Thơ và thi nhân
Sáng tác thơ là một cuộc chơi trí tuệ. Diễn trò từ khoái cảm của cái tôi bản thể, từ chất liệu đa tầng của cuộc sống hay khuynh hướng tạo sinh, khiêu khích với những con chữ... đều tạo nên sự đa dạng, phong phú cho thi ca. Mỗi thi sĩ có một “cách thế” chơi.
1. Trong tập "Thơ đến từ đâu", trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng về công việc làm thơ, Thanh Thảo cho rằng: “Thơ là chơi hơn là làm việc, nhưng cái chơi này nhiều khi tóe máu, chứ chả chơi!”. So với các loại thể khác, xem chừng thơ có vẻ dễ dãi, nhẹ nhàng hơn. Thực chất, đó là một cuộc chơi đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa trí tuệ và cảm xúc.
Nếu chạy theo lạ hóa thơ, nhiều khi vô tình “giết chết” cảm xúc. Nếu nghiêng hẳn về cảm xúc, thơ thiếu sức nặng của trí tuệ. Do vậy, đổi mới thơ là nhu cầu thiết thực hàng đầu. Vì ý thức làm mới thơ luôn là nguồn động lực tự thân, cổ vũ tinh thần sáng tạo cho thi sĩ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thơ dung nạp vào nó mọi vấn đề của xã hội, từ cao thượng xuống thấp hèn, từ trung tâm ra ngoại vi. Tuy nhiên, dù là chủ đề nào, thơ phải hay, phải thực sự sống động, phải tuôn chảy từ chính trái tim của thi sĩ.
Định nghĩa thế nào là một bài thơ hay là điều bất khả. Mỗi thời kì, mỗi giai đoạn, mỗi trào lưu, đều có những quan niệm khác nhau về thơ. Bản thân mỗi người cũng có những tiêu chí đánh giá khác nhau. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận hai phần kiến tạo sinh thể bài thơ: thể xác (ngôn từ, hình thức nghệ thuật) và linh hồn (nội dung, cảm xúc). Hai phần này bao giờ cũng gắn bó, tương tác qua lại. Vậy, có những bài thơ hay song chỉ có thể cảm nhận là hay mà không thể lý giải được vì sao hay?
Để đánh giá thơ, đòi hỏi người đọc ít nhiều phải có: kiến thức, trí tuệ, năng lực thẩm bình, sự nhạy cảm, tinh tế, tính đồng sáng tạo,… Nhưng không phải được trang bị nhiều thứ là có thể cắt nghĩa thơ. Ví dụ, dạng thơ kỳ bí, lạ hóa thường được thi sĩ mã hoá theo quan niệm mỹ học mới (đôi khi người đọc chưa tiếp cận được hoặc còn khá lạ), thậm chí còn đẩy vào đó chiến lược “phì đại” ngôn ngữ, vì thế, đòi hỏi người đọc cần chú ý những điểm mà bài thơ ám ảnh, dừng lại ngẫm ngợi, rồi dùng tư duy trừu tượng cảm nhận cõi giới tinh thần độc đáo ấy. Theo tôi, đó cũng là một cách cảm nhận cái hay, cái khác của dạng thơ “kỳ bí”. Bởi lẽ cái đẹp, cái hay của nghệ thuật thường không đơn thuần ghi nhận ở sự minh bạch, hữu hình mà ghi nhận ở sự ấn tượng, mê hoặc, vẫy gọi.
Nói về thơ hay, Nguyễn Đức Tùng khẳng định với nhà thơ Thanh Thảo: “Thơ hay chưa chắc đã phải là vấn đề cuối cùng duy nhất đâu anh ạ. Mối quan hệ giữa cái mới và cái hay rất phức tạp. Có cái mới mà không hay, và chắc chắn sẽ không hay, có cái mới chưa hay, nhưng sẽ hay, có cái mới mà ngay lập tức đã hay”.
Thi sĩ là người luôn khao khát khám phá và mô tả cái tôi, biến nỗi niềm riêng tư của chính mình thành nguồn cảm hứng sáng tạo. Khi nỗi niềm ấy chuyển hóa vào thơ, nó không còn là khoái cảm riêng của thi sĩ nữa mà đã trở thành khoái cảm chung của toàn nhân loại. Nhưng để thơ lan tỏa sức hấp dụ, trở thành nguồn khoái cảm của nhân loại, thi sĩ phải là người biết tìm ra lối viết riêng. Nỗ lực kiếm tìm lối viết riêng chính là nỗ lực kiếm tìm cái mới.
Ở góc độ này, cái mới liên quan đến sự tồn tại và khả năng diễn giải, điều tiết của cái tôi. Ý thức khước từ, đả phá cái cũ đã có trong bản thân mỗi thi sĩ chứ không phải chắp nhặt từ bên ngoài. Cái mới là cái nảy sinh từ bên trong cái tôi bản thể của mỗi thi sĩ, cho nên, cách thức tạo cái mới cũng không ai giống ai. Như vậy, cái mới thể hiện ở sự viết và những ý tưởng mà thi sĩ chuyển tải trong đó. Cái mới đạt đến cái hay thì nó phải tạo được ấn tượng, hứng thú với độc giả. Cái hay lại đòi hỏi hay cả về nội dung lẫn hình thức.
