Rước nước - đón rước sự sống, lẽ sống!
Ở nước ta, tục rước nước đang phục hồi để trở thành một nghi thức quan trọng của nhiều lễ hội. Không chỉ có ở vùng văn minh nông nghiệp, tục này là một nghi lễ thiêng xuất hiện ở hầu hết các vùng văn hóa khác trên thế giới.
Vì nước là sự sống, rước nước mang ý nghĩa đón rước sự sống, sức sống. Chịu sự quy chiếu của đời sống phong tục, tập quán, các nghi thức rước nước biểu hiện ra bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng chung bản chất, mang tính biểu tượng sâu thẳm các ý nghĩa nhân văn cần khám phá.
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, ngày nay con người đang đi tìm kiếm các hành tinh khác ngoài trái đất. Dấu hiệu đầu tiên của hành tinh ấy có sự sống là có nước (hoặc biểu hiện thành phần hóa học của nước) hay không. Với con người, nước chiếm khoảng 70% trọng lượng trong cơ thể. Người có thể nhịn đói tối đa 3 tuần nhưng nhịn khát tối đa chỉ được 5 ngày. Là một trong những yếu tố cần thiết cơ bản nhất với đời sống, nước được "thiêng hóa" để được "rước" trong các lễ hội, là dễ hiểu.

Sự "thiêng hóa" này có trong nghi lễ cầu mưa: "Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp/ Lấy tệp bánh chưng/ Lấy lưng hũ rượu.…". Có mưa thì có nước. Điều thiết thực đầu tiên là để "uống", sau đó mới là các chuyện cấy cày khác.
Cũng chẳng xa xôi, cuối thế kỷ XX, ở nông thôn, nhiều gia đình vẫn dùng nước mưa làm nước uống (không đun sôi). Do vậy, bể nước mưa rất quan trọng, không chỉ chứa nước, còn là "thước đo" sự "phong lưu". Chỉ nhà nào có "của ăn của để" mới xây được bể nước mưa lớn. Nhà nghèo chỉ có chum vại. Nước mưa được hứng từ mái ngói và từ những thân cau. Phải năm đói kém hoặc bận làm ăn, ngày giỗ đến, chỉ "lòng thành" bằng quả trứng, chén nước mưa, một nén hương…
Như vậy, tục rước nước trong lễ hội cũng đã có nguồn gốc từ ngay trong ngày thường. Nước mưa cũng được "thiêng hóa" ở mỗi gia đình. Sắp đến ngày Tết cuối năm, các cụ ta "tắm rửa" ngai thờ, bài vị tổ tiên bằng nước mưa. Khách đến, pha trà cũng phải bằng nước mưa hoặc nước giếng chùa, tức nước thiêng, chứ không thể nước ao ngòi…
Trong văn hóa thế giới, cũng tương tự. Trong nhiều từ vựng châu Âu, châu Mỹ, mưa đồng nghĩa với tinh khí (làm thụ thai), với hạt giống, với sữa mẹ, thậm chí với cả máu. Người Sumer cổ tin rằng mưa là tinh dịch của thần bầu trời (An) rơi xuống để thụ tinh cho vợ là nữ thần trái đất (Ki). Thần Ki sinh ra mọi cây cối, hoa màu. Người Akkad cổ cho rằng mây là ngực còn mưa là sữa của nữ thần Antu, cây cối được uống sữa này mới tươi tốt.
Có quốc gia cổ vùng Trung Á đồng nhất tên gọi tiền tệ với danh từ mưa, cũng là một cách đề cao: "Mưa quý như tiền/vàng". Những điều ấy dựa trên một thực tế là nhờ có mưa (một thứ đạm tự nhiên tốt cho cây trồng) sự vật mới sinh sôi phát triển. Đạo Hồi cho rằng Chúa Trời sai thiên thần xuống cùng với những giọt mưa. Tức đồng nhất mưa với các thiên thần giáng thế. Đạo Hindu quan niệm các đấng anh linh giấu mình trong những giọt mưa đi từ mặt trăng xuống... Hầu hết các tôn giáo rất đề cao mưa, coi đó là ơn trời; là hạnh phúc, may mắn; là sứ giả nhà trời; là cầu nối trời - đất...
Thành ngữ Việt nói: "Mưa tháng ba hoa đất" tức mưa tháng ba rất đẹp, rất quý, đất như nở hoa, cây cối tươi tốt. Trong hệ từ vựng các nước văn minh nông nghiệp đều có các thành ngữ hoặc tục ngữ cố định nói về mưa, như "quý như vàng", "trận mưa vàng"... Người Việt có cách nói "ơn mưa móc" chỉ ơn huệ của bề trên, đồng thời quan niệm mưa cũng là hạnh phúc nên có thành ngữ "Mưa bao giờ mát mặt bấy giờ" - một triết lý về đời sống: sung sướng hạnh phúc lúc nào biết lúc ấy. Theo "Kinh Dịch" mưa thuộc quẻ "càn" tức thuộc trời, được hiểu theo nghĩa trời làm ra mưa, trời cho mưa thì được, không cho thì phải chịu, nên khi cần phải xin (cầu) trời. Lễ hội cầu mưa là cầu trời cho mưa.
Với người nông dân lúa nước xưa, mưa là một "lễ hội" trong lòng. Hành vi hứng nước mưa cũng là một hình thức "rước nước" do "trời ban"!?
Một đặc trưng phổ quát, cơ bản của lễ hội là tính thiêng. Sự "thiêng" của vị thần được "tế" tỷ lệ thuận với tầm vóc lễ hội. Thần càng "thiêng", lễ hội càng lớn, càng đông người thập phương về dự. Với văn minh nông nghiệp thì hầu hết các thần được thờ đều gắn bó, gần gũi với sông nước. Thế nên rước nước, hẳn nhiên, nước đó phải là nước thiêng. Ngoài nước mưa, nước thiêng còn có trong tự nhiên, phải ở nơi thiêng.
