Sáng tạo thứ hai

Thứ Bảy, 02/12/2023, 20:26

Trong lao động nghệ thuật, người sáng tác nên tác phẩm là sáng tạo thứ nhất (tác giả). Người chuyển tải tác phẩm đến công chúng thưởng thức là sáng tạo thứ hai (các nghệ sĩ biểu diễn). Người ta còn nói đến vai trò không kém phần quan trọng là khâu sáng tạo thứ ba. Đó là người thưởng thức tác phẩm.

Hai khâu sáng tạo thứ nhất và thứ hai đã thành công mà người tiếp nhận tác phẩm không biết thưởng thức thì kể như cũng vô nghĩa vì sẽ rơi vào tình trạng "đàn gẩy tai trâu".

10-2.jpg -0
NSND Dương Ngọc Đức và NSND Lê Dung - những người sáng tạo lần thứ hai luôn khiến các tác giả quý trọng.

Khâu sáng tạo thứ 2 không có đối với thơ, văn, hội họa, nhiếp ảnh mà chỉ có đối với âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc vì người thưởng thức trực tiếp cảm nhận tác phẩm, không cần qua khâu trung gian nào. Còn nghe ngâm thơ hay nghe đọc truyện lại là trường hợp khác. Bản thân tôi là nghệ sĩ thể hiện thơ và truyện, từng ngâm và đọc rất nhiều bài thơ, truyện trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam nhưng có lần đã không ngần ngại để phát biểu: Không nên lạm dụng hình thức thưởng thức thơ, văn qua ngâm hoặc đọc vì như vậy người nghe sẽ ít nhiều bị sai lạc trong việc cảm nhận tác phẩm qua giọng thể hiện của nghệ sĩ. Có thể tác phẩm dở nhưng giọng thể hiện của nghệ sĩ hay thì công chúng sẽ bị nhầm lẫn trong việc đánh giá khách quan tác phẩm và ngược lại. Chỉ những công chúng có trình độ với "gu" thẩm mỹ cao mới phân biệt được giá trị tự thân của tác phẩm thơ, văn độc lập với việc diễn xướng của nghệ sĩ thể hiện.

Giới sáng tác dễ dàng thống nhất để thừa nhận: Khâu sáng tạo thứ hai là rất quan trọng, có khi chắp cánh, nâng giá trị tác phẩm lên rất nhiều hoặc ngược lại, "giết chết" tác phẩm. Rõ nhất là trong lĩnh vực âm nhạc. Nhạc sĩ sáng tác một bài hát, bản nhạc, ghi ra giấy chưa thể coi là đã hoàn thành tác phẩm. Khi ấy, mới chỉ là những "sợi giá đỗ" ngoằn ngoèo phơi trên những khuông nhạc. Bởi người thưởng thức chưa thể hình dung ra tác phẩm, nhất là đối với những tác phẩm khí nhạc (nhạc đàn, không lời). Ngay cả khi người thưởng thức giỏi môn xướng âm (tức nhìn bản nhạc có thể xướng ngay được âm thanh chính xác) như nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp thì nếu không có người hát hoặc diễn tấu vẫn chưa thể hình dung hết được tác phẩm.

Vậy nên trong âm nhạc, vai trò của người sáng tạo lần thứ hai (ca sĩ, cầm sĩ) là cực kỳ quan trọng, theo tôi, chiếm đến 30% sự thành, bại của tác phẩm. Thơ và nhạc là hai loại hình văn nghệ nghiêng về trừu tượng hơn là cụ thể, hư hơn thực, nhất là âm nhạc. Một bài thơ, bản nhạc có thể khiến người ta cảm nhận khác nhau tùy thuộc vào tâm trạng, trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của họ. Lúc này, nghệ sĩ biểu diễn - ca sĩ hay người nhạc công - bằng tài năng của mình sẽ định vị cụ thể cho công chúng thưởng thức tác phẩm.

Chính vì sự trừu tượng như vừa nói mà tác phẩm đã khiến người thưởng thức cảm nhận được khác nhau qua sự thể hiện của khâu thứ hai - nghệ sĩ biểu diễn. Nhiều bài hát ra đời ở miền Nam trước năm 1975 về phương diện tác phẩm không có gì là tiêu cực, thậm chí còn đáng trân trọng bởi chỉ xoay quanh chủ yếu là hai đề tài: Tình yêu lứa đôi và quê hương, đất nước. Lại cũng thể hiện khát vọng thiết tha về một tình yêu cao cả, không vụ lợi bởi vật chất và mọi động cơ tầm thường khác. Nhưng các ca sĩ Sài Gòn (cũ) đã đem đến cho người nghe những cảm giác tiêu cực: Buồn nản, cô đơn, bi quan, yếm thế mà không phải là ngược lại, tích cực của một tình yêu trong sáng, cao đẹp. Đó là do cách hát của họ cộng với phần hòa âm phối khí, cách diễn tấu của phần nhạc đệm. Họ có cách hát ẻo lả, mềm yếu, nhấn vào tâm trạng cô đơn với một tiết tấu chậm chạp hơn là thể hiện trung thực ý tình nhạc sĩ muốn biểu hiện.

Có thể dẫn chứng một vài trường hợp khá tiêu biểu cho điều này. Bài "Nhớ mùa hoa tím" của Mạnh Phát có những lời lẽ biểu hiện tình yêu thật trong sáng: "Nhớ khi nào qua mấy mùa hoa/ Mơ bóng dáng năm xưa xa mờ/ Chiều dần chìm trong tia nắng phai/ Gửi về nơi chân mây cuối trời/ Bao buồn vui giữa mùa hoa tím/ Phút ban đầu tuy mới gặp nhau/ Nhưng vẫn nhớ sắc hoa năm nào/ Dù thời gian trôi đi nhớ thương/ Dù đời hoa kia rơi úa tàn/ Nhưng màu tím không tàn trong tôi...".

