Tập sách mỏng tưởng chừng như rất nhẹ
Ngay trang đầu tập thơ “Thơ và mộng”, nhà thơ Chử Văn Long đã dùng hai câu thơ “Tập sách mỏng tưởng chừng như rất nhẹ/ Trái tim anh trĩu nặng đồng cân” của Nadim Hikmek làm lời đề từ. Tôi đọc thấy nội dung khá phù hợp nên cũng xin mượn lời của nhà thơ lớn người Thổ Nhĩ Kỳ này làm tên của bài viết.
Thoạt đầu nhìn bìa tập thơ, tôi có cảm giác người vẽ là một họa sĩ nghiệp dư, bên trong chỉ có 42 trang với 25 bài thơ, nhưng lại được tuyển chọn trong 53 năm cầm bút (1967 – 2020) của tác giả; vì thế, tôi không thể không đọc. Hơn nửa thế kỷ sáng tác thi ca, từng xuất bản tới 10 tập thơ, từng được những giải thưởng có tiếng tăm như giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ, giải nhì thơ thiếu nhi của tổ chức UNICEF, ba lần giải thưởng chính thức thơ Hà Nội, nhưng ông chỉ chọn được 25 bài trong tuyển tập, kể cũng là sự khiêm nhường, tự khắt khe với mình. Nhưng tôi đọc cả tập thì lại thấy ông có lý: 25 bài thơ in trong tập nó phản ánh rất đầy đủ phong cách, bút lực, bút pháp thơ ông.
Chử Văn Long sinh năm 1942 tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ ông học phổ thông ở quê rồi đi học trung học cơ điện. Tốt nghiệp, ông xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới Quảng Ninh. Gần chục năm sau ông xin về Xí nghiệp Gạch Văn Điển, đây là cơ sở sản xuất gạch theo phương thức công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc khi ấy, phụ trách tất cả những khâu liên quan đến máy móc.
Xuất hiện cùng các nhà thơ chống Mỹ, lứa đầu, nhưng Chử Văn Long không viết những bài thơ mang tính sử thi như họ; ông chọn một góc riêng phù hợp với mình. Với lăng kính của một người công nhân trung thực, ông soi rọi vào nhiều góc cạnh của cuộc sống, phát hiện ra những khả năng và cả những góc khuất trong tâm hồn con người mà viết thành thi phẩm.
Đặc điểm dễ nhìn thấy đầu tiên trong thơ Chử Văn Long ấy là mạnh về tứ. Trong văn xuôi có cốt truyện. Cốt truyện vững thì mới có sức chuyển tải nội dung mạch lạc, khúc chiết. Cái tứ trong thơ cũng có công dụng như vậy. Nhân đây tôi xin mạo muội thưa rằng: hiện nay người làm thơ ở xứ ta rất nhiều. Ngoài các thành viên thơ của các hội từ trung ương xuống các địa phương, còn có hàng ngàn, thậm chí hàng vạn câu lạc bộ thơ. Nhưng phần nhiều thơ của họ không lập được tứ. Chính vì thế thơ của người này cứ lẫn với thơ của người kia, rất nhạt và xáo.
Với 25 bài trong tập “Thơ và mộng” hầu như bài nào cũng có tứ. Có những cái tứ vững, mang tính phát hiện làm cơ sở cho những câu thơ hay, mới mẻ xuất hiện. Chẳng hạn bài “Xuân về trên mộ hai người lính”, tứ thơ nói về nơi mai táng thi hài một người lính bên này và một người lính bên kia chiến tuyến. Khi còn sống, hẳn có lúc họ hằn thù nhau, chĩa súng vào nhau, nhưng khi nằm dưới ba tấc đất rồi, chiến tranh đã qua lâu rồi chẳng nhẽ hai vong hồn máu đỏ da vàng kia vẫn xử sự với nhau như thế?
Một tứ thơ hay làm nền sáng tạo nên một bài thơ hay: “Mùa xuân về trên mộ hai người lính/ Một phía bên kia, một phía bên này/ Những ngọn cỏ gà bò lan chầm chậm/ Như những bàn tay tìm gặp bàn tay/ Dường như tất cả đã xóa đi mọi điều thù hận/ Ai nỡ phân chia ranh giới ở nơi này/ Hoa đồng nở bừng lên quanh hai nấm mộ/ Cánh bướm ngây thơ cũng tới vẽ vòng/ Cả tiếng sáo tận bờ tre êm ả/ Ru vọng về giấc ngủ ngàn năm”.
Vào một ngày, nhà thơ phát hiện, ngôi làng của ông, cái ngôi làng đã làm nên bao điều đáng nhớ, đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ của ông bỗng như xa lạ, thế là trong ông hình thành một cái tứ để viết bài thơ “Giữa quê lòng bỗng nhớ quê”: "Giữa quê lòng bỗng nhớ quê/ Nhớ mưa thánh thót, chiều nghe thu vàng/ Nhớ bông súng nở ao làng/ Nở như sao sáng trên làn nước xanh/ Nhớ màu khói tỏa mong manh/ Vấn vương mái rạ mà thành ca dao/ Ai đang xin lửa qua rào/ Có nghe tiếng sáo diều chao lưng trời…”. Quả là Chử Văn Long đã nói hộ rất nhiều người Việt Nam sinh ra từ làng quê nhưng giờ đây do quy hoạch tùy tiện, đô thị hóa tự phát mà thành ra mỗi khi về quê có cảm giác bơ vơ, thậm chí như kẻ lưu vong trên chính ngôi làng của mình.
