(Nhân đọc tập truyện ký “BẢN TÌNH CA KHÚC KHUỶU” của nhà văn Nguyễn Hồng Lam)

Sách hay không nên đọc vội!

Thứ Năm, 10/11/2022, 15:11

Tác giả có nhã ý tặng sách từ lúc chưa in. Đến khi in rồi thì không đủ - cả sách lẫn thời gian ký tặng độc giả - lại thêm tin nhắn lưu lạc từ tháng tư qua tháng sáu… Con đường sách đến độc giả cũng khúc khuỷu chẳng kém cái tựa đề.

Dường như truyền thông quá tải vì các bản tin liên quan đến “bản tình ca”. Trên Facebook, người người đọc, nhà nhà khen nhưng cái “con bé” độc giả hay mè nheo lại im hơi lặng tiếng như rừng thu không tiếng lá. Không phải xem nhẹ hay thờ ơ. Chỉ bởi, sách đã đến tay thì từ từ đọc, vội gì! Hơn nữa, tên tác giả đã được bảo chứng thì nội dung chắc hẳn hay. Gấp gáp gì mà bon chen tranh khen đua ngợi!

Sách hay không nên đọc vội! -0
Cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu".

Mỗi ngày đọc vài trang, lang thang theo chân tác giả dõi từng phận sống nẻo đời. Chậm thôi, để rồi nghiệm, để rồi thấm các khúc nhạc yêu thương với đủ đầy cung bậc: thanh tao thuần khiết, đau đáu khắc khoải hay tê dại ngậm ngùi…

Con bé - là tôi - thiếu sự trải đời cũng chẳng gặp nhiều va vấp trong cuộc sống nên dù câu chuyện đầu tiên không mô tả “cuộc đời kỳ vĩ” như những nhân vật khác trong tập sách nhưng với tôi lại gợi nhiều cảm xúc cho đứa vốn chỉ mong mỏi được bình yên. Dẫu biết như vạn khách phương xa, anh Ba chỉ gởi gắm chút mến yêu do nợ đất tình người lưu luyến. Dẫu biết như muôn ngàn thôn nữ miền Tây, Út chỉ thể hiện sự hiếu khách hồn nhiên của cô em vùng sông nước nhưng chắc không ai nỡ cản ngăn độc giả hay mơ mộng như nó tự vẽ vời thêm thắt chút tơ lòng ngó ý vấn vương? Mà thôi, cứ để lục bình tím bình yên trôi nhẹ trên sông chứ đa đoan chi rồi lại phiền lòng chìm nổi. Bởi lẽ anh Ba vốn người chí tại bốn phương thì chiếc xuồng ba lá kia chỉ tròng trành trong ký ức chứ dễ gì neo được đời anh ở gốc bần cội đước làng quê.

Rồi thôi, chỉ một nốt dịu dàng. Sau “Về xứ Bốn Ngàn” khúc khuỷu như đã định danh, bản tình ca chỉ dồn dập các cung thương cho phận đàn bà ngằn ngặt nỗi đau trắc trở. Từ cô giáo Điệp (Bản tình ca khúc khuỷu), mẹ Gặp, mẹ Toán (hai bà mẹ xóm Cồn), Xuân Lan (Mảnh trăng mùa báo hiếu), Tiểu Hương (Chuyến tàu không có sân ga)… Cả những người phụ nữ chẳng kịp ghi tên nhưng đời hằn nét đau sâu tận cùng tim tuỷ.

Đôi lúc vì không muốn tin nên tôi tự hỏi, là truyện ký, sao tác giả hư cấu quá tay? Sao vở kịch đời lại ngang trái khốc liệt đến khôn cùng như vậy? Cánh cổng trại giam đóng sập để giữ bước chân lầm lỗi của Châu Phú hay đoạn ngắt tình yêu đang bấn loạn của cô Điệp khổ đau? Với yêu thương, ai mới là người thực sự bị giam cầm? Ai đã mất tự do không níu giữ được hạnh phúc ngỡ như trong tầm với? Rồi ai thấu cảm nỗi bi thương của người phụ nữ chờ suốt thanh xuân để gục xuống bẽ bàng thấy hun hút trước mắt là vực sâu không tận?

Mẹ Toán cả đời chẳng tính được cho mình con số hạnh phúc nào tròn vẹn, chỉ gạn được phần dư khi cuối đời có đứa con hờ gọi “má lớn” chịu tang. Âu cũng là an ủi! Gió xóm Cồn thổi thốc cát bay, rát mắt mặn môi cho những đêm hai người đàn bà cắn răng kiềm tiếng nấc. Chia nhà chia đất người ta còn cân phân đong đếm. Phải hạnh phúc, chia chồng, mấy ai tự nguyện sẻ chia? Vậy mà, góp hai cuộc đời vào một, phận đàn bà gom hết về mình phần hy sinh thua thiệt. Đàn bà yêu không phân vân hối tiếc nhưng đau vẫn cứ đau. Xoè bàn tay đếm giọt nước mắt rơi qua ngày tháng, tóc ngả phai nhưng màu của tình yêu thì vẫn cứ đậm nguyên.

Cái dáng ngồi hóa đá của bà Quế Hương làm ám ảnh, nhói lòng người đọc bởi người ta thấy trong sắc tím hoàng hôn u uất nỗi mong chờ. “Thường tại ngã tâm trung” là hạnh phúc mà bà nhận được từ người yêu dấu, để rồi cũng vì đó mà bà trở thành người đàn bà vò võ cô đơn. Dẫu không ai rõ bà đang dõi đợi điều gì trong khoảng không vô vọng, nhưng hiển hiện rõ ràng là hình bóng người hùng trong tim bà hóa tượng đài sừng sững uy nghi.

Già hay trẻ, cằn cỗi hay ngây thơ, yêu thương lý tưởng cao cả hay khao khát đời thường bình dị đều được khắc họa chân thực trong từng câu chữ khi nhẹ nhàng êm ả khi mãnh liệt góc gai. Và, không phân biệt bình dân hay hoàng tộc, lang bạt bụi trần hay ẩn thân khuê các, ngòi bút tài hoa khiến người đọc đôi lúc lật trang sách phải giật mình như sờ chạm được nỗi khổ niềm đau. Ngẫm đời, ai cũng mang theo mình ít nhất một bản tình ca. Trỗi khúc gì, đôi lúc ngoài tầm tay của phận đàn bà. Tác giả - “Người của giang hồ” lắng nghe và ghi lại được, xưa nay hồ dễ mấy ai. Chỉ mong tác giả thôi là kẻ chậm chân (như lời tự nhận) để từ nay độc giả không phải chờ sách mới lâu như thế nữa.

“Lời quê” này không chỉ để phân trần cho việc muộn màng thể hiện cảm nhận về sách mà còn thay tiếng cảm ơn tác giả Nguyễn Hồng Lam trong một sáng cuối tuần thật đẹp!

Tuệ Văn
.
.