Quà tặng - có là cầu nối văn hóa?!

Thứ Bảy, 20/01/2024, 13:29

Tặng quà cho nhau không phải là chuyện “độc quyền” của con người, mà có ở cả loài vật. Theo nghiên cứu của nhà động vật học - Tiến sĩ Luiz Costa-Schmidt (Brazil), thì loài nhện (Paratrechalea ornata) có cả một “nghệ thuật” tặng quà, vừa đẹp vừa khéo, có phần tinh tế.

Nhện đực tưới một hóa chất gọi là pheromone quyến rũ vào món quà được gói rất mịn bằng tơ (nhện) rồi mang đến “tặng” bạn gái. Được nhận “quà tặng” như thế, hầu hết các “giai nhân” nhện đều “choáng váng” mà “gật đầu” ngay tắp lự… Thế là chúng bước sang một “quan hệ” mới đầy thơ mộng…

Ở loài chim thì việc “chọn quà” và “nhận quà” của chim bói cá cũng rất thú vị. Chim trống sẽ ngậm một con cá rồi đến trao tận “mỏ” người đẹp. Nhưng phải là cá to, tươi, béo chim cái mới chịu “nhận”. Không ít “chàng” đã đành phải nuốt “quà tặng” mà hậm hực bay về trước sự “phớt lờ” của chim mái… Loài tinh tinh thì “vô tư” hơn, chúng tặng nhau quả dại để cầu thân, chứ không nhất thiết là phải làm bạn tình…

Kể sơ sơ vậy để thấy “quà tặng” và “tặng quà” là một ứng xử tự nhiên của động vật như một cách thiết lập/kiến tạo những mối quan hệ mới hoặc làm sâu sắc các quan hệ đã có. Dù sao thì những hành vi như vậy ở động vật vẫn mang tính bản năng. Đến con người, là “động vật cao cấp” nên cũng có “quà tặng” và “tặng quà” kiểu “cao cấp”, vượt qua cái bản năng để tiến tới cái văn hóa. Nhưng chung quanh “quà tặng” ở con người thật vô cùng “thiên biến vạn hóa”!

image003.jpg -1
Quà tặng xinh xinh!

Khởi thủy, theo nhiều nghiên cứu nhân học và khảo cổ học, thì con người dùng “quà tặng” một cách có ý thức tức dùng quà vào mục đích tôn vinh, gắn kết nhau thì bắt đầu là ở lễ kỷ niệm đăng quang của các nhà vua Ai Cập cổ đại. Trong các lễ kỷ niệm lên ngôi, các Pharaoh thường nhận được nhiều món quà là các đồ vật quý giá. Đáp lễ, nhà vua cũng tặng lại vô số vật quý để “kỷ niệm”.

Người La Mã đã biết tổ chức ngày sinh nhật bằng những bữa tiệc linh đình và tặng quà cho nhau, thường là những bức tượng nhỏ biểu trưng cho tình cảm yêu thương, quý mến, kính trọng hoặc những vật mang ý nghĩa xua đuổi cái xấu, đem lại may mắn. Hình thức tặng quà sớm nhất của người Trung Quốc cổ đại dành cho trẻ con vào dịp năm mới. Người ta đựng đồng tiền lẻ vào các “hồng bao” (lì xì) với mục đích không cho ma quỷ đến gần, để trẻ hay ăn chóng lớn. Đến thời hiện đại người Trung Quốc mới tặng quà vào ngày sinh nhật, nhưng việc tặng “hồng bao” thì vẫn giữ đến nay và trở thành nét văn hóa truyền thống phổ biến khắp châu Á…

Như vậy, nhìn từ lịch sử thì quà tặng thường bằng vật chất mang tính biểu trưng với mong muốn người được tặng tốt đẹp, khỏe mạnh, hạnh phúc hơn… Theo thời gian, quà tặng ngày càng mang dấu ấn cá nhân sâu sắc. Người ta tìm thấy những đồ vật bằng đá quý thời xa xưa được chế tác thủ công rất tinh xảo, công phu để tặng tình nhân, cha đỡ đầu, thầy học… Việc tặng quà là hành động cao quý mang tính kết nối, tăng cường sự gắn bó, thậm chí cả sự liên minh giữa các bộ tộc. Có khi người ta tặng những đồ vật quý giá nhất của bộ tộc mình để “làm tin” với bộ tộc khác… Dần dần quà tặng bị lợi dụng dùng vào nhiều mục đích khác nhau, làm méo mó đi ý nghĩa ban đầu.

