Thắp lửa cho những người viết trẻ
Trong những năm qua, văn học Công an đã đóng góp số lượng tác phẩm viết về hình tượng người chiến sĩ Công an ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều tác phẩm tạo được ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc, có sức lan tỏa rộng rãi, phản ánh đậm nét quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; cùng với những chiến công to lớn, những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Những nhà văn, tác giả trong lực lượng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn học Công an, làm nên một dòng chảy với bản sắc riêng hòa chung vào dòng chảy văn học Việt Nam.
Các tác giả trong Công an trước đây luôn có một số lượng đông đảo, có thể kể đến các nhà văn, nhà thơ lớp trước như: Lê Tri Kỷ, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Hữu Ước, Tôn Ái Nhân, Khổng Minh Dụ, Nguyễn Như Phong, Đặng Vương Hưng, Phạm Khải, Nguyễn Hồng Thái, Hồng Thanh Quang, Phan Đình Minh… và các nhà văn, tác giả thế hệ kế tiếp như Nguyễn Thế Hùng, Trần Thanh Hà, Như Bình, Lê Duy Nghĩa, Đào Trung Hiếu… Họ đã có nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh sinh động các hoạt động của lực lượng CAND trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đấu tranh với những quan điểm sai trái, cái nhìn thiên lệch, tiêu cực về người chiến sĩ CAND, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay, nhiều cây bút trẻ thế hệ 8X, 9X đã và đang khẳng định tên tuổi trên văn đàn như Chu Thanh Hương (Công an tỉnh Lạng Sơn), Hoàng Anh Tuấn (Công an tỉnh Lào Cai), Nguyễn Kiên Cường (Công an tỉnh Phú Thọ), Phan Đức Lộc (Công an tỉnh Điện Biên), Trần Ngọc Mai (Trường Đại học An ninh nhân dân), Võ Chí Nhất (Công an TP Hồ Chí Minh), Trần Lê Anh Tuấn (Công an tỉnh Phú Yên), Kim Thị Mùa Đông, Đỗ Ngọc Bích (Công an tỉnh Vĩnh Phúc), Đặng Lê Cát Tiên (Công an tỉnh Đồng Nai), Võ Đăng Khoa (Công an tỉnh An Giang), Vũ Thị Út (Công an TP Hải Phòng), Lê Ngọc (Công an tỉnh Tuyên Quang), Bùi Tuấn Minh (Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I) và nhiều các cây bút trẻ khác.
Trong đó các tác giả Chu Thanh Hương, Hoàng Anh Tuấn, Phan Đức Lộc và Bùi Tuấn Minh hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Họ là những hạt giống đỏ của văn học Công an. Một số tác giả trẻ đã khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn, có thể kể đến Thiếu tá, nhà văn Chu Thanh Hương đạt 2 giải A và 1 giải C tại cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống”, tiểu thuyết “Hoa bay” đoạt giải A giai đoạn 2007-2010, tiểu thuyết "Phận Liễu" đoạt giải A giai đoạn 2017 -2020, tiểu thuyết “Bí ẩn Phụng hoàng xanh” đoạt giải C giai đoạn 2013-2015.
Thượng úy, nhà văn Phan Đức Lộc là cây bút trẻ đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn học, như đoạt giải Nhất truyện ngắn cuộc thi Sáng tác văn học trẻ (2018) với tác phẩm truyện ngắn “Mùa đông ở Sính Phình”, Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020 của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm với truyện ngắn “Xác đá”, giải Nhì cuộc thi viết và Trại sáng tác văn học về Hình tượng người chiến sĩ CSND, kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962 - 20/7/2022) với tác phẩm “Mùa hoa Pa Bát”, giải thưởng “Cây bút Vàng” của Bộ Công an với tác phẩm “Pảng Cò Moong”. Những nhà văn, tác giả trẻ nêu trên đang là lực lượng viết hùng hậu và hoàn toàn có khả năng kế cận những lớp thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước trong văn đàn CAND.
