Sống xanh từ suy nghĩ

Thứ Sáu, 13/10/2023, 09:04

Vào một ngày cuối tháng 9, có một tin vui với những người quan tâm đến chủ đề môi trường khi một Tập đoàn đã ra mắt Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN. Cùng với việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” đã mở ra một hy vọng về thị trường sôi động cho một loại sản phẩm có tên gọi là cải tạo môi trường hướng đến sống xanh sống sạch và phát triển bền vững.

Nếu tìm hiểu trên báo chí, chúng ta có một khái niệm về “Tín chỉ carbon” là: thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e)”.

các lớp học phong thái giúp người học sử dụng ánh mắt, nụ cười phù hợp với từng hoàn cảnh-vnexpress.net.jpg -0
Các lớp học phong thái giúp người học sử dụng ánh mắt, nụ cười phù hợp với từng hoàn cảnh.

Điều mà người viết thấy thú vị chính ở cách tuy duy mới mẻ, đột phá: bán mức độ xanh, bán nhưng lại được thêm chứ không mất đi. Lâu nay, nói đến thị trường chúng ta chỉ quen với khái niệm các sản phẩm hữu hình, có giá trị về mặt kinh tế hay nói một cách khác là: Tôi có thể bán cho anh được thứ gì? và anh có thể mua được những gì? Không ít trường hợp vì lợi nhuận mà người cung cấp bất chấp mọi giá làm tổn hại đến môi trường sống như trường hợp kích giun đất để bán, thu mua sáp ong giá cao, từ đó dẫn đến một sự lo ngại: Được lợi cái này thì mất cái kia, được lợi ích kinh tế thì thiệt hại về môi trường… Dẫn đến một ấn tượng, kinh doanh đồng nghĩa với tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.

Có lẽ lần đầu tiên có một sự định giá về sự đào thải ô nhiễm trong môi trường sống xuất hiện trên thị trường như tín chỉ carbon. Nhưng thực ra chẳng riêng gì môi trường sống tự nhiên mà đời sống tinh thần, trong nếp nghĩ từng người cũng cần những sự thanh lọc để trở nên đáng sống hơn. Muốn xanh và sạch đâu chỉ cần thu gom rác, giảm khí thải mà còn cần setup lại từ chính suy nghĩ, quan niệm sống.

Chúng ta khó có thể hình dung một ngày đẹp trời bản thân mình lại vui vẻ bỏ ra hàng triệu đồng để theo học một lớp "phong thái nghi thức", hay nói đơn giản hơn là học cười, nói sao cho đúng mực, hiệu quả. Tuy nhiên, khi seach từ khóa này trên nền tảng mạng xã hội đã cho một kết quả gần 400.000 lượt xem và có khoảng 50 lớp học trực tuyến (theo: Thanh Nga, vnexpress.net). Con số đó cho thấy nhiều người đã nhận ra yếu điểm cần phải học hỏi và bổ sung vào kĩ năng sống.

sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức vận hành vào năm 2028-ảnh báo điện tử đảng cộng sản.jpg -1
Sàn giao dịch tín chỉ dự kiến carbon sẽ vận hành vào năm 2028.

Nếu người phụ nữ thuở xưa “miệng cười như thể hoa ngâu” (Ca dao), “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng” (Hoàng Cầm) như một nét đẹp truyền thống thì ở thời đại này còn là kĩ năng sống, là trình độ vận dụng văn hóa giao tiếp.

Nói đến đây, có thể nhiều người cho rằng trào lưu này cũng chỉ là “cơn sốt” nhất thời như: "Nhìn sang trái, nhìn sang trái..."; "Ở nhà vẫn đẹp"; "tách kẹo đường"… nhưng người viết cho rằng học phong thái lại mang một ý nghĩa khác: Chúng ta đang hướng đến việc tạo ra một môi trường sống văn minh hơn từ ánh mắt, nụ cười, tác phong, cử chỉ… Càng ngày, xã hội càng nhận ra có những điều tưởng như mỗi cá nhân phải tự ý thức, tự biết xấu hổ nhưng lại khá mơ hồ trong xác định ranh giới, tiêu chí thế nào là văn minh hay văn hóa ứng xử. Việc định lượng, định tính các khái niệm cũng rất cần thiết.

Trong thực tế, nhiều sự cố giao tiếp xảy ra như báo chí đã đưa như: Cô giáo cắt tóc nữ sinh; Cô giáo túm cổ áo kéo lê học sinh… sau đó được chia sẻ, lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Dù đó chỉ là những “con sâu”, là những sai phạm cá nhân nhưng ít nhiều cũng làm suy giảm niềm tin xã hội vào môi trường giáo dục. Chẳng lẽ, văn hóa chỉ là câu chuyện phê phán, lên án và nếu thiếu đi việc chủ động tạo ra cái đẹp thì làm sao có được lằn ranh giới để con người ý thức được rõ ràng. Chỉ khi bạn ý thức được việc thanh lọc mình, tự làm đẹp mình bạn mới thấy các tệ nạn, thói xấu đáng sợ như thế nào.

