Thành hoàng - Thần bảo hộ: Một mẫu số chung!

Thứ Sáu, 13/12/2024, 10:39

Theo nghĩa chữ Hán, “thành” là cái thành, “hoàng” là hào bao quanh. Hào có nước gọi là trì (thành trì), không có nước là hoàng (thành hoàng). Ý này có trong thành ngữ Hán cổ: “Đắp đất làm thành, đào hào làm hoàng”.

Ngày xưa, bên Trung Quốc, thành là một đơn vị tổ chức hành chính, có dân, có chính quyền, theo tín ngưỡng thờ cúng, “thành hoàng” ra đời để chỉ vị thần coi giữ, bảo hộ tinh thần cho cái thành. Thành hoàng đi vào văn hóa theo lẽ tự nhiên, được văn bản hóa trong các sách, cơ bản hơn, được vật thể hóa thành các miếu thờ (có từ những năm thời kỳ Lục triều, khoảng 220 - 589).

Thời kỳ đầu, thành hoàng rất được sùng bái thờ cúng và phú cho những vai trò, chức năng đặc biệt. Như xét xử tội trạng người vừa qua đời. Trong sách “Thái Bình quảng ký” kể có người họ Vương thời Đường, ngã bệnh rồi chết (lâm sàng). Tỉnh dậy, họ Vương kể gặp một vị thần đến nói mệnh đã hết, rồi dẫn đi.

Đến miếu, Thành hoàng xem xét, nói: “Ông này khi sống công đức nhiều, tạo phúc cho bá tánh, theo lý chưa đến “thọ”, sao dẫn đi sớm thế?”, liền được trả về... Hạt nhân của câu chuyện kỳ ảo là răn con người sống phúc hậu, chăm chỉ làm điều thiện sẽ được sống lâu… Lại có chuyện vì có hiếu mà “hoãn” chết. Vị tú tài họ Trương nọ hết mệnh được đưa đến gặp thành hoàng, ông ta mới trình bày mẹ đang ốm nặng… Xem xét thấy vị này hiếu nghĩa mà mẹ già đang cần con trông nom, Thành hoàng liền phê cho cụ già thọ chín năm nữa. Đến khi mẹ mất, lo tang ma chu toàn, họ Trương tắm rửa sạch sẽ, dặn dò gia đình, lên giường nằm ngủ… rồi đi. Truyện răn dạy con người có chữ “Hiếu” sẽ chống được “mệnh”!

Thành hoàng - Thần bảo hộ: Một mẫu số chung! -1
Hình ảnh một ngôi đình (Bắc Bộ) thờ thành hoàng.

Theo con đường tiếp biến gần gũi, hình tượng thành hoàng truyền vào nước ta (khoảng đời nhà Đường?), chịu sự khúc xạ của văn hóa bản địa mà biến đổi cho phù hợp. Bên Trung Hoa là vị thần bảo hộ thành giúp chống kẻ địch chiếm thành (rất rõ trong “Tam quốc diễn nghĩa”), sang Việt Nam đậm tinh thần “văn hóa làng xã” nên thành vị thần bảo trợ dân làng chống lại tai ương, phù hộ ăn nên làm ra, khỏe mạnh… Như hạt giống gieo vào đất tốt lại quang hợp nhiều ánh sáng tình người nên hình tượng thành hoàng lớn thành cây văn hóa, theo thời gian trở nên cường tráng, sum suê, lá cành che cả một khoảng trời văn hóa tâm linh Việt.

Nhưng hiểu theo nghĩa bảo hộ tinh thần thì từ xa xưa, hầu như vùng đất nào, nghề nghiệp nào cũng đều có “thành hoàng” cả.

Trong thần thoại Hy Lạp, có rất nhiều các vị thần bảo hộ cho các vùng đất, xứ sở, ví như nữ thần Hestia, được cai quản dòng sông Hiabao quanh đỉnh Olympus cứu được nhiều người dân xứ Manila nên được tôn làm nữ thần bảo hộ. Lại có thần bảo trợ cho các ngành nghề, thậm chí, cả nghề ăn cắp.

