Sống chậm ở Mẫu Sơn
Xã Mẫu Sơn thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Từ chân núi đi lên theo Quốc lộ 48 khoảng 13km là tới đền Cổ Mẫu Sơn thờ "Thánh mẫu cửu trùng", khách dừng chân làm lễ, ra vườn thông "seo phì" vài tấm ảnh, ăn uống nghỉ ngơi trước khi đi tiếp. Đi lên 2km nữa là tới đỉnh Mẫu Sơn - tức núi mẹ.
Ở đây thỏa mãn ngắm nhìn núi cha và hơn 80 ngọn núi con cháu chắt khác xung quanh, ngọn thấp nhất so với mặt nước biển cũng ở độ cao 600 mét, cao nhất là 1.250 mét. Mẫu Sơn chung đường biên với nước Trung Hoa.
Ngày đẹp, từ núi mẹ nhìn ra cửa khẩu Chi Ma rất gần, nhìn sang bản làng nước láng giềng cũng rõ. Mùa hè mây bay khắp chốn rừng xanh núi biếc, mùa xuân ùn ùn mây trắng mát rượi cõi thần tiên, mùa đông lạnh mà đẹp bởi băng tuyết phủ dày như đây là biển, biển đùn lên những đám mây trắng muốt ôm lấy các lô nhô đảo nhỏ.
Đường lên Mẫu Sơn quanh co, Quốc lộ 48 lên Mẫu Sơn mới cho phép xe dưới 30 chỗ. Cách đây hơn một thế kỷ, ở xứ Bắc cùng với núi Ba Vì, Tam Đảo, người Pháp còn chọn Mẫu Sơn làm nơi nghỉ dưỡng của chính quyền bảo hộ, họ xây nhiều khu biệt thự bằng đá để quan chức chính quyền thuộc địa đến đây nghỉ ngơi. Những biệt thự ấy vẫn còn sử dụng gồm "nhà 9 gian", nhà nghỉ Hoa Hồng là hai công trình còn nguyên thủy dành cho khách lưu đêm. Các công trình đó đã là di tích Lịch sử Văn hóa được xếp hạng.
Hôm ấy là 19/5, chúng tôi đo nhiệt độ chân dốc là 34 độ, lên đỉnh chỉ còn 30 độ, về đêm còn 20 độ, gió đảo chiều, rất mát. Vừa đi trên đường nóng nung ngột ngạt, lên đây khách như lạc vào thế giới khác, trong veo mát lành, hít cho đầy lồng ngực cái không khí được thanh lọc bởi trùng trùng cây xanh và gió sạch. Ngược lại mùa đông thường có băng tuyết trắng xóa lấp đầy các khe núi, trên các cành cây trụi lá tuyết băng bám lên như những cành bông, cành thủy tinh, khói trắng từ từ bay ra theo những ống khói y cảnh sắc các làng quê ở châu Âu.
Cuối Xuân đầu Hạ bầu trời lạ lắm, luôn xuất hiện những áng mây thành những bức tranh kiệt tác như ta đang xem một vở kịch nhiều màn lắm cảnh, khi như đoàn trai gái hớn hở lên nương, lúc như cuốn sách mở, lúc như chú ngựa phi ra trận, khi như bầu ngực trần của cô gái đương thì... hết thảy yêu thương và quyến luyến.
Ẩm thực Mẫu Sơn Lạng Sơn không giống bất cứ nơi nào. Mâm cỗ không quá nhiều món nhưng lợn quay, khâu nhục, lợn nướng, măng ớt, cải ngồng, bánh chưng đen đều mang hương vị rất Lạng Sơn. Nó nổi tiếng đến nỗi người nơi khác phải mượn danh của Lạng Sơn mà để thôi miên khách hàng như "Vịt quay Lạng Sơn", "Lợn quay Lạng Sơn", "Cải ngồng Lạng Sơn", "Măng ớt Lạng Sơn" và câu ca "Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò". Thứ rượu trong bầu rượu ấy là rượu Mẫu Sơn đó.
Người Pháp đã không nhầm khi xây một hầm rượu ở đây. Với nhiệt độ đặc trưng men lá và bí quyết gia truyền đã tạo nên một thứ rượu ngon an toàn nức tiếng. Trong thực đơn bữa tối, ngoài những món ngon kể trên, nhà hàng còn quảng bá loại sản phẩm mới "cá hồi Lạng Sơn". Cá hồi nuôi trong thung sâu và khe suối lạnh ngon hơn nhiều địa phương khác.