Xu thế học tập xã hội thực ra không có gì mới. Từ hơn một thập niên trước, phụ nữ Trung Quốc từng đổ xô đi học làm “phụ nữ hiện đại” với cái giá cắt cổ lên tới 48.000 nhân dân tệ (7.600 USD); “đổ xô” đi học kỹ năng thấu cảm; hay gần đây nhất là hàng chục ngàn người ở Mỹ đổ xô đi học các lớp dạy về ChatGPT để có cơ hội thăng tiến… Cũng phải nói rằng sự xuất hiện của các hình thức học tập xã hội (nếu như được kiểm soát tốt) sẽ góp một phần việc xây dựng các giá trị nhân văn của cộng đồng. Từ đó, thầy cô, học trò, công chức, viên chức… cũng không thể đi ngược lại xu thế trong môi trường văn hóa ứng xử chung của xã hội.

Nhưng, không phải lúc nào cái đẹp cái tốt cũng có một lớp vỏ dễ coi. Nếu một ngày, bạn đọc bài viết “Kích điện bắt giun đất và thế giới những loài bé nhỏ, xấu xí” của ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) bạn sẽ thấy mình đã và đang lãng quên một phần tốt đẹp của cuộc sống này: “Theo đó, chúng đều là những bộ phận quan trọng trong một hệ thống sự sống phức tạp, kỳ vỹ và đáng kinh ngạc. Cách tư duy đặt loài người ra khỏi thiên nhiên đang khiến chúng ta nhìn nhận về đa dạng sinh học một cách hẹp hòi, không nhận thức được vô vàn điều kỳ diệu của thiên nhiên. Để thực sự bảo vệ thiên nhiên, chúng ta cần thừa nhận thực tế rằng tất cả các loài đều là một phần của hệ thống phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau. Dù bé nhỏ, xấu xí, hay vô hình thì chúng đều là những bộ phận không thể thiếu để duy trì sự tồn vong của trái đất” (theo: Báo Dân trí).

tình trạng tận diệt giun đất cho thấy sự kém hiểu biết về môi trường sống-ảnh báo thái bình.jpg -2
Tình trạng tận diệt giun đất cho thấy sự kém hiểu biết về môi trường sống.

Cách nhìn biện chứng, đa dạng và sâu sắc của ông Nguyên cho ta thấy, để xây dựng xã hội xanh, sạch, phát triển bền vững còn cần phải học những giá trị đích thực. Việc giúp trẻ em hiểu đúng về con giun đất, con bọ hung, con cóc… như những động vật có ích, như những giá trị là rất cần thiết để trẻ em nhận thức được “đa dạng sinh học” và “sự tồn vong của trái đất”… thay vì sự mơ hồ, nhẹ dạ chạy theo cái lợi trước mắt từ những đợt thu gom của thương lái…

Sống xanh là thông điệp được chúng ta chia sẻ và là mục tiêu của các quốc gia, dân tộc và cá nhân. Sau những thế kỉ tìm kiếm miền đất mới, chiến tranh xác lập lãnh thổ đến thời điểm hòa bình, ổn định phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu. Con người ngày nay đang nhận ra hai điều quan trọng: Một là, tài nguyên không phải là bất tận, giới tự nhiên không phải là vật vô tri, cũng bị tổn thương, suy giảm. Hai là, con người không chỉ sống trong bầu khí quyển của tự nhiên mà còn sống trong “khí quyển” văn hóa; văn hóa dẫn dắt con người, tác động đến cách tiếp cận và ứng xử. Bởi thế, sống xanh từ trong ý nghĩ là sự cộng sinh với thiên nhiên, gắn kết với cộng đồng. Dù bạn chọn du lịch xanh, sống chậm, slawkey (kín đáo), lagom (biết đủ là hạnh phúc), hay pono (cân bằng đúng đắn)… thì bạn vẫn phải đặt mình trong mối tương quan và tham chiếu từ nhiều góc độ.

Có một câu nói rất hay của Ralph Waldo Emerson (1803-1882): “Quan trọng không phải là sống lâu như thế nào, mà là sống sâu như thế nào”. Khái niệm “sống sâu” mà nhà văn người Mỹ nhắc đến có thể còn chứa đựng trong đó là chiều sâu của ý nghĩ. Trong lịch sử phát triển của mình đã cải tạo thiên nhiên một cách ghê gớm và sau đó chúng ta nhận ra còn cần phải “cải tạo” chính những suy nghĩ của mình. Hãy sống xanh từ ý nghĩ của mình.

Trang Thu
.
.