Tuy nhiên, ngoài một số tác giả trẻ đã định danh, tạo dấu ấn riêng cho mình, đa số hiện nay các tác giả đều viết theo bản năng, tự phát chưa có một lộ trình dài hơi, chưa có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn. Một số tác giả trẻ dù mới viết nhưng đã có tư tưởng, suy nghĩ tự hài lòng với tác phẩm dẫn đến khả năng sáng tạo bị trì trệ, tù túng, hoàn toàn chưa có sự bứt phá, tạo dựng xác tín trong lòng độc giả. Bên cạnh đó, trong các cuộc thi trại viết của Bộ Công an tổ chức trong thời gian gần đây, những tác giả Công an tham gia chỉ chiếm chưa đến một phần ba số lượng trại viên. Điều đó đặt ra cho người viết trong lực lượng những câu hỏi và cả những trăn trở, bởi họ chính là những người viết về đồng đội mình một cách chân thực và sâu sắc nhất.
Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng có thể nêu ra hai nguyên nhân chính. Thứ nhất: Những người viết trẻ chủ yếu làm những nhiệm vụ chuyên môn khác nhau tại đơn vị cơ sở, áp lực công việc nhiều, họ xác định viết không phải là một nghề, đó chỉ là đam mê không có tính lâu dài. Công việc chính là hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, bên cạnh đó nhiều cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị địa phương chưa thực sự tạo điều kiện cho những tác giả trẻ tham gia các hoạt động liên quan đến văn học.
Thứ hai: Công tác đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn trẻ trong CAND còn gặp nhiều khó khăn. Chưa có những lớp tập huấn, bồi dưỡng, kỹ năng viết cho tác giả nâng cao khả năng, phát huy bút lực sáng tạo, nên chất lượng tác phẩm thường ở mức chấp nhận được. Mặc dù những thế hệ viết đi trước như Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Thế Hùng, Như Bình… luôn tìm cách giúp đỡ, động viên những người viết trẻ nhưng văn chương luôn là một hành trình dài, không chỉ là sự cố gắng của bản thân những tác giả trẻ.
Xuất phát từ những nguyên nhân trên, thiết nghĩ nếu không có những giải pháp kịp thời thì dự đoán tương lai 10 đến 20 năm nữa lực lượng nhà văn Công an sẽ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trong khi đó việc phát triển văn học về CAND trong tình hình mới là rất cần thiết và mang tính cấp bách. Việc thực hiện Nghị quyết số 05- NQ/ĐUCA, ngày 28/9/2021 của Đảng uỷ Công an Trung ương về nâng cao chất lượng công tác văn hoá, văn nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực văn học.
Để văn học Công an phát triển, đảm bảo tính kế thừa, không chỉ là trách nhiệm của mỗi người viết trẻ mà cần có sự chung tay, đồng sức của các cơ quan, đơn vị và những người có trách nhiệm đối với văn học Công an. Hay nói một cách khác, chúng ta cần có những giải pháp nhằm thắp ngọn lửa đam mê với văn chương, đồng thời nâng cao chất lượng tác phẩm cho đội ngũ viết văn trẻ hiện đang công tác trong lực lượng CAND.
Vì vậy, xin mạnh dạn nêu ra một số giải pháp phát triển văn học CAND trong tình hình mới đối với các tác giả trẻ như sau: Cần rà soát lại đội ngũ những người viết hiện tại, về số lượng, vị trí công tác, khả năng sáng tác, chiều hướng phát triển... để nắm tâm tư, nguyện vọng, tiến hành bồi dưỡng nâng cao trình độ thông qua việc tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi chuyên nghiệp. Các đơn vị, các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho các cán bộ có năng khiếu văn học những công việc, môi trường thuận lợi để phát triển việc sáng tác.
Các cuộc thi viết trong lực lượng, nhất là trại viết, cần ưu tiên số lượng những tác giả công tác trong lực lượng tạo cơ hội để những người viết trẻ được tiếp xúc, giao lưu, học hỏi những nhà văn lớn nhằm trau dồi, tích lũy cho bản thân tác giả, nâng cao khả năng viết. Chi hội Nhà văn Công an cần khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò của một tổ chức đầu tàu trong việc phát hiện, bồi dưỡng, định hướng lộ trình phát triển cho các tác giả trẻ trong lực lượng Công an.
Việc phát triển văn học Công an, nhất là tạo môi trường, thắp lửa niềm tin cho những người viết trẻ là việc làm cần thiết, góp phần từng bước đưa văn học CAND tương xứng với các hoạt động nghệ thuật nước nhà và có vị trí xứng đáng trong lòng nhân dân.