Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi - Bảo tồn văn hóa là bảo tồn cái “nội hàm” của văn hóa

Thứ Sáu, 20/10/2023, 08:04

Ngô Hồ Anh Khôi sinh năm 1988 tại Cần Thơ, tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Francois Rabelais Tours, Pháp. Là một nhà khoa học có sự quan tâm đặc biệt với văn hóa, lịch sử, cuối tháng 8 vừa qua bộ sưu tập nghệ thuật của anh gồm 500 bức tranh và hiện vật của Marcel Georges Bernanose (1884-1952) về Đông Dương đã được ra mắt công chúng Việt Nam trong triển lãm “Bản sắc và hội nhập”.

Nhân dịp này Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với anh.

trang 15 - tiến sĩ ngô hồ anh khôi.jpg -1
Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi

- Công việc hiện tại là trưởng bộ môn Khoa học máy tính tại Trường Đại học Nam Cần Thơ; đồng thời anh cũng đang đảm nhận vai trò trưởng ban Hợp tác quốc tế của Viện Triết học Phát triển và Phó Giám đốc Ban Văn hóa - Xã hội của Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng; Và là thành viên của Hội đồng giám định cổ vật, hiện vật lịch sử của Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam. Thưa tiến sĩ, hẳn phải có cơ duyên đưa anh đến với công việc nghiên cứu văn hóa?

+ Không đến mức là cơ duyên, tôi nghĩ ai cũng đang trong quá trình nghiên cứu và thực hành văn hóa, chỉ là ở những mức độ khác nhau. Tôi may mắn được nghiên cứu nó một cách chính thống, được ghi nhận và được công nhận. Nói là may mắn, vì tôi sống trong một gia đình nề nếp và có truyền thống khoa học xã hội và nhân văn. Mặc dù tôi rẽ nhánh sang khoa học kỹ thuật, nhưng điều đó không khiến cho tôi cảm thấy xa cách với văn hóa. May mắn hơn nữa, khi trong những nghiên cứu Thạc sĩ và Tiến sĩ, tôi lại được tiếp tục tiếp cận với văn hóa ở những vai trò khác nhau. Sau khi về Việt Nam, tôi nhận được sự tín nhiệm của các cô, các bác lãnh đạo đưa mình vào trong các vai trò hoạt động, dự án liên quan đến văn hóa.

- Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi có thể chia sẻ cho Văn nghệ Công an được biết thêm về hành trình chinh phục tấm bằng tiến sĩ danh giá về trí tuệ nhân tạo của mình ở Pháp?

+ Như tất cả những bằng tiến sĩ khác về trí tuệ nhân tạo, đều được xây dựng từ công sức nghiên cứu nghiêm túc trong nhiều năm, với tôi thì không có gì đặc biệt cũng như không có sự khác biệt về danh giá so với các bằng tiến sĩ ngành khác. Tôi đơn giản là đã hoàn thành một chặng đường nghiên cứu và đạt được học vị tiến sĩ như là kết quả của chặng đường nghiên cứu đó. Cụ thể, tôi tốt nghiệp thạc sĩ ở Đại học La Rochelle, Pháp và sau đó tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Francois Rabelais Tours, Pháp với học bổng do ANR (Agence National de la Recherche, Cục Nghiên cứu Quốc gia Pháp) cấp. Ở cấp thạc sĩ, tôi nghiên cứu về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào số hóa di sản truyện tranh của châu Âu (dự án eBDtheque) và ở cấp tiến sĩ, tôi nghiên cứu về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để số hóa và phân loại di sản tư liệu cổ (dự án DigiDoc). Hiện nay, tôi đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ về triết học Phật giáo ở Học viện Phật giáo Việt Nam. Về mảng này, tôi nghiên cứu chủ yếu về ảnh hưởng triết học, tôn giáo và tín ngưỡng lên các vấn đề đương đại tại Việt Nam, cũng như những tác động của khoa học kỹ thuật hiện đại lên các vấn đề văn hóa xã hội ở Việt Nam.

- Trí tuệ nhân tạo ra đời, phát triển là một bước nhảy vọt của khoa học, kỹ thuật, anh đánh giá về tác động của nó đến cuộc sống hiện tại cũng như sáng tạo nghệ thuật?

+ Trí tuệ nhân tạo đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của chúng ta ngày nay. Mức độ thay đổi này lớn đến nỗi, với nhiều nhà nghiên cứu, cho rằng nó tác động to lớn hơn cả các cuộc cách mạng xã hội khác đã từng diễn ra trên thế giới. Một trong những lĩnh vực ít chịu tác động nhất của trí tuệ nhân tạo là sáng tạo nghệ thuật thì gần đây cũng không thóat khỏi tầm ảnh hưởng của những biến đổi đó, chẳng hạn như dự án Midjourney và dĩ nhiên, gây tranh cãi khá nhiều trong các cộng đồng nghệ thuật.

Có thể, đằng sau tranh cãi về Midjourney là một vấn đề triết học lớn hơn nhiều, đó là sự tái định nghĩa “nghệ thuật” là gì, hẹp hơn là “mỹ thuật” là gì, hẹp hơn nữa là “hội họa” là gì, giống như những gì Marcel DuChamps, Robert Rauschenberg, Yves Klein, sđã làm với Nghệ thuật đương đại (Contemporary art), Josef H. Neumann, Ansel Adams với Nghệ thuật nhiếp ảnh (Photography art), và gần đây nhất John Whitney, Salvador Dalí, Andy Warhol với Nghệ thuật kỹ thuật số (Digital art).

