Thơ Nguyễn Quang Thiều - “Dưới bóng ô liu” - nỗi đau trở thành lời cầu nguyện
Sau tập trường ca “Lò mổ” được dư luận văn học quan tâm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vừa in tiếp tập thơ song ngữ “Dưới bóng ô liu” do NXB Hội Nhà văn ấn hành, gồm những bài thơ ông viết trong chuyến đi thực tế cùng các nhà văn Việt Nam tới các vùng đất đau thương vì chiến tranh của người dân Palestine.
Tôi đến thăm Nguyễn Quang Thiều sau tai nạn giao thông bị “gãy xương sườn, gãy xương đòn vai, chấn thương đầu” mà ông vừa trải qua mới đây. Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy ông như một chiến binh không chịu nghỉ ngơi sau thương tật, vẫn vắt kiệt mình cho thi ca khi hằng ngày cần mẫn biên tập cho cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội” đang thu hút sự quan tâm của hàng ngàn nhà thơ trong và ngoài nước.
Ngực và tay vẫn còn băng bó, ông ngước ánh mắt trầm buồn nhìn tôi: “Thơ ca sẽ cứu rỗi chúng ta trong những ngày bất hạnh nhất của cuộc đời”. Tôi lắng nghe và hiểu ông vì tôi cũng từng trải qua những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời viết báo và làm thơ của mình.

Một biên niên sử thi ca của máu và nước mắt
Qua tập thơ “Dưới bóng ô liu”, Nguyễn Quang Thiều, một trong những tiếng nói thơ ca đầy nhân tính và suy tư của văn học Việt Nam đương đại, khi đến với Palestine, đã không chỉ quan sát bằng đôi mắt của người làm thơ, mà còn bằng trái tim của một chứng nhân. Trong các bài thơ của mình, nhà thơ không đơn thuần thuật lại hiện thực chiến tranh, mà đã khắc họa một miền đất rỉ máu và một dân tộc đau thương bằng giọng điệu vừa thầm thì, vừa bi thiết, là nơi thơ ca trở thành lời cầu nguyện, lời buộc tội và lời chứng của lịch sử.
Thơ của Nguyễn Quang Thiều như một bản tụng ca đau thương cho Palestine và bài thơ “Dưới bóng ô liu” là lời tụng ca thiêng liêng cho sự sống giữa cái chết. Cây ô liu, biểu tượng của hòa bình, vẫn nở hoa dưới máu, như một hình ảnh kiêu hãnh của sự hồi sinh và bền bỉ của người Palestine. Biểu tượng cây ô liu, biểu tượng hòa bình được ông tái hiện đầy nghịch lý và chấn động “Hoa ô liu nở và máu chảy”.
Đây không còn là mảnh đất thánh mà là một thiên đường bị thương tích, nơi cái đẹp vẫn hiện diện, nhưng phải kiêu hãnh đứng giữa máu và nước mắt. Thi sĩ dựng nên một khung cảnh mà ở đó thiêng liêng và bi thương trộn lẫn, nơi những lời thì thầm của người chết vang dưới gốc cây và máu thấm đất trong khi các vị Thánh đang ngủ “Dưới gốc ô liu/ Máu vẫn chảy/ Đợi các Ngài thức dậy”. Đây không chỉ là lời nhắn gửi các bậc thiêng liêng mà là lời đánh thức lương tri nhân loại, rằng cần phải tỉnh dậy khỏi cơn mê của vô cảm, của im lặng trước bất công và máu đổ.
Thơ Nguyễn Quang Thiều ở đây đạt tới chiều sâu triết lý, khi đối lập thiên đường với giấc mơ, với thực tại đau thương. Các vị Thánh ngủ, nhưng máu vẫn chảy. Lịch sử không chờ đợi sự phán xét siêu hình, mà đòi hỏi lòng trắc ẩn và tỉnh thức từ con người sống hôm nay. Trong tập thơ "Dưới bóng ô liu", các bài thơ với các góc nhìn khác nhau, cùng tạo nên một bức tranh toàn cảnh về số phận bi kịch của vùng đất Palestine, nơi chiến tranh, tôn giáo, chính trị và máu đổ hòa vào nhau, tạo thành một biên niên sử của máu và nước mắt.
