Rạng ngời bình minh phố
Con đường ấy có những ngôi nhà được ví là xứ sở bình minh. Nơi đó luôn có tiếng gà cất lên tiếng gáy canh năm đánh thức những tia nắng còn ngủ quên nơi chân trời. Đã hàng trăm năm trước dân phố cổ Hà thành thường thức dậy như thế. Thuyền bè nhổ sào cập bến sông Tô. Các ngôi nhà trên phố kẽo kẹt chống cánh cửa tre lên bán hàng. Những ký ức ấy dội về trong tôi mỗi khi: “Hàng Bừa, Hàng Cuốc, ngổn ngang/ Giở về Hàng Cót lại sang Hàng Gà” (Dạo chơi phố cổ).
Kẻ chợ Hàng Gà
Dân phố Hàng Gà hình thành (1882) cùng với các phiên chợ Đông Thành (phía cửa Đông thành Hà Nội). Khu dân cư nằm trên đất thôn Tân Lập kéo dài chừng 230 mét, từ Hàng Mã tới Bát Đàn. Khi đó phố chia làm hai phần buôn bán khác hẳn nhau. Đầu phố nối với Hàng Cót tập trung buôn bán gà vịt, chim cò, ngan ngỗng. Đoạn phố còn lại nằm giữa Cửa Đông với Bát Đàn thì chuyên kinh doanh thuốc Nam (có cả vật liệu thuốc Bắc của người Hoa nhập về).
Có thể nói Hàng Gà cùng Hàng Cót được coi là dãy phố đón lõng các mặt hàng vào chợ Đông Thành cổ kính. Khi chưa bị thực dân Pháp dồn về Đồng Xuân thì chợ Đông Thành là lớn nhất trong các chợ nằm trong khu phố cổ. Đây là nơi buôn bán chính của dân Kinh kỳ Thăng Long từ thời Lê.
Chợ Đông Thành rộng chiếm cả chục đường phố. Phía bắc là Hàng Mã (kéo từ Thuốc Bắc tới đầu Hàng Gà). Phía nam là phố Bát Đàn (nối từ Hàng Thiếc tới cuối phố Hàng Gà). Còn phía đông chính là Thuốc Bắc. Do vậy Hàng Gà và một nửa phố Hàng Cót tạo nên đường bao phía tây cửa chợ. Xưa thuyền mảng men sông Tô và kênh rạch chở hàng vào tận tới Hàng Mã. Từ phía nam thuyền đi theo kênh hào đưa người đi chợ qua bến Nhà Hỏa lên phố Hàng Gà luôn. Trục dọc giữa chợ Đông Thành chính là phố Hàng Đồng và Bát Sứ. Còn trục đường theo chiều đông tây thì có tới dăm phố cắt ngang.
Sau năm 1888, thực dân Pháp dồn dân chợ Đông Thành lên đất thôn Đồng Xuân lập chợ mới. Những con phố nằm trong chợ xưa ấy đã tạo nên dấu ấn Thăng Long đặc sắc. Đó là không gian giao thương tại miền đất của ao hồ, sông ngòi, kênh rạch khắp nơi. Chính vì thế Hàng Gà cũng như Hàng Cót tựa một hình ảnh kỳ thú của vùng văn hóa lâu đời nhất của Kinh thành Thăng Long.
Tuy phố Hàng Gà từ năm 1920 không còn bán gia cầm hay thuốc nam nữa nhưng ngôi đình Tân Khai và chùa Thái Cam (16A) tạo nên dấu son trên đường phố này. Cùng với đó, những lưu dấu về xã hội thị dân được bảo tồn trong ca dao tục ngữ về hình ảnh con gà từ nơi đây. Những câu tục ngữ tài hoa chỉ có ở dân Kẻ chợ truyền trong dân gian: “Ngẩn ngơ như chú bán gà/ Tiền rưỡi chẳng bán, bán ba mươi đồng”; “Tiền trao ra gà bắt lấy”; hay “Bán gà ngày gió. Bán chó trời mưa”; “Trời làm một trận phong ba/ Chồng tôi như đứa bán gà chợ phiên ”…
Sinh thời họa sĩ Bùi Xuân Phái ở phố Thuốc Bắc được phong danh “Phố Phái” vì chuyên vẽ phố cổ Hà Nội với sắc màu độc đáo. Hình ảnh những ngôi nhà xiêu vẹo của Hàng Gà một thuở luôn xuất hiện trong hàng trăm bộ tranh “Phố đêm”, “Phố mưa” cùng “Phố cổ” của ông. Đặc biệt họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng rất thường vẽ tranh gà trong bộ tranh con giáp hàng năm vào dịp Tết.
Có lần một bức tranh gà đất của ông đã gợi tứ thơ rất bất ngờ cho nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Nữ sĩ bồi hồi với nỗi niềm yêu thương: “Người đi chợ Tết mua gà thật/ Tôi mua gà đất tuổi thơ tôi/ Gà đất bây chừ nằm trong đất/ Tiếng gáy còn tươi rộn giữa trời”. Một cảm giác hòa tan với sắc màu phố Phái trong âm hưởng Kinh kỳ một thuở: “Đôi lúc tâm hồn màu phố Phái/ Tĩnh lặng ngói rêu, tĩnh lặng hương/ Sớm nay thời tiết như mười bảy/ Tở mở lá cành ngơ ngác hương” (Màu phố Phái). Dường như phố Hàng Gà hiện lên trong một tiết xuân thần tiên như vậy đó.
