Thời Trần - Tiếng cười "giải thiêng"!

Thứ Sáu, 21/07/2023, 08:48

Dưới ánh sáng của mỹ học hiện đại người ta càng thấy rõ hơn tiếng cười gắn liền với chủ thể hướng về đối tượng cái đáng cười bên ngoài, khách thể. Là một biểu hiệu rõ nhất của tính người cũng đồng thời là nhiệt kế chính trị của xã hội, tiếng cười vang lên ở đủ các cung bậc hài hước, mỉa mai, chế giễu cái ác, cái xấu,…

Đầu thời Trần, Nho và Phật cùng tham gia quản lý xã hội, cùng được trọng dụng ngang nhau. Sách “Thiền uyển tập anh” trích câu nói nhà sư Viên Chiếu: “Trú tắc kim ô chiếu/ Dạ lai ngọc thỏ minh” (Ngày thì mặt trời soi, đêm thì mặt trăng sáng), ý nói cả Nho - Phật đều là ánh sáng soi chiếu nhân quần. Ở thời thịnh Trần có cả những tiếng cười giải thiêng Phật giáo, như chi tiết về Tuệ Trung Thượng Sỹ ghi trong các cuốn sử.

image001.jpg -0
Cảnh "đắc thú lâm tuyền...".

Khi em gái (Thái hậu) mời Tuệ Trung ăn cơm, trong mâm có thịt ông vẫn ăn bình thường, em ngạc nhiên hỏi anh đã theo Phật sao còn ăn thịt. Tuệ Trung thản nhiên đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh không muốn là Phật, Phật chẳng muốn là anh”. Cơ sở xã hội của tiếng cười không thể không tính đến yếu tố dân chủ khá rõ này. Đó còn là sự coi trọng cá tính, cái tôi cá nhân bắt đầu được chú ý, đề cao.

Lê Văn Hưu trong “Đại Việt sử ký toàn thư” (viết xong năm 1272) thể hiện rõ mục đích phê phán qua giọng châm biếm vua Lý Thần Tông: “Trời sinh ra dân, đặt cho họ một ông vua để chăn dắt họ, không phải để cho ông ta tự cung phụng mình. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có gia thất. Bậc thánh nhân thể theo lòng ấy, chỉ những lo kẻ thất phu thất phụ không được có nơi có chốn. Cho nên, trong “Kinh Thi”… khen sự trai gái lấy nhau đúng lúc và chê cảnh muộn vợ muộn chồng vậy. Vua Thần Tông xuống chiếu ra lệnh cho con gái các quan phải đợi nhà vua tuyển lựa cung nữ xong mới được lấy chồng, đó là tự cung phụng cho sướng cái thân mình, chứ đâu phải là tấm lòng làm cha mẹ dân”.

Lập luận ở mảnh đoạn này khá chặt chẽ, lấy điểm tựa là “trời”, “cha mẹ”, “thánh” tức điểm tựa đạo lý. “Trời sinh ra dân”, còn các vua phương Đông tự phong mình là “thiên tử” (con trời), thay mặt “trời” để “chăn nuôi” dân. Các bậc cha mẹ và các bậc thánh thì luôn mong con cái thành gia thất. Đó là chân lý tình cảm, là quy luật tình thương. Thế mà vua lại đi ngược đạo lý, chân lý, đi ngược lại quy luật thông thường: bắt con gái các quan phải đợi vua tuyển xong cung nữ mới được lấy chồng. Ý châm biếm bật ra: vua ích kỷ, độc ác và giả dối (đâu phải là tấm lòng cha mẹ dân). Con gái có thì, bị cấm đoán như vậy, có người lỡ cả một đời xuân…

Góp phần làm nên kỳ tích ba lần đánh thắng quân Nguyên của nhà Trần là thiên tài Hưng Đạo vương. Không chỉ là nhà chỉ huy quân sự thao lược, ông còn là nhà tâm lý kiệt xuất ở chỗ khích lệ tinh thần tướng sĩ bằng cách vật hoá kẻ thù: “uốn lưỡi cú diều”, “đem thân dê chó”, “hổ đói”. Kẻ thù hiện lên như loài vật tham lam “thoả lòng tham không cùng”, giả dối “giả hiệu Vân Nam vương”, tàn bạo “vét của kho có hạn”. Đồng thời là một tiếng cười mỉa mai châm biếm các tướng sĩ không quan tâm đến vận mệnh quốc gia mà chỉ quanh quẩn ở “sới gà chọi”, ở thú đánh bạc mua vui, ở sự vui thú điền viên “vợ bìu con ríu”... (“Hịch tướng sĩ”).

