Thơ hay cần sự lóe sáng xuất thần của tâm hồn người viết

Thứ Năm, 16/01/2025, 11:35

Nhà thơ Trần Hòa Bình, SN 1956, quê Ba Vì, Hà Nội, tốt nghiệp và giảng dạy tại khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội rồi về giảng dạy tại khoa Báo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Anh có nhiều tác phẩm in riêng và in chung gồm: thơ, phê bình thơ, truyện thơ, giới thiệu văn thơ thiếu nhi, các tuyển tập văn học dân tộc và miền núi.

Quan trọng nhất là "Tuyển tập tác phẩm Trần Hòa Bình" dày 900 trang NXB Hội Nhà văn 2009, tập hợp toàn bộ thơ và các bài phê bình tiểu luận và báo chí sau khi anh đường đột qua đời năm 2008 trong sự tiếc thương của nhiều bạn bè và độc giả văn chương.

Cứ mỗi lần có dịp đi qua Sơn Tây, Ba Vì tôi lại bâng khuâng thấy nhớ hai người bạn thơ tài hoa miền Xứ Đoài đã đi xa là Trần Hòa Bình và Nguyễn Lương Ngọc. Họ như hai đám-mây-thơ vẫn còn phiêu bạt đâu đó bên núi Tản, sông Đà vằng vặc một miền thơ, một miền thi nhân. Quê hương là nỗi niềm luôn hiện hữu, luôn thao thức trằn trọc trong trái tim mỗi nhà thơ.

Với Trần Hòa Bình, trong bài thơ "Sơn Tây một phía" là những con phố nhỏ bình yên, lặng lẽ vừa đủ với tâm hồn con người khi anh ví mình như chiếc lá bàng phiêu du trong gió, chỉ mong được trở về yên tĩnh dưới mái nhà của mẹ: "Mưa nhè nhẹ rất thương choàng lên phố nhỏ/ Những chiếc lá bàng trong ngõ vắng lang thang/ Thành hào cũ phong bao một bài thơ cổ/ Chẳng biết dành tặng ai, yên tĩnh quá chừng/ Bỏ lại sau lưng những dặm dài cát bụi/ Những ưu phiền, thành bại tuổi ba mươi/ Mẹ ơi mẹ con lại về bẻ củi/ Bữa cơm chiều cuối năm nghe lửa réo quanh nồi/ Chúng con như những chiếc lá bàng phiêu du trong gió/ Vẫn khát nửa hồn mình được yên tĩnh tựa chiều nay/ Em dịu hiền rất thương lấy chồng nơi chân núi/ Biết xuân này có trở lại Sơn Tây?".

untitled-3.jpg -0
Nhà thơ Trần Hòa Bình.

Điệu ru thấm đẫm tình người, tình quê hương

Tôi chợt nhận ra, thơ Trần Hòa Bình thường có có một điệu ru buồn thật đẹp và thật tinh tế, nó như một đóa-hoa- vô-thường nở chậm, nở từng cánh một trước khi trở thành những cánh chim bay về miền ký ức xa xôi để đánh thức những kỷ niệm của một đời người, một đời thơ, một đời yêu như trong "Bài hát ru hoa sen" của anh: "Ngủ đi những đóa sen/ Sen mọc bên nhà em/ Ta hái về thành phố/ Đêm nay Từ Sơn ta nhớ/ Đêm nay Từ Sơn còn nhớ ta/ Ngủ đi những đóa hoa/ Giấc mơ yêu nồng thắm của ta/ Hết khổ đau lại chập chờn hy vọng/ Hạnh phúc là gì, hạnh phúc có thật không?/ Ôi những đóa sen dè dặt cánh hồng/ Ngủ đi những đóa hoa vợ chồng/ Ta ru hoa một đêm dài đơn độc/ Và em nữa, đã bao giờ em khóc/ Trước hồn sen trong vắt một ước nguyền/ Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền?/ Ngủ đi - nhưng đừng vào lãng quên/ Những bông hoa ta hái về chậm trễ/ Ta thương em mà không sao thưa được/ Ta yêu em mà không sao nói được/ Sen ngủ trong bình, em thức trong ta/ Ngủ đi những đóa hoa lạ nhà/ Hãy mơ giùm ta một mùa đôi lứa/ Đêm nay hồn ta hé nở/ Nhớ một đầm sen/ Thổi gió dài tóc em".