Trong bài thơ “Lễ rửa tội ở sông Jordan” của Nguyễn Quang Thiều, sông thiêng không còn trong sạch. Những dòng nước rửa tội giờ đây không gột được tội lỗi, vì tội lỗi đã ngấm vào lịch sử, vào chính con người. Câu thơ “phải rửa bằng nước mắt... hoặc bằng máu chính mình” không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là một lời cảnh tỉnh sâu sắc: chiến tranh, dù được nhân danh bởi bất kỳ điều gì, cũng chỉ gây ra thương tích vĩnh viễn cho nhân loại, và không gì có thể xóa nổi dấu tích của khổ đau trong tâm hồn con người.
Thơ Nguyễn Quang Thiều đã đạt đến đỉnh xúc cảm trong tứ thơ “Bài ca buồn cho Murad” như một khúc bi ca dành cho nhà thơ Murad Sudani, nhưng cũng là bản điếu văn cho những tâm hồn yêu tự do đã ngã xuống. Hình ảnh Murad đi bộ suốt đêm, không ngủ, quỳ gối, hai tay mang “chữ” và “máu” đã tạo nên biểu tượng bi tráng cho người nghệ sĩ giữa thời loạn. Đó là thi ca của sự chứng kiến, thi ca của máu, nước mắt và sự dấn thân.
Lặng lẽ chiêm nghiệm soi rọi vào vết thương của thế giới
Điểm nổi bật trong nghệ thuật thi ca của Nguyễn Quang Thiều là ông có khả năng dựng hình mạnh mẽ, giàu chất điện ảnh và biểu tượng. Ông không miêu tả chiến tranh bằng tiếng nổ hay khói lửa, mà đôi khi bằng ánh nhìn trần trụi và ánh nhìn tâm linh: “Lỗ nòng súng - một con mắt đen ngòm/ Không bao giờ khép”.
Tính ẩn dụ và biểu tượng trong thơ ông tạo nên không gian nghệ thuật vừa tĩnh lặng vừa bức bối như một bức tranh đẹp bị khoét thủng bởi chiến tranh. Ngôn ngữ thơ của ông mang sắc thái tụng ca và nguyện cầu, với nhịp điệu thong thả, ngân dài, như lời rì rầm của ký ức và dự cảm. Nhiều đoạn thơ gợi liên tưởng đến văn chương tôn giáo, với các từ ngữ như: “Rửa tội”, “Thánh”, “Thiên đường”, “nguyện cầu”, “máu”, “giấc mơ”... Điều đó làm tăng chiều sâu tâm linh và nhân bản, giúp thơ vượt qua ranh giới thời sự để bước vào địa hạt của tư tưởng và lương tri.
Với Nguyễn Quang Thiều, thơ như chứng nhân, thơ như hành động. Không chỉ là thơ để cảm, thơ còn là hành động đạo đức của người viết. Ông viết không phải để mô tả, mà để lên tiếng, để giữ lại trong thi ca những điều lịch sử thường bỏ quên: nỗi đau của người dân, tiếng khóc của trẻ thơ, và bước chân của những thi sĩ như Murad. Như thế, Nguyễn Quang Thiều không chỉ đến Palestine bằng vai trò một nhà thơ, ông đến bằng cả một sứ mệnh: mang ánh sáng lương tri đến nơi u tối của chiến tranh.
Các bài thơ trong tập "Dưới bóng ô liu" như những nhánh máu nhỏ chảy về một trái tim nhân loại đang rỉ máu. Ở đó, người đọc không chỉ thấy sự đau đớn, mà còn thấy niềm tin mong manh nhưng bất khuất: rằng thơ ca vẫn có thể hát lên giữa những hàng rào thép gai, vẫn có thể nở như hoa ô liu giữa sỏi đá, và vẫn có thể sống sót giữa bạo lực bằng tình người, bằng ký ức và bằng khát vọng hòa bình.
