Thế giới vinh danh xòe Thái
Những điệu xòe của người Thái được mọi người yêu thích bởi những động tác bay bổng cùng với âm nhạc rộn ràng. Chúng được phát triển và sáng tạo trong đời sống văn hóa của người Thái rất phong phú.
Mới đây "Nghệ thuật xòe Thái" đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (15-12-2021) đánh dấu những nỗ lực của dân tộc Việt Nam nói chung và người Thái nói riêng đã bền bỉ phát triển xoè Thái trong cộng đồng, mang xoè Thái ra thế giới với những giá trị nghệ thuật thuyết phục.
Sự kiện xoè Thái được thế giới vinh danh đã thể hiện sự đánh giá cao loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của người Thái ở vùng Tây Bắc nước ta. Và đây cũng là món quà lớn, để mang Tết đến sớm đối với người Việt trong mùa xuân Nhâm Dần này.
Trung tâm xòe Thái Mường Lò
Mới đây chúng tôi gặp gỡ NSND Phạm Ngọc Bích (Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam), người từng làm Tổng đạo diễn đêm "Đại xòe" năm 2019 tại Nghĩa Lộ, Yên Bái (Mường Lò). Chị cho biết đây là một dự án xòe đặc sắc khi có tới 5000 người tham gia. Khi trao đổi với tôi về sự kiện này, chị đưa ra hàng trăm bản vẽ để xây dựng các hình tượng nghệ thuật cho các nghệ sĩ thể hiện. Những màn múa tạo hình sinh động và đầy biến hóa trong một không gian rộng lớn. Đó là những bức tranh sống động về văn hóa vùng Tây Bắc. Khi là biểu tượng những cánh đồng bậc thang. Tiếp sau đó là chiếc khăn Piêu trong ngày hội. Hoặc có khi hàng ngàn người tạo hình những cọn nước đang quay dạt dào dưới dòng suối trong.
Chị cho biết thêm, khi xâm nhập thực tế vào những bản người Thái mới hay, tại khu văn hóa Mường Lò có hàng trăm đội xòe ở khắp các thôn bản thuộc huyện. Hơn nữa thị xã Nghĩa Lộ còn là một trong bảy huyện, thị trong cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm trung tâm bảo tồn văn hóa xòe dân tộc Thái. Do vậy, những loại hình hoạt động văn hóa ở đây khá sâu rộng.
Dường như khắp các bản đều có đội xòe biểu diễn. Nhất là các bạn trẻ luôn coi xòe như cơm ăn áo mặc. Họ xòe trên nương rẫy, trên đồi chè hoặc trong đêm sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn bản. Hàng trăm đội xòe thường xuyên giao lưu biểu diễn và tập luyện tiết mục mới. Trẻ mới sinh ra đã nghe những bài hát ru về xòe. Họ truyền tụng cho con trẻ nhớ lời ông cha rằng: "Không xòe không tốt lúa/ Không xòe thóc cạn bồ/ Không xòe hoa sẽ héo/ Không xòe trai gái không thành đôi".
Đặc biệt thị xã Nghĩa Lộ đã từng tổ chức được những màn "Đại xòe" rất đông người và đã hoàn thành đề tài khoa học cấp tỉnh: "Nghiên cứu bảo tồn lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ". Việc nghiên cứu và bảo tồn nghệ thuật truyền thống đã đem lại kết quả sâu sắc về xòe Thái. Từ đây, các điệu xòe cổ đã được vận dụng phổ cập vào tận trường học tạo nên phong trào hoạt động xòe Thái rất sôi nổi. Hầu hết người dân các lứa tuổi ở thị xã đều biết xòe và tích cực tham gia phong trào hoạt động văn hóa. Kết quả đến nay thị xã Nghĩa Lộ có hơn 100 đội văn nghệ và 57 câu lạc bộ văn hóa.
Phong trào hoạt động văn hóa xòe của thị xã rất sôi nổi trong hơn mười năm và đã được Nhà nước trao danh hiệu "Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia cho "Nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò, Nghĩa Lộ" năm 2015. Thị xã Nghĩa Lộ trở thành một điểm sáng tiêu biểu về sự nghiệp bảo tồn văn hóa xòe Thái cùng với những vùng Mường khác trong bốn tỉnh vùng Tây Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái và Sơn La). Chính màn "Đại xòe" với 5000 người diễn ra tại Nghĩa Lộ (2019) được đánh giá là đỉnh cao của hoạt động bảo tồn văn hóa xòe. Đây cũng là một trong những kết quả làm tiền đề cho sự vinh danh đáng tự hào của UNESCO cho "Nghệ thuật xòe Thái" của bốn tỉnh Tây Bắc trong những ngày cuối cùng của năm cũ chuẩn bị cho xuân mới Nhâm Dần.
Xòe cầm tay rộn ràng trong tiếng hát
Xòe luôn đi đôi với âm nhạc và lời ca. Mỗi đội xòe phải có ít nhất 8 người múa mới đẹp. Ban nhạc cũng cần có đủ trống, kèn, cồng chiêng, khèn bè, chũm chọe. NSND Phạm Ngọc Bích cho biết, xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ; Xòe biểu diễn và Xòe vòng (phổ cập cho mọi người). Xòe nghi lễ và biểu diễn thường phải kết hợp với đạo cụ kèm theo tùy từng tiết mục. Xòe vòng còn được gọi là xòe cầm tay cho bất cứ ai cũng có thể tham gia không cần tập luyện nhiều.
