Thành phố bên dòng sông tình yêu
Thành phố Kon Tum được hình thành bên những con hồ và sông suối đan xen trên Tây Nguyên. Kon Tum theo nghĩa của người Ba Na là làng Hồ, buôn Hồ. Đó chính là những bộ tộc xưa sinh sống bên hồ hoặc sông. Thành phố xinh xinh như cô gái Ba Na mới lớn dịu dàng, đôi phần e lệ bên con sông hung dữ Đăk Bla vào mùa lũ. Những điệu múa của các bộ tộc Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng luôn xuất hiện vào mùa lễ mừng lúa mới và mỗi độ xuân về.
Nhịp điệu Ba Na
Đi các đường dọc sông ở Kon Tum sẽ hình dung ra đó chính là những con đường trong buôn làng xưa. Con đường Nguyễn Huệ như một dải lụa mơ màng với ngôi nhà thờ gỗ nổi tiếng cùng mái nhà Rông Ba Na. Ngôi nhà thờ này do người Pháp xây dựng (1918) rất kỳ lạ. Ý tưởng xây ngôi nhà toàn bằng gỗ sến đỏ là của người dân công giáo Ba Na. Một cấu trúc đúng như nhà sàn của đồng bào Tây Nguyên. Sàn nhà nổi trên mặt đất chừng một mét. Mỗi cột đều được dựng trên những trụ đá vững chãi. Tường vách nhà thờ đều được đắp bằng rơm trộn bùn sông Đăk Bla. Tính đến nay đã 114 năm ngôi nhà thờ vẫn bề thế vươn cao với những ô cửa kính lộng lẫy sắc màu.
Nét độc đáo của các con chiên người Ba Na ở đây là vẫn giữ được những phong tục riêng của mình mỗi lần đi nhà thờ. Sau khi làm lễ với các cha cố, người Ba Na và Jrai lại quay sang ngôi nhà Rông kế bên để sinh hoạt. Nhất là vào các dịp hát ru, hay đua thuyền trên sông, hoặc thi cồng chiêng hàng năm. Tất cả lại xúng xính trong bộ trang phục vào hội. Đó là những đoàn người rời nhà thờ đi dọc sông Đăk Bla hát múa. Những làn điệu giao duyên cất lên như tiếng chim rừng ríu rít.
Lời tỏ tình của các chàng trai cất lên mộc mạc: “Nàng vô vàn yêu dấu của ta ơi! Thấy chim sẻ nhỏ ta muốn bắt giữ. Thấy chim én non ta muốn đem nuôi. Thấy chim Nhông đẹp ta muốn cầm lấy…”. Cứ thế chàng bộc bạch mở lòng đón đưa trong giai điệu yêu thương hết mình. Còn các cô gái bao giờ cũng rụt rè, lúng túng nhưng rồi cũng đáp lời và trao ánh mắt đưa duyên: “Chàng ơi! Chim nhỏ này thuộc về chàng. Chàng chớ vội vàng đuổi bắt nó. Chàng hãy chờ ngoài sân. Chim tự đến. Hãy chờ ở ngoài ngõ. Đón chim vào…”. Dường như thành phố Kon Tum được nhuộm bảy mầu sắc cầu vồng trong những điệu múa nhịp nhàng bên dòng sông Đăk Bla
Nhưng có lẽ độc đáo nhất là lễ thổi tai con trẻ mới sinh, rất ít nơi có. Đó là lễ hội đầu tiên trong cuộc đời của một con người muốn trưởng thành khôn lớn. Đây cũng là lễ đặt tên cho đứa bé. Tiến hành lễ người thầy đọc kinh trong ngôi nhà Rông: “Cầu thần linh che chở cho con trẻ. Nó lớn lên được cha nhờ gánh nước, mẹ nhờ nương rẫy. Người nó được khỏe mạnh, uống rượu, vui chơi với mọi người không bị rượu đè, ma xui làm việc xấu. Nó sống khỏe mạnh cứng cáp. Con gái lớn vùn vụt như măng lên. Con trai khỏe như cọp…”.
Trong khi đó người mẹ ôm con thơ hát ru. Khi hết câu hát người mẹ khẽ thổi nhẹ vào tai con và mỉm cười. Đó là giây phút thiêng liêng của thần thánh trao sức mạnh cho trẻ nhỏ. Từ đó bé sẽ lớn lên khỏe mạnh, chịu khó lao động để trở thành người Ba Na chân chính. Ước mơ của người Ba Na chỉ có vậy. Con người trưởng thành luôn dựa vào những khát vọng sống và lao động cần cù. Những lễ hội luôn sống động trong nhịp điệu cồng chiêng cùng những bản dân ca và dân vũ tình yêu. Cuộc sống của tộc Ba Na luôn gắn liền với lễ hội quanh năm. Chính vì thế thành phố Kon Tum cũng được gọi là thành phố của những lễ hội với đúng nghĩa của nó.
Bài ca chim Chơ Rao
Dấu ấn Kon Tum ngoài ngôi nhà thờ gỗ độc đáo còn được ghi nhận một di tích lịch sử Ngục Kon Tum trên sông Đăk Bla. Đây là nhà tù mà thực dân Pháp đã giam cầm và sát hại nhiều chiến sĩ cách mạng trên vùng kháng chiến Tây Nguyên. Nhà thơ Thu Bồn đã viết trường ca “Cánh chim Chơ Rao” (năm 1961) ca ngợi những chiến sĩ kiên cường chống Pháp trong ngục tối. Nhà thơ hoạt động cách mạng ở chiến khu V và Tây Nguyên (từ năm 1960 đến 1975).
