Sương muối hát đầu non

Thứ Bảy, 21/01/2023, 08:04

Đêm ba mươi Tết ở vùng cao cứ ma mị làm sao. Thời tiết đỏng đà đỏng đảnh như thầy mo bắt quyết lầm rầm bùa chú. Nhưng, giao thừa thì chẳng bao giờ lỗi hẹn. Mùa này, đất trời Tây Bắc chìm vào màn sương muối hát đầu non...

Gọi là sương muối nhưng chẳng hề mặn tẹo nào, thậm chí không có vị. Chỉ có lạnh và lạnh, đến buốt giá tim óc. Cả một vùng bao la ngút ngát đỉnh trời như có bàn tay nào cần mẫn, cần mẫn đến phi thường để rưới rắc những hạt trắng xóa tinh khôi lên mọi bề mặt đang lặng lẽ rẩy run. Cái lớp trắng mịn xôm xốp ấy chính là sương muối đấy. Có thể xem sương muối là một dạng tuyết non, non đến nõn nà mà cắt cứa ám ảnh thịt da. Bởi vậy, nó còn có tên là sương giá.

anh-3.jpg -0
Mùa sương muối trên vùng cao.

Sương muối hát đầu non khi đêm buông, nhiệt độ ngoài trời “không còn dương khí”, tức là từ 0 độ C trở xuống và có đủ độ ẩm nhất định để ngưng tụ thành hạt, đóng băng li ti. Sương muối thình lình thành hình, khẽ khàng như hơi thở của một nàng tiên nào đó. Là sương giáng! Tôi lim dim mường tượng nàng trắng muốt như tuyết, mảnh mai như tuyết và cũng hung hiểm như tuyết, ẩn ức nên không thể nào thoát tục.

Cuối đông, gió chồng lên gió, sương muối như người đàn bà hờn dỗi, ngúng nguẩy vẩy vung hằng hà trắng xoá lên mọi ngóc ngách xó xỉnh cuộc người. Vậy nên, những nẻo đường Tây Bắc thưa vắng bước chân xuôi ngược. Có lẽ cũng từ mùa đông mà ngôi nhà được gọi tên là tổ ấm. Dù cái tổ ấm đó có tuềnh toàng đến mấy cũng căng mình cật lực che chắn gió sương cho những phận người trú tránh. Vì thế mà con thú có hang, con chim có tổ, con người có nhà...

Tôi miên man nghĩ, mùa sương muối hát cũng là mùa sum vầy. Những đứa con tỏa đi muôn phương đặng tìm cơm áo nay đã quần quây bên bếp lửa bập bùng bóng núi. Hơi rượu tỏa nồng trên mặt, xúm xít kể cho nhau nghe về đằng đẵng năm dài tha phương cầu thực, rồi hồ hởi tin rằng năm mới sẽ khấm khá hơn, no đủ hơn. Cái buốt rét hung bạo của sương muối dường như bị chặn lại bên ngoài phên liếp, hơi ấm nồng đượm giữa người với người cứ hồn nhiên tỏa lan qua những câu chuyện ngút ngát đêm thâu.

Mùa sương muối hát, rét như dao cắt, sắc nhọn đâm nhói thịt da. Những cơn bấc đanh đá xuyên qua ống tay kẻ chỉ để hành hạ lữ khách. Nói vậy chứ rét cũng có cái thú vị riêng. Rét để nhắc nhớ con người về hơi ấm, một thứ “lửa” luôn sẵn có trong mỗi chúng ta. Rét để những gia đình nghèo tất tả mưu sinh có những phút giây quây quần bên bếp củi đượm tình rôm rả. Rét để những đôi bàn tay biết kiên nhẫn nắm chặt cùng nhau trao hơi ấm, chứ không phải hờ hững như một thói quen. Rét để mà mong chờ mùa xuân tươi sáng, để tiếc nuối mùa thu sao vội qua nhanh, để tưởng tượng về một mùa hè vùi mình vào sóng biếc.

Đồng bào vùng cao Tây Bắc không lạ gì với hiện tượng thời tiết cực đoan này nhưng người các miền khác đa phần đều tò mò muốn được một lần khám phá, háo hức mục sở thị. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi đã từng mê mải ngắm nhìn sương muối tồng ngồng trắng xóa phủ trùm lên màn đêm rồi thẹn thùng lau mặt trước khi nắng mai thức dậy. Chớp mắt, sương muối vội tan! Sương chảy tràn xuống gập ghềnh sỏi đá, để lại sự ủ ê héo rũ của cây cỏ, hoa màu dưới ánh dương. Sương muối nói với tôi về sự vô thường, về tự do, về cảm xúc, về kết nối giữa con người với vạn vật xung quanh.

Sương muối thêu dệt những ảo diệu khiến tôi như bị bỏ bùa muội mê. Nhưng ấy là khi chưa thấy, chưa chạm, chưa nếm, chưa cảm… được sự trụi trần của sương muối. Còn bây giờ, mỗi lần nghe xuất hiện sương muối là lòng lại nao nao, bởi nhiều nơi vùng cao vẫn còn thiếu ăn thiếu mặc, chống chọi ra sao với cái lạnh cắt da xẻ thịt dù là đang xúng xính mùa Tết Cả.