Theo phong thủy phương Đông, nước thiêng phải ở nơi "tụ thủy". Thuật ngữ "đường tiền tụ thủy" tức phía trước nhà có nước tụ lại, là nhà có thế đất đẹp. "Tụ thủy" lại phải ở dạng "hoạt thủy" tức nước luôn lưu thông, không phải là "tử thủy" tức nước tù đọng (ao tù). Vì lẽ này trước các cơ quan công sở lớn (Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Việt Nam…) thường xây dựng các đài phun nước, thực chất là cách "dẫn tài khí nhập thất" tức dẫn của cải, phong khí, vận khí tốt đẹp, mới mẻ vào nhà.
"Hoạt thủy" còn phải là nước trong sạch, trong thế lưu chuyển, chảy vừa phải, không thành sóng lớn, không quá chậm. Do vậy, nước thiêng là nước ở giữa sông, tốt nhất ở giữa các ngã ba - nơi hợp lưu của các dòng (mang ý nghĩa sinh sôi, nảy nở), nước vừa ở thế "tụ" vừa trong sạch. Hầu hết các lễ hội (có rước nước) diễn ra vào mùa xuân, phong khí tốt, không mưa không nắng (to), không gió (to), mực nước sông vừa phải nhất (trong năm).

Nhìn từ phong thủy và theo quan niệm dân gian, nước giữa ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ) nơi gặp gỡ của ba dòng (sông Thao, sông Đà, sông Lô) nên tốt nhất. Có truyền thuyết kể Hoàng tử Lang Liêu lấy nước ở ngã ba Bạch Hạc ngâm gạo làm bánh chưng. Lại có truyền ngôn "thiêng hóa" bằng cách kể chính giữa ngã ba này Lạc Long Quân và Âu Cơ "chia tay", người dẫn 50 con ngược sông lên rừng, người dẫn 50 con xuôi dòng xuống biển.
Có sách còn nói đặc trưng nước ở đây có mùi rất thơm. Từ xa xưa dân gian có tục lấy nước ở ngã ba Bạch Hạc về rửa xương ông bà khi sang cát... Lại thêm chi tiết không phải ai cũng lấy được nước thơm, phải là người có tấm lòng thơm thảo. Còn người tham lam, xấu tính có ra giữa dòng, giữa đêm (thời điểm tốt nhất, lúc trời đất giao hòa), thì nước vẫn là nước, không mùi vị… Quả là một ý nghĩa giáo dục thâm thúy.
Tục rước nước từ ngã ba Bạch Hạc không chỉ có trong ở Lễ hội Bạch Hạc (tại đền Tam Giang thờ thần Vũ Phụ Trung Dực Uy Hiển Vương thời Hùng Vương và Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật sau này và thờ Mẫu), còn diễn ra quanh năm.
Nước thiêng ở ngã ba Tuần Vường - nơi giao nhau của sông Luộc, sông Hồng, sông Thái Bình được "rước" về khu đền Trần (Hưng Hà, Thái Bình) để tổ chức lễ hội. Ở các vùng không có ngã ba thì lấy nước giữa sông lớn, gọi là "dòng nước hai". Lễ hội Hoa Lư (Ninh Bình), nước được "rước" từ giữa sông Hoàng Long gợi về tích Rồng vàng đưa Đinh Bộ Lĩnh qua sông lập công cứu Vua. Sau khi lên ngôi, hằng năm Vua Đinh cho lập đàn tràng tế Thần Long và xin nước sông về tế ở Thái miếu, cầu quốc thái, dân an, thể hiện đạo lý biết ơn.
Ở các vùng xa sông lớn thì lấy nước ở hồ, ở giếng đã được "thiêng hóa" trong truyền thuyết và lịch sử. Lễ hội tại Thái miếu nhà Trần (trong quần thể Khu di tích lịch sử Đông Triều - Quảng Ninh) rước nước ở giữa hồ Trại Lốc. Nước được múc vào chum, tế lễ xong thì chia nước cho các gia đình trong thôn để lấy phúc. Địa danh đặc biệt Trại Lốc - nơi đặt Thái miếu, quê gốc nhà Trần. Lấy nước ở hồ Trại Lốc cũng sâu sắc một ý nghĩa "Uống nước nhớ nguồn". Với quan niệm giếng là "long mạch", là nguồn tụ thủy, tụ phúc, Lễ hội đền Trần (Nam Định) rước nước (đựng vào chóe) từ giếng Rồng (phía đông đền Cố Trạch) về đền Thiên Trường thực hiện nghi lễ dâng nước, tế cá.
Nhìn một cách chung nhất các lễ hội có nghi thức rước nước ở ta cho thấy, về bản chất, rước nước là hình thức khuyến nông. Nhưng đó cũng chỉ là lớp mã bề ngoài, phổ quát, còn là bao ý nghĩa nhân văn, là khát vọng bình yên, là cầu mong may mắn tốt lành, là tái hiện lịch sử để nhắc nhở đạo lý "ăn quả nhớ người trồng cây"… Hầu hết các dân tộc vùng núi cao phía Bắc nước ta, cũng có nghi thức "rước nước đầu nguồn" cùng với các ý nghĩa trên. Như vậy, rước nước chỉ là vỏ hình thức, cái lõi nhân văn bên trong là đón rước sự sống, lẽ sống, tức đạo lý ở đời. Đó là một nét bản sắc văn hóa cần giữ gìn, phát triển.