Tết thương hồ giữ hồn châu thổ
Chỉ cần nghe bấc trở mùa, ngó con trăng tròn tháng chạp, là mấy cái chợ nổi lại rộn ràng như xuân căng tràn lên phận người thương hồ lấy sông làm nhà. Trong nhiều cách ăn Tết của người Nam bộ, thì cái Tết thương hồ vẫn luôn là cái Tết đặc biệt và độc đáo nhất.
Chợ nổi thổi hồn Tết Nam bộ
Buôn có bạn, bán có phường, nên người miền Tây cũng họp chợ trên sông theo từng cụm. Dần dà thời gian bồi đắp cho cái nghề thương hồ long đong phần đời ruổi rong sóng nước này một bề dày lịch sử. Biến thiên năm tháng phủ lên miệt Cửu Long những đổi thay theo thời hợp thế, chợ truyền thống, siêu thị bắt đầu mọc lên nhưng kì thực, chợ nổi vẫn là một điều gì đó ăm ắp trong kí ức của người miền Tây, khó thể phôi phai. Người bán, người mua tìm đến chợ nổi như tìm lại cái thương tưởng xưa xa, nắm níu cái hồn quê kiểng.
Càng gần những ngày cạn chạp, những khúc sông họp chợ càng đông đúc và rực rỡ sắc màu của mấy chiếc ghe bông tụ về. Xanh đỏ tím vàng nhuộm cả khúc sông thành một quãng dài lung linh trong nắng mai non dịu dàng. Ghe cặp mé sông, ghe đậu bến đợi. Khách trên bờ cũng có thể xuống ghe lựa đồ. Khách từ các con kinh, rạch, khúc lóng nhỏ ở tận những vùng sâu cũng tranh thủ buổi chợ sớm để kịp lựa những món ngon về ăn Tết.
Quê nội tôi ở An Giang, nơi có cái chợ nổi lâu đời nức tiếng xứ Bảy núi này- Kinh Xáng Vịnh Tre. Tết quê rôm rả đâu từ những ngày rằm tháng chạp rồi. Nội hay kêu một người bác thứ tám sáng sớm đã chạy ghe máy đuôi tôm ra tận chợ nổi Kinh Xáng chỉ để lựa mấy chục hột vịt, hay quả dưa hấu, có lúc là bông vạn thọ… Nhiều lần tôi cứ thắc mắc sao đi năm bảy bữa mà mua hoài chưa đủ đồ ăn Tết, nội cứ cười tỉnh rụi nói chừng lớn lên tự khắc tôi hiểu. Mãi sau này khi lớn lên chút nữa, quãng năm mười hai tuổi, tôi mới bắt đầu ghiền mấy cái chợ nổi mỗi bận Tết nhứt. Cứ theo ghe nội đi miết, ngày hôm qua đã đi, ngày hôm nay lại đòi, và dĩ nhiên ngày mai tôi vẫn ráng dậy từ sáng sớm để theo ghe ra chợ nổi.
Một vùng sông nước dập dềnh những chiếc ghe, rộn ràng tiếng nói cười, sắc màu hoa lá rực rỡ, bấy nhiêu đã thấy xuân rạo rực trên mảnh đất miền Tây bạt ngàn sự hào sảng. Hào sảng cả trong cách buôn bán của đời thương hồ. Tỷ như người miền Tây bán buôn nói một chục nhưng đâu phải là mười. Một chục của dân thương hồ đa dạng theo món hàng. Như chục trứng gà thì đúng mười trứng, nhưng chục cam có khi là 16 trái, chục dừa đôi lúc là 12 trái, chục quýt nhiều khi đến tận 14 trái… Cách bán bó thì thường tính cho rau, hành, ngò; bán kí thường tính cho chanh, cho ớt, đường, tỏi… Nhiều lắm những cách tính theo mỗi vùng, mỗi chợ nổi mà tôi đem thắc mắc về hỏi nội thì ngay cả những người bám đất miền Tây sống cả phận đời như nội cũng chẳng thể biết. Ông bà dạy tính sao thì cứ giữ cái nếp đó mà bán buôn.
