Tiếng sáo thiên thai!

Thứ Năm, 22/09/2022, 14:34

“Thiên thai” là nơi tiên ở. “Tiếng sáo thiên thai” là tiếng sáo ở cõi tiên vọng xuống trần gian. Chưa nói đến giá trị nội dung và nghệ thuật, ngay ý nghĩa ấy đã nâng tầm bài thơ “Tiếng sáo Thiên Thai” nổi tiếng của Thế Lữ. Thực ra tiếng sáo đã vọng ở mọi chân trời văn hóa, gắn liền với sự trưởng thành và góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nhân loại. Chiếc sáo được coi là nhạc khí cổ xưa nhất, cũng phổ biến nhất, được nhiều người dùng nhất.

Thần thoại Hy Lạp có câu chuyện tiếng sáo thần Pan chăn dê - vị thần của sự hoang dã đồng quê, của những người du mục cùng các đàn gia súc, của tự nhiên và những ngọn núi hoang vu cùng việc săn bắn. Sau này âm nhạc đồng quê tôn Pan làm ông Tổ.

Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “pan” có nghĩa là “gặm cỏ”, có hình thù một nửa thân dưới của loài dê, lại có cặp sừng dê nên Pan được xem là vị thần của những cánh đồng, những khu rừng nhỏ và thung lũng nên được gắn với khả năng sinh sôi và mùa xuân. Đến nay người ta chưa lý giải thật sự thuyết phục những nét giống nhau giữa Pan chăn dê và các chú mục đồng phương Đông, mới chỉ nói được những nét tương đồng của tiếng sáo ở hai vùng không gian văn hóa.

image001.jpg -0
“Mục đồng thổi sáo” - Tranh Đông Hồ.

Người Trung Quốc cổ xưa mê tiếng sáo đến mức tưởng tượng ra chuyện vua Thuấn thổi khúc sáo khiến chim phượng hoàng bay về múa trước sân rồng. Chim phượng biểu tượng cho sự giàu sang vương giả rất khó tính chỉ chịu đậu trên cây ngô đồng, thế mà say mê tiếng sáo mà sà xuống... Chưa đủ người ta còn huyền thoại hóa bằng một câu chuyện rất đẹp, cực kỳ lãng mạn có tên “Lộng Ngọc - Tiêu Sử”.

Vua Tần Mục công có con gái tên Lộng Ngọc, nhan sắc tuyệt trần, lại thông minh, đặc biệt rất có tài thổi sáo. Chỉ tự học, mới 10 tuổi nàng đã thổi những bài véo von, du dương trầm bổng hay đến mức chim ngưng bay, gió ngừng thổi. Là người trần mà diễm phúc được nghe thì sẽ cảm thấy mình là người của tiên giới, hạnh phúc vô cùng. Mục công chiều con bèn sai thợ làm một cái sáo bằng ngọc để nàng thổi làm cho tiếng sáo còn hay hơn nhiều, trong hơn tiếng chim phượng, ấm hơn cả bình minh. Tiếng sáo của nàng cất lên thì cả đất trời như bừng sáng, lộng lẫy. Tên nàng Lộng Ngọc là vì thế! Mục Công làm một cái lầu cho nàng ở tên là “Phượng lâu”, trước lầu có một cái đài cao gọi là “Phượng đài”.

Khi 15 tuổi, một đêm nàng nằm mơ phía Tây Nam trên trời hào quang ngũ sắc, có một chàng trai trẻ rẽ mây, mũ lông áo hạc, cưỡi chim phượng bay xuống. Chàng tự giới thiệu tên Tiêu Sử và nói được Ngọc Hoàng cho kết duyên với Lộng Ngọc. Nói rồi chàng rút ống tiêu đứng dựa lan can Phượng đài mà thổi. Con chim phượng cũng vươn cánh ra, vừa hót vừa múa theo nhịp tiêu... Khỏi phải nói đến sự vui sướng hân hoan của Lộng Ngọc...