Ông viết lại câu chuyện của các nhân vật Hùng, Rin, Sao…với những câu thơ đầy hào hùng, sâu sắc. Kết cấu của trường ca mô tả câu chuyện xoay quanh trong nhà ngục Kon Tum. Có đoạn ông viết: “Trở về buồng giam Sao hát/ Ngục Kon Tum đóng cửa lại rồi/ Ngoài sân âm thầm anh lính gác/ Lòng bay về nương rẫy xa xôi”. Hoặc có đoạn lời thơ bay bổng hùng tráng rạo rực với nhịp sống núi rừng: “Ôi! Tây Nguyên khảm một trời sao lộng lẫy/ Ta đi theo tiếng hú thiêng liêng/ Quả tim anh hùng bừng bừng ngọn lửa/ Nghìn đời soi sáng đất Tây Nguyên”.
Hình tượng chim Chơ Rao (chim Sáo) được tạo dựng kết cấu cho phần hồn linh thiêng về quê hương của những người chiến sĩ Tây Nguyên. Họ đã cùng với người Kinh đoàn kết chiến đấu và tận tụy vì đất nước. Biểu tượng chim Chơ Rao là rừng núi, quê hương và làng bản. Trường ca “Cánh chim Chơ Rao” luôn vang lên trong chiến dịch miền Nam một thời làm động lực tinh thần cho cuộc cách mạng sống còn của đồng bào Tây Nguyên.
Những hình ảnh không thể nào quên khi nhà thơ tả cảnh chiến sĩ Hùng và Rin bị giặc trói vào cây: “Ôi chim đại bàng trong bão tố/ Đầu sắp rơi mà cánh vẫn tung bay”. Hoặc trước khi chết Rin vẫn còn mong ước tự do cho cô Sao- người yêu của mình vẫn bị giặc giam cầm: “Sao ơi! Em là con bướm trắng/ Mắc giữa cành gai sắc dập vùi/ Bao giờ em thoát đời tù ngục/ Về với lũ làng múa hát vui”. Nhà thơ Thu Bồn chắt lọc tâm hồn mình dâng cho rừng núi Tây Nguyên và Tổ quốc qua những vần thơ: “Chim Chơ Rao ơi! Bay về buôn vắng/ Báo tin buồn đi khắp mọi nơi/ Mặt trời đã rụng hai tia nắng/ Rừng Tây Nguyên lửa đỏ sáng ngời”.
Chuyện tình Đăk Bla
Con sông Đăk Bla ôm trọn thành phố Kon Tum. Có đoạn sông chảy ngược từ Đông sang Tây ngang qua thành phố. Chính vì thế mà Đăk Bla còn được gọi là sông chảy ngược theo địa hình quanh co kỳ thú của núi đồi Kon Tum. Vì sao chảy ngược người Ba Na lại có cổ tích của mình. Đó là câu chuyện giữa hai bộ tộc người Ba Na và Gia Rai. Tự xa xưa hai bộ tộc, một sống trên thượng nguồn (Gia Rai) còn người Ba Na sống dưới hạ nguồn. Hai bộ tộc thường tranh chấp vùng thổ địa và bắt người của nhau làm nô lệ. Họ thù ghét nhau và thề không bao giờ có chuyện cho trai gái hai bên lấy nhau.
Vậy mà oái oăm thay, một chàng trai người Gia Rai đã đem lòng yêu thương một cô gái Ba Na trong một ngày đi trảy hội. Họ hẹn hò vụng trộm vì sợ cha mẹ cấm đoán. Cứ đến đêm rằm trăng vằng vặc soi đường, chàng trai lại dùng cánh thuyền độc mộc xuôi dòng về hạ nguồn tìm gặp người yêu. Sau vài mùa trăng mọi chuyện vỡ lở khi các chàng trai tộc Ba Na đã phát hiện ra cặp tình yêu đang hát dưới đồi hoa. Họ hô hét truy bắt chàng trai Gia Rai. Chàng trai còn bị bộ tộc đe dọa sẽ đuổi ra khỏi bản nếu còn tiếp tục yêu người con gái Ba Na.
Đêm đêm chàng trai nhớ người thương đến quay quắt trong lòng. Người con gái Ba Na xinh đẹp cũng vậy cứ đến đêm trăng rằm lại ra bờ sông ngóng đợi. Nhưng tất cả bặt vô âm tín. Đến một hôm cô thấy có bức tượng gỗ trôi về đúng nơi hò hẹn. Đó chính là bức tượng khắc hình nàng và để lại một vết xước rỉ máu trên vai. Cô chợt hiểu ra chàng trai đã thề sẽ lấy cái chết để được mãi mãi bên nhau. Như thần linh mách bảo một đêm trăng sáng cả hai cũng nhảy xuống sông hung dữ Đăk Bla tự vẫn.
Dòng máu của chàng chảy về xuôi hạ nguồn tìm người yêu. Còn dòng máu của nàng lại chảy ngược về thượng nguồn để nhập hồn với người mình trọn đời thương nhớ. Khi hai dòng máu gặp nhau hòa nhập nhưng bất ngờ chảy ngược và rẽ ngang theo triền núi gập gềnh về lại hạ nguồn. Đó chính là đoạn sông chảy ngược vào thành phố Kon Tum. Cái chết đó của hai người đã làm lay động hai bộ tộc. Từ đó hai bên không hiềm khích nữa. Họ đã hòa đồng thân thiện như hai dòng máu của tình yêu. Những câu thơ còn ghi lại trên một tảng đá trên thượng nguồn của chàng trai: “Tôi lên rừng lên núi/ Cùng nỗi nhớ đêm ngày/ Và tôi nhào trên sóng/ Cánh thuyền độc mộc bay”.