Tiếng dế gáy trên cánh đồng văn hóa!

Thứ Bảy, 12/07/2025, 10:14

Không nói tới chú dế mèn trong "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài đã nổi tiếng trong và ngoài nước, xin được khái quát về hình tượng con dế nói chung gắn liền với một thú chơi ở châu Á. Ở Việt Nam thú chọi/đá dế thường chỉ ở trẻ em nông thôn nhưng với Trung Quốc láng giềng, là thú chơi phổ biến của mọi người có lịch sử lâu đời.

Trong các sách cổ Trung Hoa, nhất là trong "Kinh Thi" đã nói nhiều đến hình tượng con dế. Nhiều ghi chép kể dế có trong văn học từ thời Tiên Tần (350-394), rồi cất tiếng gáy trong thi phú thời Hán, thơ Đường - Tống, cho đến tiểu thuyết Minh Thanh…

Tiếng dế gáy trên cánh đồng văn hóa! -0
Dế mèn - Tranh vẽ của Tạ Huy Long!

Theo nhiều giả thiết, thú chơi chọi dế có từ thời nhà Đường (618-907). Bắt đầu không phải từ vùng thôn quê mà lại từ nơi cung cấm triều đình. Thời ấy mỹ nữ trong triều có tới hàng ngàn, làm gì có chuyện "mưa cho khắp", để tránh buồn chán, họ bèn nghĩ ra chuyện bắt dế, mang về nhốt trong những cái lồng xinh xinh, đặt gần đầu giường để nghe những tiếng gáy hoang dã đồng quê...

Lại có thuyết cho rằng chọi dế có từ đời Nam Tống - thời kỳ đất nước rơi vào tình thế cấp bách, quân xâm lược chuẩn bị chiếm lãnh thổ. Trước hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", triều đình kêu gọi trai tráng ra trận. Người ta nghĩ ra cách tuyên truyền, kích thích tinh thần thượng võ là "chọi dế".

Dựa vào một đặc trưng sinh học của dế là tính bảo vệ lãnh địa rất cao. Một khi có kẻ "xâm lược", dế ta giương cặp râu, nhe răng sắc, múa cẳng giơ gươm, quyết một trận sống còn. Thế là dế được xếp vào loại "Phùng địch tất đấu, dũng dã/ Bại nhi bất minh, tri sỉ dã" (Gặp kẻ thù tất phải chiến đấu, dũng cảm/ Thất bại không oán trách, vì biết xấu hổ). Mà dế thì nhiều vô cùng, cúi xuống vạch bụi cỏ hoặc cuốc đất là có thể bắt được những con dế đực khỏe mạnh hiếu chiến…

Đồng thời dế còn phù hợp với cả tâm trạng phụ nữ thôn quê có chồng, con ra tiền tuyền. Là bởi, những con dế đực, vào lúc đêm khuya cất tiếng gáy giãi bày, nỉ non rất "mê hoặc" như than vãn, ai oán; như cởi bỏ muộn phiền; như động viên chia sẻ; như giục giã, mạnh mẽ… Đại để tiếng kêu của dế phù hợp với nhiều tâm trạng người nữ.

Từ thời Đường, cả trong cung đình lẫn ngoài dân dã thường lấy quả bầu khô rỗng ruột làm lồng nuôi dế. Lồng dế trở thành sản phẩm nghệ thuật. Mãi gần đây người ta mới tìm ra lý do: vỏ bầu khô có tác dụng khuếch đại âm thanh. Nhất là trong đêm khuya, âm thanh dế kêu trong vỏ bầu càng vang, trong, rõ hơn…

Tiếng dế gáy trên cánh đồng văn hóa! -1
Hình minh họa chơi chọi dế ở Trung Quốc thế kỷ XVIII.

Dần dần chọi dế trở thành tập quán quen thuộc, là niềm say mê của nhiều người, kéo dài đến tận ngày nay. Dế chọi phải là dế đực, thân thuôn, đen bóng hoặc nâu sẫm, nhanh nhẹn, đầu to, vai rộng, bụng nhỏ, chân cao, càng mập, râu dài mướt, cánh nổi rõ đường vân, đầu cánh có chấm vàng. Đặc biệt, tiếng gáy phải to, hơi chói gắt. Từ xa xưa, chọi dế đã có quy định nghiêm ngặt, có tới 4, 5 vòng thẩm định.

