Quái lạ - nét thi pháp của văn xuôi trung đại!

Chủ Nhật, 19/11/2023, 17:42

Bản thân khái niệm "nghệ thuật" đã có nét nghĩa trên mức thông thường. Có đại văn hào nói sự bình thường sẽ giết chết nghệ thuật là theo cái ý ấy. Xin được chứng minh một số sử ký, truyền kỳ thời trung đại thường kiến tạo những sự quái lạ để nói về cái ngược đời của nhân vật, sự kiện.

"Đại Việt sử lược" (viết vào thời Trần, tác giả khuyết danh) miêu tả ông vua Lê Ngoạ Triều với các chi tiết rất lạ như vua sai giết người bằng cách quấn rơm vào tội nhân rồi thiêu, dùng dao cùn để mổ cho lâu chết. Những chuyện quái đản thật khó tin về sự phi nhân tính: bắt tội nhân trèo lên cây cao, rồi sai chặt cây cho đổ xuống để tội nhân chết trong hoảng loạn. Còn sai dắt trâu bò đến để vua tự tay đâm chết. Lại có những chi tiết rùng rợn như đang đêm khuya vua sai giết mèo làm cỗ mời quần thần ăn. Cỗ bàn ăn xong vua bèn giơ đầu mèo lên cho mọi người biết họ đã ăn gì. Tất cả sợ hãi đến mức nôn mửa, còn vua thì cười đắc chí… Đó là nguyên tắc xây dựng nhân vật theo lối "quỷ hóa".

Quái lạ - nét thi pháp của văn xuôi trung đại! -1

Không phải là "vua" mà là "quỷ". "Quỷ" thích xem giết và trực tiếp giết với những kiểu kỳ lạ, tàn bạo. "Quỷ" vui khi thấy người chết ở trạng thái đau đớn nhất. "Quỷ" thích hại người. "Quỷ" thích tự tay đâm chết sinh linh, thích dọa người bằng những trò "quỷ quái"… Chỉ nguyên tắc này mới tương ứng với tình huống "lộn ngược": vua lộn ngược thành quỷ dữ. Vì thế chi tiết nào cũng ngược đời: quấn rơm đốt người; dùng dao cùn mổ người cho lâu chết; tự tay giết trâu bò; cho quần thần ăn thịt mèo rồi doạ… Tự thân những chi tiết ấy đã bật ra một ý nghĩa: một chế độ có vua "quỷ" như thế tất yếu sẽ bại vong một cách thảm hại nhất. Lịch sử diễn ra đúng như vậy!

Tác giả "Việt sử lược" (một phiên bản của "Đại Việt sử lược") lại chú ý đến tình huống ngược đời. Miêu tả sự kiện năm 1148 với các mối quan hệ mờ ám phức tạp: Thái úy Anh Vũ tư thông Thái hậu nên bị phò mã Dương Tự Minh và Điện tiền Vũ Đái bắt trói. Thái hậu hối lộ Vũ Đái tha cho Anh Vũ. Tự Minh can Vũ Đái không được bèn tự tử. Quả nhiên về sau Anh Vũ tráo trở, tàn nhẫn đến mức giết hết những người đã bắt hắn và đã cứu hắn, kể cả Vũ Đái. Thế là Vũ Đái vì tham của mà chết, còn bọn Anh Vũ, Thái hậu thì một kẻ là đại quan, một kẻ là mẹ vua lẽ ra phải mực thước mà lại dâm loạn làm ô uế nơi cung cấm trang nghiêm. Tội này phải chết thế nhưng bọn chúng vẫn nhơn nhơn sống.

Cùng sự kiện, sau này "Đại Việt sử ký toàn thư" (viết xong năm 1272) sử gia Lê Văn Hưu không chú ý vào miêu tả mà dùng lời bình luận mỉa mai để lên án: "Anh Vũ tư thông với mẫu hậu, không tội gì to bằng. Bọn Vũ Đái nên tâu bày gian trạng rồi bắt giam vào ngục mà giết đi. Đến khi bắt được Anh Vũ, lại nhận vàng của Thái hậu, rốt cuộc bị Anh Vũ giết, liên lụy đến mấy mươi người, thế là nuôi hổ để họa về sau vậy"...

