Tài nghệ châm biếm của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thứ Năm, 11/05/2023, 10:27

Châm biếm thâm thúy, mát mẻ sâu cay là một nét của mỹ học Nho gia. Đó cũng là một nét phong cách của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Một người bạn làm quan có tiếng liêm khiết đến tuổi về hưu, Trạng Trình liền có bài thơ tiễn bạn kín đáo nhắc nhở chung những vị quan: “Trời như có ý tốt ban cho mọi người tuổi thọ/ Thì hãy vì dân chúng mà nhổ vứt đi một lông tơ” (Tiễn An Điện về quê La Phù). Câu này có tích thời Xuân Thu, chủ thuyết phái vị kỷ là Dương Chu tuyên bố dù bớt một sợi lông chân mà có ích cho thiên hạ thì cũng không làm. Quan niệm ngược lại, Trạng Trình khuyên đừng như vậy mà hãy vì dân chúng dù có thể chịu thiệt thòi ít nhiều.

Châm biếm Nho gia thường mượn tích xưa để giễu hiện tại. Thơ Trạng Trình cũng nằm trong mạch này. Làm thơ vịnh cành liễu ông có so sánh “Cành mềm yếu, mảnh mai như lưng nàng phi trong cung nước Sở” (Liễu thi). Vua nước Sở thích con gái có lưng thon, thế là bao cung tần mỹ nữ nhịn ăn để có lưng thon nhỏ gọn. Có người vì thế mà chết. Về sau hai chữ “Sở yêu” để chỉ hình ảnh lưng con gái đẹp. Đối tượng châm biếm ở đây là sự nô lệ, a dua, chiều theo quan niệm người khác đến đánh mất mình.

image001.jpg -0
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585).

Nét riêng của châm biếm Nguyễn Bỉnh Khiêm là thường đặt sự vật hiện tượng vào các cặp đối lập để những mâu thuẫn giữa chúng tự bật ra cái đáng cười. Ông mỉa những kẻ ít đọc sách nhưng lại hay chê bai người khác: “Ở đời không có ai đọc đến đứt ba lần dây buộc sách/ Mới đọc mấy hàng chữ mà đã cười cõi Thái sơ” (Cảm tác khi đọc Chu Dịch). Ngày xưa sách làm bằng thẻ tre cuộn lại nên phải lấy dây buộc. Truyền ngôn kể Khổng Tử đọc “Kinh Dịch” chăm đến mức đứt ba lần thay dây buộc sách mà vẫn thấy chưa đủ. Thế mà có kẻ mới đọc mấy hàng chữ đã tự cho mình biết hết.

Thơ ông giàu triết lý về thời thế: “Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười/ Có của thì hơn hết mọi lời/ Trước đến tay không nào thốt hỏi/ Sau vào gánh nặng lại vui cười/ Anh anh chú chú mừng hơ hải/ Rượu rượu giầu giầu thết tả tơi/ Người của lấy cân ta thử nhắc/ Mới hay rằng của nặng hơn người” (Vô đề 80). Các cặp đối: nhân nghĩa/ vàng mười; của/ lời; trước/ sau; tay không/ gánh nặng;... để bật ra một kết thúc bất ngờ mà hợp lý: “Mới hay rằng của nặng hơn người”. Bất ngờ ở chỗ nhân tình thế thái xuống dốc thảm hại; hợp lý ở chỗ các mối quan hệ vị của, vị lợi như thế thì tất yếu sẽ có cái kết như thế. Luôn lấy điểm tựa từ các mâu thuẫn tương phản nhà thơ mỉa mai: “Được thời thân thích chen chân đến/ Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi” (Vô đề 58). Chúng vừa là những mâu thuẫn, chua chát thay, lại vừa là sự thật ở thế gian: “Vị thế gian, nhiều mặn lạt/ Đường danh lợi, có chông gai” (Vô đề 43).