Vòng đầu, kiểm tra thân dế, nhất là trên hai nanh hàm có "vũ khí" nào "phát sinh" không (đề phòng chủ dế cài cắm thêm). Vòng hai, nhúng vào nước lã xem thân dế có thuốc bôi gì không (ngày xưa có trường hợp bôi nhựa cây, thuốc làm say, đối phương cắn vào sẽ bị ảnh hưởng; ngày nay là thuốc hóa học). Vòng ba, cân (bằng cân tiểu ly) để phân hạng.

Sau đó, nhà tổ chức cho dế vào hộp rồi niêm phong đủ 4 ngày trước khi thi đấu. Trong 4 ngày này tất cả các "đấu sĩ" đều được ăn cùng một loại thức ăn (thường là cỏ ấu, đậu non, ngô sữa, cỏ mật…), nước uống. Một ngày trước khi thi, mỗi hộp dế đực được bỏ vào một con dế mái (để "tăng cường", "kích thích" tính chiến đấu!)…

Buổi đấu diễn ra rất sôi nổi, kịch tính, cũng cá cược, ăn thua… Dế chọi được huấn luyện thường không đánh nhau ngay mà thăm dò, giữ miếng, rồi "ra giàng", "diễu võ giương oai", khe khẽ gáy… Lúc lâu mới tiến lại gần, bất ngờ chống càng, ghé hàm cắn, ghì chặt,… tung càng đá hậu… Cũng rất nhiều "ngón"!

Chung quanh trò đấu dế chắc có nhiều chuyện vui buồn, đi vào văn chương kết thành nhiều tác phẩm, nhưng để lại nỗi ám ảnh, có truyện "Xúc chức" (Con dế) in trong "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh (1640-1715). Kể rằng nhà vua (Tuyên Đức thời Minh) thích chọi dế, bắt dân dâng dế hay. Khó khăn lắm Thành Danh (tên nhân vật) bắt được dế, nhưng đứa con trai chín tuổi vô ý, làm dế chết lòi ruột. Sợ quá, thằng bé trốn biệt.

Tìm khắp nơi, cuối cùng thấy xác nó dưới giếng. Bật toát ra cái ý đả kích: Thú vui của kẻ thống trị phải đổi bằng mạng người. Hồn thằng bé hóa thành một con dế chọi tiến cung, cha mẹ nó được ban thưởng. Kết thúc có hậu "ở hiền gặp lành" nhưng ý nghĩa tố cáo thì thật lớn: thì ra kẻ bị trị bị bóc lột, hành hạ, phải làm tôi tớ, làm trò vui cho kẻ thống trị cả lúc sống lẫn khi chết!

Không thấy sử sách ghi lại việc "chọi dế" trong không gian cung đình ở Việt Nam nhưng có truyện cổ tích "Người hóa dế" rất đáng chú ý. Kể vào đời nhà Lê hay chơi trò chọi dế. Nhà vua lại là người say mê nhất. Vua ra lệnh mỗi tổng phải nộp một con dế chọi. Dế hay sẽ miễn trừ sưu thuế, còn không, phải tội nặng.

Ông cai tổng làng Đại Mão nuôi được con dế quý đợi ngày tiến vua. Nhưng đứa con trai vô tình làm dế chết. Hoảng sợ, nó trốn đi. Con mất, dế chết. Vào bước đường cùng, ông bà cai tổng định tự vẫn… Thằng bé đi lạc vào rừng gặp một đạo sĩ và được biến thành con dế bay về để bố tiến vua. Con dế thắng hết mọi đối thủ. Tổng Đại Mão được miễn thuế ba năm. Xong các cuộc đấu, dế ta bay về gặp đạo sĩ để trở lại làm người…

