Thơ trào phúng dự phần chống tiêu cực

Thứ Sáu, 13/01/2023, 15:46

Chống tiêu cực, chống tham nhũng, chống lãng phí bây giờ rất được xã hội quan tâm nhưng từ lâu đã là một đề tài thú vị của thơ trào phúng. Chống tiêu cực cần có chí khí trong đời thường. Chống tiêu cực còn cần có thêm tài năng trong nghệ thuật.

Chống tiêu cực bằng tiểu thuyết thì văn chương Việt Nam chưa có được những tác phẩm chấn động mà nước bạn Trung Quốc từng có như "Bí thư tỉnh ủy", "Đoàn xe cơ quan", "Tiểu nhân đắc chí"... Thế nhưng, chống tiêu cực bằng thơ trào phúng thì công chúng đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều nhà thơ tiêu biểu. Với một dân tộc ưa chuộng thi ca như Việt Nam, thì thơ cũng là một phương tiện để phô diễn tiếng cười.

anh 1 tu xuong.jpg -0
Ký họa chân dung nhà thơ Tú Xương.

Và trong thể loại thơ trào phúng, có một dòng chảy chuyên trị… tiêu cực. Theo thói quen mũ cao áo rộng trang nghiêm, nhiều nhà nghiên cứu đã vô tình xếp thơ chống tiêu cực vào hàng… chiếu dưới, dù giá trị đích thực của nó không thể nào phủ nhận.

Tú Xương tên thật Trần Tế Xương (1870-1907) có thể xem như một bậc thầy thơ trào phúng. Tú Xương chứng kiến những nhiễu nhương mà thực dân Pháp gieo rắc trên quê hương mình và chọn thơ trào phúng làm vũ khí. Tú Xương mỉa mai những viên cảnh sát làm tay sai cho kẻ đô hộ "Hà Nam danh giá nhất ông cò/ Trông thấy ai ai chẳng dám ho/ Hai mái trống tung đành chịu dột/ Tám giờ chuông đánh phải nằm co/ Người quên mất thẻ âu trời cãi/ Chó chạy ra đường có chủ lo/ Ngớ ngẩn đi xia may vớ được/ Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to".

Đồng thời, Tú Xương nhìn thấy tờ giấy bạc thời Pháp thuộc gọi là "rồng xanh" tác oai tác quái trên quan trường, nên châm biếm chiêu trò bầu cử xảo trá: "Lẳng lặng mà nghe họ diễn thuyết/ Công tâm, công ích, lời tâm huyết/ Phen này mở hiệu viết văn thuê/ Dẫu chẳng làm giàu cũng đỡ kiết/ Họ quẳng tiền ra để cạnh tranh/ Nghe đâu mỗi vé một "rồng xanh"/ Phen này có lẽ mưa ra bạc/ Mà nghị viên ta khỏi phỗng sành".

Tuy không lừng lẫy bằng Tú Xương, nhưng Phan Điện (1874-1945) cũng có những

câu thơ trào phúng rất thấm thía. Trước chuyến công du của vị vua bù nhìn Bảo Đại đến vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh khiến công chúng theo sự sắp xếp của quan lại địa phương phải chen lấn cung nghinh như xem hội, Phan Điện có bài "Vì ai?" rất đáo để: "Xiếc vùng Đức Thọ có vui không?/ Cóc nhái hôm nay được thấy rồng/ Gái đạo phát tài cười tủm tỉm/ Trai lương phải tội chạy long đong/ Mề - đay xiết kể ơn hoàng thượng/ Tường đổ thương thay lũ tiểu đồng/ Đố biết vì ai nên nỗi thế/ Vì quan sở tại khéo tâng công".

Ở xứ Huế cũng có một nhà thơ trào phúng là Nguyễn Khoa Vy (1881-1968), thường dùng bút hiệu Thảo Am. Vào giai đoạn vua Thành Thái trị vì, Nguyễn Khoa Vy bất bình trước tình trạng quan lại triều đình học đòi nói tiếng Pháp trong các cuộc gặp gỡ dân chúng. Vì vậy, khi có dịp được mời ứng tác trước mặt vua Thành Thái, thi sĩ Thảo Am đã có bài "Không đề" nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu cay: "Đang nghịch không ngờ lại gặp vua/ Còng lưng mà chạy rớt càng cua/ Bây giờ lại được vua ban thưởng/ Cảm tạ đâu nào dám bonjour". Cái ngụ ý "cảm tạ" của người Việt khác với "bonjour" của người Pháp, được kết nối giữa thái độ "đâu nào dám" khá đắc địa.

Cũng trong giai đoạn Pháp thuộc, thơ trào phúng cũng được nhiều nhân sĩ ở miền Nam trưng dụng. Phan Văn Trị (1830-1910) có bài "Hát bội" bóc trần bộ mặt thảm hại của đám Việt gian chuyên nghề nịnh hót quan chức Pháp: "Đứa ghẻ ruồi, đứa lác voi/ Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi/ Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi/ Trên đỉnh có nhà còn lợp lọng/ Dưới chơn không ngựa lại giơ roi/ Hèn chi chúng nói bội là bạc/ Bôi mặt đánh nhau cú lại thoi".

Tương tự, Học Lạc (tên thật Nguyễn Văn Học, 1842-1915) cũng có nhiều bài thơ trào phúng được nhân dân truyền tụng. Trong đó, đáng kể nhất là bài thơ "Ông làng hát bội" chỉ mặt những phường khom lưng quỳ gối nhận bổng lộc của kẻ đô hộ xử sở mình: "Trong bụng trống trơn, mang cổ giữa/ Trên đầu trọc lóc, bịt khăn ngang/ Vào buồng gọi tổ, châu đầu lạy/ Ra rạp rằng con, nịt thắt mang".

