Sắc cầu vồng Cam Ly

Thứ Sáu, 13/05/2022, 08:37

Hàng trăm năm nay miền đất du lịch cao nguyên Lâm Viên mang tầm vóc quốc tế luôn hấp dẫn khách thập phương tìm đến. Những đỉnh núi cao trùng điệp mang câu chuyện tình yêu Lang Biang phủ đầy băng giá kỳ thú. Thành phố Đà Lạt luôn được coi là xứ sở ngàn hoa. Thêm đó, nơi đây còn được coi là thiên đường của đồi thông cao vút và hoa anh đào thơ mộng. Nhưng ít ai để ý con suối Cam Ly mới là linh hồn Đà Lạt.

Phố núi xinh đẹp mỗi sớm mai

Từ xa xưa những bộ tộc người Kho đã bám dọc con suối để sinh sống. Thành phố Đà Lạt ngày nay cũng vậy. Nó hình thành bên con suối Cam Ly mà Hồ Xuân Hương chính là gương mặt của thành phố cũng từ con suối này mà ra. Trong hàng trăm bài hát về Đà Lạt luôn hiện hình ảnh suối Cam Ly qua những liên tưởng đây đó. Người dân thành phố không ai không thuộc lời ca: “Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly/ Khóc tình đầu dang dở/ Đêm xuống Than thở vang cung hờn/ Thêm sắt se tâm hồn/ Người đi trong bóng cô đơn” (Đà Lạt hoàng hôn - Minh Kỳ).

screen shot 2022-05-16 at 08.38.31.jpg -0
Thác Cam Ly.

Nhà thám hiểm, bác sĩ Yersin phát hiện ra miền đất điệp trùng đồi thông trên cao nguyên Lâm Viên này cũng bắt đầu từ nguồn lạch suối Cam Ly. Ông đã hạ trại bên dòng suối của vùng Đan Kia dưới chân núi Lang Biang. Nhà thám hiểm đã hát bài ca của mình với vùng trời mới xanh mướt nhấp nhô như sóng biển đẹp mê hồn. Một phát hiện mới bao giờ cũng là sự chiến thắng. Yersin đã uống hụm nước đầu tiên trên dòng suối Cam Ly cùng với những thổ dân Kho dẫn đường. Ông đã rửa vết thương trên đường vượt rừng núi bằng nước suối Cam Ly.

Trong sổ tay nhà thám hiểm ghi 15g30 ngày 21-6-1893. Đó là một ngày thiêng liêng đối với Đà Lạt. Bởi sau này thành phố được rời xuống vị trí hiện nay cách Đan Kia chừng 25 cây số. Nhưng định vị ngôi nhà đầu tiên của thành phố cũng chính là bên dòng suối Cam Ly khi chảy xuống vùng thung lũng bao la này.

Bản đồ cho biết xuất phát từ dẫy núi Lang Biang, suối Cam Ly chảy dài về hướng đông tới 65 cây số. Cam Ly được hội tụ những con suối nhỏ dồn nước chảy ào ạt về phía thành phố. Vào mùa mưa nước lên suối trở thành sông cuồn cuộn sóng dữ. Biểu hiện sức mạnh con nước đầu tiên phải kể đến Thác Cam Ly. Đà Lạt lúc này sôi động và dào dạt cảm xúc khác thường. Nó ngược hẳn với hình ảnh êm đềm thân quen mà du khách vẫn thường thấy: “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ. Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ”.

Chính vì thế bắt nguồn từ thác lũ này mà người Pháp đã tạo nên một thắng cảnh Hồ Xuân Hương tuyệt mỹ. Tại diện tích rộng hàng trăm hécta của Hồ Xuân Hương chính là một thung lũng mà suối Cam Ly đổ về từ con thác. Hàng chục bản làng người K'ho đang sinh sống bên con suối. Nhưng người Pháp đã dồn dân đi chỗ khác và ngăn đập giữ nước xây thành Hồ Xuân Hương.

Hồ được coi là mắt ngọc của thành phố. Đây là một con hồ mỹ lệ nhất của vùng đất Tây Nguyên. Mọi ngôi nhà của thành phố đều có thể được soi gương xuống mặt hồ. Cố thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng đến đây và để lại cảm xúc run rẩy về tình yêu với Đà Lạt. Ông viết: “Cả trời say nhuộm một màu trăng/ Và cả lòng tôi chẳng nói rằng/ Không một tiếng gì nghe động chạm/ Dẫu là tiếng vỡ của sao băng”.

screen shot 2022-05-16 at 08.38.39.jpg -0
Không gian hoa bên dòng Cam Ly.

Dòng suối Cam Ly sau đó còn rẽ về một số hướng nhưng định vị rộng lớn tự nhiên nhất là Hồ Than Thở. Nơi đây là con hồ tự nhiên với câu chuyện thần tiên về tình yêu bên vùng hoa đào Trại Mát. Đồi thông hai mộ được coi là thiên tình sử của một đôi trai gái có thật với tình yêu mãnh liệt nhưng không đến được với nhau. Họ bị cấm đoán rồi dẫn tới cái chết oan uổng. Cô giáo Thảo trẻ trung đã tự vẫn còn chàng sĩ quan tên Tâm cũng đã tìm đến cái chết trên chiến địa. Họ cầu xin được xây mộ bên nhau. Họ sống về cõi âm cùng nhau như thế bên hồ Than Thở và dòng suối Cam Ly. Những bản tình ca luôn reo vang bên đồi thông hai mộ. Dòng suối Cam Ly dẫn câu chuyện bi kịch này đi đến mọi miền xa. Lời ca bay dịu dàng bên dòng suối: “Một chiều rừng gió lộng/ Một chiều rừng nhớ chuyện bên đồi thông/ Nàng năm ấy khi tuổi vừa mười chín…”. (Đồi thông hai mộ - sáng tác nhạc sĩ Hồng Vân).

