Thời Lê sơ - Những tiếng thơ trào phúng!

Thứ Bảy, 07/12/2024, 08:44

Trong “Kiến văn tiểu lục” học giả Lê Quý Đôn gọi giai đoạn đầu nhà Lê là “Lê sơ”, ngoài Nguyễn Trãi đỉnh cao, còn có nhiều tác giả văn chương khác rất đáng chú ý. Xin được giới thiệu một vài gương mặt thơ, nếu đặt trong dòng chảy văn học trào phúng của văn học trung đại, có thể coi họ ở miền thượng nguồn, ảnh hưởng trực tiếp đến “Hồng Đức quốc âm thi tập” và mãi sau này.

Lý Tử Tấn (1378-1457) cùng đỗ Thái học sinh với Nguyễn Trãi năm 1400 là tác giả phú nổi tiếng với “Chí Linh sơn phú”, “Xương Giang phú”… Nhà thơ còn sở hữu tiếng cười triết lý về cái được mất ở đời khá sâu sắc: “Trĩ ế dĩ vũ thái/ Quy chước nhân xác linh/ Tán tài tạ lương đống/ Chúc vĩ miễn hy sinh” (Chim trĩ bị giết vì có bộ lông đẹp/ Rùa bị nướng vì có cái mai quý/ Loại gỗ tạp khỏi bị xẻ làm rường cột/ Trâu cụt đuôi khỏi bị thui làm vật hy sinh - “Tạp hứng”).

Thời xưa, thường mổ trâu làm lễ tế thần nhưng phải là trâu khỏe, không bị dị tật. Nhiều chủ trâu “lách luật”, muốn giữ phương tiện cày ruộng, không muốn trâu bị giết, nên cắt cụt đuôi trâu. Bài thơ là tiếng cười giễu một nghịch lý ở đời: cái gì tốt đẹp lại thường bị làm vật “hy sinh”. Những cái gì xấu (gỗ tạp) lại sống lâu dài. Thì ra ở đời có quy luật này: những kẻ tồi, kém lại nhởn nhơ tồn tại, còn những người có tài lại hay phải “hy sinh”. Bài thơ mang màu sắc triết học có phần chua chát nói về sự thật thời nào cũng có.

image001.jpg -0
Một trường học ở Thanh Hóa mang tên vị quan thời Lê - Nguyễn Mộng Tuân.

Phải chăng thấu hiểu quy luật này mà trong thơ Lý Tử Tấn có tiếng cười buồn, mỉa mai kín đáo, như trong bài “Mạn hứng”: “Song gian dã mã kiền khôn đại/ Chẩm thượng hoàng lương nhật nguyệt trường/ Lộng xảo đồ lao xà hữu cước/ Hoành hành thùy ngộ giải vô tràng” (Ngồi tựa cửa sổ ngắm cảnh ngựa lồng mà tưởng trời đất lớn/ Nằm kê gối mộng kê vàng mà nghĩ ngày tháng dài/ Khéo vẽ rắn thêm chân làm gì cho mệt/ Ai lạ gì loài cua bò ngang là không có ruột). “Mộng kê vàng” là điển tích quen thuộc nói về thời gian trôi nhanh, kể Lư Sinh ngủ ở quán trọ nằm mơ được sống đời làm quan 18 năm phú quý rồi mất chức, tỉnh dậy nồi kê vẫn chưa chín. Ý nói đời người ngắn ngủi, vinh hoa phú quý chỉ là giấc chiêm bao, thế nên cần tôn trọng quy luật của tự nhiên: đừng vẽ rắn thêm chân…

Tác giả Nguyễn Phu Tiên tựa vào những điển tích để viết “Phú ngọc lành đợi giá” đậm tinh thần mỉa mai: “Biện Hòa nước Sở nín hơi, không dám khóc vì ngọc “Kinh phác”/ Tương Như nước Triệu rụt tay không dám dâng khối ngọc “Liên Thành”…/ Lòng tin là ngọc quý đời thịnh/ Giúp cho thiên hại thái bình/ Bỏ mất nó là nhục/ Giữ được nó là vinh”. Tích Biện Hòa nước Sở thời nhà Chu bắt được viên ngọc quý có tên “Kinh phác” bèn dâng lên vua Lệ Vương. Vua cho là ngọc giả bèn chặt chân trái. Lại đợi dâng vua Vũ Vương liền bị chặt chân phải. Phải đến lần ba dâng tới vua Văn Vương mới được coi là ngọc thật. Ý thơ châm biếm cay đắng những kẻ xu nịnh sẵn sàng hy sinh cả thân mình cho “vua”. Còn là cái ý ngọc quý phải vào tay người biết dùng, nếu không có thể dẫn đến sự chết người. Lại có tích Tương Như nước Triệu đem ngọc quý “Liên thành” sang nước Tần đổi thành, thấy Tần tráo trở liền tìm cách đem ngọc về. Cả hai điển tích răn dạy niềm tin ở đời là quý giá nhất, hơn cả ngọc.