Nếp bán thành lệ, dân thương hồ còn bán theo kiểu thả "phao", đó là cách bán cho mối lái lấy về các chợ nhỏ họp trên các con kinh, rạch, búng, hay khúc lóng của những ghe bẹo đến từ vùng sâu. "Phao" cũng được thả tùy theo mặt hàng đang bán nhanh hay chậm. Thả phao có nghĩa là số lượng cho không để mối lái lấy về bán nhỏ lẻ có thêm phần lời. Như một kiểu khuyến mãi của dân thương hồ "lì xì" lẫn nhau. Thường thì thả phao 1 chục, 1 kí cho đến 10 chục hay 10 kí mà mối lái phải mua đến con số 100 chục hoặc 100 kí mới được hưởng phao. Dân thương hồ bám con nước mà sống, nên giờ giấc thả phao sẽ độc đáo ở chỗ là canh nước lên nước xuống. Cứ nước ròng là lúc thủy triều xuống thì phao sẽ thả, có khi nước bắt đầu lớn là thu phao lại. Chợ Tết vì thế nó lại mang cái thú rất vui rổn rảng bởi tiếng rao thả phao, thu phao của dân thương hồ. Ghe cứ vậy mà chạy xà quần của khúc sông. Tết cứ vậy mà lòng vòng níu giữ hồn người châu thổ.
Dọc các tỉnh thành miền Tây Nam bộ, giờ đếm trên đầu ngón tay cũng gần chục cái chợ nổi trứ danh như Cái Răng, Phong Điền của Cần Thơ; Cái Bè của Tiền Giang; Long Xuyên của An Giang; Gành Hào của Cà Mau; Trà Ôn của Vĩnh Long; Ngã Bảy của Hậu Giang; Ngã Năm của Sóc Trăng… những cái chợ nổi như thổi hồn quê bản xứ lên Tết Nam bộ dẫu "đất chín rồng" giờ cũng đã thay da đổi thịt ít nhiều theo chiều hiện đại hóa công nghiệp hóa. Nhưng, chừng nào còn chợ nổi, chừng đó vẫn còn Tết quê đúng nghĩa nếp xưa lệ cũ của thời tiền nhân mở cõi đất Phương Nam này.
Vẫn theo gió Tết tìm về Cửu Long
Tôi nhớ có lần ngồi trên chiếc ghe nhỏ xuôi về chợ nổi Cái Răng cùng những bạn văn đến từ đất Bắc, họ ngạc nhiên bởi cách buôn bán thương hồ này. Ghe sát ghe, người bán người mua nhảy từ ghe này sang ghe khác ngon ơ, hay đảo cả vòng chợ nổi toàn nghe rao chục mà mua lên thì đếm hơn mười. Đặc biệt là mua thì có trả giá cũng không tài nào trả được, bởi dân chợ nổi buôn bán sát giá, giá rẻ lấy từ vườn ra nên có trả cỡ nào cũng không bán. Hay như tiếng dạ lời thưa của dân miền Tây ngọt xớt khiến chị nhà thơ đất Bắc trầm trồ, sao mấy cô mấy chú lớn hơn mình mà một tiếng dạ hai tiếng thưa. Kì thực đó là cái nếp giao thương thiệt thà chân chất của xứ này. Cái tiếng dạ trong mua bán trao đổi của người miền Tây trăm năm nay vẫn cứ vậy. Nhưng, cũng chính chị nhà thơ miền Tây thắc mắc một điều khiến cả đoàn hôm ấy lòng mênh mông như sóng nước Cửu Long. Lấy ghe làm nhà vậy họ ăn Tết làm sao? Đó là những ngày gần chạp, gió ngọt nước đồng, sóng nước cũng đã lao xao câu chuyện sum vầy.