Theo tôi, bài thơ này là một trong những bài thơ tình hay nhất của thi ca đương đại Việt Nam, khi nhà thơ vùi đắm mình trong giấc mộng huyền ảo của hoa sen mang vẻ đẹp của một người tình mê đắm đã đưa anh vào một cõi sống khác, một thế giới khác. Trong bài thơ trên, nhà thơ đã xuất thần với những hình ảnh thơ đầy linh cảm về "những đóa sen chồng vợ" trong một lời ru thao thiết thấm đẫm tình người, tình quê hương. Đây là một bài thơ tình rất mực say đắm và buồn đến xa xót như dự cảm điều không lành của đôi lứa sắp phải cách xa nhau.

Một điều khác biệt nữa, thật kỳ ảo với cái nhìn đậm đặc chất thi sĩ, một số bài thơ tình của Trần Hòa Bình như luôn được khơi gợi từ một cảnh sắc thiên nhiên hoang dã và đầy bí ẩn như một phiên chợ tình ở miền núi cao, một địa danh mang trong nó một chất thơ, một khí quyển thơ rất lãng mạn, đầy hoài niệm như khi nhà thơ viết bài thơ tình "Khau Vai", anh đã mở đầu bằng một lời đề tựa: "Có những con đường không thể dẫn tới thành Roma nhưng Khau Vai thì tới" với những hoài cảm rất ám ảnh: "Một người đi tìm một người/ Bao nhiêu người đi tìm bao nhiêu người/ Khau Vai buồn như đá/ Nước mắt người già mài trên má/ Đâu rồi thời rung reng vòng bạc, lắc đồng/ Em kìa, những cây sa mộc lặng lẽ trong thung/ chúng đang nghĩ gì?/ em đang nghĩ gì?/ Nếu một mai mình không lấy được nhau/em có đi tìm anh/ qua điệp trùng đá sắc/ những Khau Vai bầm dập dấu chân người?/ Trời ơi Khau Vai/ Khau Vai nhìn qua nước mắt/ Bong bóng về trời/ Thương buồn gửi lại…".

Và, tưởng như trái tim thi sĩ nơi Trần Hòa Bình từng bị vỡ rạn, bị xước rách trước những câu chuyện tình ở xứ sở Khau Vai, khi tác giả chợt nhận ra trong số phận mỗi người trên thế gian này đều có một Khau Vai trong những mối tình si đắm đuối của mình: "Những cuộc tình vụng dại/ những cuộc tình khôn ngoan/ đã sống và đã chết ở nơi này/ Không khôn ngoan không vụng dại/ Chỉ lặng chìm như đá/ Chỉ bời bời như mây/ Chúng ta sa mộc chiều nay/ Em hai mươi thoắt thành ngàn tuổi/ Em có anh xa xót thế này sao/ Quỳ trước núi và tin thôi em ạ/ Ai trong đời chẳng có một Khau Vai/ Nhọn sắc đá tai mèo/ Cứa vào thương nhớ/ Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió/ Em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình".

Đáng chú ý, bài thơ này dường như là bài thơ cuối cùng Trần Hòa Bình viết trong năm 2008 trước khi anh ra đi, phải chăng điều tiên cảm đã hiển lộ trong những câu thơ: "Nếu một mai mình không lấy được nhau/ em có đi tìm anh/ qua điệp trùng đá sắc/ những Khau Vai bầm dập dấu chân người?/ Trời ơi Khau Vai/ Khau Vai nhìn qua nước mắt/ Bong bóng về trời/ Thương buồn gửi lại". Với những câu thơ rất mực lãng mạn buồn, đầy ưu tư và đẹp một cách giầu chất thơ gợi cảm như vậy, Trần Hòa Bình đã ghi dấu ấn trong tâm hồn người đọc qua nhiều tháng năm.

Làm cách nào để nhận biết một bài thơ hay?

Trong số nhiều tác phẩm văn chương để lại, trong tuyển tập Trần Hòa Bình in sau khi anh mất, ta gặp một nhà viết phê bình - tiểu luận khá sắc sảo khi luận bàn về thi ca. Trong "Đôi lời về công việc bình thơ", anh cho rằng: "Cái khó trong việc bình một bài thơ là ở chỗ bằng trực cảm, ta đã có thể nhận biết đó là một bài thơ hay, nhưng nó hay như thế nào và bởi đâu mà nó hay thì lại không dễ gì chỉ ra được! Sự khó khăn này sinh ra từ những đặc trưng của thể loại thơ ca: một bài thơ đích thực bao giờ cũng là một lóe sáng giữa chốn mung lung trong tâm hồn nhà thơ, một phút xuất thần của tâm trạng mà chỉ có nhà thơ ấy có.

