“Thơ là cách trò chuyện với tâm hồn của chính mình”

Thứ Bảy, 28/12/2024, 11:19

Nhà thơ Châu Tuấn (tên khai sinh: Châu Anh Tuấn) sinh năm 1962, quê Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, về công tác nhiều năm ở ngành điện lực Việt Nam rồi nghỉ hưu. Anh là một nhà nghiên cứu văn hóa cổ và là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội. Anh đã in 3 tập thơ: "Đi đến tận cùng", NXB Văn học; "Những chiếc nôi ru", NXB Hội Nhà văn, 2021; "Vòng tròn bất tận và những bài thơ ngắn", NXB Hội Nhà văn, 2024.

Châu Tuấn là một tên tuổi lạ của làng thơ Việt hôm nay, anh sống khá ẩn dật và kín đáo trong môi trường văn nghệ. Dường như, Châu Tuấn coi việc làm thơ là một nghệ thuật của ngôn ngữ chữ viết, anh viết cho riêng mình và bạn hữu. Dù đã in 3 tập thơ nhưng anh không có nhu cầu in báo hay công bố rộng rãi.

Anh đến với thơ lặng lẽ, thanh thản và tự nhiên, tự tại như hít thở không khí hàng ngày. Trong lần dự một trại sáng tác do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức, tôi vô tình nhận được tập bản thảo thơ của Châu Tuấn. Tôi đọc liền một mạch và nhận ra ngay, đây là một thi sĩ đích thực với đầy đủ ý nghĩa của nó.

“Thơ là cách trò chuyện với tâm hồn của chính mình” -0
Nhà thơ Châu Tuấn.

Thơ là sự trầm ngâm suy tư khám phá chính mình

Kỳ thú hơn, khi đọc kỹ 2 tập thơ "Đi đến tận cùng" và "Những chiếc nôi ru", tôi  phát hiện thấy, Châu Tuấn có một hồn thơ khá đặc biệt, anh có một phần nào đấy ảnh hưởng của thi hào, triết gia Ấn Độ Tagore và một phần nào đó giọng hài hước, châm biếm nổi tiếng của nhà thơ Pháp Jacques Prévert" theo kiểu một bài thơ anh viết: "Cánh chim/ Bị xích vào bầu trời/ Bầu trời/ Bị xích vào biển cả/ Biển cả/ Bị xích vào dòng sông/ Dòng sông/ Bị xích vào nguồn cội/ Nguồn cội/ Bị xích vào suy tưởng/ Suy tưởng/ Bị xích vào hy vọng/ Hy vọng được chở trên cánh chim".

Qua 3 tập thơ đã in, Châu Tuấn đã lý giải về sự bí mật kỳ thú của thi ca như thế này: "Âm nhạc thường có xu hướng lôi kéo tâm hồn người ta vào trạng thái đắm say hoặc mê cuồng nào đó. Những bài triết thuyết thường có xu hướng lôi kéo tâm hồn người ta vào một nỗi sợ hãi hoặc vào một mong ngóng giải thoát nào đó. Thơ thường là kết quả của một tâm hồn đang trầm ngâm suy tư. Vì thế Thơ chỉ gần gũi với những tâm hồn thích suy tư, nghiền ngẫm để khám phá ra chính mình. Thơ không thể trình bày mình trước đám đông, nó chỉ có thể trò chuyện với từng tâm hồn riêng lẻ mỗi khi tâm hồn đó muốn tâm sự với chính mình".

Trong tập thơ "Đi đến tận cùng" ta gặp một Châu Tuấn đang trăn trở một giọng thơ trầm lắng khi khắc họa khu phố cổ Hà Nội trong nhịp điệu thao thức ở đoạn thơ sau: "Phố cổ lầm lì, nằm nghe sông Hồng róc rách chảy/ Phố cổ khò khè, đầu muốn ngóc lên qua khe trời hở ra trên nóc phố/ Phố cổ gào lên: /"Hãy gọi đúng tên tôi, cũ kỹ, già nua, lạc hậu quá rồi/ Ai thấu chăng trong lòng phố cổ/ Bao Thành quách chôn vùi bao thành quách/ Bao Ngai vàng đập nát bao ngai vàng/ Thon thót, giật mình nghe vó ngựa rước vua qua/ Ai thấu chăng trong lòng phố cổ./ Quặn ước mong nghe tiếng gầm nước đổ/ Trả lại tôi đây xanh mướt ngày xưa/ Những con rồng Tô Lịch, Kim Ngưu uốn lượn yếm đào/ Tấp nập bến thuyền, oang oang, nói cười cởi mở/ Phố cổ cô đơn, bất lực im lìm/ Đau đớn nghe bước chân người lạc bước/ Hãy để sông Hồng lại đỏ nặng phù sa/ Phủ kín tôi, hoang sơ thuở ban đầu".

