Thơ Thiền Lý Trần – Nhìn từ liên văn hóa!
“Liên văn hóa” (Intercultural) – hướng nghiên cứu mới của thế giới đề cao tính đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm bổ sung cho nhau những tri thức để tạo ra các giá trị mới. Như cây xanh tỏa chùm rễ khỏe khoắn tới nhiều miền đất văn hóa còn cành lá quang hợp, hô hấp ánh sáng, không khí tâm hồn, tính cách bản địa rồi kết thành những trái tác phẩm giàu có ý nghĩa, “liên văn hóa” thơ Thiền Lý Trần là một trường hợp tiêu biểu.
Thiền tức “thiền na” được Hán văn phiên âm từ chữ “Dhyana” của ngôn ngữ “Sanserit” hay chữ “Jhana” của ngôn ngữ “Pali” (Ấn Độ) chỉ một pháp môn tu tập của phái “Du già” (Yoga) Ấn Độ cổ. Để tập trung tư tưởng, các đạo sĩ thường ngồi nghiêm trang, ngay ngắn dưới gốc cây. Thích Ca là người cải biến lối tu tập này thành “thiền na” kết hợp trí tuệ và thiền định. Thời Trần ở ta có “Thiền phái Trúc lâm Yên Tử” là kết quả của sự tiếp biến văn hóa Phật giáo để có những đặc điểm riêng rất quý: “Vô ngã vị tha” (lấy tâm thiên hạ làm tâm mình); tư tưởng nhập thế (giúp nước giúp dân)...
Khác với “Kệ” thiên về bình giảng lý thuyết Phật giáo, thơ Thiền là thơ của các nhà sư hoặc người hiểu Phật giáo dùng hình ảnh ngôn ngữ nhà Phật làm thành thơ để nêu một triết lý, bài học, cảm xúc, tâm trạng Thiền. Đặc trưng của thơ Thiền Lý Trần, nhìn từ liên văn hóa, là sự “hỗn dung”, hội tụ, kết tinh từ các mạch nguồn là văn hóa Việt với “Tam giáo đồng nguyên” Nho, Phật, Lão. Các tư tưởng triết học lớn luôn gặp nhau. Lại gặp gỡ ở xứ Việt có truyền thống yêu con người, yêu hòa bình, nhân ái nên các tư tưởng tự trừu xuất những điểm cực đoan để tương giao nhau trong một cơ thể văn hóa.
Dưới sự quy chiếu của văn hóa bản địa, tinh thần “cứu độ” của Phật giáo giao thoa với “hòa quang đồng trần” (hòa ánh sáng cùng cát bụi) của Đạo giáo, với chữ “nhân” (yêu thương con người) của Nho giáo để cùng làm nên nét tư tưởng mang tính bản sắc Việt. Điều này tạo cơ sở cho xu hướng thế tục hóa như một đặc trưng cơ bản của các tôn giáo. Ngược lại, càng thế tục hóa các tôn giáo càng xích lại gần nhau.
Trong sách “Thiền uyển tập anh” có trích câu nói nhà sư Viên Chiếu: “Trú tắc kim ô chiếu/ Dạ lai ngọc thỏ minh” (Ngày thì mặt trời soi/ Đêm thì mặt trăng sáng), ý nói cả Nho, Phật đều là ánh sáng soi chiếu nhân quần. Đáng chú ý là mặc dù có tiếng nói uy tín trong xã hội nhưng hai tôn giáo này không bị áp dụng cứng nhắc chứng tỏ một tinh thần dân chủ trong xã hội khá cởi mở.Vẫn trong “Thiền uyển tập anh” có chép sự tích các cao tăng nhưng vẫn có giọng văn đùa vui.