"Việt sử lược" chú ý đến các chi tiết sự kiện thời vua Anh Tông mang tính trắng trợn, thâm hiểm, tàn bạo quá mức. Viên quan Quốc Dĩ hiến kế đặt cái án (hòm bằng đồng tương tự hòm thư góp ý hiện nay) để thu nhận những văn thư, sớ tấu các nơi. Có một thư nặc danh tố cáo "Anh Vũ sắp khởi binh làm loạn". Không tìm ra người gửi, Thái úy Anh Vũ bèn tâu với vua: "Chắc là người bày lập ra cái án". Không cần suy nghĩ vua sai bắt Quốc Dĩ trị tội vu cáo. Anh Vũ sai người đem rượu độc đến bắt Quốc Dĩ phải chết. Thế là kẻ đểu cáng, xấu xa thì vẫn làm quan to để tác oai tác quái còn người tốt với những mong muốn tốt và việc làm tốt thì bị hại. Toát ra một ý nghĩa phổ quát chung cho mọi thời: phải cảnh giác với kẻ xấu nham hiểm, lọc lõi, độc ác... Nhất là bọn này lại có quyền lực thì càng nguy hiểm vô cùng.

Thói dâm sắc đi ngược lại đạo đức truyền thống nên đều bị hầu hết các cuốn sử lên án. Thái tử Long Sưởng con đầu vua Anh Tông nhưng bị vua phế mà lập Long Cán con thứ làm Thái tử. Lý do vì Long Sưởng có tính hiếu sắc đến mức cung phi nào được vua yêu quí, Long Sưởng cũng đều tư thông cả. Bà Nguyên phi Từ Thị được vua yêu, Hoàng hậu ghen, nghĩ ra kế "ly gián" bằng cách sai Long Sưởng lén lút đến tư tình… Một tình huống này nói lên mấy cái ngược đời: Thái tử "tư tình" với cung phi của vua cha là loạn luân; vua lập con thứ làm Thái tử là loạn phép tắc; Hoàng hậu sai con "tư thông" với "Nguyên phi" (gần như là vợ vua) thì cả Hoàng hậu và Thái tử đều hèn kém.

Quái lạ - nét thi pháp của văn xuôi trung đại! -0
Vua Lê Ngọa Triều - hình minh họa.

"Việt sử lược" thường tập trung lật tẩy sự dốt nát ngược đời của vua. Năm 1206 nước bị loạn mà vua Cao Tông (lên ngôi 1175) vẫn ăn chơi vô độ. Năm ấy trời hạn vua bảo tả hữu rằng ai làm nước sông dâng lên chảy tràn vào trong hồ sẽ được hậu thưởng. Là vua mà lại có sự nhận thức quá kém cỏi. Thế mà có kẻ nịnh thần thưa xin làm việc ấy, vua cũng cho làm. Tất nhiên là không bao giờ được. Tự xưng "Thiên tử" thay trời chăm sóc muôn dân" thế mà khi đi chơi, nghe ngoài thành có kẻ kêu la vì bị cướp, vua cứ giả vờ không nghe thấy. Là "người đứng đầu thiên hạ" mà nhát hơn trẻ con, mỗi khi có tiếng sấm vua rất sợ chỉ tìm cách chui xuống dưới hầm đã đào sẵn…

Ngoài sự phơi bày cái mặt trái của triều đình đã ở vào thời mạt vận, các cuốn sử còn vạch trần cái nhố nhăng của những kẻ khoác áo nhà sư để lòe bịp thiên hạ. Xã hội thời Lý đạo Phật thịnh trị ảnh hưởng tới triều chính, chi phối đến cả vua. "Việt sử lược" kể câu chuyện sư "giáng hổ" vạch trần bản chất giả dối của những kẻ được gọi là "hòa thượng" nhưng bất tài, khoác loác, vô tích sự.