Bối cảnh, chi tiết, địa danh trong "Người hóa dế" của ta nói về thời Lê, như vậy truyện này có trước "Liêu trai" (hoàn thành vào khoảng từ năm 1681 đến 1714). Nằm trong quy luật tiếp biến văn hóa, nếu Bồ Tùng Linh tham khảo, chắt lọc, sửa sang, bổ sung truyện này để viết thành "Xúc chức", cũng không có gì lạ. Cũng đúng với cuộc đời Bồ Tùng Linh chăm chỉ sưu tầm truyện kỳ quái trong thế gian tập hợp thành sách. Hai truyện cùng môtip nhưng dễ nhận ra sự khác nhau: "Xúc chức" đào sâu vào tính bi kịch để có tiếng nói tố cáo sâu sắc hơn. Tính kỳ ảo của "Người hóa dế" hướng ý nghĩa về lòng báo hiếu của con cái với cha mẹ.

Lại có "Sự tích con dế", kể ngày xưa có người đàn ông nọ, vợ chết để lại đứa con trai tên Văn Linh. Ông tục huyền lấy vợ hai, đẻ một đứa con trai khác tên Văn Lang. Người chồng cũng chết để lại cảnh "mẹ ghẻ con chồng". Văn Lang không nghe lời mẹ giết Văn Linh mà xui anh trốn đi nơi thật xa. Hồn ma mẹ hiện về giúp Văn Linh học hành đỗ tiến sĩ. Văn Linh trở về nhà cũ. Dì ghẻ xấu hổ chui xuống gầm giường chết hóa thành con dế.

Cốt truyện quen thuộc, tình tiết không mới, nội dung cũng không có gì đặc biệt, đối chiếu với các truyện khác, cho thấy trong văn hóa Việt, con dế không được chú ý (so với nhiều vật hoang khác). Trong ca dao, dế xuất hiện dưới âm thanh của tiếng kêu buồn: "Đêm qua em có ngủ đâu/ Em nằm nghe dế kêu sầu bên tai"; "Dế kêu sầu nhiều câu rỉ rả/ Nhớ bạn chung tình thức cả đêm đông". Mượn tiếng dế để bày tỏ hoàn cảnh, nỗi niềm: "Dế kêu ngâm tình thâm nghĩa trọng/ Anh liệt chiếu liệt giường vì bởi thương em". Lấy tiếng dế để khẳng định một tấm lòng: "Dế kêu cho giải cơn sầu/ Mấy lời em nói, bạc đầu không quên"…

Tiếng dế ít vang trong thơ cổ nhưng trong thơ hiện đại xuất hiện nhiều. Có những bài ấn tượng, như bài "Con yêu mẹ" của Xuân Quỳnh: "À mẹ ơi có con dế/ Luôn trong bao diêm con đây/ Mở ra là con thấy ngay/ Con yêu mẹ bằng con dế". Lời thơ hồn nhiên trong sáng của đứa trẻ là rất thật. Nó yêu mẹ bằng cảm quan của chính nó. Yêu con dế bao nhiêu thì yêu mẹ bấy nhiêu.

Bài "Con giun con dế" của Vũ Quần Phương thật trải đời, đầy chiêm nghiệm: "Không được làm con giun/ giấu mình vào đất/ âm thầm làm cho đất phì nhiêu/ thì làm con dế/ kêu/ cho những ai không ngủ/ nghe được chính lòng mình/ mà nhớ trời cao/ cho lặng im nước mắt…". Được "phú" cho vai trò "thức tỉnh", hình tượng con dế chợt vụt lớn lên một tầm vóc khác thường: "con dế suốt canh thâu/ thầm thĩ mài đêm/ thành ánh sáng". Hai chữ "thầm thĩ" lạ mà công phu. "Thầm thì" chỉ là tượng thanh. "Thầm thĩ" cả tượng thanh lẫn tượng hình gợi về sự chịu đựng, miệt mài, kiên trì. Các phạm trù đối lập (con dế bé nhỏ, sống dưới đất suốt canh thâu/ ánh sáng) làm bật ra triết lý: có khi cái bé nhỏ, tưởng chừng vô giá trị lại tạo ra "ánh sáng"!

Nguyễn Thanh Tú
.
.