Chuyện kể vua Lý Nhân Tông sai thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền bắt hai con tắc kè không được kêu nữa. Đạo sĩ niệm thần chú bắt một con phải rơi xuống đất. Giác Hải “thiền” nhìn vào con còn lại, kết quả nó cũng rơi xuống. Vua phục quá bèn làm bài thơ: “Giác Hải tâm như hải/ Thông Huyền đạo diệc huyền/ Thần thông kiêm biến hoá/ Nhất Phật, nhất thần tiên”. Bài thơ ngắn, giản dị, dễ hiểu phù hợp với cái ý vui vẻ khen ngợi cả hai vị thật tài năng.
Dĩ nhiên chả có chuyện niệm chú hay “thiền” bắt tắc kè rơi nhưng ý nghĩa về cái thời cả Phật cả Đạo được coi trọng ngang nhau và hai đạo hoà đồng với nhau là có thật. Ở thời thịnh Trần có cả những tiếng cười giải thiêng Phật giáo, có thể dẫn ra chi tiết về Tuệ Trung Thượng Sỹ có trong nhiều cuốn sử. Khi em gái (Thái hậu) mời Tuệ Trung ăn cơm, trong mâm có thịt ông vẫn ăn bình thường, em gái ngạc nhiên hỏi, anh đã theo Phật thì ăn thịt sao thành Phật được. Tuệ Trung thản nhiên đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh không muốn là Phật, Phật chẳng muốn làm anh”. Cơ sở xã hội của tiếng cười thời Trần không thể không tính đến yếu tố dân chủ đáng quý này. Đó còn là sự coi trọng cá tính, cái tôi cá nhân bắt đầu được chú ý, đề cao.
Như vậy, trước khi tạo ra một “liên văn hóa” trong thơ Thiền thì xã hội thời Lý Trần đã có một “liên văn hóa” giữa các tôn giáo cũng là các triết học! Thế mà đến nay vẫn còn ý kiến lạc lõng khi cho rằng văn hóa phải tách rời với chính trị. Họ không biết rằng từ thời Lý, các thiền sư vừa tu luyện Phật pháp vừa nhiệt tình tham gia chính sự. Sự “tùy duyên” ở thời Trần cũng là một cách gắn nối thiền sư với đời sống cộng đồng.
Ở cấp độ tác phẩm liên văn hóa tôn giáo/ triết học - chính trị càng rõ. Bài thơ “Quốc tộ” là một ví dụ. Nhiều sách sử nói về xuất xứ bài thơ này có từ câu chuyện bàn về vận nước giữa vua Lê Đại Hành và thiền sư Đỗ Pháp Thuận: “Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh” (Phúc/vận nước dài dằng dặc/ Cõi trời Nam dựng cảnh thái bình/ “Vô vi” nơi điện các/ Mà khắp chốn hết nạn binh đao). Các nhà sư thời ấy đều viết bằng chữ Hán nên thông tỏ văn hóa, nhất là Nho học Trung Hoa. Chìa khóa để hiểu bài thơ là ở tên bài với hai chữ “Quốc tộ” trước nay vẫn hiểu là “vận nước”, “phúc nước”. Có người đi xa hơn hiểu là “ngôi nước”, “ngôi vua”...
Có lẽ hiểu thêm, vì là một văn bản liên văn hóa nên cần đi bằng con đường này ngược về dòng văn hóa Trung Hoa sẽ thấy chữ “tộ” nghĩa là “phúc”, vẫn còn nghĩa là “vận” (hội), là “ngôi vị”. Nhưng chữ “quốc” thì khó hiểu hơn vì đa nghĩa, là nước (quốc gia, kiến quốc); liên quan đến nhà vua (quốc tính, quốc thích); cái đẹp nhất (quốc sắc); cái tượng trưng cho đất nước (quốc kỳ). Nhưng còn nghĩa là triều đại (bản triều) như “quốc triều”, “quốc sư”... Như vậy “quốc tộ” còn nghĩa là vận mệnh một triều đại. Cách hiểu này có căn cứ ở chỗ quan niệm ngày xưa vua là “thiên tử” thay trời cai quản dân, triều vua đại diện cho quốc gia.