Ta thấy rõ ca từ biểu hiện một tình yêu thật đẹp, đề cao sự thủy chung, son sắt. Tốc độ của bài này tác giả quy định cũng vừa phải, không chậm. Nhưng hầu hết các ca sĩ cũ ở Sài Gòn đều hát rất dề dà, lại cố lái giọng hát theo hướng nỉ non, sướt mướt nên đã gây cho người nghe cảm giác thê lương, não nề, bi lụy không đúng với tinh thần của tác phẩm được thể hiện rõ trong giai điệu và lời ca. Nếu hát bài này theo lối hát giản dị, trong sáng thì sẽ đem đến cho người nghe cảm giác hoàn toàn khác: Lành mạnh, trong sáng, lạc quan, tha thiết, ngọt ngào.

Một bài hát nổi tiếng nhiều người ưa thích là "Làng tôi" của Chung Quân cũng đem lại nhiều hiệu ứng khác nhau nơi công chúng: "Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh/ có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam /Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau/ Lũy tre xanh bên mấy hàng cau...". Bài hát ra đời năm 1952, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác giả thể hiện tình yêu, nỗi nhớ dành cho quê hương mình khi phải rời xa và mong ngày trở về, gặp lại. Một tình cảm trong sáng, tha thiết như vậy mà bị nhiều người hát ủy mị hóa, trở nên tầm thường như nỗi buồn của kẻ thất tình vậy.

Hai bài hát trên cùng với nhiều bài trong sáng, lành mạnh, có tình cảm đẹp khác đã một thời bị xếp vào loại "nhạc vàng" chính vì lối thể hiện của ca sĩ - khâu sáng tạo thứ hai - vô cùng tệ hại, gây oan cho tác giả trong khi họ đã viết nên tác phẩm với tất cả những cảm xúc, tình cảm cao đẹp nhất.

Có hai bài hát nổi tiếng của hai nhạc sĩ lớn Văn Cao và Đỗ Nhuận là "Sông Lô" (Văn Cao) và "Du kích sông Thao" (Đỗ Nhuận) cũng bị một dàn nhạc và ca sĩ ở hải ngoại trình diễn sai lạc hẳn nội dung tư tưởng, tình cảm, làm biến dạng, méo mó thảm hại tác phẩm vốn dĩ rất có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ, có thể coi là những bài nằm trong số những tác phẩm hay nhất trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Tôi không thể hiểu từ ý nghĩ nào mà một bài hừng hực khí thế, rất hào sảng, đậm chất tráng ca như "Sông Lô" lại bị một nữ ca sĩ hải ngoại hát rất chậm chạp, uốn éo. Bài hát vốn đã dài (hát hết 10 phút với tốc độ như tác giả quy định), ca sĩ nọ hát tới 20 phút mới hết bài, nghe quá sốt ruột, không còn một chút không khí chiến thắng oanh liệt trên sông Lô của quân dân ta năm xưa.

Bài "Du kích sông Thao" cũng vậy. Tuy bài này không hào sảng, dũng mãnh như "Sông Lô" nhưng cũng không thể được hát với tình cảm ủy mị, yếu đuối như những bản não tình. Giai điệu đẹp biểu hiện mọi sắc thái vui tươi, giản dị, lạc quan, ngọt ngào, thắm tươi của những người du kích vừa sản xuất vừa chiến đấu ở đôi bờ sông Thao trong kháng chiến chống Pháp đã không được người hát tô đậm mà ngược lại là sự yếu đuối, ủy mị thật nhạt nhẽo.

Trong âm nhạc, người thể hiện (hát hoặc đánh đàn) chỉ cần xử lý tốc độ nhanh thêm hoặc chậm bớt một chút, thể hiện sai sắc thái (nuan) tác giả quy định là đã đem đến cho người thưởng thức cảm nhận khác hẳn, có khi đi quá xa ý định của tác giả. Vậy nên những nhạc sĩ khó tính trong lao động nghệ thuật luôn theo sát đứa con tinh thần của mình khi chúng mới sinh nở, lần đầu tiên trao cho một nghệ sĩ nào đó thể hiện. Họ không thể phó mặc để diễn viên tuỳ ý xử lý tác phẩm dẫu có tài đến mấy. Còn khi tác phẩm đã trở nên nổi tiếng, trôi nổi ở khắp nơi thì đương nhiên phải chấp nhận cho người thể hiện tự do trình diễn theo ý của họ. Lúc này tác phẩm đã nằm ngoài tầm kiểm soát của tác giả.

Sân khấu và điện ảnh lại có hai khâu sáng tạo nữa sau khâu thứ nhất là tác giả kịch bản. Đó là đạo diễn và diễn viên. Khi kịch bản văn học hình thành, mới chỉ là những trang giấy vô hồn. Tuy nhiên, khác với âm nhạc, kịch bản sẽ khiến người đọc hình dung được một phần hiệu quả cuối cùng của vở diễn, bộ phim. Nhưng nếu đạo diễn xoàng, đội ngũ diễn viên kém tài, không khai thác, sáng tạo được gì thêm từ kịch bản thì có khi làm hỏng hiệu quả cuối cùng. Vậy nên đạo diễn và diễn viên trong sân khấu và điện ảnh tuy là yếu tố sáng tạo thứ hai nhưng có vai trò quyết định đến hiệu quả cuối cùng của tác phẩm.

Nguyễn Đình San
.
.