Truyện kể khi vừa đẻ con (Hermes), thần Maia đã biết tính ăn trộm của “quý tử” nên bó con mình trong chăn nhưng Hermes vẫn tìm cách thoát ra được. Hermes đi khắp nơi, thông thuộc hết các đường ngang ngõ tắt. Đến cánh đồng nọ, lừa người chăn bò (Apollo) đã bắt trộm 12 con bò cái... Kẻ trộm buộc vào mỗi đuôi con bò một cành cây rồi lùa đi. Cành cây quét sạch mọi vết chân bò. Ma quái hơn, Hermes còn lấy guốc xỏ vào chân bò rồi cầm đuôi bò kéo đi giật lùi...

Truyện lý giải tính cách con người đã hình thành từ khi mới đẻ nên giáo dục phải quan tâm dạy trẻ từ nhỏ (như các cụ ta dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ”). Kẻ trộm luôn ma mãnh, nhiều quỷ kế nên phải hết sức đề phòng…

Trong văn hóa Ấn Độ, Vishnu là vị thần bảo hộ có khuôn mặt người, 4 tay cầm 4 thứ: cái tù và, cái vòng, cái búa, cánh hoa sen tượng trưng cho bốn chất tạo nên vũ trụ. Làm nhiệm vụ duy trì, bảo vệ thế giới, thần được miêu tả có màu da xanh dương, khi cưỡi chim thần Garuđa, lúc lại có dạng nửa người nửa chim, có lúc nằm trên mình con rắn Naga…

Gần gũi hơn với văn hóa Việt, người Khmer (Campuchia) có tục thờ Neak Tà trong các phum, tương tự như thành hoàng của cư dân Bắc Bộ (Việt Nam). Đặc trưng miếu thờ Neak Tà là thờ vài hòn đá to, nhỏ hình bầu dục, nhẵn tự nhiên. Có nhiều cách hiểu, đó “là hồn của những người đã chết từ lâu”; là “các vị thần đồng áng hay thần ở trong rừng mà người ta phải cầu xin”; là tàn dư của tín ngưỡng thờ đá ở Nam Á… nhưng hầu như thống nhất cho đó là thần bảo hộ. Được phân thành nhiều bậc khác nhau, tùy từng bậc cao thấp mà cúng bằng đầu heo, bằng gà, vịt… Neak Tà được hình dung là người đàn ông, là một nhân vật lịch sử, nhân vật trong huyền thoại, hoặc tên của vị thần Bà La Môn… Điều này cho thấy tín ngưỡng Neak Tà chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Bà La môn giáo.

Người Lào cúng “Kan liệng Mặc Hể Xặc” (thần bảo hộ bản mường) vào ngày rằm tháng 7 (rằm tháng 5 âm lịch Việt Nam) với mong muốn âm binh ma mường phù trợ thoát khỏi bệnh tật khi mùa mưa bắt đầu. Ngày xưa, do địa hình rừng núi, khí hậu ẩm, các loại bệnh dịch dễ lây lan, khó chữa… nên khát vọng lớn nhất của người dân là được khỏe mạnh, sinh sôi, phát triển. Thế nên đặc trưng việc cúng ma bản, ma mường là nghi thức dâng hoa sen - biểu tượng của linga (hình dương vật), hiện thân của thần Siva trong Bà La môn giáo.

Thành hoàng - Thần bảo hộ: Một mẫu số chung! -0
Hestia - thần bảo hộ cũng là thần bếp lửa.