Ngay trong “Thiên đô chiếu”, Lý Thái Tổ cũng dùng “quốc tộ diên trường” chỉ hai nhà Thương Chu kéo dài (diên trường) đối lập với hai triều đại Đinh Lê ở ta ngắn ngủi (phất trường). Hiểu thế thì nghĩa câu mở đầu rộng rãi hơn: “Vận mệnh triều đại dài dằng dặc”. Muốn vậy phải làm gì, như thế nào. Mấu chốt ở hai chữ “vô vi” rất khó dịch. Vốn là một khái niệm của Đạo giáo nhưng tiếp biến sang Phật giáo, Nho giáo nên dịch theo nghĩa của tôn giáo nào cũng không đúng. Nếu dịch thoát ý theo nghĩa của chữ là “không phải làm gì” thì triệt tiêu tư tưởng triết học kết tinh ở trong đó. Đặt vào văn cảnh bài thơ, nhất là trong mối liên hệ với “quốc tộ” thì ý tứ có phần nghiêng về Nho giáo (vô vi nhi trị - thánh nhân lấy đức cảm hóa (nên) không cần phải làm gì). Hiểu vậy thì “vô vi” là: (Vua) lấy đức nhân cảm/giáo hóa (bề tôi). Ý cả bài bật ra là một kế sách giữ nước: Nhà vua phải lấy đức nhân trị dân thì triều đại sẽ kéo dài, trời Nam sẽ thái bình, chốn chốn hết nạn bình đao. Rất Thiền và cũng rất chính trị!
Xin chuyển sang “liên văn hóa” thể loại và hình tượng, tiêu biểu ở bài “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư có hai câu cuối: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”. Khép lại nhưng cũng nâng bài thơ lên một tầm cao, hương sắc của hình tượng “một nhành mai” đã làm cả không gian Phật đường (sân chùa) tiết cuối xuân như bừng sáng. Nhành mai trở thành biểu tượng cho cái đẹp, cho sức trẻ, sức sống vươn mình lên trên mọi khoảng không thời gian. Cái đẹp, sức trẻ, sức sống có thể chiến thắng ngoại cảnh, chiến thắng quy luật của tạo hóa. Đó là một thách thức với vũ trụ! Ai bảo đấy là cái nhìn của nhà sư “diệt dục”!?
Nhìn từ “liên văn hóa”, trước đó trong thơ Đường cũng nhiều lần xuất hiện hình tượng này.“Tùng, cúc, trúc, mai” vốn là mẫu gốc từng lung linh bạt ngàn trong thơ Đường. Điển tích kể Tề Kỷ có bài “Tảo mai” (Mai nở sớm) có câu cuối: “Tạc dạ sổ chi khai” liền đem khoe. Người đọc (Trịnh Cốc) đáp: dùng “sổ” (một vài) thì không còn là “tảo” (sớm), chữ “nhất” hay hơn! Từ đó “nhất chi khai” chỉ hoa mai hay đi vào thơ. Sau này đến đời Thanh, nhà thơ Uông Trung có bài “Mai hoa” có câu cuối: “Cố viên hoa lạc tận/ Giang thượng nhất chi khai” (Vườn cũ hoa rụng hết/ Trên sông một nhành mai nở).
Tại sao “trên sông” mà có “nhành mai nở”? Xin bàn vào dịp khác nhưng chứng minh thế để thấy một hình tượng nghệ thuật đặc sắc sẽ tạo ra một “liên văn hóa” mạnh mẽ, bền bỉ trong các nền văn hóa. Khác với thơ Trung Hoa, cái nhành mai của Mãn Giác chính là một biểu hiện của xu hướng thế tục nhập Đạo vào Đời để cống hiến cho nhân quần. Đấy là một yếu tố để thơ Thiền Lý Trần trở thành một tài sản văn hóa của dân tộc!