Quê hương đất nước anh hùng trong thơ Phạm Sư Mạnh

Thứ Sáu, 24/03/2023, 10:24

Phạm Sư Mạnh đỗ đạt cao, làm quan trải các đời vua Trần từ Trần Minh Tông, Hiến Tông, đến Dụ Tông. Ông làm quan thanh liêm, chính trực, khi trong triều, lúc ngoài trấn. Ông luôn giữ vai trò rường cột của triều đình. Chẳng những vậy, Phạm Sư Mạnh còn là một thi sĩ lớn ở triều Trần. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong những bài thơ hay của Phạm Sư Mạnh.

Quê hương đất nước anh hùng trong thơ Phạm Sư Mạnh -0
Quê hương đất nước anh hùng trong thơ Phạm Sư Mạnh

Phiên âm:

HÀNH DỊCH ĐĂNG GIA SƠN

Hành dịch đăng gia sơn,
Kiều thủ vạn lý thiên.
Đổ bằng Nam minh ngoại,
Tân nhật Đông nhạc tiền.
Yên Phụ thiên nhất ác,
Tượng Đầu nhẫn cửu thiên.
Tằng tằng Tử Tiêu vân,
Hội phỏng An Kỳ tiên.
Húng húng Bạch Đằng đào,
Tưởng tượng Ngô Vương thuyền.
Ức tích Trùng Hưng Đế.
Khắc chuyển khôn oát kiền.
Hải phố thiên mông đồng,
Hiệp môn vạn tinh chiên.
Phản chưởng điện ngao cực,
Vãn hà tẩy tinh chiên.
Chí kim tứ hải dân,
Trường thuyết cầm hồ niên.

Dịch nghĩa:

NHÂN ĐI VIỆC QUAN, LÊN CHƠI NÚI QUÊ NHÀ

Nhân đi việc quan, lên chơi núi quê nhà,
Ngẩng đầu nhìn trời cao muôn dặm,
Thấy chim bằng ngoài biển Nam,
Đón mặt trời mọc trước dãy núi phía Đông.
Núi Yên Phụ chỉ cách trời một nắm tay,
Núi Tượng Đầu cao chín nghìn nhẫn.
Mây lớp lớp trên đỉnh Tử Tiêu,
Nhân dịp hỏi thăm tiên An Kỳ.
Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn,
Tưởng tượng tới thuyền của Ngô Vương.
Nhớ vua Trùng Hưng xưa,
Khoảnh khắc làm chuyển đất xoay trời.
Hàng nghìn chiến thuyền ngoài cửa biển,
Muôn lá cờ lệnh trên cửa ải,
Trở bàn tay đặt cõi bờ vào thế yên ổn.
Kéo nước sông Ngân rửa sạch vết tanh hôi,
Đến nay nhân dân cả nước,
Nhắc mãi năm bắt giặc Hồ.

Dịch thơ

Lên thăm núi Thạch Môn,
Ngẩng trông trời vút cao.
Biển Nam chim bằng dậy,
Núi Đông mặt trời chào.
Núi Yên Phụ chạm trời,
Tượng Đầu chất ngất cao.
Tử Tiêu mây trùng trùng,
An Kỳ ở chốn nao.
Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn,
Ngô Quyền diệt Hoằng Thao.
Nhớ xưa Trùng Hưng đế,
Làm đất chuyển trời chao.
Cửa biển nghìn thuyền đậu,
Non ải vạn cờ đào.
Trở tay định bờ cõi,
Kéo sông rửa tanh hôi.
Nhân dân nay còn kể,
Chuyện thắng Hồ năm nào.

(TUẤN NGHI dịch)

Nhàn quan, chơi núi quê nhà,
Trời cao muôn dặm sơn hà còn đây!
Chim bằng bay liệng tầng mây
Phương Đông ráng đỏ phủ đầy núi xa.
Chọc trời Yên Phụ nguy nga,
Tượng Đầu kia, cũng chan hòa vào mây.
Tử Tiêu lớp lớp sương dày,
Tiên An Kỳ ở nơi này còn không?
Bạch Đằng sóng cuộn mênh mông,
Ngô Vương phá giặc cuồng ngông thuở nào.
 Trùng Hưng vua có đức cao,
Trong phút giây, rửa sạch làu núi sông!
Muôn chiến thuyền giữa mênh mông,
Tinh kỳ phấp phới rực hồng chân mây.
Trở bàn tay, trở bàn tay,
Nước non ta lại có ngày yên vui!
Kéo sông ngân rửa tanh hôi,
Ơn sâu dân khắc tận nơi đáy lòng.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Phạm Sư Mạnh (Phạm Mạnh) chính là một trong những học trò giỏi của thầy Chu Văn An, làm quan từ triều Trần Minh Tông, Hiến Tông đến Dụ Tông. Chưa rõ ông sinh và mất năm nào. Phạm Sư Mạnh có tên tự là Nghĩa phu, hiệu Uý Trai, biệt hiệu Hiệp Thạch, người làng Hiệp Thạch, huyện Kinh Môn, nay là thị xã Kinh môn, tỉnh Hải Dương. Ông đi sứ Trung Quốc năm 1345.

Không rõ Phạm Sư Mạnh sáng tác nhiều hay ít, tác phẩm tương truyền có cuốn "Hiệp Thạch Tập", nhưng cũng đã thất lạc. Hiện chỉ còn mấy chục bài thơ trong sách "Toàn Việt Thi Lục" của Lê Quý Đôn.