Lại nữa, hơn bất cứ thể loại nghệ thuật ngôn từ nào, ngôn ngữ thơ ca bao giờ cũng là tinh túy của phẩm chất ngôn ngữ dân tộc, nó lại được chắt lọc và sắp xếp ở mức tinh vi nhất bởi bàn tay "phù thủy ngôn từ" của các nhà thơ! Đi tìm sự lóe sáng trong tâm hồn nhà thơ đã biến hóa như ảo ảnh nơi các con chữ, đã là điều khó. Đi tìm sự lóe sáng trong khoảng vô ngôn giữa các câu chữ, còn khó hơn nhiều. Những bài thơ hay, oái oăm thay, lại là những bài thơ có sức vang vọng ở những khoảng vô ngôn - nó buộc người đọc phải biết nghe như nghe một khoảng lặng trong bản nhạc, phải biết nhìn như nhìn một khoảng trống trong tranh thủy mặc…".

Luận bàn về cách bình thơ như trên, quả thật Trần Hòa Bình là một nhà thi ngữ rất am tường và tinh sắc. Trong những khoảnh khắc lóe sáng của tâm hồn như vậy, anh chợt nhớ tới câu thơ "Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm" của nhà thơ Quang Dũng để viết bài thơ "Mây trắng bay" sau đây: "Người làm thơ đã ra đi mãi mãi/ Chẳng biết có được như đám mây rong ruổi tít trời cao/ Áo thi nhân bụi trần lấm láp/ Nhưng mắt không trong, thấy mây trắng được nào/ Ôi những đám mây bời bời trên đỉnh núi/ Như bài thơ không vần viết mãi chưa xong/ Ai mắt trong thì về đây mà đọc/ Mây chẳng vô tình, gió chẳng hư không/ Ta là gã con trai lẩn thẩn của xứ Đoài/ Nhìn mây trắng dở cười, dở khóc/ Thương người làm thơ trọn kiếp mệt nhoài/ Chỉ vì mang đôi mắt trong!".

Bài thơ ngắn và khá kỳ lạ trên chuyển tải một tứ thơ lớn, để nói rằng, chỉ có những người có đôi- mắt-trong của một thi nhân có nhân bản - nhân cách đích thực mới có thể đọc được những đám-mây-thơ bay trắng xứ Đoài xưa (trong thơ Quang Dũng), tới hôm nay vẫn còn bay bời bời trên đỉnh núi kia mà nếu mắt - không - trong thì làm sao ta thấy được. Và, câu thơ cuối khép lại như một chia sẻ với người thơ có đôi - mắt - trong mà đời thơ vẫn lận đận dẫu tài hoa hơn người.

Đã 17 năm kể từ ngày Trần Hòa Bình giã biệt cõi đời này, trong tâm tưởng tôi vẫn còn đọng lại dư âm "Bài hát ru hoa sen" của anh mà tôi từng gửi gắm cảm xúc trong bài thơ "Hòa trong nước một bình sen đẫm nước" viết tặng hương hồn anh dưới đây: "Khi nhà thơ rời bỏ thế gian này/ Không có nghĩa là anh từ bỏ/ Khi kết thúc một hành trình sống/ Anh trở lại cuộc đời bằng những câu thơ/ Để lấp đầy một cõi người trống rỗng/ Để yêu thương không tàn lụi bất ngờ/ Khi nước mắt phải ru bằng nước mắt/ Anh ru gì cho một đóa sen tươi/ Sen đang nở và thơ anh còn thở/ Ở bên sen, anh lặng lẽ ít lời/ Khi sen ngủ, anh đi về phía biển/ Trong hồn anh còn một đóa trăng tươi/ Khi anh ngủ thì sen kia đến thức/ Sen ru anh vằng vặc một trăng tươi/ Hòa trong nước một Bình sen đẫm nước/ Để Trần gian tươi lại một đóa người".

Nguyễn Việt Chiến
.
.