Phố cổ Hội An cần một tinh thần văn hóa

Thứ Năm, 13/04/2023, 12:00

Phố cổ Hội An sẽ áp dụng quy định bán vé tham quan cho cả khách nội địa riêng lẻ từ ngày 15/5, với giá 80 ngàn đồng/người, tạo nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, phố cổ Hội An là một đô thị mở, chứ không phải không gian khép kín như di tích Đền Hùng, di tích Cung điện Huế hay di tích Hoàng thành Thăng Long.

Phố cổ Hội An là một di sản văn hóa, với hệ thống nhà cổ được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Nhiều nhà làm phim quốc tế đánh giá phố cổ Hội An như một trường quay có giá trị lớn để thực hiện những bộ phim lịch sử. Phố cổ Hội An kết hợp thánh địa Mỹ Sơn, đã trở thành một tour du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Để vẻ đẹp ấy trường tồn, cần có chiến lược xây dựng văn hóa bền vững cho phố cổ Hội An, chứ không phải tranh thủ tận thu từ việc bán vé.

hoi an.jpg -0
Nét đẹp phố cổ Hội An.

Du khách đến phố cổ Hội An để được đắm chìm trong không gian một di sản do tổ tiên để lại và cháu con đang gìn giữ, chứ không phải để chứng kiến những cảnh chèo kéo dịch vụ và những quầy hàng lưu niệm với các sản phẩm không phải do bàn tay người Hội An làm ra. Di sản vĩ đại như Angkor Wat mà người dân Campuchia còn được miễn phí tham quan, thì tại sao người Việt lại phải mua vé để ngắm nhìn phố cổ Hội An? Tận thu với khách nội địa, chỉ khiến Hội An càng xa cộng đồng du lịch trong nước mà thôi. Thật khó hiểu, giữa bối cảnh kinh tế đang suy giảm, thay vì đưa ra những chương trình thiện chí thu hút du khách, thì chính quyền Hội An lại chọn giải pháp dựng thêm hàng rào để bán vé vào phố cổ.

Trước đây, phố cổ Hội An chỉ bán vé đối với khách quốc tế và các đoàn tham quan do những công ty lữ hành tổ chức, với giá 120 ngàn đồng/người. Bây giờ, chính quyền địa phương lên kế hoạch bắt buộc khách nội địa dù đi riêng lẻ cũng phải mua vé từ ngày 15/5, với giá 80 ngàn đồng/người. Theo con số thống kê, thì bình quân mỗi ngày có khoảng 15 ngàn lượt khách ra vào phố cổ, nhưng số vé bán được chưa đầy phân nửa. Vì vậy, phố cổ Hội An quyết tâm “lấy di tích để nuôi di tích” bằng cách thắt chặt việc bán vé tham quan cho tất cả mọi người. Đối tượng được miễn mua vé là người dân có hộ khẩu ở phố cổ Hội An, hoặc người có lý do chính đáng để vào phố cổ Hội An. Thu phí để công bằng giữa khách quốc tế và khách nội địa, nhưng làm sao biết khách nội địa nào “có lý do chính đáng” để khỏi mua vé? Chính quyền Hội An sẽ bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát với đa phần là người Hội An nên bà con sẽ có cách nhận diện nhau “có hộ khẩu ở Hội An” hoặc “có lý do chính đáng”. Ngoài ra, còn trang bị camera khắp phố cổ để chống gian lận.

Lãnh đạo UBND thành phố Hội An cho rằng, việc mua vé tại Hội An chủ yếu là khuyến khích, bà con (khách du lịch nội địa) nào ghé mua thì tốt không mua thì thôi chứ không ai ép vào. Hội An là đô thị mở, là tài sản chung nên mọi người đều có quyền được vào tham quan và đóng góp cho trùng tu di sản. Nhưng thực tế là có rất nhiều công ty lữ hành đã lợi dụng việc nới lỏng đó để trốn tránh trách nhiệm mua vé cho du khách.

Nguyên tắc đã du lịch đến Hội An thì phải có phần kinh phí vào tham quan khu phố cổ. Nhưng nhiều công ty du lịch đến Hội An đưa khách đi lòng vòng, tham quan nhiều nơi nhưng lại không vào phố cổ. Khách dù đến Hội An nhưng thực tế lại không được tham quan khu phố cổ dẫn đến hiểu sai về Hội An, làm hình ảnh du lịch phố cổ méo mó. Thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp tính chi phí mua vé cho du khách khi đặt tour nhưng khi đưa khách tới thì lại không mua vé cho họ. Khách đi vào phố cổ cứ lang thang rồi không biết đi đâu, tham quan ở đâu, không có hướng dẫn viên. Kế hoạch lần này là nhằm chấn chỉnh lại việc đó.

Phố cổ Hội An lâu nay nổi tiếng là đô thị thân thiện. Liệu mong muốn tận thu vé tham quan có làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của phố cổ Hội An không? Nhà văn Trần Kỳ Trung là một người sinh ra và gắn bó với phố cổ Hội An nhận định: “Thực tế khách tham quan phố cổ, nhất là khách nội địa, họ chỉ đi một lần cho biết, thời gian không nhiều. Nếu chỉ muốn thu tiền tham quan phố cổ của khách nội địa, là thất sách”.

