Phù sa bồi đắp những tin yêu...
Sinh ra và lớn lên ở xứ nhãn yên bình, từng đoạt giải Ba môn Văn lớp 12 trong kì thi Học sinh giỏi quốc gia rồi trở thành giáo viên môn Ngữ văn, Tạ Thị Thanh Hải đến với văn chương như một thiên hướng nhưng chị chỉ thật sự dấn thân vào việc sáng tác trong mấy năm gần đây.
Năm 2023, chị ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn đầu tay mang tên "Hồi sinh" và năm 2024 là cuốn "Suối lạc lưng chừng núi". Tập sách thứ 3 "Phù sa mặn" tuyển chọn 15 truyện ngắn được đầu tư khá công phu, điều đó chứng tỏ niềm đam mê và sức sáng tạo của một cây bút giàu nội lực trên con đường văn chương gập ghềnh nhưng cũng nhiều thú vị.

Thế mạnh của Hải là khả năng tạo dựng tình huống và không khí truyện. Chính lối miêu tả cặn kẽ và cách hành văn tự nhiên, nhẹ nhàng, thủng thẳng của tác giả lại có sức lôi cuốn hấp dẫn, đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những câu chuyện tưởng như hết sức đời thường lại được chị khai thác triệt để, dẫn dắt người đọc đến tận cùng những góc khuất trong đáy sâu tâm khảm nhân vật, thậm chí có những chi tiết chỉ đọc một lần cũng gây ám ảnh.
Chị như một bác sĩ giải phẫu tâm lý, bóc tách từng phần, gỡ rối từng lớp, giúp cho độc giả thấu hiểu đến tường tận nỗi đau cùng cực và cả niềm vui, khát vọng vươn lên của những kiếp người gian truân. Truyện ngắn của Hải luôn là những day dứt về thân phận con người trong xô bồ thực ảo của xã hội ngày nay. Mỗi sáng tác của chị là một lát cắt tinh tế của cuộc sống được tái hiện qua lăng kính của một trái tim giàu xúc cảm nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với bạn đọc.
Tạ Thị Thanh Hải mở đầu tập truyện bằng một truyện ngắn đậm đà trữ tình đằm thắm như một cách định hình phong cách sáng tác của mình. "Lỡ chuyến nhân duyên" là những trang văn da diết mênh mang về tình đời, tình người. Thân phận của các nhân vật mỏng manh nhỏ bé như chính cái tên của họ.
Nhân vật chính là May. Mồ côi. Nghèo. Ám ảnh bởi quan niệm "mẹ ghẻ con chồng". Cô đã cố gắng nỗ lực học hành để vượt ra khỏi lũy tre làng u buồn. Cô nhận lời lấy Chang, người đàn ông ngoại quốc đã qua một đời vợ. Nhưng rồi cô cay đắng nhận ra mình đã đánh đổi phơi phới thanh tân để có được vẻ nhung lụa hào nhoáng song cũng chỉ là chốn ghé chân của Chang; ngộ ra rằng bấy lâu nay cứ mải miết chạy theo hư vinh, đến khi rạc lòng với những trái ngang mới thấy ngôi nhà nhỏ đơn sơ là chốn bình yên cho lòng mình lắng lại, mới cảm nhận được tình cảm chân thành của dì Hin, người đàn bà tứ chiếng, chính là chỗ nương tựa tinh thần bền bỉ, ấm áp nhất của mình.
Truyện "Duyên nợ phù sinh" là dằng dặc những câu hỏi về nhân tình thế thái ở đời. Những mối quan hệ của con người của hiện tại có duyên nợ gì ở kiếp trước mà sao cứ mắc phải những nghịch cảnh trớ trêu, tréo ngoe đến đắng lòng?
Người đàn ông, nhân vật chính trong truyện ngắn này, có lẽ là đáng thương nhất khi cứ bị ám ảnh bởi những cái chết. Là cái chết đau đớn bởi lần vượt cạn khó khăn của mẹ đã nhuốm màu buồn vào đôi mắt cô em gái hiền lành suốt mấy chục năm qua. Là cái chết bất ngờ của "tình địch" trong chuyến viễn du cuối cùng đã giáng bi kịch xuống gia đình anh.
