nay với muôn vàn thăng trầm chìm nổi, nhưng chưa khi nào tuồng cổ Kẻ Gám bị đứt gãy gián đoạn. "Lửa tuồng" liên tục "cháy hết tầm" trong tâm hồn mỗi người dân Kẻ Gám, tạo cảm hứng hùng tráng - lãng mạn giúp họ tự tin làm chủ bản thân trong bất kỳ cảnh huống khốn khó, nguy nan nào.
*
Nghệ nhân trẻ Lê Duy Tài xúc động trải lòng, bao đời nay, người Kẻ Gám chết mê chết mệt tuồng cổ là bởi nó đã truyền cảm hứng yêu thương nước non; nghĩa - tình đồng bào sâu nặng; tình bè bạn cao cả; nghĩa vợ chồng son sắt thủy chung… đến với người nông dân miền quê thôn dã này.
- Qua bao cuộc bể dâu vuông tròn nhưng nhiều bài học lịch sử về dựng nước, giữ nước, nhân sinh quan. Và những phẩm chất tốt đẹp của con người qua những nhân vật tuồng cổ ấy vẫn còn nguyên giá trị trong cái nhìn soi chiếu của con người hiện đại hôm nay cả đấy, bác ơi! - anh Lê Duy Tài chân thành trải lòng - Cánh trẻ bây giờ rất đam mê với những loại hình âm nhạc hiện đại, nhưng cứ đêm nào tuồng Kẻ Gám sáng đèn là y như rằng, cả sân vận động hàng nghìn chỗ ngồi cấm còn chỗ trống nào cả. Cánh trẻ gần xa lặn lội đến với những đêm tuồng cổ Kẻ Gám là tại họ muốn có cơ may soi chiếu vào các nhân vật trên sân khấu để trau dồi luân lý cho bản thân mình chứ chả phải vì đú đởn chơi bời đâu bác ạ!
Ra là vậy, với người Kẻ Gám, mỗi vở tuồng cổ là một bài học luân lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan mang vẻ đẹp trường sinh bất tử của chân - thiện - mỹ. Học làm nghề; học làm người từ giá trị di sản văn hóa của cha ông để không bao giờ bị "hòa tan" dẫu có "ra biển lớn" là vậy chăng?!