Rủ nhau lên chốn Sài Gòn
Dẫy núi Sài Sơn ở làng Sài (Quốc Oai - Hà Nội) được gọi là núi Thầy. Nguồn gốc bởi thiền sư Từ Đạo Hạnh đã dựng chùa tu luyện trên núi. Ngài chữa bệnh cứu người và còn dậy dân quanh vùng đan lát, làm nông cụ. Chẳng những thế mà ngài còn nghĩ ra trò rối nước và truyền lại cho bà con. Ai cũng gọi ngài là thầy. Dân làng cổ Sài Sơn cũng thích cái tên này.
Cổ tích tình yêu
Dãy núi Thày tự nhiên sinh ra những hang động bí ẩn cùng những huyền ảo truyền kỳ. Có lần nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã tìm đường vào hang Cắc Cớ cheo leo lưng núi, dốc sâu thăm thẳm. Con đường độc đạo có nhiều bậc đá xinh xinh dẫn bước chân nữ sĩ run rẩy trong ánh sáng le lói. Một bức tượng thần đá nằm sâu trong vách hang. Dân làng vẫn gọi là “Tượng Cậu”.
Hang rộng có vòm cao và cửa gió lùa trên khe núi tạo nên âm thanh như sáo nhạc du dương. Ánh sáng chiếu rọi xuống đỉnh trưa như một cột nắng trồng từ đáy hang sâu chừng ba mươi mét. Tượng Cậu còn được ví von là thần ông tơ xe duyên đôi lứa. Ai đến cầu tình là sẽ gặp tình. Kẻ đến cầu duyên ắt sẽ thành đôi lứa vào hội tháng Ba.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã lần mò theo lời dặn lấy hai tay xoa vào ngực tượng để mong cầu tình yêu. Trong lòng nữ sĩ bồng bềnh như vòm mây trên cửa trời. Thi hứng trào dâng khi nữ sĩ ngắm khe núi qua ánh sáng diệu kỳ tạo hình kỳ thú: “Trời đất sinh ra đá một chòm/ Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom/ Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn/ Luồng gió thông reo vỗ phập phòm/ Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm/ Con đường vô ngạn tối om om/ Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc/ Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm” (Vịnh hang Cắc Cớ). Cũng từ đó lắm cô cậu bí mật tìm đường lên núi để xuống hang cầu duyên. Họ xoa tim tượng và mơ về đôi mắt xa xăm nào đó. Câu ca dân gian: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy” cũng xuất hiện từ đây.
Hang Cắc Cớ còn gọi với cái tên là động “Thần Quang”. Động có am thờ Thần quỷ sâu dưới đáy. Thần có nhiệm vụ trông coi cổng trời ngăn không cho hiểm họa rình rập. Hồn người chết được thần chọn lựa với những ai phúc hậu sẽ được đưa lên thiên đường, còn không sẽ phải xuống địa ngục. Bên vách hang vẫn còn một bể xương người tử thuở hồng hoang tích lại.
Hàng ngàn di cốt được chôn vùi dưới đáy sâu. Nghe nói đó là hồn cốt của hàng ngàn binh sĩ đã tử trận đánh quân Hán do tướng quân Lữ Gia chỉ huy (xảy ra 111 năm TCN). Khi ấy nước biển còn mênh mang cắt ngang sườn núi. Trận thủy chiến đẫm máu đã diễn ra nơi đây. Chính vì thế hang Cắc Cớ đã ẩn chứa “Bể hận ngàn năm mãi khắc ghi” dưới đáy sâu. Hang còn được ví là 9 tầng địa ngục bởi lẽ ở dưới đó còn những ngách hang dẫn sâu xuống lòng đất. Ngày đêm gió rít lạnh buốt chân tóc.
Nhưng giờ đây Tượng cậu đã ngự trị xe kết những mối duyên tơ. Tất cả quỷ ma đã lùi sâu vào dĩ vãng. Vào lễ hội, nam thanh nữ tú luôn dìu nhau lên núi rồi xuống hang. Thuyền rồng dưới hồ trong sôi động lời ca như cánh buồm bay lên cao. Câu hát văn quen thuộc say đắm lòng người. Ai nấy mơ màng theo lời ca: “Rủ nhau lên chốn Sài Sơn/ Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình/ Hỏi non, non những làm thinh/ Phải chăng non đã vô tình với ai?/ Nước non ví chẳng chiều đời/ Mắt xanh đâu lễ phụ người tình chung/ Yêu nhau ta dắt nhau cùng/ Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu” (Thơ của Nam Á Trần Tuấn Khải). Tiếng đàn nguyệt bay lên như gió cuốn nồng nàn.
Hồn thơ non xanh nước biếc
Chùa Thầy được thiền sư Từ Đạo Hạnh dựng đã cả ngàn năm (từ thời Lý). Nơi đây thanh tịnh trong mây cuốn bao la từ phía Tây Thăng Long thành. Hình ảnh khắc họa cuộc đời thiền sư đã ghi dấu bao đời qua: “Chùa xưa ở lẫn trong cây, đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây”. Phong cảnh Sài Sơn trên hồ nước xanh trong vời vợi: “Bút cuốn khói mây mười sáu ngọn/ Mắt thu non nước vạn trùng khơi”.