Thơ trào phúng chưa bao giờ được xem như một dòng chảy chủ lực trong văn chương nước ta. Xen canh giữa thơ trữ tình, vài nhà thơ cũng vun trồng thêm dăm tác phẩm trào phúng. Thậm chí, chất trào phúng đôi khi trưng trổ giữa những vần điệu nhịp nhàng yêu đương. Những tác giả suốt đời theo đuổi thơ trào phúng và thành công với thơ trào phúng, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

anh 2 tu mo.jpg -0
Ký họa chân dung nhà thơ Tú Mỡ.

Nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976) có tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Ông lấy bút danh Tú Mỡ đã là một thái độ hài hước, để đối trọng với Tú Xương (1870-1907). Trong thơ Tú Mỡ có đôi lần cũng mô phỏng giọng điệu Tú Xương, như: "Lẳng lặng mà nghe họ diễn thuyết/ Công tâm, công ích, lời tâm huyết/ Phen này mở hiệu viết văn thuê/ Dẫu chẳng làm giàu cũng đỡ kiết". Bài thơ chống tiêu cực tiêu biểu nhất của Tú Mỡ là "Các ông nghị đi xem đồn điền di dân" với sự mỉa mai: "Đi xem công cuộc di dân/ Hẳn nhìn mọi sự bội phần lớn to/ Khi về nhớ… bữa say no/ Ghi lòng tạc dạ tái bò chả dê".

Cũng có tinh thần như Tú Mỡ, nhà thơ Xích Điểu (Nguyễn Văn Tước, 1910-2003) suốt đời chỉ dùng ngòi bút để đả kích những thói hư tật xấu gây hại cho nhân gian.

anh 3 xích dieu.jpg -0
Ký họa chân dung nhà thơ Xích Điểu.

Tập thơ "Cướp cũ, cướp mới" của Xích Điểu đáng được xưng tụng là tác phẩm xuất sắc trong nền thi ca chống tiêu cực. Nhà thơ Xích Điểu mạnh dạn "Chống tiêu cực làng ta" vào năm 1986: "Tưởng đâu thuở trước bọn văn nô/ Rơi rớt thời nay vẫn sót lò/ Anh bảo bút đây vì tập thể/ Thật ra bút bợ cá nhân to/ Bút bic anh xài đỏ đỏ đen/ Tô màu thành tích nỏ cần xem/ Chỉ cần đối tượng anh tâng bốc/ Luôn nhớ anh bằng những tiếng khen…".

Từ năm 1988, nhà thơ Xích Điểu đã nhìn ra… lợi ích nhóm, nên ông có bài thơ "Nhắm thẳng ô dù mà đánh" rất đanh thép: "Hãy nhắm thẳng ô dù mà chích/ Khẩu hiệu xưa đổi lệch ba từ/ Bởi nay tiêu cực dường như/ Giặc ngoài xâm lấn phá hư long người/ Vốn gia trưởng lại ngồi cao thế/ Thích bao che mấy kẻ cận thần/ Để rồi ban phước, tri ân/ Một lời phán gọn, chẳng cần đúng sai/ Một chữ ngoáy hơn bài chiếu chỉ/ Dưới gườm trên triệt để tuân theo…/ Xảy sự cố gian tình đổ bể/ Trước mắt tinh tập thể soi vào/ Tránh nguy giở ngón nhảy rào/ Tức thì chạy núp bóng cao ô dù…/ Gọi ông chức trách riêng bàn/ Chớ vì khe khắt chẳng màng công lao/ Hãy chú trọng đề cao ưu điểm/ Không "giáo điều"; theo quyển luật chung/ Cốt sao êm ấm ngoài trong/ Xử theo nội bộ mà không gây phiền/ Ra quyết định hất lên một cấp/ Tuy có hơn nhưng khuất mắt người/ Vậy là vẹn cả đôi nơi/ Cơ quan cũng ổn, miệng đời cũng yên".

Kế tục chí hướng của tiền bối, nhà thơ Dương Huy (tên thật Phan Duy Hương, sinh năm 1939 tại Nghệ An, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam) cũng miệt mài dùng thi ca đối đầu với tiêu cực. Qua thơ trào phúng, nhà thơ Dương Huy phát hiện: "Lẳng lặng mà nghe họ phê bình/ Xuề xòa, nịnh bợ kiểu em- anh/ Giống như đôi lứa ngồi tâm sự/ Đâu phải luyện rèn với đấu tranh" nên ông truy vấn "Khuyết điểm lang thang" vì lẽ gì: "Khuyết điểm chạy nháo chạy nhào/ Gõ cửa ông nào cũng bị tống ra/ Đầu tiên tìm đến ông A/ Ông A trợn mắt: Mày là đứa mô/ Ông Ba ngoắc kính cận vô/ Tao làm gì có thứ dơ như mày/ Ông C đóng sập cửa ngay/ Ông D khôn khéo chỉ tay lên trời…/ Khuyến điểm tìm ngược tìm xuôi/ Cuối cùng đành chịu sống đời lang thang".

Thơ trào phúng là một bộ phận không thể tách rời của văn chương Việt Nam. Lấy tiếng cười để chống tiêu cực cũng đã xác lập nhiều tác giả đáng trân trọng. Qua cuộc điểm danh sơ lược này, công chúng cũng có thể hiểu được tình cảm và khí chất của những nhà thơ biết cười và dám cười vào những hiện tượng méo mó xung quanh một cách hài hước và tinh tế. 

Tâm Huyền
.
.