Nguyễn Quang Thiều không viết những bài thơ để kể lể hay than khóc. Thơ ông là tiếng nói đầy giận dữ và đau đớn của một nhân chứng, của một người không chấp nhận im lặng trước bất công. Thông điệp xuyên suốt qua các bài thơ như sự khẳng định: Không có dòng nước nào rửa sạch được tội lỗi chiến tranh, chỉ có nước mắt và máu mới làm được điều đó. Cái đẹp vẫn tồn tại, nhưng nó bị vây quanh bởi súng đạn, hàng rào thép gai và sự đe dọa.
Thi ca không chỉ để ngợi ca mà để chứng kiến, để ghi lại, để cất tiếng kêu cứu. Palestine không chỉ là vùng đất của xung đột, mà còn là nơi những tâm hồn bất khuất, những cây ô liu vẫn nở hoa và những người như Murad vẫn tiếp tục viết bằng máu của mình. Đó là nỗi đau thánh thiện, một bản thi ca đẫm máu và nước mắt như chính vùng đất nơi thi sĩ đã đặt chân.
Từ các góc nhìn trên, ta thấy Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ đương đại mang đậm dấu ấn của tư duy hiện sinh và cảm thức nhân văn. Khi đặt chân đến Palestine, ông không chỉ viết thơ như một người quan sát, mà viết như một kẻ đã thấm đẫm hơi thở, nước mắt và bóng tối của mảnh đất khổ đau này. 5 bài thơ: “Người hầu bàn ở Beauty Inn”, “Viết dưới chân núi Cám Dỗ”, “Chim én ở Ramallah”, “Giải mộng” và “Gương mặt Đức Mẹ” là 5 lát cắt đầy ám ảnh về một vùng đất bị chia cắt bởi chiến tranh và khát vọng được sống trong tự do, trong hòa bình. Qua đó, phong cách thơ hiện đại của Nguyễn Quang Thiều đã bộc lộ rõ nét với 3 đặc điểm tiêu biểu: sử dụng hình ảnh biểu tượng đầy sức gợi, giọng điệu trầm lắng pha trộn hiện thực và tâm linh, với tư duy thơ giàu triết lý mang tính tự sự nhân bản.
Điểm nổi bật đầu tiên trong phong cách thơ của ông là ngôn ngữ biểu tượng và hình ảnh giàu sức ám thị. Trong “Người hầu bàn ở Beauty Inn”, hình ảnh chiếc đĩa trống khổng lồ “đợi một miếng TỰ DO” đã trở thành biểu tượng xuyên suốt của khát vọng sống căn bản nhất của con người Palestine: không phải quyền lực, không phải sự giàu sang, mà chỉ là một miếng tự do giản dị nhưng thiêng liêng.
Nguyễn Quang Thiều còn đặc trưng bởi giọng thơ kết hợp giữa hiện thực khốc liệt và những rung động siêu hình, tạo nên một chất thơ vừa trần trụi, vừa huyền ảo. Trong “Gương mặt Đức Mẹ”, ông nhìn thấy Đức Mẹ không phải ở máng cỏ hay ngõ nhỏ linh thiêng, mà là trong ánh mắt của những cô lính trẻ như một nghịch lý đau lòng về tôn giáo, lòng tin và bạo lực. Nguyễn Quang Thiều không làm thơ để kể chuyện, ông làm thơ để chiêm nghiệm, để lặng lẽ soi rọi những vết thương của thế giới.
Điều sâu xa mà các bài thơ của Nguyễn Quang Thiều hướng tới không phải là kể lể về Palestine, mà là tạo nên tiếng nói của một lương tri thi sĩ, kẻ nhìn thế giới bằng trái tim biết đau, biết sẻ chia và không im lặng trước cái ác. Với ngôn ngữ dung dị mà giàu lớp nghĩa, với hình ảnh biểu tượng cô đọng và giọng điệu nhẹ mà sâu, thơ ông không tạo bi kịch kịch tính, mà lặng lẽ gieo vào tâm trí người đọc một nỗi buồn cao cả, một tiếng vọng về tự do bị đánh cắp.