Hai người cùng yết kiến Mục công và xin phép kết thành vợ chồng rồi bay về trời, nghĩa là họ cũng bay vào bầu trời văn hóa phương Đông để vĩnh viễn được tôn xưng: cặp vợ chồng nghệ sĩ tài năng nhất, hạnh phúc nhất. Cũng là sự tôn xưng tiếng sáo bất tử, nghệ thuật đích thực sẽ mãi mãi sống ở chốn Bồng Lai.

Cũng từ đó các đệ tử của họ, tức các chú mục đồng khi thổi sáo cũng hướng lên trời mà thổi, không chỉ để “sư phụ” nghe, mà cơ bản là tưởng tượng người thổi sáo cũng hạnh phúc như vợ chồng Lộng Ngọc - Tiêu Sử. Thế nên vọng trong tiếng sáo nói chung luôn có sự khát khao, có sự bâng khuâng mơ màng, có sự thèm muốn... nên ai cũng muốn nghe...

Đó đích thực là huyền thoại nhưng chuyện sau thì gần với sự thật hơn. Và có thể là thật. Thời Hán - Sở tranh hùng, năm 202 TCN, Sở Bá vương Hạng Vũ bị quân đội của Hán vương Lưu Bang vây ở thành Cai Hạ, gần sông Ô Giang. Hạng Vũ núng thế... Đêm ấy trong không gian như mờ như tỏ, một tiếng sáo cất lên cao vút, bổng trầm rồi nỉ non, tha thiết, bi thương... như kể như than về quê hương vùng nước Sở có người mẹ già chờ con, người vợ yếu ngóng chồng, đứa con thơ gọi cha... Rồi như giục giã những anh lính xa quê rời nơi máu lửa tìm về nơi tổ ấm bình yên... Quân Sở như rã rời không bị đánh cũng tự thua. Sở Bá vương bại trận.

Người thổi tiếng sáo ấy là mưu thần Trương Lương về sau được lịch sử chiến tranh quân sự thế giới tôn làm Tổ sư của nghệ thuật binh vận, tức đánh vào tâm lý, vận động binh lính đối phương. Cũng ghi nhận luôn nhạc cụ sáo là một thứ vũ khí hiệu quả, lợi hại. Đó là nghĩa bóng. Còn nghĩa thực là có một loại võ dùng nhạc cụ sáo bằng sắt gọi tắt là võ sáo. Võ sĩ dùng sáo ấy thổi, khi cần lấy đó làm vũ khí bất ngờ tiêu diệt đối thủ. Tương truyền nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám từng đóng giả làm người hát rong vào tận đồn Pháp đánh giặc gây cho chúng nhiều thiệt hại, hoang mang...

image002.jpg -0
Lộng Ngọc thổi sáo!

Năm 1984 tại di chỉ Giả Hồ (Hà Nam - Trung Quốc) khai quật được hơn 30 cây sáo được chế tạo từ xương chim hạc có độ tuổi 7.800 - 9.000 năm. Theo giới chuyên môn, các âm giai của nó được cấu tạo khá hoàn chỉnh. Năm 1995, tại một hang động ở Slovenia chiếc sáo Divje Babe có niên đại từ 43-60.000 năm được phát hiện. Những chứng cứ ấy cho thấy sáo được hoàn thiện từ rất sớm, mà qua các dẫn chứng trên cũng cho thấy phần nào.

Trong văn chương bác học thì dễ thấy góp phần tạo nên âm hưởng Đường thi xa vắng dìu dặt buồn, hoang hoải da diết vọng cố hương là tiếng sáo. Tiếng sáo trong bài thơ “Đêm khuya ở thành Lạc Dương nghe thổi sáo” của Lý Bạch không chỉ vọng trong thế giới thơ Đường mà còn vọng mãi cùng hồn nhân loại vì nó gợi lên âm hưởng về nỗi nhớ quê: “Nhà ai sáo ngọc tiếng mơ màng/ Theo gió xuân vào khắp Lạc Dương/ Văng vẳng đêm nay bài “Chiết liễu”/ Ai người không chạnh nỗi tha hương?”.