Điều thú vị là dòng suối Cam Ly vẫn giữ một cái hốc xinh xinh bên gốc cây thông nơi mà xưa hai người vẫn gửi thư cho nhau. Đó chính là hòm thư tình yêu Cam Ly. Nó luôn vang vọng lời than: “Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời/ Thông reo vi vu Than Thở như ngậm ngùi/ Lữ khách bâng khuâng vô vàn/ Cuộc tình duyên nàng trinh nữ…”. (Thương về miền đất lạnh - Minh Kỳ).

Những vườn hoa trên đồi cỏ xanh

Trên con đường gập gềnh thác núi suối Cam Ly nhập vào sông Đà Dâng và Đa Nhim đã tạo nên nhiều cảnh quan làm nên chân dung Đà Lạt và trục cảm xúc mà bất cứ ai lên đây đều xao xuyến cảnh đẹp thơ mộng của Cam Ly với những cánh rừng thông xanh thẳm. Đặc biệt là những vùng hoa, làng hoa được hình thành từ dòng nước ngọt ngào này.

Đầu tiên phải nói đến làng hoa Hà Đông. Người dân Hà Nội đến đây từ rất sớm (1938) với nhiệm vụ chính là trồng rau xanh cho người Pháp và phục vụ đô thị hoa lệ này. Sau đó mới đến việc trồng hoa để tạo dựng những công viên cho phố phường. Những vườn hoa quanh vùng suối Cam Ly được hình thành vì thế.

Hiện vẫn còn những vườn hoa tự nhiên và tập trung bên suối ở ven thành phố là vì lẽ đó. Nhưng cũng từ đây hình thành một làng chuyên trồng hoa. Hồi đầu chỉ có 35 người của làng hoa Hà Đông dựng nghiệp. Giờ đây đã có hàng ngàn người trồng hoa với sự hình thành các tên tuổi như “Vườn lan Anh Quỳnh”, “Vườn hồng Đông Nga”, "Cát Tường Minh Quân”… Từ những mảnh vườn cách đây hơn 80 năm, làng hoa Hà Đông đã khai thác tới hàng ngàn mẫu vườn các giống loại hoa tập trung tại phường 8. Cách chợ Đà Lạt chừng 2 cây số. Hoa quanh năm và vàng rực vào mùa xuân cao nguyên bên dòng suối Cam Ly.

Cùng với đó là những làng hoa mới phát triển rộng lớn không kém. Đáng kể là làng hoa Vạn Thành (P5 cách trung tâm 3 cây số) và làng Hoa Thái Phiên (P Trại Mát cách trung tâm 7 cây số). Điều kỳ thú nhất là những làng hoa này đều bám quanh bên suối Cam Ly. Làng hoa Vạn Thành gần thác Cam Ly, còn làng hoa Thái Phiên gần hồ Than Thở. Tất cả muôn sắc hoa của những vườn cây đều dùng nước suối Cam Ly tưới bón. Chợ Đà Lạt được coi là trung tâm hội tụ các hàng hoa và là địa chỉ của tổ chức các kỳ Festival hoa Đà Lạt (Lâm Đồng).

Cùng với nhưng thung lũng hoa tô điểm cho xứ sở ngàn thông Đà Lạt còn có những dòng hoa anh đào nở bung vào mùa xuân Đà Lạt. Hoa anh đào hiện được coi là đặc sản của Đà Lạt. Có nghệ nhân đã ghép cây đào Nhật Tân (Hà Nội) với giống đào rừng của Đà Lạt từ năm 1997. Giống đào mới đã ra đời với sắc hoa kỳ thú tươi thắm và phảng phất hương thơm. Trên đường Lê Hồng Phong mọi người đã quen với thung lũng hoa đào Mười Lời. Đây là thung lũng hoa đào được xác lập kỷ lục đầu tiên của vùng đất đỏ Tây Nguyên.

Cam Ly nhìn từ trên cao

Xuân về dòng suối Cam Ly rực rỡ những cành hoa muôn màu muôn vẻ. Festival nào cũng vậy, hoa điểm tô cho Hồ Xuân Hương cũng như dòng suối Cam Ly chảy qua thành phố với sự kỳ ảo và rực rỡ nhất. Bài hát “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên luôn vang lên trên mọi cung đường với nhịp điệu mơ mộng. Những câu hát thân quen luôn ngân reo cùng dòng nước Cam Ly mỗi độ xuân về: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi/ Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ…”.

Nếu bạn đi trên cung đường cáp treo nhìn xuống thành phố mới thấy dòng suối Cam Ly uốn lượn như dải lụa vàng dưới ánh mặt trời. Nước hội tụ về Hồ Xuân Hương tạo nên sự long lanh huyền diệu của cao nguyên. Đồi Cù xanh mướt dậy thì mỗi sớm mai bên hồ. Dòng suối Cam Ly không ngừng chảy về xa tạo thành dòng sông tràn qua đập thủy điện dưới xuôi. Thác Cam Ly trong vắt thao thiết dội về như đánh thức thành phố hoa bừng nở. Xa xa trong ánh nắng quầng lên sắc cầu vồng qua bụi mưa phố huyễn mộng du ca.

Vương Tâm
.
.