Người xưa đâu tá trong hồn phố
Trong chùa Thái Cam (số 16A Hàng Gà) có một cái giếng nước trong quanh năm. Một thời dân quanh vùng đều tới dùng nước ở giếng chùa. Đây là mạch nguồn nước nằm gần sông Tô và những con hồ quanh thành cổ Thăng Long nên lúc nào cũng mát ngọt. Thường cứ chiều đến là cánh hát xẩm tới tụ họp tại cổng chùa xin nước uống giữ giọng. Dân buôn bán gà vịt, chim muông đều tới đây lấy nước dùng.
Nhiều khi dân xẩm lại kéo nhị hát vui chọc đùa người bán hàng mấy câu: “Cưới em có cánh con gà/ Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi/ Cưới em còn nữa anh ơi/ Có một đĩa đậu, hai môi rau cần…”. Mọi người cười rộ làm đàn gà giật mình cục tác nháo nhác khắp phố. Thế rồi mọi sự rã đám từ ngày tất cả hàng gà dọn cả lên chợ Đồng Xuân. Phố im vắng mỗi khi bình minh lên. Ai cũng thèm một tiếng gà cất lên giữa trưa cho bõ nhớ.
Nhưng cũng từ đó phố xá khang trang hẳn lên với các nhà hàng ăn cùng may mặc xuất hiện. Phố còn có cả lò dạy quyền Anh của võ sĩ Phạm Xuân Nhàn. Ông được coi là hiện tượng trên sàn đấu quyền Anh với nhiều trận hạ đo ván đối thủ. Trong làng quyền Anh ngày đó xếp hạng theo cân nặng. Có thể kể như Hạng ruồi - 50,8kg; Hạng lông - 57,5kg; Hạng Gà - 58,97kg; Sau mới tới các hạng nhẹ, hạng nặng tính từ 61,2kg trở lên.
Võ sĩ Phạm Xuân Nhàn vô địch quốc gia hạng nhẹ và được cử đi dự Á vận hội (1954) tại Philippines. Tới năm 1960, võ sĩ Phạm Xuân Nhàn rời lò quyền Anh tập trung về Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội theo chủ trương của thành phố. Võ sĩ Phạm Xuân Nhàn nổi tiếng không những về tài năng mà ông còn là một bác sĩ dạy võ rất bài bản và khoa học thời đó. Ông đã từng trở thành nhân vật trong tiểu thuyết “Võ sĩ lên đài” của nhà văn Ma Văn Kháng (NXB Trẻ, 2011).
Cũng trong giai đoạn này, dân phố Hàng Gà còn ghi nhớ một thầy lang chuyên châm cứu chữa bệnh tại số nhà 53. Đó là thầy lang Trương Tửu (1913-1999) vang danh trong hàng chục năm hành nghề. Lại nghe nói ông Trương Tửu đã dạy nghề cho vợ và động viên bà theo trường lớp lấy bằng chuyên môn về châm cứu để mở phòng khám. Ông đã xếp bút nghiên đi học nghề châm cứu chữa bệnh kiếm tiền nuôi gia đình. Nhà văn còn lấy thân mình làm thể nghiệm cho vợ và người nhà luyện tay nghề châm cứu chữa bệnh.
Với tư chất thông minh, nhà văn Trương Tửu dành nhiều thời gian nghiên cứu và thực hành nên rất vững vàng về huyệt mạch trên cơ thể người. Thuở đó không ngày nào phòng khám bệnh ở số nhà 53 vắng khách. Nhiều khi hàng chục người tới xếp hàng từ sáng tới chiều chờ ông châm cứu. Vậy là nhà văn Trương Tửu ròng rã 40 năm làm nghề chữa bệnh cứu người. Dường như ông quên đi những công trình nổi tiếng của mình ra đời trước đó với hai bút danh sóng đôi Trương Tửu và Nguyễn Bách Khoa.
Năm vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam cùng gia đình tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nhà văn-Giáo sư Trương Tửu (18/11/1913-18/11/2023). Khi đó mọi người mới hay ông có tới 30 đầu sách (gồm các tập truyện ngắn, tiểu thuyết và lý luận phê bình) được viết từ năm 1937 tới 1958.
Tiên nữ giáng sinh đền rồng
Cổ tích còn ghi trên bia đá rằng chùa Thái Cam xưa là đền miếu bên cạnh dãy núi Nùng trong kinh thành. Ngày đó sông Nhị bao quanh cùng dòng sông Tô và hồ ao bao la, tạo nên vùng sơn kỳ thủy tú cho đất Thăng Long. Chùa còn thờ Tam tòa thánh mẫu và cũng là để nhớ tới công ơn Mẫu Thoải lo vùng sông nước an toàn cho chúng sinh. Dân kẻ chợ quanh vùng thường tới lễ để cầu an cầu phúc cậy nhờ vào thánh mẫu ban cho.
Phố Hàng Gà nay phát triển nhiều ngành nghề buôn bán khác nhau, nhưng hồn phố vẫn còn lưu giữ bên mái đình cửa miếu như bao mùa trôi qua. Quanh năm làm ăn đâu đâu, thịnh vượng xôn xao nhưng ai nấy đều tỏ lòng thành hướng tới sự an nhiên nơi cửa đền. Mỗi khi xuân về, không gian linh thiêng của dòng sông xưa luôn dạt dào trong lòng người: “Con vua thủy quốc Đông Đình/ Cô tiên thần nữ giáng sinh đền rồng/ Đức gồm vẹn công dung ngôn hạnh/ Nét nhu mì bẩm tính thiên nhiên/ Dung nghi cốt cách thần tiên/ Vàng trong nước lệ ngọc miền non côn” (Hát văn Mẫu Thoải).