Tinh thần Học phong Đông A mạnh mẽ, lạc quan, tràn đầy ý chí cũng là cơ sở tạo nên tiếng cười mang nhiều sắc điệu của thời đại. Tiếng cười Trần Dụ Tông tự hào về tinh thần đoàn kết của triều Trần và mỉa mai sự mất đoàn kết của “thiên triều”, qua phép so sánh: “Đường và Việt lập cơ nghiệp có hai vua Thái Tông/ Vua Đường xưng Trinh Quán, vua ta là Nguyên Phong/ Kiến Thành bị giết mà An Sinh thì sống/ Miếu hiệu tuy cùng Thái Tông nhưng cái đức thì khác nhau” (Đường Thái Tông dữ bản triều Thái Tông). Cùng niên hiệu “Thái Tông” nhưng đời Đường bên Trung Hoa, vua Đường giết anh là Kiến Thành nhưng vua Trần Thái Tông của ta thì hòa giải với An Sinh Vương Trần Liễu. Ý nghĩa phổ quát của tiếng cười này khẳng định truyền thống đoàn kết của người Việt là nguyên nhân của mọi thắng lợi.

Tiếng cười thời thịnh trị mang âm hưởng vui, hài hước, đậm tinh thần “hỉ xả” của nhà Phật. Trần Nhân Tông đã có một “Cư trần lạc đạo phú” vui với lẽ đời, thuận với tự nhiên, an nhiên, tự tại còn có một “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” vui vẻ, phóng khoáng thoải mái hơn, đời thường dân dã hơn: “Đắc ý trong lòng/ Cười riêng ha hả/ Công danh chẳng trọng/ Phú quý chẳng màng…/ An bề phận khó/ Kiếm chốn dưỡng thân/ Khuất tịch non cao/ Náu mình sơn dã/ Vượn mừng hú hí/ Làm bạn cùng ta/ Vắng vẻ ngàn kia/ Thân lòng hỉ xả/ Thanh nhàn vô sự/ Quét tước thay hoa/ Thờ phụng bụt trời/ Đêm ngày hương hoả…”.

image003.jpg -0
Tranh minh họa cảnh Chu Văn An dâng "Thất trảm sớ"!

Có một chủ đề nhân văn, tiến bộ khá đậm nét trong thơ văn đời Trần là quý trọng con người. Tiếng cười mỉa của Chu Đường Anh trong “Đề Đường Minh Hoàng dục ngã đồ” là một ví dụ: “Con ngựa Ngọc Hoa đẹp lạ lùng/ Tắm xong, dắt tới trước sân rồng/ Nếu vua biết quý người như ngựa/ Đâu đến nhân dân phải khốn cùng”. Một hình thức tương phản tuyệt đối, trời vực là con ngựa và “dân”, con ngựa được đặc tả đẹp sang trọng, ở chốn sang trọng, còn “dân” chẳng thấy đâu vì đang khốn cùng trong bể khó. Tả ngựa chỉ là cái cớ để cười vua Đường nước Trung Hoa coi người không bằng con vật nên “nhân dân phải khốn cùng”. Tư tưởng này đã tạo ra những tiếng cười vui, ung dung bình thản trước dòng chảy thời gian và lẽ chuyển xoay của trời đất.

Tướng quân Trần Quang Khải đánh xong giặc thì vui với thơ: “Lâm râm mưa bụi gội hoa mai/ Khép chặt phòng thơ ngất ngưởng ngồi…/ Đảm khí ngày nào rày vẫn đó/ Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi” (Xuân nhật hữu cảm). Hình tượng “đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi” trước nay chưa được hiểu hết ý nghĩa. Không chỉ là sự hòa nhập vào tự nhiên, còn là bổ ngữ làm rõ ý thơ câu trước: Tinh thần (đảm khí) thời đuổi giặc vẫn còn nguyên!

