Sắc màu thổ cẩm Hrê
Nghề dệt thổ cẩm của người Hrê ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) chính là sản phẩm tinh thần mang sự sáng tạo, tài năng và khiếu thẩm mỹ của người thợ dệt được lưu truyền từ lâu đời. Và, Teng là ngôi làng duy nhất của người Hrê ở tỉnh Quảng Ngãi biết dệt thổ cẩm.
Nằm phía dưới chân đèo Lâm, bên dòng sông Liêng hiền hòa, làng Teng có hơn 200 hộ, hầu hết là người Hrê. Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, chữ “Teng” là ký âm theo giọng Quảng Ngãi, còn tên gốc của nó là “Trăng” (Tăng). Người Quảng Ngãi đọc âm “ă” thành “e” nên chữ “Tăng” được đọc thành “Teng” và thể hiện luôn trên văn bản hành chính của làng. Gốc của chữ “Tăng” có nghĩa là đan lát, dệt.
Phụ nữ Hrê giữ vai trò quan trọng trong quán xuyến việc nhà và giữ gìn nghề truyền thống của dòng họ. Trẻ em gái làng Teng khi vừa hiểu biết ngày ngày đã thấy hình ảnh của mẹ và bà bên khung cửi. Khi vừa chớm thanh xuân, các cô gái đã làm quen với khung cửi như một mặc định. Và cứ thế, từ đời này sang đời khác, nghề diệt thổ cẩm trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của làng. Điều đặc biệt, đây là ngôi làng duy nhất của người Hrê ở tỉnh Quảng Ngãi biết dệt thổ cẩm và cũng là nơi cung cấp trang phục bằng thổ cẩm cho phần lớn đồng bào dân tộc vùng cao tỉnh này.
Trong ký ức của các bậc cao niên ở làng Teng, đã có thời, cả làng trồng cây bông trên sườn đồi và dọc ven suối. Sau tết ngã rạ mừng lúa mới, khi con đường vào làng hoa gạo nở đỏ rực thì trên rẫy và dọc ven suối, cây bông cũng nở trắng xóa. Sớm sớm, con gái Hrê trong làng đầu chít khăn, lưng mang gùi lên rẫy hái bông, rồi đem về phơi trên những chiếc nong cho bông nở bung. Sau đó, chị em dùng quay kéo thành sợi.
Trong khi đó, đàn ông trong làng mang gùi vào rừng hái lá cây ghin gu đem về giã, rồi nấu với bột gạo làm phẩm màu để nhuộm cho sợi bông có màu đen. Nếu muốn có màu đỏ thì phải vạt vỏ cây pắh đếch đem về bỏ vào nồi đồng lớn nấu với một ít vôi, sau đó mới đem nhuộm sợi.
Khoảng chục năm trở lại đây, cây bông ngày càng hạn chế, những thợ dệt làng Teng lấy chỉ sợi nhiều màu sắc để dệt. Dù dệt sợi công nghiệp và theo xu hướng phát triển của thị trường nhưng người Hrê vẫn giữ nguyên bản sắc dệt truyền thống của đồng bào mình.
Các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm của người Hrê chủ yếu theo mô típ hình học được liên kết thành ô nối tiếp nhau. Hoa văn có đường thẳng, đường lượn sóng tạo nên hình dáng cách điệu là con sông, con suối; hoa văn có hình giống các loại vật trong thiên nhiên như: Mỏ gà, mũi tên, tổ ong, da rắn, da trăn, lá cây. Từ những tấm thổ cẩm này, người thợ đã tạo nên những sản phẩm như: Váy, áo, khố, khăn, đai địu con...
Thời gian gần đây, mô hình phát triển du lịch cộng đồng Ba Tơ được tổ chức với nhiều hoạt động, trong đó có trình diễn các công đoạn dệt thổ cẩm. Điều này khiến giới trẻ rất thích thú và càng đam mê với nghề dệt. Và để đưa sản phẩm thổ cẩm gần gũi hơn với đời thường, các bạn trẻ ở làng Teng đã sáng tạo, thiết kế các sản phẩm cách tân dễ sử dụng như: áo dài, trang phục công sở, khăn quàng, túi xách… Trải qua năm rộng tháng dài, chưa bao giờ nghề dệt thổ cẩm của người Hrê ở làng Teng phôi pha, đứt gãy. Các mẹ, các bà không chỉ dệt nên tấm thổ cẩm với những sắc màu từ cỏ cây, hoa lá giữa đại ngàn, mà còn dệt vào những sắc màu đầy ắp tình yêu đất đai, sông núi. Hôm nay, những sắc màu ấy vẫn giữ vẻ đẹp truyền thống, nhưng đã thêm một lần sáng tạo để phù hợp với thẩm mỹ đương thời.