Anh phải gồng gánh nỗi đau chồng chất và ngằm ngặp trong nỗi tự vấn lương tâm. Phải chăng anh đã sống quá nhu nhược, nhỏ nhen, bất lực nghĩ mình chỉ là một hạt bụi mong manh lơ lửng giữa cuộn xoáy tính toán vị kỉ nên đã để mọi sự đi quá xa? Giá như anh có đủ can đảm để nói ra những điều vẫn băn khoăn hoài nghi, giá như anh có đủ dũng khí để bứt mình khỏi những hào nhoáng phù vân thì biết đâu tai ương đã chẳng ập xuống phũ phàng đến thế.
Truyện ngắn "Phù sa mặn" lấy tên chung cho cả tập truyện là một sáng tác đặc sắc, chứng tỏ Tạ Thị Thanh Hải là nhà văn có khả năng quan sát rất tinh tế, có sự nghiền ngẫm trải đời và biết trải lòng đồng cảm với những hoàn cảnh éo le bất hạnh. Tác giả đã hóa thân vào nhân vật chính để giãi bày những trái ngang chênh vênh u uất của phận người.
Chênh vênh như thằng trai đôi mươi bất lực nuốt nghẹn đắng cay khi để tuột mất mối tình đầu. Chênh vênh như cái buổi chiều cuối cùng trước khi ra đầu thú, ngồi bên vệ đê, nhìn thảm cỏ dưới chân đan cài nhau mỏng manh mà bền chặt để rồi thấy cay đắng trước sự rời rạc của tình người, những con người kết giao với nhau bằng quyền lợi, và cũng vì quyền lợi mà giẫm đạp nhau để ngoi lên; người lành hiền bị dồn đuổi vào đường cùng, trở thành kẻ ngộ sát, chịu án tù và lay lắt vất vưởng tha hương cầu thực. N
hưng sau tất cả, tình thân, tình người vẫn là sợi dây níu lòng, mở ra con đường hoàn lương cho một tâm hồn tưởng chừng đã cỗi cằn chai sạn bởi những xô đẩy của dòng đời.

Là một nhà giáo, ngày ngày tiếp xúc với các em học sinh, Tạ Thị Thanh Hải đã mở lòng lắng nghe những tâm tư tình cảm của lứa tuổi nổi loạn này. Vì thế chị có thế mạnh khi khai thác đề tài bi kịch của trẻ vị thành niên. Và trong tập truyện này, đó là đề tài được chị chú trọng hơn cả. Chị có sự quan sát và miêu tả khá tinh tế tâm lí nhân vật.
Các truyện ngắn như "Trăng lạnh", "Quay lưng về phía vô minh", "Hàng cây sau mùa thay lá", "Hoàng hôn cô độc" là những trang viết đầy ám ảnh, lay động lòng trắc ẩn của người đọc. Phải chăng do cuộc sống hiện đại gấp gáp xô bồ đã tạo nên khoảng cách thế hệ, khiến cho trẻ vị thành niên ngày càng thấy cô độc ngay trong chính tổ ấm của mình, đơn độc chống đỡ những xung đột giữa ước mơ của bản thân và tham vọng của cha mẹ.
Trong số đó, theo tôi, "Trăng lạnh" là một truyện ngắn đặc sắc gây cho người đọc nhiều trăn trở nhất. Truyện khai thác diễn biến tâm trạng của một cô bé tuổi trăng tròn luôn sống trong thấp thỏm, đề phòng, cảnh giác. Cao trào của truyện đẩy lên đến nghẹt thở khi cô đứng trước bờ vực thẳm của sự tan hoang vì cuộc thương lượng phũ phàng: một đêm thanh tân của cô bị mang ra để có thể thay đổi một bản án, cứu vớt gia đình thoát khỏi thảm cảnh tan vỡ. Cô không đủ dũng khí tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình. Cô chỉ biết lao đi trong vô định. Trái tim non nớt của cô bị trầy xước nhưng chỉ mình cô biết đau. Cô phải tập tễnh bước tới tương lai bằng đôi chân không lành lặn và niềm tin vụn vỡ.