Với tôi, sự ra đời của Nghệ thuật trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence art), dù hiện đang còn tranh cãi, lại là tiến trình không thể tránh khỏi của trào lưu nghệ thuật hậu đương đại (Post-contemporary mouvements), và hầu như chắc chắn sẽ là thành tố quan trọng của trào lưu này, nếu không muốn nói là thóat khỏi và góp phần hình thành một trào lưu siêu hậu đương đại (hyper post contemporary) trong tương lai.

trang 15 - một góc bộ sưu tập tarot trong bảo tàng riêng tại gia đình của tiến sĩ anh khôi.jpg -0
Một góc bộ sưu tập Tarot trong bảo tàng riêng tại gia đình của Tiến sĩ Ngô Hồ Anh Khôi.

- Quay lại vấn đề văn hóa, trước thực trạng những luồng văn hóa ngoại tràn vào trong nước, theo tiến sĩ chúng ta cần phải đón nhận và có hành động thế nào để có thể bảo vệ văn hóa truyền thống mà vẫn có thể tiếp thu được những điều tinh túy của những luồng văn hóa khác. Cũng như chúng ta cần phải làm gì để bảo tồn và phát triển văn hóa?

+ Phải nói rõ rằng, chúng ta không thể bảo tồn thứ không còn phù hợp với xã hội và ngược lại, không có gì có thể tiêu diệt được những thứ phù hợp với xã hội. Ở hai vế, bảo tồn và phát triển, căn bản có thể hiểu rằng “bảo tồn” trong ngắn hạn và “phát triển” về dài hạn. Công tác “bảo tồn” chủ yếu không phải là khư khư giữ lấy hình thức bề ngoài của văn hóa, mà là “bảo tồn” cái nội hàm của văn hóa. Vì vậy, đối với tôi, bảo tồn chính là phát triển, phát triển chính là bảo tồn, không thật sự khác nhau. Muốn một thứ bảo tồn thì phải để nó phát triển đáp ứng với thời đại, và ngược lại, khi nó phát triển thì đương nhiên nó được bảo tồn.

Đứng ở góc độ văn hóa, mọi văn hóa ngày nay chúng ta đòi “bảo tồn” thì thực ra nó đã là “phát triển” khác đi so với ban đầu rồi. Việc của chúng mình là tiếp tục để nó phát triển tiếp và như thế chính là bảo tồn. Chúng mình đâu cần bảo tồn cái vỏ ngoài hình thức, mà quan trọng nhất là bảo tồn cái nội hàm bên trong. Đứng ở góc độ quản lý, cần để văn hóa phát triển đa dạng theo nhiều hướng, tất yếu, sẽ có những hướng khiến chúng ta nghi ngại và khó chịu, và sẽ có những hướng dường như tiềm năng và hợp lý. Nhưng chú ý rằng chúng ta sẽ không bao giờ biết được, sự lựa chọn nào sẽ là tối ưu, ngoại trừ chính sự lựa chọn của nhân dân. Bánh xe lịch sử lúc nào cũng được đẩy đi bởi chính nhân dân, nhân dân là người quyết định cái gì sẽ tiếp tục và cái gì sẽ dừng lại. Nhà quản lý chỉ ngăn cản khi nó tác động tiêu cực rõ ràng tới nhân dân mà thôi.

Những luồng văn hóa khác du nhập vào nếu nó phù hợp và đáp ứng sự tiến bộ của nhân dân thì tự nó sẽ được chọn lọc và phát triển, nếu không, tự nó sẽ bùng lên và diệt vong. Thử lấy một vài ví dụ. Thời kỳ đầu khi văn hóa Pháp du nhập vào Việt Nam, đã có những trào lưu gọi nhau là “toa” (toi trong tiếng Pháp, nghĩa là bạn) và “moa” (moi trong tiếng Pháp, nghĩa là tôi). Thế mà, bây giờ, làm gì còn ai gọi nhau như thế nữa? Trào lưu ấy đã tự chết đi sau thời kỳ hào hứng ban đầu, vì một lẽ đơn giản, nó không phù hợp với thời đại và không phải là sự lựa chọn của nhân dân. Chẳng ai tổ chức diệt nó, mà nó vẫn cứ chết. Đó là sự lựa chọn của nhân dân. Và trong chữ nhân dân đó, có chúng mình.

- Hiện tại anh đang nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phân loại và số hóa di sản, gần đây nhất, là phân loại tự động trang sức thuỷ tinh cổ văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo và Đông Sơn của Việt Nam (dự án A3R). Trong thời gian sắp tới anh có dự định phát triển dự án gì liên quan đến văn hóa không?

+ Hầu hết những hoạt động dự án của tôi đều ít nhiều gắng liền với văn hóa. Như mọi người đã biết, là tháng trước, bộ sưu tập tranh thời kỳ Đông Dương với sự bảo trợ của Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Sắp tới, tôi hy vọng sẽ được tiếp tục quảng bá và phát triển di sản này, đặc biệt là trong việc khắc hoạ về đời sống, trang phục, cảnh quan của người dân Đông Dương. Một dự án nữa, liên quan việc áp dụng công nghệ trong văn hóa, đó là sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng và phân loại tranh của các hoạ sĩ thời kỳ Đông Dương cũng đang được thảo luận và tiến hành trong tương lai.

- Chúc những dự án của tiến sĩ sẽ gặt hái được nhiều thành công. Trân trọng cảm ơn tiến sĩ về buổi trò chuyện này.

Lê Đình Trung
.
.