Nhà sư nọ khoe với vua (Cao Tông) "biết giáng hổ", tức hàng phục hổ từ dữ thành hiền lành. Vua cho thử. Lần đầu sư cầm gậy gõ đầu hổ, hổ vùng dậy vồ lấy gậy. Sư hoảng hốt lui ra tâu vua xin để tụng niệm cầu Phật thêm nữa. Lần sau sư tiếp tục. Hổ nhảy chồm lên vồ. Sư sợ hãi, lùi lại, đứng tựa vào chuồng sợ quá mà chết. Đúng là chuyện ngược đời. Nhìn từ hôm nay thì đó là chuyện phản khoa học. Nhà sư thì biết "tụng kinh niệm Phật" chứ đâu phải "thần thánh" gì, càng không thể biết đến bản chất sinh học loài hổ là không thể thay đổi. Vua cũng ngược đời ở chỗ cần lo những việc đại sự quốc kế dân sinh nhưng lại đi nghe lời một kẻ khoác loác…

"Tam tổ thực lục" là tập sách ghi chép theo lối ký sự tiểu sử ba vị tổ sư thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Tác giả bộ sách vẫn thuộc diện tồn nghi, sau này các thiền sư (Tính Quảng và Hải Lượng) dựa vào các tư liệu xưa rồi biên soạn và cho khắc bản in vào năm Cảnh Hưng 26 (1765).

Trong sách kể câu chuyện có tình huống thử thách rất đáng chú ý. Nhà vua (Minh Tông) cho gọi Điểm Bích - một cung phi "nõn nà chẳng kém gì Phi Yến, khéo léo còn hơn cả Điêu Thuyền… Lại có tính hiếu học, tam giáo cửu lưu, không thứ gì là không thông hiểu, hễ mở miệng là thành chương" yêu cầu đến gặp sư Huyền Quang. Vua nói: "Ông sư ấy vốn không có sắc dục, tính nết cương phương, giới hạnh rất cao. Nàng có nhan sắc, giỏi ngôn từ, lại thông kinh sử. Nàng hãy đến "thử thách", nếu thấy động tình quyến luyến thì dỗ dành xin được vàng mang về đây làm chứng cớ".

Vâng lời, Điểm Bích tìm mọi cách "lá gió cành chim" lả lơi quyến rũ nhưng không lay chuyển được bèn bịa ra chuyện cần tiền cứu cha làm quan thu thuế đem nộp vào kinh nhưng bị mất trộm hết. Huyền Quang thương tình cho "một dật vàng"… Việc được phanh phui, vua hối hận bèn lập đàn tràng thỉnh Huyền Quang làm chủ lễ "hóa giải". Sư (Huyền Quang) vừa đến thì gió trời nổi mù mịt, mọi tạp vật trên đàn đều bị cuốn phăng, chỉ còn lại hương đăng lục cúng. Vua và triều thần tận mắt chứng kiến, thất sắc kinh hoàng, liền lạy xuống tạ tội…

Đường đường một "hoàng thượng" thay trời hành đạo thế mà vua lại có "kế" nhỏ nhen. Điểm Bích là cung phi lẽ ra phải chính trực mà lại làm chuyện bịa đặt… Câu chuyện mang tính đề cao ca ngợi phẩm tính trong sạch, liêm chính của nhà Phật. Sau này sách "Tân đính Lĩnh Nam chích quái" chép lại chuyện này, đổi tên nhân vật từ Điểm Bích thành Vân Bích nhưng ý nghĩa thì không thay đổi.

Văn học là những mô hình về đời sống. Những chi tiết quái lạ để tạo ra những mô hình lộn ngược, ngoài sự mời gọi, hấp dẫn, cái chính là thể hiện bản chất phi lý của sự kiện, hiện tượng!

Nguyễn Thanh Tú
.
.