Vậy, giữa cái mới và cái hay, cái nào là ngọn, cái nào là gốc? Cái hay có phải chắc chắn là cái mới không? Có cái hay không mới, thậm chí cũ thì sao? Không những thế, đánh giá cái hay, cái mới còn tuỳ thuộc vào thị hiếu của từng giai đoạn. Có thể giai đoạn này là hay là mới, nhưng ở giai đoạn sau, cái hay, cái mới ấy lại không còn hay, không còn mới nữa.
Quả đúng vậy, khó có thể rạch ròi tiêu chí giữa cái hay và cái mới. Hiện thực đi qua trái tim của thi sĩ, hiện thực ấy đã bị quy chiếu, ảnh hưởng bởi những rung chấn của anh ta. Hay nói cách khác, cảm xúc quyết định vận mệnh sản phẩm mà thi sĩ thiết kế. Cái hay, cái mới thực chất như hai mặt của một tờ giấy, đều được kiến tạo từ chính thế giới tâm hồn, sự thận trọng về mặt ngôn từ của thi sĩ, và những tác động từ phía độc giả.
2. Tại sao nhà thơ muốn “được buồn”? Tại sao thơ lại chọn nước mắt? Lẽ thường, con người luôn có nhu cầu an lành, êm ấm. Với thi sĩ thì ngược lại. Vui chung buồn riêng. Nỗi buồn vốn dĩ là một dạng thức vô hình, nên chạm vào nỗi buồn một lần hay chạm thêm nhiều lần nữa, chắc gì tường tận, khám phá hết được các chiều kích và cung bậc của nó.
Nói như vậy để thấy nỗi buồn luôn bí ẩn và có sức cuốn hút lạ lùng với người nghệ sĩ. Nỗi buồn mang đến những biểu cảm dạt dào cũng như ma lực hấp dẫn của ngôn ngữ. Khoảng cách vừa gần lại vừa xa của nỗi buồn có khả năng thiết kế vũ điệu tâm hồn thi sĩ. Chỉ ở những điểm đau, nút thắt tê tái, buốt xót thì thơ mới có độ lan tỏa, tác động mạnh đến người đọc. Trong tận cùng cô đơn, tuyệt vọng, nhà thơ mới thực sự vật lộn kịch liệt với cái tôi để truy tìm bản thể. Và cũng chỉ có con đường này, nhà thơ mới đối diện trọn vẹn nhất cái tôi của chính mình, không bị trộn lẫn giữa nghìn trùng cá thể, mới phát tiết cái riêng, cái lạ, cái độc.
Như thế, ý thức bản thể lớn chừng nào thì sáng tạo thăng hoa chừng đó. Nỗi buồn, nỗi cô đơn, do vậy, là đặc ân, món quà vô giá mà tạo hóa trao tặng cho người nghệ sĩ. Cô đơn để viết. Trên vùng-đất-tâm-hồn không có một vết dấu của ai khác ngoài sự suy ngẫm và tưởng tượng của bản thân người nghệ sĩ. Vậy, viết để “đùa nghịch với bóng tối và sự vắng vẻ đầy thanh khiết” chính là một khoái thú hết sức đặc biệt của người nghệ sĩ trong hành trình tìm cái mới và cái hay.
Cảm xúc, liên tưởng khác nhau hình thành những bài thơ khác nhau. Nếu phơi cảm xúc một cách lộn xộn, ắt gây tổn hại đến giá trị, hiệu ứng thẩm mỹ của thơ. Cảm xúc cần sắp xếp, tạo khối vững chãi. Khối vững chãi ấy là thi tứ. Do đó, một trong những yếu tố làm nên sự khác nhau, đánh giá mức độ cái hay, cái mới của bài thơ còn tùy thuộc vào cách lập tứ. Thi tứ quyết định chất lượng bài thơ và tài năng của người nghệ sĩ. Sự kết hợp “đắt” giữa ý tưởng, cảm xúc, hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu,... đảm bảo những bài thơ hay, độc đáo, ấn tượng.
Người đọc không nên lấy một khuynh hướng sáng tác nào làm tiền đề đánh giá thơ. Mỗi thi sĩ đều có cách diễn đạt, tư duy khác nhau, miễn thơ làm ra hay, thể hiện được giá trị sống và giá trị người. Thơ hay là thơ xếp chồng cảm xúc của thi sĩ lên cảm xúc của mọi người, rồi tiếp tục sóng đôi sự rung chấn ấy lên bạn đọc. Nhờ thế, nhu cầu và khát vọng nhân sinh trong thơ mới được trừu xuất một cách thẩm mỹ. Lúc này, sự không tách rời giữa tính nhân sinh và tính thẩm mỹ là thước đo sáng tạo, tiêu chí minh định cái hay của thơ.
Hệ lụy đời sống cho thi sĩ cách sống thật. Sống thật mới viết thật. Những cảm xúc, cảm hứng xuất phát từ trái tim nóng hổi, tha thiết với người, rung động với đời mới đạt đến hiệu lực của nghệ thuật quyến rũ, nghệ thuật cấp cao. Chỉ trong thế giới thi ca, thi sĩ mới biết ràng buộc mình trong cuộc đày ải vô cùng của trí tuệ, biết thiết tạo vân gỗ riêng, kích thích sự đọc, năng lực tưởng tượng của độc giả. Dù rằng thi ca không phải là phương thuốc diệu kì để giải quyết hay chấm dứt những xô bồ, hỗn độn của thế giới, nhưng thi ca sẽ mải miết cuốn thi sĩ vào hành trình kiếm tìm giá trị thi ca và giá trị cuộc đời.