Đây có lẽ là một trong những bài thơ khá hay viết về phố cổ Hà Nội thời hiện đại trong con mắt một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như Châu Tuấn. Và, tôi nhận ra "Hình tượng Phố" luôn trở đi trở lại trong 3 tập thơ đã in của anh như một miền ký ức không chịu ngủ yên trong rêu - bụi - thời - gian.

Châu Tuấn đã rất có lý khi anh cho rằng: "Tự nhiên luôn tồn tại lâu bền hơn và mạnh mẽ hơn con người, bất chấp mọi mong muốn và mọi tác động cả theo hướng tốt hoặc xấu của con người. Chính vì vậy, để tránh sai lầm của định kiến, của giáo điều, của chủ quan, tôi tin một cách hiển nhiên rằng, điều gì hợp lẽ tự nhiên, tất yếu nó sẽ là điều tốt đẹp và cần thiết".

Còn với Thời gian - một khái niệm luôn làm con người phải suy đoán mệt mỏi, xót xa với những câu hỏi về vòng trần ai sinh-lão-bệnh-tử cùng sự vô thường, thì Châu Tuấn lại chia sẻ một chiêm nghiệm khác trong thơ: "Thời gian là một gã vô tâm/ Chẳng yêu ai/ Ngài cũng chẳng ghét ai/ Chẳng hấp tấp/ Ngài cũng chẳng khoan thai/ Cứ bước đều như đoàn quân duyệt binh/ Kẻ hy vọng mong Thời gian trôi gấp/ Kẻ tử tù ước Thời gian ngừng trôi/ Kẻ tham lam lại lên kế hoạch/ Gom Thời gian đặng bán kiếm lời/ Còn riêng tôi, rót ly rượu thật đầy/ Xin mời Ngài, rồi hãy nói tôi nghe/"Có nơi nào trong vũ trụ bao la/ Mà bước chân Ngài chưa tới được?"/ Người tình ơi, hai ta sẽ tới nơi/ Chỉ có rượu, Thời gian không tới được".

Thơ là diễn ngôn của tình yêu và khát vọng sống

Với Châu Tuấn, thơ như một Diễn ngôn đưa tình yêu con người vượt qua thời gian như một khát vọng sống luôn cháy bỏng, ngay cả khi nhà thơ ngồi đối ẩm với thần chết trong bài thơ sau: "Thần chết ngồi uống bia/ Uống bia bằng tay trái/ Tay phải cầm lưỡi hái./ Trông thật là trang nghiêm/ Ngài uống rất rụt rè/ Từng ngụm, từng ngụm một/ Mỗi ngụm một hạt lạc/ Mỗi ngụm một lắng nghe/ Rồi hai cốc đã hết/ Rỗi đĩa lạc đã hết/ Lưỡi hái chuyển tay trái/ Ngài uống bằng tay phải/ Hai cốc bia nữa hết / Một đĩa lạc nữa hết/ Lưỡi hái nằm dưới đất/ Ngài uống bằng hai tay/ Tôi mời thêm hai cốc/ Ngài cười khà khà khà/ Ngài mời lại hai cốc/ Tôi cười khà khà khà/ Thần chết quên lưỡi hái/ Bọn tôi quên công việc/ Chiều nay ngồi uống bia/ Cùng cười khà khà khà/Và rồi kể từ đó/ Thần chết bỏ lưỡi hái/ Uống bia bằng hai tay/ Chiều nào ngài cũng vậy".

Bài thơ này với cái nhìn giễu nhại, hài hước và lạc - quan - hóa chuyện sống còn, sinh tử khiến cho thơ Châu Tuấn trở lại trạng thái hồn nhiên, vô ưu sau những chặng thơ quan sát, nghiền ngẫm theo hệ hình triết học để lý giải các hiện tượng xã hội và đời sống con người ở thế gian này.

“Thơ là cách trò chuyện với tâm hồn của chính mình” -0
Bìa tập thơ của Châu Tuấn.