Nhiều bậc nho sĩ danh nhân đã tới đây thưởng ngoạn và để lại những áng thơ cảm tác núi non. Trong đó, không ít tác phẩm đã được khắc bia đá trên vách núi cheo leo. Tướng công Phùng Khắc Khoan (trạng Bùng) đã cho xây hai chiếc cầu Nguyệt Tiên kiều và Nhật Tiên kiều để vào chùa. Ngài hoạt bút trong vạn cảnh bao la: “Bước chân đi khắp trần gian/ Bàn tay sắp đặt muôn vàn vì sao/ Thử cầm chổi quét vách rêu/ Thành thơ bút để đi vào núi sông”.
Rồi nữa, Nguyễn Trung Trực, hay danh nhân Ngô Thì Sĩ, hoặc Phan Huy Ích, lại còn thêm Thần Siêu - Thánh Quát cùng Hồ Xuân Hương… đều đã về họa thơ núi Thầy. Đặc biệt vua Lê Thánh Tông, vị tao đàn nguyên súy đời Hồng Đức thứ 7 đã ung dung khắc lên cổng trời một áng thơ xuân: “Bầu trời thú lạ cũng nhiều nơi/ Chẳng thú đâu hơn thú chợ Trời/ Sáng sớm mưa tan trưa nắng đứng/ Chiều hôm mây họp tối trăng chơi”.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh tạo dựng không gian Phật pháp lắng đọng hồn sông núi. Tiếng chuông chùa thỉnh khi bình minh lên và hoàng hôn buông xuống. Ấy là khi mây tan trên thinh không ôm tròn bóng nắng. Và mây lại tụ về trên cây đại già nua ngàn đời thơm ngát hương hoa. Non nước diễm huyền trong sương ẩm ướt. Dân làng Sài Sơn ai cũng nhớ mùa thu 1941, lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm phất phới bay trên đỉnh chợ Trời. Ngọn lửa cách mạng sớm bừng lên từ mảnh đất thần thánh này. Rồi những ngày Toàn quốc kháng chiến (1947), Bác Hồ đã dừng chân nơi đây một thời gian tại chùa Một Mái (trên núi Thầy).
Sau hòa bình lập lại, Bác quay về chùa Thầy đúng vào ngày 19/5/1959. Hình ảnh một thuở kháng chiến bên vách đá vẫn còn ghi: “Ngọn đèn dầu còn tỏa sáng đêm xuân/ Tiếng máy chữ còn vang vách đá/ Hang hút gió ba mươi đêm sương giá/ Kháng chiến chín năm/ Bác viết những chương đầu/ Sài Sơn-Sài Sơn” (Đào Ngọc Chung). Nhà thơ Xuân Thủy, chủ bút Báo Cứu Quốc cũng từng về đây hoạt động. Một thời gian từ giã núi Thầy lên Việt Bắc ông bùi ngùi lưu luyến: “Ngờ đâu vội vã chia tay/ Bạn ơi sông Giá - núi Thầy nhớ nhung/ Sông kia chưa thỏa vẫy vùng/ Núi kia biết mặt anh hùng là ai/ Nào đâu hang gió, Chợ Giời/ Nào đâu nước bạc trăng soi mái thuyền”.
Có thể nói núi Thầy còn được gọi là núi Thơ. Tiếng vọng thi nhân bao đời nay đã gửi gắm với non nước Sài Sơn. Ngày ngày mỗi khi tiếng chuông ngân nga là hồn thơ bảng lảng cùng mây bay lên đỉnh núi. Không ai không nhớ đến sự khơi gợi qua những câu thơ Quang Dũng sâu lắng nhớ thương hẹn hò: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sao diều khuya khoắt thổi đêm trăng” (Đôi mắt người Sơn Tây). Câu ca dao xưa bao nỗi hẹn hò hội lễ xuân về: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba/ Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”. Sự liên quan tới hội Láng cùng ngày bởi một lẽ cha của thiền sư Từ Đạo Hạnh là ngài Từ Vinh đã từng xuất gia đầu Phật. Sau ngài làm quan lớn và lấy vợ ở làng Láng. Ngôi nhà của gia đình quan Từ Vinh chính là chùa Láng ngày nay.
Truyền kỳ Sư Thầy hóa Vua
Tương truyền thiền sư Từ Đạo Hạnh thông tỏ pháp thuật nên khi tới dựng chùa trên núi, ngài chuyên trị bệnh cho dân tứ xứ. Y thuật của thiền sư nổi danh khắp vùng và tin đồn lan tới kinh thành. Khi ấy một người con của vua Lý Thánh Tông (1054-1072) là Sùng Hiền Hầu cầu tự khắp nơi mà không có con nối dõi bèn vời thiền sư vào cung. Từ Đạo Hạnh nhận lời và dùng pháp thuật đã tu luyện bao năm để cứu chữa cho phu nhân Sùng Hiền Hầu được đậu thai nhi. Công việc tế lễ trang trọng và thiền sư đã luyện pháp thành công.
Ra về, Từ Đạo Hạnh nhắn Sùng Hiền Hầu, hãy báo tin cho biết khi nào phu nhân khai hoa nở nhụy. Quả nhiên phu nhân Sùng Hiền Hầu đậu thai khỏe mạnh và đến kỳ sinh nở. Sùng Hiền Hầu vội báo tin vui cho thiền sư và đặt tên con trai là Lý Dương Hoàn. Thiền sư nghe tin vội vã lên núi và thiền cho đến khi hóa về trời (đúng ngày mùng 7 tháng 3 Âm lịch). Chẳng bao lâu Lý Dương Hoàn lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Thần Tông (1128-1138). Trong nhân gian đồn rằng chính thiền sư Từ Đạo Hạnh đã hóa kiếp đầu thai thành vua Lý Thần Tông trị vì thiên hạ được 10 năm.