(Đọc "Đề đền Sầm Nghi Đống'', thơ Hồ Xuân Hương)

Thông điệp nữ tôn, nữ quyền

Thứ Sáu, 18/03/2022, 12:03

Trong sự nghiệp thi ca của mình, nữ sĩ Hồ Xuân Hương xuyên suốt một chủ đề: Nêu cao vai trò người phụ nữ. Bà khẳng định bản ngã trí tuệ, bản ngã tình cảm, bản ngã nhân cách của đàn bà trong thông điệp nữ tôn, nữ quyền.

"Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu
".

Ta hãy trả bài thơ về thời điểm lịch sử ra đời. Mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), vua Quang Trung kéo quân vào thành Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược. Lúc đó Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống đóng đồn Loa Sơn (Gò Đống Đa) khiếp sợ đến mức đã treo cổ tự vẫn ngay tại chỉ huy sở. Sau đó dân Hoa kiều lập miếu thờ ở ngõ hẻm gần Hàng Buồm. Mấy chục năm sau, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đi qua đền và cảm tác bài thơ này. Đây là loại thơ "nhân cảnh sinh tình". Nền hiện thực khách quan chỉ là cái cớ đểtác giả bỏ ngỏ nền hiện thực tâm thế mà thăng hoa cảm hứng thi ca.

Bài thơ là một sự hòa quyện giữa: Tâm cảnh & Ngoại cảnh.

"Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo".

Tâm cảnh đã hé lộ ngay câu thơ mở đầu. Chủ thể sáng tạo & cũng là nhân vật trữ tình chỉ tiện thể "ghé mắt" thôi chứ không chủ ý nghiêm túc đến vãn cảnh. Và cách quan sát cảnh cũng bộc lộ thái độ của người quan sát, đó là "trông ngang", theo cách nói dân gian là... liếc xéo, nguýt ngoảy... Và thái độ coi thường càng tăng lên ở mức độ khinh bỉ khi nữ sĩ bồi thêm: "Kìa,đền Thái thú đứng cheo leo". Một từ "kìa" kết hợp từ "cheo leo" biểu đạt vị thế của miếu không vững vàng, đủ để hậu thế hình dung ra dáng vẻ người đàn bà Việt đang chỉ trỏ "vạch mặt chỉ tên" tướng giặc xâm lược hèn nhát, bạc nhược, chẳng có gì đáng thờ phụng. Không hẳn chỉ coi thường khinh bỉ một tên tướng bại trận, mà còn hàm ý coi thường những đấng nam nhi trong đời thường tự vỗ ngực "hiền nhân, quân tử" khi lâm sự thì bất tài,vô dụng.

Ta cảm nhận một vòng hoàn lưu khép kín của tâm cảnh & ngoại cảnh.Và đó là mạch khép kín trong tư duy nghệ thuật của tác giả :

"Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu
".

Hai câu kết vừa là lời độc thoại nội tâm của nữ sĩ, vừa là lời đối thoại với Thái thú Sầm Nghi Đống và cũng là lời thách thức với cả chế độ nam quyền đương thời.

Một tình huống giả định được đặt ra trong cặp kết cấu quan hệ từ "ví" & "thì". Một lần nữa, nữ sĩ họ Hồ tung danh thiếp "nữ tôn" trước chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ. Bà tự xưng "đây", ta đây...Tâm cảnh lộ sáng hoàn toàn, nữ sĩ xem thường bọn mang danh nam nhi mà "sự anh hùng" chỉ còm cõi thảm hại "há bấy nhiêu" ư ? Và bà dõng dạc tuyên ngôn đòi "đổi phận". Bà tự tin cuộc cách mạng "đổi phận" diễn ra thành công thì vai trò; vị thế đàn bà còn cao hơn đàn ông trong xã hội bình quyền, bình đẳng. Bởi vì phụ nữ được kích hoạt những tiềm năng về trí tuệ, sức lực, tài năng để dâng hiến cho đời.

Trong sự nghiệp thi ca của mình, nữ sĩ Hồ Xuân Hương xuyên suốt một chủ đề: Nêu cao vai trò người phụ nữ. Bà khẳng định bản ngã trí tuệ, bản ngã tình cảm, bản ngã nhân cách của đàn bà trong thông điệp nữ tôn, nữ quyền. Một nữ sĩ cách đây hơn hai thế kỷ đã dành trọn đời mình cho sáng tạo thi ca nhằm mục đích góp phần thúc đẩy sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đòi hỏi bình quyền, bình đẳng nam nữ đích thực mà nhân loại mọi thời đại quan tâm. Bởi vậy, bà đã xứng đáng với sự tôn vinh của UNESCO là DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI.

Vân Anh 
.
.