Bà Phạm Thị Găm - một thợ dệt làng Teng - cho biết: “Để dệt nên một tấm thổ cẩm thì việc dùng nguyên liệu, tạo màu, công đoạn làm khung dệt đòi hỏi rất công phu. Đặc biệt, công đoạn khó nhất là kỹ thuật dệt. Trước tiên, người dệt phải tạo thế cân bằng rồi kéo thẳng chỉ để dệt. Sau đó, thợ dệt phải cân các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm sao cho hài hòa và đẹp mắt. Do đó, muốn trở thành một thợ thành thạo nghề dệt thổ cẩm không phải ai cũng làm được, hơn nữa để phát huy các mẫu hoa văn đẹp và phong phú lại càng khó”.
Nét độc đáo của thổ cẩm làng Teng không chỉ là sự tinh xảo qua bàn tay tài hoa của người thợ mà người Hrê còn ký thác vào đó rất nhiều ẩn ý của dân tộc mình. Họ quan niệm về âm - dương đối lập qua hai màu đen và đỏ, điều hiếm gặp trong các loại thổ cẩm Tây Nguyên. Màu đen trên tấm thổ cẩm làng Teng tượng trưng cho nước và đất, là âm tính, nữ tính; còn màu đỏ là thế giới vô hình, tượng trưng cho thần linh, là dương tính, thuộc về nam giới.
Chính nghề dệt thổ cẩm độc đáo này đã cuốn hút bao chàng trai đến làng Teng làm rể. Nhiều chàng trai dân tộc Hrê ở các huyện Sơn Hà, Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi) hay các xã trong huyện Ba Tơ đã tìm đến đây làm rể, sinh sống. Và như đã thành lệ thường, trước khi con gái làng Teng đi lấy chồng thì phải bỏ nhiều công sức để dệt những tấm thổ cẩm cho chính mình và cho người mình thương để cùng nhau mặc trong ngày cưới, trong lễ cúng Yàng (trời).
Và, mỗi phụ nữ Hrê đều có một bộ thổ cẩm mới nhất để không chỉ chưng diện mỗi khi làng có việc như: Hội làng, mừng năm mới, lễ cưới…, mà còn để được “gặp ông bà” khi nhắm mắt xuôi tay. Đồ tùy táng này là bất di bất dịch đối với phụ nữ Hrê ở làng Teng. Có lẽ, đây cũng là một trong những lý do để thổ cẩm làng Teng trường tồn với thời gian.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi cũng như huyện Ba Tơ đã có nhiều chính sách hỗ trợ thợ dệt thổ cẩm làng Teng nhằm truyền dạy, khuyến khích người dân lưu giữ nghề truyền thống, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng sản phẩm. Ngành chức năng địa phương cũng đã quảng bá sản phẩm bằng việc tham gia vào các Festival làng nghề truyền thống, các chợ phiên văn hóa miền núi, tổ chức các ngày hội thi dệt thổ cẩm truyền thống tại huyện…
Bên cạnh đó, làng Teng còn thành lập tổ dệt thổ cẩm. Tổ dệt này tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại nhà văn hóa để trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm dệt, liên kết làm sản phẩm cho khách hàng. Năm 2019, nghề dệt thổ cẩm của người Hrê ở làng Teng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người dân làng Teng rất tự hào về nghề truyền thống của cha ông được gìn giữ, phát triển và được ghi nhận. Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các sản phẩm từ thổ cẩm của làng Teng không chỉ được người dân các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Ngãi mua sử dụng, mà còn được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích, ưa chuộng.
Ông Lữ Đình Tích - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Hrê ở làng Teng không chỉ tạo nên những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình làm nghề, mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển làng nghề truyền thống này gắn với phát triển du lịch để có thể vừa bảo tồn, vừa phát huy, gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc Hrê, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương”.
Giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người Hrê ở làng Teng thể hiện trên từng sản phẩm gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt được lưu truyền từ lâu đời, bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay. Giữa cuộc sống hiện đại, đời sống của người Hrê dần thay đổi. Thế nhưng, những tấm thổ cẩm dệt tay vẫn hiện diện như kết nối giữa các thế hệ với nhau và là sợi chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.