Có trường hợp sự châm biếm bung phá thành tiếng cười sắc nhọn chĩa vào nhiều đối tượng: “Ở thế mà chi cười lẫn nhau/... Người hàng thịt nguýt người hàng cá/ Đứa bán bò gièm đứa bán trâu/ Bé vú thỉ thăn người cả vú/ Ít râu ánh ỏi kẻ nhiều râu/ Ở thế mà chi cười lẫn nhau” (Vô đề 118). Đứng giữa sự tương phản của nhiều loại người là các động từ nguýt, gièm, thỉ thăn (từ cổ chỉ sự ghen tỵ), ánh ỏi … như chia đôi hai thế giới không thể dung hòa. Mở và kết bài thơ được lặp lại (Ở thế mà chi cười lẫn nhau) như gói gọn các loại người ấy trong tiếng cười và các động từ, để chúng tha hồ mà gièm pha, ánh ỏi... lẫn nhau.

Soi chiếu ánh sáng ký hiệu học hiện đại vào thơ trung đại chắc sẽ tìm ra nhiều vấn đề mới. Như ở hai câu: “Lận thế treo dê màng bán chó/ Rắp danh cưỡi hạc lại đeo tiền” (Vô đề 131). Câu đầu thoát thai từ thành ngữ "Treo đầu dê bán thịt chó", hình tượng đã thành biểu trưng: có kẻ treo đầu con dê để lừa khách mua tưởng rằng quán bán thịt dê, nhưng lại là bán thịt chó. Ít nhất có các nghĩa: nói thế này làm thế khác; đưa ra hình thức này nhưng lại làm nội dung khác (đánh lừa)... Chữ “màng” được dùng với nghĩa “nghĩ tới” (mơ màng) tức ở thì tương lai, thế khả năng. “Rắp danh cưỡi hạc lại đeo tiền” thì “cưỡi hạc” là biểu trưng cho những người trí thức, học hành đỗ đạt cao. “Tiền” là biểu trưng cho vật chất, lợi lộc. Hai chữ “rắp ranh” có nghĩa chuẩn bị thực thi một ý định (tiêu cực) nào đó. Câu thơ mang tính cảnh tỉnh, ngăn chặn những kẻ có mưu đồ học cao giành tước vị bằng cách dùng tiền để mua bán!

image003.jpg -0
Bìa sách “Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm”.

Thơ châm biếm ngụ ngôn Nguyễn Bỉnh Khiêm mang tính răn đe. Làm thơ về cá lớn nuốt cá bé nhưng ai cũng hiểu nhà thơ vẽ ra cảnh tranh ăn và tàn sát lẫn nhau của người: “Sao mà cá lớn ở sông kia/ Cậy khỏe ăn thịt con nhỏ/ Chẳng khác gì con rắn nuốt ngốn/ Cũng giống như con rái cá lùng đuổi/ Ao ngầu bỗng rỗng không/ Lòng tham chưa no chán/ Chỉ cốt thân mình béo/ Chẳng biết tự mình gây ra độc hại cho mình/ Lưới to một phen giăng ra/ Không chốn nào có thể náu thân/ Miếng mồi sao lúc trước tham ăn quá” (Ở quán Lâm cảm tác về cảnh cá lớn nuốt cá bé). Kết quả của sự tham lam, ích kỷ, độc ác ấy là cái giá bằng mạng sống. Bài thơ như là nói với hôm nay: những con cá to tham ăn sẽ bị lưới công lý trừng trị. Các thành ngữ ngụ ngôn đi vào thơ Trạng Trình trở thành những bài học nhận thức sâu sắc, mới mẻ: “Cáo đội oai hùm mà nát chúng (người)/ Ruồi nương đuôi ký vốn khoe người” (Vô đề 99). Thành ngữ “Cáo đội oai hùm” cười những kẻ thân phận, tài năng hèn kém lại đi mượn tên tuổi, uy danh người khác để làm việc lòe bịp thiên hạ. “Ruồi nương đuôi ký (ngựa)” cười kẻ láu cá biết ăn nhờ người khác để khoe khoang. Những kẻ như thế thời nay càng không thiếu!