Chị nói, chỉ với những động tác cơ bản của xòe vòng là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống và nắm lấy tay người bên cạnh. Tất cả bước chân uyển chuyển trong tiếng nhạc vui tươi, rộn ràng. Khi đó mọi người như bị say trong những âm thanh và cùng cất tiếng hát: ''Trao nhau giữa vòng xòe nụ cười và ánh mắt/ Thương nhau nắm tay nhau để lòng thôi không nói…" (Xòe yêu thương - Vương Khon).
Sinh hoạt đời sống của người Thái không thể thiếu xòe được là vì thế. Điệu xòe luôn đem lại sự gắn kết cộng đồng và yêu thương cuộc sống. Mọi người quên đi những nhọc nhằn, vượt qua những khó khăn để thấy yêu lao động và làng bản quê hương. Hơn nữa từ xòe mà tình yêu đôi lứa nảy sinh cùng những lời hát giao duyên tình tứ hẹn hò.
Đã từ lâu, mọi người đều nhớ đến bản dân ca "Inh lả ơi". Đây chính là nhạc hiệu cho xòe vòng luôn luôn vang lên trong các thôn bản. Lời hát chính là trao duyên tình tứ: "Inh lả ơi/ Sao nọng ời/ Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời/ Mùa xuân đến ngàn hoa hé cười/ Inh lả ơi/ Sao nọng ơi…".
Bên cạnh tập tục văn hóa truyền thống mang yếu tố gắn kết cộng đồng các điệu xòe và âm nhạc còn sâu đậm yếu tố tâm linh của dân tộc Thái. Họ quan niệm tiếng trống là âm thanh của mặt đất, còn tiếng cồng là sự vang vọng của bầu trời, và tiếng chũm chọe là biểu tượng "phồn thực" của muôn loài. Chính vì thế âm nhạc của xòe luôn "Vui tươi như hoa mở cánh" và "dạt dào như suối thác vang reo".
Nhịp điệu chính của xòe cơ bản là "Tùng rinh rinh - Rinh rinh tùng" tượng trưng cho ba vía của Trời - Đất - Người. Cho nên xòe vòng có khi đông không kể xiết từ hàng chục đến cả hàng trăm người tham gia. Họ kết thành nhiều vòng tùy diện tích sân sinh hoạt. Ở giữa vòng xòe thường gọi là tâm xòe bao giờ cũng có "cây cột vạn vật" hoặc đống lửa (lửa trại). Cây vạn vật (Xén xinh) luôn được treo các con vật bằng gỗ và sơn màu trang trí. Họ coi cây vạn vật là cây vũ trụ nối tâm linh với trời và đất. Khi ấy xòe vòng càng đậm đà và gắn kết hơn.
Người Thái coi xòe như cơm ăn nước uống nên ai trong mỗi gia đình đều có những trang phục như quần áo khăn đội và giày dép để sẵn sàng khi có tiếng nhạc gọi xòe. Nhất là các cô gái trong các đội xòe của thôn bản chuyên đi biểu diễn giao lưu. Tuy nhiên, trang phục của họ không có gì cầu kỳ mà tự nhiên như khi đi lễ hội. Đó là những chiếc áo cóm nhiều màu sắc bó sát người với những chiếc khuy bạc hình con bướm, con nhện hay ve sầu. Váy thì thường giống nhau màu thâm hình ống dài tha thướt. Riêng eo thì bất cứ ai cũng buộc một giải khăn màu xanh. Còn trang phục nam thì đơn giản hơn nhiều.
Xòe luôn mang tính biểu tượng nhân sinh quan, tâm tư và tình cảm của người Thái. Nhiều địa phương đã đưa dự án bảo tồn xòe vào học đường. Ngoài những sinh hoạt trong cộng đồng, các em học sinh sớm được học những điệu xòe cơ bản như xòe cầm tay, xòe khăn, xòe quạt. Đó là dự án bảo tồn những điệu xòe Thái đi vào đời sống một cách bài bản đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Đúng với nghĩa người Thái muốn gìn giữ: "Tay trong tay đêm nay/ Lòng xao xuyến bồi hồi/ Em lung linh trong điệu xòe như cành ban trắng mùa xuân" (Vương Khon)
Đại xòe đón danh hiệu
NSND Phạm Ngọc Bích kể, khi biết tin xòe Thái được vinh danh, nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến (Nghĩa Lộ-Yên Bái) bày tỏ: "Chúng tôi rất xúc động và tự hào khi xòe Thái được quốc tế vinh danh. Vào trong vòng xòe, già trẻ gái trai, giàu nghèo sang hèn đều trở nên bình đẳng. Tất cả mọi người đều hân hoan nắm tay nhau hòa mình trong vòng xòe".
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã nhấn mạnh: "Xòe Thái đã góp phần vào bức tranh văn hóa đa sắc màu và đầy cuốn hút của dân tộc". Sự kiện này không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái mà còn là niềm vinh dự chung cho sự nghiệp hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống của Việt Nam.
"Khi chúng ta xòe đều nắm tay nhau, điều ấy giúp mọi người gắn kết lại, đoàn kết nhất trí, cùng giơ tay tức là cùng một lòng…".