Còn hơn thế nữa, khi Châu Tuấn làm tôi ngạc nhiên về những câu thơ trong bài "Lời ru côn trùng" dưới đây: "Ắng lặng vườn trăng/ Rỉ rả tiếng côn trùng/ Hát rằng/ Chí cao như Tần Thủy Hoàng cũng chỉ có giang sơn trong chốc lát/ Tài cao như Hàn Tín cũng chỉ hả hê với thiên thời địa lợi được mấy hồi/ Than ôi/ Chí mà chi/ Tài mà chi/ Lại hát rằng/ Dũng tướng như Hạng Vũ cũng chỉ đủ để rút lưỡi gươm tàn bạo/ Trí rộng như Khổng Minh cũng chỉ đủ để giăng bẫy gây rối cuộc đời/ Than ôi/ Dũng mà chi/ Trí mà chi/ Vườn trăng ắng lặng/ Ngẫm ngợi điều gì".

Đoạn thơ trên của Châu Tuấn cho thấy một tư tưởng triết lý sâu sắc, ẩn chứa những suy tư về cuộc đời, chí hướng, tài năng, và giá trị đích thực của con người. Thông qua hình ảnh thiên nhiên tĩnh lặng và tiếng côn trùng rỉ rả, tác giả gợi lên không gian trầm lắng để suy ngẫm về những điều lớn lao nhưng lại phù du trong kiếp người.

Bằng cách đặt những vĩ nhân lịch sử như: Tần Thủy Hoàng, Hàn Tín, Hạng Vũ, Khổng Minh vào sự hữu hạn của thời gian, Châu Tuấn khéo léo làm nổi bật tính chất phù du, mong manh của chí và tài. Điều này đưa đến câu hỏi lớn hơn: Chí và tài để làm gì?

Trong đoạn tiếp theo của bài thơ, tác giả khép lại sự suy tư để mở ra một trường liên tưởng mới: "Ngẫm rằng/ Tài cao hóa chăng cũng chỉ dựng được kịch hay/ Chí cao hóa chăng cũng chỉ là trò chơi con tạo/ Than ôi/ Chí vậy chăng/ Tài vậy chăng/ Lại ngẫm rằng/ Hãy để Trí hiểu được rằng Ngây ngô là tuyệt trí/ Hãy để Dũng đẩy con thuyền đời vào được cõi cô đơn/ Than ôi/ Thấu được càn khôn khó lắm thay/ Ắng lặng vườn trăng/ Rỉ rả tiếng công trùng."

Châu Tuấn không dừng lại ở việc hoài nghi giá trị của chí và tài, dũng hay trí, mà còn đi sâu hơn vào bản chất của chúng. Cuộc đời, dù có vĩ đại đến đâu, cũng chỉ như một vở kịch được dàn dựng khéo léo hoặc một trò chơi của tạo hóa. Đây là một nhận thức đầy tính siêu thoát, giải phóng con người khỏi những tham vọng lớn lao để hướng đến sự an nhiên, chấp nhận những giới hạn tự nhiên. Bài thơ trên có hình tượng lạ được biểu đạt trong tiếng côn trùng về sự được - mất, hưng - vong, sinh - tử của thời thế nhân loại từ xa xưa còn vọng lại tới hôm nay.

Trong người thơ này, vượt lên trên tất cả là sự quan sát, chiêm nghiệm và tự thân lý giải các hiện tượng của đời sống và con người. Qua tiếng ru của côn trùng, Châu Tuấn gửi gắm một thông điệp sâu sắc: Hãy buông bỏ tham vọng để trở về với sự tĩnh lặng nội tâm. Những giá trị mà con người theo đuổi - chí lớn, tài năng, trí tuệ - đều có giới hạn trong cuộc đời ngắn ngủi. Cuối cùng, chỉ có sự thấu hiểu bản chất càn khôn và sự an nhiên trong tâm hồn mới là điều đáng quý. Bài thơ khép lại trong không gian "vườn trăng ắng lặng", nơi tiếng côn trùng tiếp tục ngân vang, như một vòng lặp của suy tư, nhắc nhở chúng ta về bản chất thực sự của cuộc đời.

Theo tôi, trong những bài thơ thành công của mình, nhà thơ Châu Tuấn đã "lập trình" trong một tư duy thơ giàu tính minh triết với ngôn ngữ thơ giản dị mà sâu sắc, sử dụng các điển cố, điển tích để truyền tải tư tưởng, đồng thời lồng ghép triết lý nhân sinh. Như vậy, với Châu Tuấn, con người cần tìm cách đối thoại với thiên nhiên, đối thoại với thế-gian-người ngay cả trong cuộc đời và trong cả thi ca để biến cải thế gian này thành một nơi để sống và đáng sống.

Nguyễn Việt Chiến
.
.