Nhưng vẫn có tiếng cười buồn, như Trần Quốc Tảng (con thứ Trần Quốc Tuấn), có tư tưởng phản nghịch nên bị biếm chức và đày đi Tĩnh Bang (An Quảng - Quảng Ninh). Bài thơ “Phóng cuồng ca” phần nào nói lên tâm trạng này: “Vui cái vui của ta chừ cùng dòng túi vải/ Ngông cái ngông của ta chừ, khuyên giáo thập phương/ Chà chà! Giàu sang chừ, đám mây nổi/ Than ôi, ngày tháng chừ qua song/ Làm gì chừ, hoạn đồ hiểm trở/ Biết sao chừ, thói đòi viêm lương”. “Dòng túi vải” tức dòng tăng lữ, nhà thơ dùng chữ “vui” nhưng thơ thì buồn, đầy tâm trạng, đầy băn khoăn trong cái nghịch lý ở đời. Cũng là tương phản giữa “cái vui” của một tâm hồn phóng khoáng, ưa tự do với những gì phàm tục “giàu sang”, “hoạn đồ hiểm trở”, “thói đời viêm lương”.

Tiếng cười không hề nhẹ nhàng mà có gì đấy như phẫn uất, đầy trăn trở. Sau này con trai Quốc Tảng - Trần Quang Triều, còn buồn chua chát: “Tình người lúc thân sơ như hạt mưa gõ trên mui thuyền/ Thói đời khi cao khi thấp như ngọn sóng vỗ bên bờ sông” (Trên thuyền uống rượu một mình). Hình ảnh “Hạt mưa gõ trên mui thuyền” không mới nhưng cách so sánh với tình người thân sơ thì mới. Hạt mưa luôn không đều, khi mau khi thưa, khi dồn dập, lúc thoảng qua… như tình người. Câu thơ hay và gợi!

Cuối đời Trần xã hội suy vi, rõ hơn một tiếng cười mang sắc điệu mỉa mai, chán chường với công danh, bi quan với thời thế trong thơ Chu Văn An: “Giấc mộng công danh đà chán ngắt/ Thú chơi hồ hải hãy vung vênh/ Đi về đủng đỉnh chi còn luỵ/ Thẳng cánh âu bay bể rộng thênh” (Giang đình tác). Một giọng thơ hoài cổ, yếm thế: “Tấc lòng ai bảo là như tro nguội/ Nghe nói tiên hoàng thầm gạt lệ” (Miết trì).

Trần Nguyên Đán đau đời mà tự mỉa, tự cho mình vô ích vì không đem sở học cứu dân: “Mấy năm liền mùa hè bị hạn, mùa thu bị lụt/ Lúa khô mạ thối tai hại rất nhiều/ Đọc ba vạn sách mà thành vô dụng/ Đầu bạc tuổi già rồi, luống phụ lòng yêu dân” (Thơ làm ngày tháng sáu năm Nhâm Dần). Thiên tai nhiều, không có địch hoạ nhưng họa mất nước đã từ bên trong hiện ra, nỗi ưu quốc ái dân trong thơ Trần Nguyên Đán vừa như có tiếng khóc phẫn uất vừa như có tiếng cười buồn xót xa: “Muôn nước nhân dân cá vạc sôi/ Miền Đông cõi Bắc tả tơi rồi/ Thuyền về trằn trọc khôn yên giấc/ Ghé ngọn đèn câu giở sách coi” (Thơ làm trong thuyền đang về trong đêm). Sang thế kỷ XIV nhà Trần suy yếu, Chu Văn An dâng ''Thất trảm sớ'' nhưng không được chấp nhận...

Là một biểu hiện rõ nhất của thời thế và nhân thế, sắc độ và cung bậc tiếng cười là thước đo sự hưng vong một xã hội. Điều ấy thể hiện thật rõ trong văn học đời Trần! 

Nguyễn Thanh Tú
.
.