Như vậy tín ngưỡng thờ thành hoàng (gọi chung) đều mang khát vọng ấm no, hòa bình, đủ đầy… Nói chung là đậm đà tinh thần nhân văn. Ở nước ta, là một tín ngưỡng chủ đạo mang đậm bản sắc Việt ngày càng sâu đậm. Sang đầu thế kỷ XXI, tín ngưỡng này càng phát triển với biểu hiện bề ngoài là sự phục hồi, tôn tạo và xây mới nhiều đền miếu, có nơi nguy nga, bề thế… Không chỉ phù hợp với tín ngưỡng bản địa: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, phù hợp với khát vọng nhân văn chung mong muốn có một cuộc sống an lành, yên ấm…, cơ bản hơn có lẽ phù hợp với không gian địa văn hóa.

Mô hình cơ bản của làng Việt xưa là lũy tre bao quanh mang chức năng bảo vệ của thành, ra vào bằng hai cổng. Cổng chính thường phía Đông đón ánh nắng, đón khách. Cổng phụ hướng Tây đi ra ngoài đồng và nghĩa trang. Phía ngoài lũy tre thường là hào nước (trì). Thế nên trong từ vựng tiếng Việt, khái niệm “thành trì” quen thuộc, xuất hiện nhiều hơn khái niệm “thành quách”. “Quách” là bức tường thấp hơn bên ngoài thành. Trong không gian khép kín ấy, tất yếu phải có thần linh bảo hộ, không thần nào phù hợp hơn với thần thành hoàng.

Thế nên có thể khẳng định, giả sử không có sự tiếp biến từ văn hóa Trung Hoa, với những đặc điểm trên, làng xã Việt cũng sẽ có ông “thần thành hoàng” của riêng mình. Hẳn nhiên, nhờ sự tiếp biến mà biểu tượng xuất hiện sớm, đa dạng hơn về biểu vật, đa nghĩa hơn về biểu cảm. Xét về bản chất, thần này thực ra cũng là sự “mở rộng” của thần thổ công có ở mỗi nhà. Vì thế mà làng nào cũng có thần thành hoàng riêng.

Thành ngữ “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” nói về tính cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa, có hạt nhân là mỗi làng có ông Tổ riêng, tức có bản sắc riêng, tạo ra sự đa dạng, nhiều vẻ của làng Việt cổ. Làng lại gắn liền với nghề. Theo thời gian, nghề ngày càng mở rộng, phong phú, cũng tất yếu có ông Tổ nghề riêng. Ông Tổ nghề này, thực chất cũng là một “thần thành hoàng”, nói cách khác là “thần bảo hộ”.

Mang chức năng cơ bản là “hộ quốc tí dân” (bảo vệ nước che chở dân) nên hình tượng thành hoàng mang những ý nghĩa chính: xây dựng, bồi đắp ý thức về lòng biết ơn. Thành hoàng có thể là có thật, là người có công với làng như lập làng, lập nghề, đuổi giặc, cứu người hoặc vinh danh cho làng... Thế nên không chỉ là tín ngưỡng, còn là sự thể hiện đạo lý. Thứ nữa là giáo dục ý thức giữ gìn lệ tục (lệ làng). Mỗi làng có tập quán riêng, được ghi vào hương ước (tất nhiên có thần thành hoàng với tiểu sử, công lao,…) để truyền đời cho con cháu tự hào, góp phần làm vẻ vang rạng rỡ truyền thống. Cơ bản nhất là giáo dục ý thức đoàn kết cộng đồng.

Có thể nói thành hoàng là điểm tựa tâm linh của làng chứng kiến đời sống, ban phúc độ trì hay giáng họa trừng phạt... Tết nhà quê xưa, ngày 23 tháng Chạp, cúng xong thần linh thổ địa ở nhà mình thì mọi người ra đình cúng thành hoàng cầu khấn cả làng mạnh khỏe, bình an, phát tài, phát lộc... Rộng hơn, cầu cho “quốc thái dân an”!

Như vậy thành hoàng, về bản chất là vị thần bảo hộ như một mã văn hóa ký gửi trong đó rất nhiều ý nghĩa riêng. Điểm chung nhất, đó là một mẫu số chung có ở mọi nơi trên thế giới thể hiện khát vọng hướng đến cái tốt lành, may mắn, hạnh phúc.

Nguyễn Thanh Tú
.
.