Khác với nhiều nhà thơ còn tư tưởng hoài tiếc nhà Trần không chịu hưởng ứng chiếu “Kêu gọi hiền tài” của Lê Thái Tổ, Nguyễn Thiên Túng rất có ý thức nhập thế. Tiếng cười lạc quan trong thơ ông như khẳng định, khích lệ mọi người hòa nhập vào đời sống mới: “Giọng hót Triệu Cao/ Giọng người xu mỵ/ Hiền ác rủ rê/ Hoặc cười hoặc bỉ/ Thói đời đen bạc, há đáng bĩu môi/ Cơ hội nghìn năm, gặp đời thịnh trị” (Phú gà gáy sáng).

Triệu Cao thời Tống nổi tiếng nịnh hót. Thừa tướng Cửu Trụ thăm phong cảnh nói cảnh đẹp, chỉ thiếu tiếng chó sủa, gà gáy. Quả lúc sau có tiếng chó sủa, tiếng gà gáy cất lên trong bụi cây. Thì ra là tiếng Triệu Cao bắt chước. Ý thơ muốn nói, “đời thịnh trị” này thì không có Cửu Trụ nên cũng chẳng cần những Triệu Cao. Gặp “cơ hội nghìn năm” tốt đẹp, các văn nhân, hiền tài hãy như “gà gáy sáng” mở ra những không gian ấm áp, tốt lành.

Cùng với giọng lạc quan này, thơ Chu Tam Tỉnh kêu gọi nhân thế sửa mình bỏ cái cổ hủ theo cái tân tiến, hợp thời: “Nay lại đến Đoan Ngọ/ Đầu óc ngày lớn khôn/ Lẽ người chừng biết đủ/ Cớ chi thói đua đòi/ Chỉ tự mình theo cổ/ Rượu không dầm xương bổ/ Cửa không treo ngải hổ/ Cần gì tắm chậu lan/ Cần gì buộc dây đỏ/ Ngay lòng để sửa mình/ Không thẹn với vũ trụ/ Nếu không được như vậy/ Ích chi điều phù chú/ Lặt vặt khéo bày trò/ Theo chi những thói hủ” (Thơ làm trong Tết Đoan Ngọ). Bài thơ cho thấy phong tục Tết Đoan ngọ cách nay 600 năm: uống rượu dầm xương bồ (một loại cỏ quý); treo ngải hình con hổ; tắm chậu lan; buộc dây đỏ. Nhưng với nhà thơ, đó chỉ là “thói hủ”. Một quan niệm mới mẻ như vậy cho thấy ý thức đổi mới, phá cách đáng quý của nhà thơ.

Nguyễn Thiên Tích (1404-1466) là một tài năng được trọng dụng dưới triều Lê Thái Tông, thời Nhân Tông bị mất chức, đến thời Thánh Tông lại được phục chức. Năm 1434 ông làm Phó sứ sang Trung Quốc. Hình như vì sự chìm nổi ấy mà tiếng cười này chua chát, có phần cao ngạo: “Nửa đời nhọc lòng đọc năm xe sách/ Vẫn cứ giỏ cơm, bầu nước cũ, nếp sống cũ/ Nực cười đường công danh như cảnh đàn bà xếp giấy/ Thật đáng sợ con tạo như đứa trẻ chơi cát” (Mạn cảm). Mỉa mai đường công danh như đàn bà, tức đáng coi thường, hơn thế, lại như đàn bà xếp giấy (công việc vặt vãnh, hèn hạ) thì thật đáng khinh. Mỉa mai cả tạo hóa như trẻ con với những trò chơi tầm thường nhất.

image003.jpg -1
Lời giới thiệu về Nguyễn Thiên Tích, người được trọng dụng dưới triều vua Lê Thái Tông.