Thơ Phạm Sư Mạnh tiếp nối được âm hưởng hào sảng của hào khí Đông A, mặc dù ông sống ở đoạn cuối đời nhà Trần, khi mà triều đại này đang trên đường suy thoái, nhất là từ triều đại vua Trần Dụ Tông.

Bài thơ ĐỀ THÁP BÁO THIÊN của Phạm Sư Mạnh thể hiện sâu sắc niềm tự hào của ông về đất nước, về dân tộc trường tồn, có câu kết rất hay: "Ngã lai dục thử đề danh bút/ Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì" (Ta tới đây muốn dầm ngọn bút đề thơ nơi danh thắng/ Giữ cả dòng sông xuân làm nghiên mực).

Bài thơ NHÂN VIÊåC QUAN ĐI CHƠI NÚI QUÊ NHÀ của Phạm Sư Mạnh được khắc vào bia đá ở động Kính Chủ, vốn không có đầu đề. Những người làm sách đời sau, căn cứ vào nội dung, rồi lấy câu đầu của bài thơ mà đặt đầu đề.

Có thể tạm chia bài thơ làm hai phần. Phần đầu, từ trên đỉnh núi quê nhà mà ngắm nhìn toàn cảnh non nước, bao gồm cả núi Yên Phụ và Yên Tử. Phần còn lại, đặc tả sông Bạch Đằng qua hồi cố tưởng tượng về những chiến công lịch sử oai hùng trên dòng sông này.

Cả một khoảng không gian bao la rộng lớn. Đứng trên đỉnh núi cao ở quê nhà, Ngẩng đầu nhìn trời cao muôn dặm/ Thấy chim bằng ngoài biển Nam/ Đón mặt trời mọc trước dãy núi phía Đông, tất cả như có thể thu vào trong tầm mắt. Thế là đã khái quát được cái cao của trời, cái rộng của mặt đất, cái xa ngút ngát của tầm nhìn, ra tới tận biển Đông, và con người trở thành trung tâm của vũ trụ, làm chủ tất cả non sông đất nước tươi đẹp và hùng vĩ của mình.

Trước mắt, thấy núi Yên Phụ cao ngất trời, chỉ "cách trời có một nắm tay". Còn núi Tượng Đầu, tức núi Yên Tử, thì "cao chín nghìn nhẫn". Núi Tử Tiêu, một ngọn của dãy Yên Tử chìm trong mây quấn. Bất chợt, lại nhớ đến Tiên An Kỳ, tức An Kỳ Sinh, sống vào đời Tần, tu đạo thành tiên. Tương truyền An Kỳ Sinh có đến tu ở núi Yên Tử… Mặc dù An Kỳ Sinh tu tiên ở Yên Tử từ đời nhà Tần, nhưng An Kỳ Sinh đã thành tiên, mà tiên thì bất tử rồi, nên mới có ý đến thăm.

Đoạn thơ tả cảnh vật thiên nhiên trên đây, như vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh đất nước bao la hùng vĩ, cho thấy niềm tự hào phơi phới của tác giả. Những liên tưởng khoa trương và nghệ thuật điểm xuyết, chấm phá, từ xa đến gần, quá khứ và hiện tại, thực và hư huyễn đan cài vào nhau, làm nên một bức tranh cảnh vật rất có hồn, hình ảnh oai hùng của một quốc gia độc lập.

Phần tiếp theo, chủ yếu tả sông Bạch Đằng và niềm tự hào về một dòng sông lịch sử. Nhìn dòng sông đang cuồn cuộn chảy, thấy như hiện lên sống động những trang sử oai hùng chống giặc ngoại xâm. Có khi "Tưởng tượng tới thuyền của Ngô Vương" đại phá quân Nam Hán, tiêu diệt chủ tướng giặc là Hoằng Thao năm 938, có khi lại "nhớ đến vua Trùng Hưng xưa", tức nhớ chiến công thời Trùng Hưng nhà Trần, đại phá quân Nguyên Mông, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi, chấm dứt mộng xâm lăng của giặc phương Bắc.

Tác giả thấy cái "Khoảnh khắc làm chuyển đất xoay trời" như mới diễn ra trước mắt. Cuộc giao tranh quyết liệt giữa ta và địch, đã được Trương Hán Siêu miêu tả rất sinh động trong bài "Phú Sông Bạch Đằng" trước đó. Ở đây, tác giả chỉ giới thiệu khái quát, như tưởng tượng thấy "hàng nghìn chiến thuyền ngoài cửa biển, muôn lá cờ lệnh trên cửa ải"…

Và đây là những câu thơ có tính khái quát cao, được viết với thủ pháp khoa trương, ca ngợi chiến công bất tử chống Nguyên Mông trên sóng nước Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi tài thao lược của vua Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn:

Trở bàn tay đặt cõi bờ vào thế yên ổn,
Kéo nước sông Ngân rửa sạch vết tanh hôi.

Kết thúc bài thơ, tác giả viết: "Đến nay, nhân dân cả nước còn nhắc mãi năm bắt giặc Hồ". Vậy là dư vang của quá khứ oanh liệt vẫn còn mãi trong lòng dân Đại Việt, như một niềm tự hào chính đáng. Bài thơ của Phạm Sư Mạnh khắc trên bia đá núi Kính Chủ, trải mấy trăm năm, vẫn còn nguyên giá trị vật thể, và cả phi vật thể. Đó cũng là thông điệp của người xưa để lại cho muôn đời con cháu!

Vũ Bình Lục
.
.