Bài thơ chữ Hán “Tăng thử” (Ghét chuột) rất tiêu biểu cho phong cách châm biếm Nguyễn Bỉnh Khiêm trí tuệ, sâu cay là sự kết hợp hai cảm hứng tương phản chủ đạo: căm ghét và thương cảm. Hình thức châm biếm là sự kết hợp ngụ ngôn với điển cố: “Chuột lớn sao bất nhân?/ Gặm khoét thật thâm độc/ Đồng ruộng trơ rơm khô/ Kho đụn kiệt gạo thóc/ Nông phụ cùng nông phu/ Nghèo khốn miệng gào khóc/ Ngựa Ngụy sao gặm yên?/ Sừng trâu Lỗ đánh cắp/ Mệnh dân vốn rất trọng/ Tàn hại chi thảm khốc?/ Ỷ thành xã làm càn/ Thần nhân đều hằn học/ Đã làm mất lòng người/ Thiên hạ ắt tru lục/ Thây phơi chốn thị triều/ Thịt cú diều rỉa móc”.

Các điển cố tăng cường thêm cho sự tang thương của nạn chuột phá hoại. “Ngựa Ngụy sao gặm yên?” nói về thời Tam quốc khi bị bao vây, lương thực hết, quân Ngụy phải lấy yên ngựa đem ninh nhừ để ăn. “Sừng trâu Lỗ đánh cắp” là chuyện thời nước Lỗ dân gặp nạn đói phải đem chiếc tù và bằng sừng trâu hầm lấy nước chia nhau cầm hơi. Gây ra nạn đói như thế là do loài chuột. Tưởng rằng giết hết chuột thì dân sẽ yên vì “Mệnh dân vốn rất trọng”. Thế mà… Đến đây cấu trúc lời văn như bị bẻ đôi. Không giết được chuột vì chúng ỷ vào thế sống trong “thành xã” (Ỷ thành xã làm càn).

Theo sách “Tấn thư” gây ra mối họa loạn là con cáo ở tường thành, con chuột ở đàn xã. Biết vậy mà không làm sao được, vì không dám đào hang cáo (vì thành sẽ đổ), không dám đào hang chuột (vì là nơi thờ thần linh thiêng). Thì ra loài cáo chuột tham nhũng tàn hại trước nay đều có thế lực “chống lưng” cả. Thế là lại chỉ dân chịu hậu họa! Nạn tham nhũng thời nào cũng vậy, luôn tìm thế “thành xã” mà nương thân tồn tại để hoành hành. Nhưng rồi lưỡi gươm công lý sẽ bắt chúng phải “thây phơi chốn thị triều”!

Trạng Trình khuyên dạy người ta phải qua trải nghiệm thực tế để có cái nhìn vừa chỉnh thể, hệ thống vừa chi tiết, kỹ càng: “Muốn học dưỡng sinh mà chưa biết róc hết thịt trọn vẹn con trâu” (Tân quán ngụ hứng 26). Trong thiên “Dưỡng sinh chủ”, Trang Tử viết: Lúc bắt đầu mổ trâu thấy cái gì cũng nghĩ đến toàn bộ con trâu. Làm nghề ba năm lại không thấy toàn bộ con trâu nữa mà chỉ thấy gân cốt của trâu. Về sau thành điển cố “Mục vô toàn ngưu” (Mắt không thấy toàn vẹn con trâu) để nói phải thành thạo nghề mới có cái nhìn thấu đáo và có kỹ năng thành thục đến từng chi tiết, cụ thể.

Trước kia người ta quan niệm điển cố là sự nệ cổ, sùng ngoại nhưng ở thời hội nhập toàn cầu thì “liên văn hóa” lại khẳng định điển cố là biểu hiện tất yếu của giao lưu, tiếp biến. Đó là những ký hiệu, biểu tượng tồn tại trong nó nhiều ý nghĩa nhưng chỉ gói trong một vài câu chữ ngắn gọn. Càng sở hữu nhiều điển cố càng chứng minh vốn “liên văn hóa” sâu rộng, lấy đó làm phương tiện châm biếm phải trí tuệ và có năng khiếu trào phúng. Trạng Trình là một trường hợp như vậy!

Nguyễn Thanh Tú
.
.