Theo nhà văn Trần Kỳ Trung, muốn du khách bỏ tiền ra, những đồng tiền xứng đáng, Hội An nên phát triển thật rộng, thật đa dạng, thật chất lượng các dịch vụ văn hóa. Khách sạn, nhà nghỉ gia đình, may mặc, dạo chơi trên sông bằng thuyền, trồng rau, ca nhạc dân tộc, thăm đảo là những thế mạnh của Hội An, nhưng hiện nay lại rất yếu, rất rời rạc. Giá như làm tốt điều này, du khách sẽ ở lại Hội An dài ngày, tiền thu về gấp nhiều lần tiền bán vé tham quan phố cổ.

nha co hoi an.jpg -0
Một ngôi nhà cổ ở Hội An.

Hội An có một điều cực hiếm so với nhiều địa phương khác trong cả nước, thậm chí một số nước trên thế giới, là có cả một quần thể kiến trúc nhà cổ còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, người dân phố cổ đa số lợi dụng mặt tiền nhà cổ để buôn bán, mà đã buôn bán vì lợi nhuận có thể “quên” đi văn hóa, cạnh tranh không lành mạnh.

Ở tuổi 70, nhà văn Trần Kỳ Trung bày tỏ: “Tôi ở Hội An gần như hết đời người mà chưa bao giờ thấy cán bộ phụ trách ngành văn hóa xuống hướng dẫn người dân nên tiếp xúc với khách du lịch như thế nào? Làm sao giữ nét đẹp văn hóa của người Hội An? Ngoại ngữ nên dạy cho dân, không riêng tiếng Anh, với phương pháp nào tốt nhất? Không nên “tham bát bỏ mâm”, vội vàng thu tiền tham quan mà làm du lịch kiểu nửa vời. Không chỉ người dân chán nản, phó mặc việc giữ phố cổ cho chính quyền, mà du khách cũng mất cảm tình với Hội An”.

Chúng ta hãy nhìn rộng ra ngoài biên giới. Malaysia cũng có phố cổ như Hội An, được công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 2007, nhưng khách vào tham quan không phải mua vé. Người dân ở đó ăn mặc gần như giống với người dân phố cổ từng sống trước đây, dịch vụ rất đa dạng, thậm chí sân khấu Kinh Kịch vẫn biểu diễn cho du khách thưởng thức cả ngày lẫn đêm.

Nhà văn Trần Kỳ Trung nhấn mạnh: “Người Hội An như tôi, luôn tự hào về Hội An, một mảnh đất giàu về văn hóa, rất đậm về tình người, rất phong phú về cảnh vật… Người Hội An muốn giới thiệu thật rộng rãi cho bạn bè gần xa trên thế giới được biết đến di sản của mình, và mong khách du lịch ở lại thật lâu, coi Hội An là quê hương thứ hai của họ. Muốn vậy phải giữ cho được văn hóa Hội An, từ văn hóa Hội An làm tiền đề phát triển kinh tế. Nhất là cần có sự đồng lòng chung sức từ trên xuống dưới, từ người dân đến lãnh đạo. Nếu chỉ dùng biện pháp hành chính mà không hỏi ý kiến dân hoặc lòng dân không thuận, thì phần nhiều những sự việc đó không đi đến thành công”.

Là một người con xứ Quảng xa quê, nhà văn Nguyễn Một bày tỏ suy tư: “Nhiều người đến Hội An vì “linh hồn của Hội An” chứ không chỉ vì nhà cổ. Vì nếu chỉ có nhà cổ thì nhiều nơi có và khi khung cảnh có khác lạ thế nào đi nữa mà không có còn người mang tính “đặc thù” thì cũng như sa mạc thôi! Đó là sự khác nhau giữa "di sản sống" và "phế tích"! Ngoài ra một điều nữa cần lưu ý là hai chữ “di sản” cho thấy những thứ còn lại đó là công sức của tổ tiên, là tài sản của dân tộc, thậm chí của nhân loại, chứ không phải của địa phương nào để mà có thể “rào ngõ thu tô”. Vì vậy để bảo vệ di sản là trách nhiệm của cả dân tộc mà đại diện là nhà nước - những người đại diện thu thuế của những người dân.

80 ngàn đồng không lớn nhưng phi lý, khi những người dân đã đóng thuế (trong đó có việc dùng để bảo vệ di sản) mà phải bỏ tiền ra để chiêm ngưỡng những di sản mà tổ tiên của dân tộc họ để lại. Đó là chưa kể chính họ, những người chúng ta tạm gọi là “du khách” đã góp phần tạo nên linh hồn phố cổ. Xin hãy nhớ tất cả mọi thứ mua được bằng tiền đều rẻ cả! Hãy để Hội An bình yên như hàng trăm năm nay! Đừng rẻ rúng Hội An mà đau lòng tiền nhân”.

Tuy Hòa
.
.