Lại nữa, quê tôi là vùng chiêm trũng nhỏ hẹp chạy dọc khúc ruột miền Trung. Thuở nhỏ, họa hoằn tôi vẫn nghe người quê lam lũ ruộng đồng kháo nhau rằng hôm qua trời đày sương muối, bằng chứng là cây cối đang đâm lộc mơn mởn bỗng khựng lại xoăn xít, rồi cháy xém, rồi héo rũ… khắc khổ thảm thương. Các loài vật nuôi cũng bị ảnh hưởng, chậm chạp hơn và ít ăn hơn, rười rượi ngẩn ngơ.

Hôm rồi em bảo, mùa này ở thung quê đã bắt đầu có sương muối. Nhà em cuối phố đầu non, là miền trung du sơn thuỷ hữu tình thuộc Tây Bắc nhưng cái nghèo vẫn còn tung tăng khắp chốn. Chẳng biết có phải vì thời tiết khắc nghiệt hay không mà những người thân đều đau bệnh: chú thím không khỏe, mẹ thoát vị đĩa đệm cấp, ông bị gút hành sưng nhức, bác cả viêm phế quản… Nhưng thời khắc nào đó, nhà lại rộn tiếng cười khi mẹ đi lệch cả người vì đau nhói mà vẫn tếu táo tự trào với cái dáng “con đò ngoảnh đít sang ngang”. Có lẽ, em thừa hưởng sự lạc quan từ mẹ, cả đức tính chịu khó, luôn cố gắng vươn lên trong nghịch cảnh và chăm chỉ đến mức tham việc. Vậy mà thương. Thương đến xót buốt. Rát ruột!

Tết này, sương muối về trên quê em như những chiếc dằm sương xóc xỉa tim tôi, khiến nỗi âu lo mông lung bỗng chốc quánh lại, kết tủa ở cõi lòng đa mang. Chẳng phải cố hương nhưng tôi cứ bập bùng niềm thương xa ngái miền xanh, bao đồng với những câu chuyện đầu ghềnh cuối bãi nơi thung nghèo chấp chới mùa sương muối hát. May thay, những “lời ca độc hại” chỉ thoáng qua, sẽ biến mất trước khi nhìn thấy ánh mặt trời.

anh-2.jpg -0
Đồi chè ở Mộc Châu – Sơn La phủ trắng sương muối.

Canh cánh nỗi lo, nếu chẳng may sương muối rớt xuống cuộc người, tôi ước, mình là chiếc bóng đủ rộng dày để phủ che em. Còn em, cứ việc ngủ ngoan trong giấc mơ cánh trắng loang hương và mỉm cười thức dậy khi ấm nắng đã an bài tinh tươm.

Thật lạ! Lòng cứ nghẹn lại khi ai đó nhắc đến bóng núi Tây Bắc trong mùa gió chướng, mùa sương muối hát đầu non. Nỗi niềm tưởng chừng thắt ngực, dù em và tôi chưa một lần mặn môi.

Chiều ba mươi Tết năm rồi, em khoác áo ấm lớp trong lớp ngoài để đi vào bản giữa mùa sương muối ngân nga. Là bản của người Dao đỏ. Gái trai xúng xính sắc màu thổ cẩm, những đôi má hây hây ru tỉnh ru say bước chân lữ thứ khám phá hồn cốt đại ngàn. Em không mang theo điện thoại nên tôi sôi ruột bỏng gan suốt cả buổi chiều dằng dặc. Đến tối mịt, em mới tiếc nuối quay gót bước qua sương trên con đường rẩy run mướt giá, đặng còn kịp quây quần với cả nhà bên mâm cúng giao thừa.

Có những mùa sương muối lây rây từ đông cũ vắt qua Tết cổ truyền dân tộc. Thời khắc đó, tôi không còn nhớ đôi chân mình đang lạc bước nơi nao của núi rừng Tây Bắc. Nhưng hễ cứ nhắc đến sương muối thì tôi chẳng thể nào quên, cái buốt giá của thiên nhiên sẽ lập tức hiện hữu, mồn một trắng xóa phủ lên bao la. Dù vậy, vẫn không ngăn được bước chân reo ca, không ngăn được lòng người mở hội, không ngăn được trái tim tôi đập nhịp nhớ thương…

Giáp Tết năm nào, tôi nổi hứng xách ba lô rời phố thị, một mình lãng đãng lạc vào cõi sương muối Tây Bắc, thấm thía nỗi cô đơn đang giong buồm bên ngực trái. Một kẻ ương bướng như tôi bỗng thấy mắt mình cũng khắc khoải ngậm sương trong mùa gió chướng.

Nhưng, cũng nhờ cái thú rong ruổi vùng cao giữa mùa sương muối hát mà tôi được hít thở cùng người dân bản địa các nét văn hoá “độc nhất vô nhị” trong dịp Tết cổ truyền. Tôi vẫn nhớ thời khắc giao thừa, người Pu Péo hát thi với gà trống để đánh thức mặt trời, họ tin rằng ai hát to khỏe hơn tiếng gà gáy thì năm mới được nhiều may mắn, sung túc. Rồi thì khi chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Mường sẽ đốt đuốc đi gọi vía trâu về ăn Tết cùng gia đình; người Mông có tục vỗ mông ở hội xuân Sải Sán để bày tỏ tình cảm lứa đôi; người Lô Lô đi ăn trộm cầu may nhưng chỉ lấy những vật có giá trị nhỏ như vài cành củi, hạt ngô hạt gạo…

Dường như, cái bảng lảng của sương muối đã âm thầm quấn quyện để hương vị Tết ở vùng cao Tây Bắc mặn mòi hơn, để những đôi má xuân thì hây hây men rượu như có bùa ngải níu lấy lòng người lữ thứ…

Lê Hải Kỳ
.
.