Thơ Haikư Việt

Thứ Năm, 10/11/2022, 08:39

Haikư là một thể thơ cổ ở Nhật. Tôi có tìm hiểu và được biết Kobaya Shiissa (1763-1827) và Taneda Santoka (1882-1940) là hai trong số ba nhà thơ HAIKƯ tiểu biểu của Nhật Bản.

Tôi rất thích khi đọc một số bài thơ của hai nhà thơ này:

Tôi chạm nhẹ nhàng
Vào mọi cái
Thế mà luôn bị gai đâm

Với tay lấy chiếc gối
Năm đã hết
Hay chưa hết

                       (Kobaya Shiissa)

Theo dịch giả Thái Bá Tân, Kobaya Shiissa đã để lại một di sản khổng lồ gồm 20.000 bài thơ HAIKƯ.

Vợ chồng cãi nhau
Đêm
Con nhện treo ngược

Suy cho cùng
Một mình là tốt nhất
Cỏ dại

               (Taneda Santoka).

Tanneda Santoka là nhà thơ kỳ dị nhất ở Nhật. Ông một mình lang thang đi ăn xin khắp nước. Cuối đời, ông vào sống trong một ngôi chùa và qua đời khi đang ngủ!

Cha ông mình xưa ngoài thể thơ lục bát truyền thống đã làm nên "Truyện Kiều" bất hủ, còn yêu thích thơ Đường, và hầu hết các nhà thơ xưa đều làm thơ Đường luật; Cho đến khi có phòng trào Thơ Mới đã mang đến các thể thơ của phương Tây không cần niêm luật chặt chẽ như thơ Đường.

Thơ Đường của Trung Hoa cũng như thơ Haikư của Nhật Bản có một điểm chung là ít chữ. Và nói như quan niệm thơ của ông cha mình thì thơ hay phải ít chữ, nhiều ý đúng hơn là “Ý tại ngôn ngoại”.

Theo như tôi được biết hiện nay ở một số tỉnh, thành phố, cả nhiều miền quê đều có câu lạc bộ thơ Đường. Gần đây nhiều nơi còn có câu lạc bộ thơ HAIKƯ như ở Hà Nội, Nha Trang...

Tôi cũng có làm thơ HAIKƯ, có bài đã đăng trên báo và hiện nay không ít nhà thơ làm thơ HAIKƯ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận được cả một tập thơ HAIKƯ với 302 bài do NXB Hội Nhà văn, ấn hành năm 2022. Tập "Thơ Haikư Việt" của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Tiến Liêu bút danh Nguyễn Kỳ Anh gửi ra từ Nha Trang tặng tôi.

Tôi đọc và thấy thích. Nhiều bài thơ trong đó có sức cảm, sức mở, gợi lên nhiều ý tưởng...

Tình trong mộng
Sống giữa đời
Chơi vơi hư thực

                (Bài 105)

Mơ chiều
Mộng tối
Nghẹn lối con tim

                (Bài 245)

Biển ngạt
Cá chết
Thoi thóp niềm tin

                (Bài 19)

Mưa phùn
Cánh dế run
Hát đợi xuân sang

                (Bài 3)

Dưới nhìn lên
Trên nhìn xuống
Bức tường

                (Bài 231)

Trăng trôi, trôi trôi
Mây bơi, bơi bơi
Sao nhìn tôi?

                ( Bài 293 )

Trôi như thời gian
Tàn như nhan sắc
Mở như Haikư

                (Bài thứ 300)

Mười hai năm ấy
Bẩy tình
Bốn phương

                (Bài 282)

Ý thơ tắc
Gõ bút mặt bàn
Kìa! Xuân sang

                (Bài 284)...

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu từng là một người lính hải quân. Nhiều năm anh là nhạc công của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Anh đã xuất bản ba tập ca khúc: “Tôi có một tình yêu”; “Giọt đàn thiêng” và “Những ca khúc về Đảng và Bác Hồ”. Tôi thích nhiều ca khúc của anh như “Gieo quẻ” do ca sĩ Ngọc Khuê trình bày từng phát sóng trên VTV, hay “Lời ru của cha”; “Biển lặng”... Nguyễn Tiến Liêu đã in 300 bài thơ Đường.

Ngoài tuổi 80 anh vẫn say mê làm thơ, viết nhạc. Một người lính hải quân “Buông súng, ôm đàn” như anh viết:

Buông súng, ôm đàn
Về hưu bước nhẹ
Gặp nàng Haikư

                (bài 301)

Bây giờ nhiều người làm thơ HAIKƯ, đọc thơ HAIKƯ, nhiều câu lạc bộ thơ HAIKƯ ra đời ở nhiều địa phương trong cả nước; Phải chăng là sự “Ham thanh, chuộng lạ”. Thực ra, HAIKƯ là thể thơ cổ của Nhật, không còn lạ nữa! Không còn mới nữa!

Nhưng, vào thời đại số, mạng xã hội phát triển, điện thoại thông minh phổ biến, người ta tha hồ đọc, xem, nghe, nhìn ...đủ thứ, trong nước và trên thế giới! Tôi thiển nghĩ bây giờ có lẽ ít người còn để thì giờ đọc các thứ dài, văn cũng vậy, thơ cũng vậy, nhất là dài mà lại không hay, nên người ta tìm đến những gì cô đúc, cô đọng, lời ít mà ý nhiều... Có lẽ vì thế mà bây giờ nhiều người làm thơ HAIKƯ, đọc thơ HAIKƯ chăng?!

Giải Nobel văn học năm 2020 trao cho nữ nhà thơ Mỹ Luise Gluck vì thơ bà “ Ít chữ, kiệm lời” như công bố của Viện hàn lâm Thụy Điển. Chính bản thân tôi giờ nhìn những cuốn sách dày, những tập thơ dài, những bài thơ tràng giang đại hải cũng ngại lắm! Văn chương, nghệ thuật đích thực dù ở thể loại nào,ví như thơ lục bát hay Đường luật, thơ tự do, thơ HAIKƯ... do những người làm thơ có tài, có tâm, có tầm viết ra đều có người đọc, chứ không phải cứ quay ngang, đảo ngược, làm khác người, khác đời mà chẳng có ý tưởng gì hay ho mới mẻ rồi tự cho là đổi mới! l

Dương Kỳ Anh
.
.