Ở ta, truyền thuyết “Mai An Tiêm” có lẽ là truyện sớm nhất “bàn” về quà tặng. Vua Hùng lên ngôi ban (tặng) cho mọi người nhiều vật quý. Được nhận lộc vua, ai nấy đều hể hả, riêng An Tiêm lại bảo rằng: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Câu nói đến tai vua, vua giận cho rằng An Tiêm khinh thường bèn ra lệnh đày cả gia đình An Tiêm ra ngoài đảo hoang. Truyện này ra đời muộn (chỉ mượn vỏ cổ tích), vào thời phong kiến, khi mà quan hệ vật chất đã chi phối sâu sắc các mối quan hệ.

So sánh với ngạn ngữ phương Tây đầy chua chát, lạnh lùng nhưng có hạt nhân hợp lý ra đời ở thời tư bản công nghiệp: “Miếng pho-mát miễn phí chỉ có ở trong bẫy chuột”. Tức không ai cho không ai cái gì. Miếng ngon có khi lại là cạm bẫy chết người, ta thấy câu của An Tiêm nhẹ nhàng hơn nhiều về ý nghĩa nhưng độ triết lý thì có phần phổ quát rộng rãi hơn. Nó phải là sự khái quát từ một xã hội đã có nhiều mối quan hệ rằng rịt, con người phải ứng xử thật khéo, bản lĩnh, tỉnh táo để không bị “chìm nghỉm” trong dòng đời nhiều bèo bọt lợi ích...

capture.jpg -0
Sách của Đặng Huy Trứ bàn về đạo đức của người làm quan.

Ở nhiều nước cũng có thành ngữ tương tự như ở ta: “Của cho/tặng quý hơn cách cho/tặng”. Ngoài giá trị vật tặng người ta chú ý nhiều đến ai tặng, thời điểm tặng, hoàn cảnh tặng. Người Việt lại có câu mang tính minh triết: “Quà đói bánh giò, quà no bánh đúc”. Bành giò làm bằng bột gạo tẻ, nhân thịt băm, hành, mộc nhĩ, gói lá chuối, luộc chín. Bánh này ăn “chắc dạ”, no lâu. Bánh đúc nấu bằng bột gạo tẻ hòa nước vôi trong và hàn the. Bánh này rẻ, dễ ăn, ăn được nhiều… Lúc người ta đói tặng bánh giò mới đúng cách, đúng dịp, mới phát huy cao nhất ý nghĩa của “quà”.

Lại có câu rất quen thuộc: “Miếng khi đói bằng gói khi no”, nên tặng quà là cả một nghệ thuật, đúng lúc, đúng dịp, đúng người, nếu không sẽ phản tác dụng. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”của ta kể câu chuyện “tiểu hiệu Hoàng Cự Đà” rất đáng suy ngẫm. Vua Trần Thái Tông cho trồng rất nhiều cây muỗm ở Thăng Long. Mùa thu hoạch, nhà vua ban thưởng cho các quan, nhưng quên một viên quan tiểu hiệu tên Hoàng Cự Đà.