Theo lối tôi đi, gặp một nhóm người cao tuổi ngồi uống trà trên bàn đá, xung quanh thoang thoảng hương hoa. Nhìn nhóm họ không đông, lại dư ghế nên tôi xin nhập cuộc. Qua giới thiệu tôi biết đoàn từ Hà Nội mới lên lúc ban trưa, họ là các nhà khoa học và chiến sĩ cách mạng lão thành. Mọi người đều dành tình cảm cho một cụ già nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thân thiện, vui vẻ. Cụ là Lê Bá Cải, sinh năm 1933 quê gốc Đông Sơn, Thanh Hóa. Cụ nguyên là cán bộ từng trực tiếp phục vụ Bác Hồ ở An toàn khu kháng chiến. Theo Trung tướng Hoàng Tuấn thì thế hệ cụ đều đã ra đi, còn mình cụ không chỉ sống thọ mà sống khỏe. Năm 2023, Ban liên lạc về Ba Vì, Hà Nội, lên núi cao 1.196 bậc nơi đặt tượng Bác Hồ dâng hương mà cụ hơn 90 tuổi không phải nhờ ai giúp đỡ. Lần này lên Mẫu Sơn cũng vậy, cụ vẫn leo bậc bình thường, giọng nói rành mạch thật cảm động ngỡ ngàng.
Uống trà ở Mẫu Sơn như đượm hơn, khoái thú hơn, có thể do tâm trạng, do nguồn nước ở đây tinh khiết nên chăng? Du khách du lịch qua đêm không đông nhưng khách ban ngày cả người đồng bào và người nước ngoài vẫn đông, họ ở lại đến đêm mới về thành phố.
Tháng 5 Mẫu Sơn chan hòa nắng gió, núi non trùng điệp lúc gần lúc xa, lúc ẩn lúc hiện bởi mây lang thang che lấp rồi mây lại vén lên quang quẻ điệp trùng. Cánh tuổi trẻ lên đây không chỉ nhận cái không khí mát lành mà còn say chụp hình lưu niệm với mây nõn và núi xa, với hoa Cẩm Tú, với những rặng thông đẹp lung linh.
Một chị phục vụ khách sạn mang thêm nước sôi và thông báo, 8 giờ tối nay sẽ có lửa trại. Chúng tôi ăn chiều xong là kéo nhau về sân nhà khách 9 gian, ở đây có hai cột ăng-ten cao và gần nhau mà mạng vẫn yếu, gió vẫn thổi ù ù, một đống củi xếp sẵn, âm nhạc dịu êm, đèn màu lấp loáng, lửa reo phần phật, người dân tộc, người Nam, người Bắc dồn về quanh lửa trại, người cao tuổi có ghế vòng ngoài, trẻ tuổi múa hát vòng trong, bộ âm ly loa đài khiêm tốn đủ vui khi mọi người tham gia múa sạp, nắm tay nhau hát bài "Nối vòng tay lớn" quanh lửa trại.
Mười giờ, không khí mờ đục, sương theo gió ùa về, tất cả hát chung bài ca quan họ "Người ở đừng về", mọi người hát say sưa thực chửa muốn về. Rồi mỗi người một điện thoại bật đèn soi đường về phòng nghỉ, mây trắng bồng bềnh dưới chân, ta như đang vi hành trong cõi sương ấm và mát, chợt nhớ câu thơ của Tố Hữu: "Ai tính được một ngày xuân đẹp?".
Vâng, chỉ những ai trực tiếp thụ hưởng cái phút giây thế này mới cảm nhận đầy đủ cái hào hoa mến khách khó tả của Mẫu Sơn, vô cùng dịu mát, trong lành. Tôi và nhà giáo Nguyễn Quang Thụy một phòng. Nằm được một chút rồi anh lại gọi tôi mang ghế ra ban công ngồi cho tới khi thấm lạnh mới vào ngủ. Anh bảo phải tận hưởng thôi, không khí này về quê lấy đâu ra.
Mẫu Sơn điểm đến lý tưởng cả bốn mùa. Có lên rừng xuống biển mới thấu hết tình cha nghĩa mẹ đã dành cho ta cả nước non giàu có tươi đẹp thế này. Trách nhiệm của chúng ta là giữ gìn và tô thắm cho đất nước này ngày một hùng cường giàu và đẹp. Tương lai của Mẫu Sơn sẽ khác, sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng để Lạng Sơn trở thành chuỗi du lịch văn hóa tâm linh không chỉ của người dân Lạng Sơn mà là của ngành du lịch cả nước. Tôi đăng quang cảnh này lên Facebook, liền có nhà báo nhiếp ảnh gia Trần Phan gọi điện bảo: "Năm nào em cũng đi hai lần lên Mẫu Sơn săn tìm cái đẹp, có năm tuyết nhiều đi nửa đường lại về nhưng vẫn hài lòng".
Có lẽ so với Tam Đảo, Ba Vì thì Mẫu Sơn có phần sống chậm, nhưng Mẫu Sơn đã có quy hoạch. Những gì đi sau thường hiện đại hơn, tiện ích hơn, điều đó đương nhiên rồi. Mẫu Sơn ơi, đến hẹn lại về!