Qua giọng kể tuyến tính thời gian rất đặc biệt, bi kịch của cô bé vị thành niên ấy hiện lên nhức nhối, xa xót, quặn thắt. Những dòng độc thoại nội tâm của nhân vật như một hồi chuông róng rả đánh thức phần người còn sót lại của những nhân vật phản diện trong truyện và chạm đến được sợi dây đồng cảm của biết bao trái tim độc giả.
Ở các truyện ngắn khác như "Cỏ ấm", "Đường đến chân trời", "Giông gió trái mùa", "Khúc vọng trữ tình", "Giấc mơ lành lặn" lại chứng tỏ tác giả có sự am hiểu khá sâu sắc về làng quê, về văn hóa lễ nghĩa không chỉ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nơi chị sinh ra mà cả ở vùng núi cao, nơi chị từng có cơ hội được đến thăm và tiếp xúc với những phận đời bé nhỏ, nhọc nhằn. Từ nỗi đau da cam, chuyện thất học, tệ nạn xã hội, tình yêu đồng giới đến những tình huống ứng xử vô minh đều được Tạ Thị Thanh Hải lý giải một cách thuyết phục, giúp người đọc thấu cảm với nỗi đau những cảnh ngộ éo le, những thân phận bọt bèo. Đa số các truyện của Hải không mới về đề tài, nhưng chị đã cố gắng viết theo cách không cũ. Chính điều ấy đã tạo nên một lối đi riêng, một phong vị riêng cho văn phong của chị.
Đọc tập truyện, ta có thể thấy hệ thống nhân vật trong sáng tác của Tạ Thị Thanh Hải khá phong phú. Trong từng tác phẩm, nhà văn đã khắc họa rất rõ nét tính cách của nhiều kiểu người trong xã hội, từ những con người thiện lương tốt đẹp đến những kẻ thất đức, lọc lừa, tráo trở. Chị dụng công trong cách dựng truyện, xây dựng tính cách, tâm lý nhân vật bằng những chi tiết gây thổn thức, ám ảnh người đọc.
Hầu hết những sáng tác của Hải mang màu sắc buồn nhiều hơn vui, khổ hạnh nhiều hơn hân hoan. Chị dành nhiều tâm sức để bênh vực người yếu thế, nhất là những người phụ nữ chịu thiệt thòi, lỡ dở trong cuộc sống. Chị không kết truyện theo lối cổ tích. Nhưng mỗi truyện ngắn khép lại đều lấp lánh ánh sáng thiện lương, nhân văn, ấm áp. Điều đó khẳng định tình yêu văn chương, yêu cuộc sống và khao khát kiếm tìm sự an yên trong cuộc sống nhiều bất trắc của cây viết trữ tình này.
Tập truyện "Phù sa mặn" đánh dấu sự bứt phá của Tạ Thị Thanh Hải trong việc tạo dựng không khí truyện phù hợp với từng đề tài. Với sự trau chuốt về ngôn từ, cách kể chuyện có nghề, dụng ý nghệ thuật kín đáo trong việc lựa chọn chi tiết, cách hành văn của Tạ Thị Thanh Hải khá linh hoạt, khi thì trữ tình đằm thắm, lúc lại sắc lạnh gai góc. Song, với trái tim nhân hậu của một nhà giáo, chị đã truyền cảm hứng nhân văn một cách tài tình vào từng câu chuyện để độc giả tự chiêm nghiệm, lắng đọng lại những bài học nhân sinh cho riêng mình.
Cách thức sáng tạo văn chương có nhiều đổi thay, nhất là có nhiều giọng điệu mới đang phát triển, nở rộ. Tạ Thị Thanh Hải vẫn mải miết sáng tạo, cần mẫn sống và viết hết mình, chứng tỏ một cây bút giàu tiềm năng và nghiêm túc với nghề viết. Với sự nỗ lực và tâm huyết ấy của Tạ Thị Thanh Hải, tôi tin chị sẽ vững bước trên hành trình sáng tạo và tiếp tục gặt hái được những mùa quả ngọt để khẳng định khả năng văn chương của mình.