Tôi có cô bạn tên Hoài Thương ngày đó cùng xóm, thời gian xuôi mỗi đứa mỗi ngã, tôi náu nương phận mình chốn thị thành nhưng mỗi bận về quê vẫn hay tìm ra chợ nổi để ngồi cùng cô bạn. Hoài Thương giờ theo nghề tía má cũng lênh đênh phận mình theo ghe bẹo sống đời thương hồ. Mỗi năm ghe của Hoài Thương quay về chợ quê cũ để họp với ghe của tía má bán buôn trên khúc sông đã nuôi mình khôn lớn. Cô bạn ngày ấy lấy anh chồng tên Hận, ngày ngày ruổi rong từ sông Hậu đi hết cái chợ nổi này đến cái chợ nổi kia để mưu sinh.
Xứ này đôi khi người ta đặt cái tên quê trớt, chẳng cao sang, chẳng đẹp đẽ nhưng là cái tên thật thà theo cảm xúc. Hoài Thương ra đời từ mối tình của tía má cũng là dân thương hồ ghe bẹo, rổ rá cáp lại với nhau chứ đâu có cái đám cưới nào trầu cau mai mối. Hận là đứa con trong cuộc tình chớp nhoáng của đời ghe bẹo. Má Hận đẻ ra khi người tình đã lui ghe đâu đó trên chín nhánh sông đất châu thổ. Chín nhánh sông sao mà tìm được, nên cái tên đem đặt cho con để nhắc nhớ một quãng đời trôi nổi.
Tôi nhớ lần mình về gặp cô bạn, cô bạn mừng rơn dắt lên ghe giới thiệu chồng với tôi. Chiều Ba mươi Tết năm đó, tôi đón cái Tết sum vầy ấm áp với đôi vợ chồng trẻ, cũng có bánh tét, cũng có củ kiệu, có thịt kho hột vịt và những câu chuyện lênh đênh sóng nước đời thương hồ. Như những cánh lục bình miên di trên trăm ngàn con sóng nước Cửu Long, đời thương hồ cũng thế, khác chăng mỗi mùa Tết sẽ nghỉ ngơi độ chừng 8 ngày thôi, rồi lại ngay mùng 8 Tết là cúng ghe, chấm mắt ghe, dong ghe rẽ sóng nước mà tiếp tục dập dềnh.
Lần đó tôi hỏi cô bạn sao không chịu lên bờ, sống đời thương hồ rày đây mai đó ngó lại cũng long đong linh đinh mà thôi. Cô bạn cười tươi rói, thương hồ riết rồi đâm quen, đâm thương cái nghề của mình. Có người thương đất bám đất, có người thương sông bám sông. Đất này dạy người Cửu Long biết trồng trọt chăn nuôi. Sông này cho người chín nhánh biết chèo chống bán buôn. Chừng nào sông hết nước thì dân miền Tây mới hết sống đời thương hồ. Cô bạn nói vậy rồi cười tỉnh rụi hát câu vọng cổ: "Dời chân bước xuống ghe buôn. Sóng bao nhiêu gợn dạ buồn bấy nhiêu".
Chiều Ba mươi Tết rót thứ rượu gạo miền Tây làm tôi chếnh choáng say. Dân miền Tây cười tỉnh rụi, mà câu vọng cổ buồn thiu. Nhưng, hai vợ chồng người bạn vẫn quả quyết, vọng cổ vui quá chừng, đời thương hồ tự do, phóng khoáng và kiêu bạt. Trăm cái ghe thương hồ vẫn theo gió Tết mà tìm về Cửu Long. Châu thổ này có bao giờ cạn dòng, nên ruổi rong thương hồ vẫn cứ là những người đang giữ gìn một nét đẹp văn hóa dân tộc mà tôi cực kì trân quý giữa buổi thời kim tiền xáo động này.