“Một miếng giữa làng” đã to nhưng “một miếng” vua ban còn “to” hơn nhiều. Đà để bụng. Tháng Chạp năm 1257, quân Mông Cổ sang xâm lược. Trước thế giặc mạnh, triều đình ban lệnh rút lui. Cự Đà ngồi trên thuyền nhẹ xuôi xuống phía nam. Thái tử đi thuyền chiến ngược lên, truyền cho quân gọi to hỏi quân giặc hiện ở đâu? Cự Đà trả lời: “Không biết, đi mà hỏi những người ăn muỗm ấy”... Câu chuyện phê phán kẻ tiểu nhân cố chấp nhưng cũng có ý nhắc “bề trên” khi đã “mưa” thì phải “mưa cho khắp”…

Như vậy “quà tặng” và “tặng quà” là nhu cầu bình thường trong quan hệ đời sống. Là người thì ai cũng từng được nhận quà tặng và tặng quà. Vấn đề là làm gì để cho nó trong sáng, đúng với ý nghĩa tốt đẹp. Cuối năm học, em học sinh được nhà trường tặng giấy khen kèm theo ít tiền, về nhà ông bà khen: “Trăm đồng tiền công không bằng đồng tiền thưởng”. Em hân hoan hơn nhiều, hiểu ra ý nghĩa quà tặng và càng phấn đấu học tốt hơn. Bạn mình cưới vợ, mình biết bạn thiếu cái gì, bèn tặng quà cưới là một vật dụng cần thiết cho gia đình mới, là cái phích nước, cái nồi cơm điện, cái võng… Rất quý! Nhưng khổ nỗi, hòa vào dòng chảy “kinh tế thị trường”, quà tặng ngày một bị biến chất, bị lợi dụng. Các vụ án gần đây cho thấy, quà tặng, với không ít người, thực chất là một sự hối lộ rất đáng chê, rất đáng bị ngăn chặn. Lại có cách tặng quà phô trương như tặng vàng cô dâu đeo kín người… Liệu có nên?

Một quyển sách quý rất nên được phổ biến rộng rãi có tên “Từ thụ yếu quy” (Những quy định cơ bản về việc nhận, không nhận) của vị quan thời Nguyễn nổi tiếng thanh liêm Đặng Huy Trứ (1825- 1874). Qua cuốn sách này ông chủ trương “trong sạch hóa” đội ngũ quan lại bằng hai con đường “từ” (không thể nhận) và “thụ”(có thể nhận). “Từ” cái gì? Phải từ bỏ 104 kiểu “quà tặng” thực chất là hối lộ quan chức ở mọi lĩnh vực, dưới nhiều hình thức và thủ đoạn không khác mấy so với tệ nạn hối lộ - tham nhũng hôm nay. “Thụ” cái gì? Đó là nhận cái “thanh danh”, “thanh liêm” của người có trách nhiệm với dân, nếu “Túi quan có quá lép thì cũng cố giữ lấy cái nghèo cho toàn danh tiết… Cái lợi trước mắt không bù lại cái hại lớn về sau”. Đấy chẳng phải là lời răn cho hôm nay sao?

Ở phương Tây văn minh vẫn còn nhiều nạn tham nhũng hối lộ cũng núp dưới hình thức quà tặng. Ông Marcel Mauss (1872-1950) - nhà nhân học Pháp, đã viết cuốn “Luận về biếu tặng”, ngày nay bán vẫn chạy. Xứng đáng là một công trình “khảo cổ học về bản chất các giao dịch của con người”, dựa trên nhiều kết quả khảo sát dân tộc học, Mauss nhận xét đích đáng hành vi biếu tặng, đáp tặng, bề ngoài mang tính chất tự nguyện, vô vụ lợi, nhưng sâu xa bên trong là vụ lợi.

Là người, ai cũng có bổn phận, trách nhiệm phải biếu tặng, đón nhận quà tặng, đáp tặng. Mối quan hệ này nhạy cảm đến mức chỉ cần khẽ động trái quy tắc là bản nhạc cuộc sống thay đổi tiết tấu, thậm chí bị phá vỡ… Tết Nguyên đán - được coi là dịp tặng quà của truyền thống phương Đông sắp đến, như trên đã bàn, hãy cố gắng làm sao để quà tặng đúng nghĩa nhất, nhẹ nhàng, vô tư, nói lên được cái khát khao của con người hướng về cái tốt đẹp, thánh thiện, văn minh!

Nguyễn Thanh Tú
.
.