Tài năng đích thực sẽ luôn tỏa sáng
Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, cả nước thực sự chuyển động, đúng như nhiều người nhận xét là "một cuộc cách mạng" chưa từng có, đột phá vào khâu tổ chức bộ máy bằng việc tổng lực rà soát, xem xét, tách, nhập từ những bộ phận nhỏ nhất trong các cơ quan, đơn vị, đến những đơn vị hành chính như xã, phường, quận, huyện, bộ, ngành.
Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí về việc tiếp tục tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là sau bài viết và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 16/11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn từ đó đến nay, cả nước thực sự chuyển động, đúng như nhiều người nhận xét là "một cuộc cách mạng" chưa từng có, đột phá vào khâu tổ chức bộ máy bằng việc tổng lực rà soát, xem xét, tách, nhập từ những bộ phận nhỏ nhất trong các cơ quan, đơn vị, đến những đơn vị hành chính như xã, phường, quận, huyện, bộ, ngành.
Việc rà soát quyết liệt đã nhanh chóng bộc lộ nhiều vấn đề trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị lâu nay. Có nhiều tổ chức, bộ phận, đơn vị, cấp ngành được lập ra và thực sự cần thiết ở các giai đoạn đã qua của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, nhưng lại ít hiệu quả, thậm chí là không cần thiết trong bối cảnh mới, khi đất nước hòa bình, độc lập và tăng tốc đột phá để phát triển. Chính điều đó đã tạo ra gánh nặng thực sự cho ngân sách, khi phải chi phí rất lớn cho đội ngũ vận hành nhưng hiệu quả không cao, đặc biệt là khi công nghệ phát triển nhanh chóng.
Một cuộc rà soát, sắp xếp mạnh mẽ cũng đang được thực hiện với lực lượng báo chí truyền thông, văn học nghệ thuật.
Tỉnh Lạng Sơn đang có dự kiến giữ nguyên hoạt động các cơ quan báo chí của tỉnh, gồm Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh - Truyền hình Lạng Sơn, Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn; sáp nhập Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh, trong đó có Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng trực thuộc.
Mô hình dự kiến như Lạng Sơn không phải được tất cả các tỉnh, thành phố của cả nước áp dụng. Có nơi lập luận chức năng của hai lực lượng văn nghệ sĩ và báo chí là hoàn toàn khác nhau, nhập vào sẽ khiên cưỡng, nên cần tìm ra mô hình khác để tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập, đặc trưng, bản sắc... nhằm phát huy hết thế mạnh của từng lực lượng.
"Cuộc cách mạng" về tổ chức bộ máy cuốn hút sự quan tâm của lực lượng văn nghệ sĩ. Điều này dễ cảm nhận được qua các trang mạng xã hội. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ bày tỏ luyến tiếc việc không còn tên gọi của cơ quan, đơn vị cũ sau sáp nhập, chia tách, mà tên gọi cũ ấy đã từng là một thương hiệu được dày công bồi đắp bằng sự tâm huyết của nhiều thế hệ.
Nhưng, nói cho cùng, văn nghệ sĩ tài năng thì tài năng ấy sẽ luôn tỏa sáng, dù trong môi trường hoàn cảnh nào, không hẳn cứ phải ở hội nọ, tạp chí kia thì mới tỏa sáng, mới có tác phẩm giá trị. Dĩ nhiên, cái nôi ươm mầm cảm hứng, nuôi dưỡng tài năng, hỗ trợ tài chính... là rất cần, nhưng xét cho cùng vẫn chỉ như những bệ phóng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công việc sáng tác.
Điều này được chứng minh trong thực tiễn, khi kho tàng văn học nghệ thuật của chúng ta từng có và đang có ngày càng nhiều hơn những tác phẩm "sống mãi với thời gian", mà tác giả không hẳn là hội viên hay thành viên của hội đoàn nào cả. Đặc biệt, kể từ khi Nhà nước có nhiều cơ chế thoáng, mở trong hoạt động xuất bản và cấp phép lưu hành, biểu diễn, thì các văn nghệ sĩ tài năng càng có nhiều cơ hội để sáng tạo, nhiều văn nghệ sĩ đã "sống khỏe" nhờ chính tài năng của mình.
Tác phẩm văn học nghệ thuật, dù là ở loại hình nào, là của tác giả nào, nếu chuyển tải được những giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ, hướng đến những lợi ích của quốc gia dân tộc, thì không chỉ được Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ, khuyến khích sáng tạo, mà còn được công chúng hào hứng đón nhận. Phim doanh thu hàng trăm tỉ đồng, sách xuất bản hàng vạn cuốn, tái bản hàng chục lần mà không tiêu tốn đồng nào của ngân sách... đều là chuyện không còn lạ ở nước ta.
Là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp nên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung, Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng, đương nhiên cũng cần rà soát lại tổ chức bộ máy để làm sao vận hành đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".