Những bài thơ thế sự, tác giả thường càng chú trọng đến tứ, đến ý tưởng và giá trị triết lý của nó:… “Nên trăng đẹp, trăng huyền xưa đã chết/ Bởi không người say đắm với mê si” (Trăng đã chết)… “Và ngoài kia thế giới/ Đang lửa bỏng dầu sôi/ Kẻ bới ăn trong rác/ Người mua được cả trời/ Như thế mà nhân loại/ Đều là những con người?”. (Trong phòng họp)… Ở nơi ấy anh nhìn đời rất rõ/ Đời khao khát thương yêu, mong chống lại lọc lừa/ Nhưng bắt đầu từ đâu, cuộn chỉ đời rối rắm/ Trong lòng tay tạo hóa cứ bông đùa…”. (Mơ giấc mùa xuân)… Nhân loại lớn sớm nay xin chào nhé/ Người là số đông của bảy tỷ con người/ Với sức mạnh dời non lấp bể/ Đã thay đổi được gì kiếp sống nhỏ nhoi/ Hay vẫn rạp mình trước miếng cơm manh áo/ Vẫn vòng tay vâng, dạ tôi đòi… (Nhân loại lớn)…
Trong những bài thơ ấy, không ít những câu mang tính phản biện, thậm chí phản biện dữ dội. Nhưng nếu nhà thơ chỉ phản biện cơ chế xã hội, phản biện sự vênh lệch của thế giới mà anh không biết tự phản biện cái lĩnh vực mình đang làm thì còn có chỗ cho chúng ta hoài nghi. Rất may, Chử Văn Long đã không ít lần, không ít đêm trằn trọc nhận ra cái giới sáng tác thi ca của ông cũng đầy những hao khuyết, méo mó, tào lao: …“Chỉ buồn cười có nhà thơ quá tỉnh/ Đi viết ngợi ca Bùi Giáng thơ điên/ Tiếc ông không còn hôm nay để đọc/ Để mỉm cười cảm tạ những huyên thuyên/ Bao cuộc chơi thơ nháo nhào bặm trợn/ Thơ mang giấc mơ hình chiếc thớt với dao phay/ Thơ thèm chồng, cả thơ giao hợp/ Mai mốt còn thèm thơ gì mới nữa đây? Thứ lý luận hỏa mù được phen đắc sách/ Đang tung ra mù mịt khắp thi đàn”… (Thơ và mộng thơ)… “Thơ đã thành trò chơi mua bán/ Không chia sẻ cùng ai, không đau xót vì ai/ Thà xé phăng đi cho chó gặp rác vùi/ Thơ như nắm xương khô/ Thơ nhờ nhờ xác ướp/ Nói như vậy các nhà thơ sẽ nhìn anh căm ghét/ Còn hơn lời khen cách tân, đổi mới không hồn”… (Nghĩ về đất nước buồn vui).
Chử Văn Long có một người vợ tào khang. Họ đã yêu nhau, gắn bó với nhau, sinh con đẻ cái, chung lưng đấu cật để xây dựng một tổ ấm. Trải qua chiến tranh đau thương mất mát hay khi đất nước đã hòa bình nhưng hãy còn đói ăn thiếu mặc, họ vẫn gắn bó với nhau. Cho đến lúc đáng nhẽ người vợ ấy được xả hơi một chút để nhìn ngắm thành quả từ những đứa con thì chị lại ra đi về với cát bụi, để lại cho người chồng biết bao thương tiếc, nhớ nhung: “Ngõ Hoa ngày trước còn em/ Vầng trăng như mộng từng đêm đợi người/ Chiếu hoa em trải ra ngồi/ Dưới giàn thiên lý trăng soi mơ màng”… (Ngõ Hoa).
Một mình lọ mọ “gà trống nuôi con” mãi rồi cũng có một tình yêu mới xuất hiện. Chị là một nhà thơ kém ông tới 20 tuổi, từ quê hương miền Trung nắng gió đến với ông như tìm một người tri âm tri ngộ hơn là trong vai một người vợ. Ông cũng yêu chị, một tình yêu mãn nguyện nhưng cũng không ít những khắc khoải, âu lo: “Khi em tới muộn màng/ Thời gian thành đắm đuối/ Sớm nay như mùa thu/ lá vàng rơi bối rối…”. (Khi em tới muộn màng)… “Cuối đời sợi chỉ tình yêu/ Thành vàng ròng buộc tay đeo tháng ngày/ Mỗi khi nhìn lại cổ tay/ Bàng hoàng anh nghĩ rồi ngày nào kia/ Anh không còn nữa em về/ Chỉ còn vắng lặng vàng hoe nắng vườn/ Phong lan sân ướp đầy hương/ Hoa không người ngắm để buồn cho cây…”. (Đây sợi vàng ròng)…
Con người là thế. Và có như thế Chử Văn Long mới là một nhà thơ mà tôi yêu quý.