Câu hỏi cuối bài thơ không hề là hỏi mà là sự đánh thức những tâm hồn xa quê đồng cảm, đồng điệu. Cùng chủ đề “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn có những câu ám ảnh: “Lửa thành thoi thóp bên cồn/ Nghe thôi ngọc địch véo von trên lầu”. Trong không gian chiến trường về đêm một tiếng sáo cất lên càng làm không gian như “thoi thóp” thêm, lòng người càng xa vắng, cồn cào thêm.

Hình như thủ pháp “lấy động tả tĩnh” trong thơ cổ thì đắc địa nhất là dùng tiếng sáo. Từ “Mục đồng” của Lã Nham (đời Đường): “Đồng nội bát ngát cỏ xanh/ Gió chiều văng vẳng âm thanh sáo đồng” đến “Thôn vãn” của Lôi Chấn (đời Tống): “Mục đồng vắt vẻo lưng trâu/ Miệng xinh thổi khúc nhạc nào vu vơ”. Rồi “Thiên Trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông: “Trước xóm sau thôn tựa khói lồng/ Bóng chiều man mác có dường không/ Mục đồng sáo vẳng trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”. Cả ba bài có điểm giống nhau là chung motif tiếng sáo của những chú mục đồng. Tiếng sáo như đẩy không gian cao hơn, rộng hơn và đi nhanh hơn về phía hoàng hôn!

Đến thời hiện đại, bài thơ “Tiếng sáo Thiên Thai” của Thế Lữ “gói” tiếng sáo vào thể lục bát nhưng lại là cách đưa bạn đọc bay lên chiêm bái thế giới bồng lai bằng đôi cánh sáu tám của thể lục bát truyền thống: “Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi/ Bên rừng thổi sáo một hai kim đồng”. Tiếng sáo mở ra không gian để đưa độc giả “bay” theo cùng đôi hạc trắng: “Trời cao, xanh ngắt - Ô kìa/ Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai”. “Hạc trắng” chính là nhắc lại điển tích Lộng Ngọc - Tiêu Sử như là một cách cổ tích hóa để đẩy không gian về thuở cổ điển ngày xưa. Chỉ trong không gian ấy tiếng sáo mới càng trở nên huyền thoại, mơ màng, bay bổng, tất nhiên cũng không vật cản như trong cổ tích: “Khi cao, vút tận mây mờ/ Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh/ Êm như lọt tiếng tơ tình/ Đẹp như Ngọc nữ uốn mình trong không”...

Trong văn xuôi hiện đại người tả tiếng sáo giỏi nhất có lẽ là Tô Hoài trong “Vợ chồng A Phủ”. Giả sử tước bỏ hình tượng tiếng sáo khỏi cấu trúc hình tượng Mị thì nhân vật này sẽ không còn sức sống cũng không có sự phát triển tâm lý bởi mất đi một điểm tựa kết cấu. Về làm dâu nhà thống lý Pá Tra tức là Mị chịu sống kiếp con vật “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Đến khi nghe được tiếng sáo trong những đêm tình mùa xuân “Mị thấy phơi phới trở lại”, rồi cảm “thấy thiết tha bổi hổi”...

Tiếng sáo đã đánh thức tình yêu trong con người Mị. Nhớ về thời trước Mị đã yêu và từng được yêu cùng tiếng sáo gọi bạn tình... Tiếng sáo như tiếp thêm sức sống, bản lĩnh và ý thức phản kháng đòi lại quyền sống. Mị cắt dây trói thực ra là cắt đi sự trói buộc của thần quyền, cường quyền, tục quyền để làm người tự do. Tiếng sáo, hiểu rộng hơn là nghệ thuật nói chung sẽ giúp con người bay lên bầu trời tự do!

Nguyễn Thanh Tú
.
.