Thơ Nguyễn Húc (1379 - 1469) thiên về phong cách miêu tả hiện thực, phê phán, châm biếm những cảnh “ăn trên ngồi trốc”, xa hoa, coi thường dân nghèo. Là người yêu nước, năm 1418 Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, Nguyễn Húc mang toàn bộ quân gia hưởng ứng được Lê Lợi phong làm Phó tướng, chịu trách nhiệm trấn giữ miền Đông Bắc. Kháng chiến thắng lợi ông làm quan Tri phủ Bắc Ninh. Đây là tiếng cười hai chiều: mỉa mai những kẻ vô cảm nơi phồn hoa; thương cảm người dân lao động lam lũ: “Tràng An quý tộc bao người/ Nghênh ngang xe ngựa vang trời nhạc rung/ Áo bào khoác đã ung dung/ Trời mưa mình lại nép trong áo dầu/ Cao lương mỹ vị đủ điều/ Lại khinh những kẻ rau dưa tục tằn” (Than cảnh gió mưa). Tiếng cười hiện thực hiếm hoi này rất cần được nghiên cứu thêm.

Phan Huy Chú trong“Lịch triều hiến chương loại chí”, nhận xét về nhà thơ ẩn dật Lý Tử Cấu có “phong cách trong sạch, tiết tháo cao thượng”. Đậu Thái học sinh đời Hồ nhưng không ra làm quan; giặc Minh sang xâm lược thì đi ẩn; Lê Thái Tổ lên ngôi, cũng từ chối làm quan, Lý Tử Cấu được người đời kính trọng vì không màng danh vọng. Tiếng cười này gần với tiếng cười Nguyễn Húc, thường răn đời, hướng sự mỉa mai vào tính bạc bẽo của những gã đàn ông phụ bạc: “Nghe bọn trẻ ranh cám dỗ/ Chạy vạy chợ búa buông tuồng/… Nhìn đĩ rạc chạy quanh đường phố/ Ngắm mày xanh mê mẩn tấc lòng/… Bỏ vợ cũ chạy theo nàng trẻ đẹp/ Thích giàu sang quên bạn cũ bần cùng/ Rút cục sống theo phường có hại/ Để chí mòn. Khí tổn trống không…” (Phú ba người bạn quý).

Nguyễn Mộng Tuân (1380 -?) làm quan cả ba đời vua đầu thời Lê. Là nhà thơ nhập thế, tiếng cười Mộng Tuân mang tính thời đại, rất đáng được chú ý. Phong cách mỉa mai trong bài “Hàm Tử quan” tinh tế, khác lạ: “Quan Thượng tướng nhà Trần đúng là nòi rồng/ Chức Thiêm văn của nhà Hồ quả là gan chuột/ Cọc gỗ lớn chôn dưới sông, cỏ mùa xuân xanh thẳm/ Đầu lâu giặc gào dưới trăng, nước triều lạnh lẽo”. “Chức Thiêm văn của nhà Hồ” chỉ tướng quân Hồ Đỗ được Hồ Quý Ly sai trấn giữ Hàm Tử nhưng bị giặc Minh đánh tan. Khác hẳn “Thượng tướng nhà Trần” Trần Quang Khải. Phép đối “nòi rồng”/ “chuột nhắt” càng làm rõ tính chất hai triều đại mạnh yếu đối lập nhau. Giặc Minh còn bị mỉa mai đau đớn hơn: “Đầu lâu giặc gào dưới trăng, nước triều lạnh lẽo”…

Tại sao thời kỳ này tiếng cười đa dạng hơn tiếng cười trong “Hồng Đức quốc âm”? Phải chăng đây là lúc giao thời của ba triều đại: nhà Trần đã mất; nhà Hồ vừa tan; nhà Lê mới lập. Mà với những “kẻ sĩ” thì luôn nhạy cảm và chưa gột rửa hết tâm lý hưởng lộc vua phải thờ vua nên còn nhiều nghi ngại, lưỡng lự, băn khoăn. Những điều ấy trăn trở vọng vào tiếng cười - như là “cần ăngten” thu nhận những tần số văn hóa của xã hội, thời đại. Tiếng cười là “nhiệt kế” của thời tiết chính trị, là như vậy!

Nguyễn Thanh Tú
.
.