Chuyên luận của Đặng Thị Bích Hồng, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2021

Phản trinh thám và tiểu thuyết Paul Auster

Thứ Năm, 23/06/2022, 15:15

Giữa thế kỉ XIX, đánh dấu sự ra đời của ấn bản văn học trinh thám đầu tiên trên Tạp chí Graham do Edgar Allen Poe chấp bút. Giống như các dòng tiểu thuyết văn học khác, thể loại trinh thám dần dần được độc giả trên thế giới đón nhận và trở thành sản phẩm của xã hội tiêu thụ phương Tây.

Ngoài việc là công cụ giải trí, các tác phẩm văn học trinh thám cũng là đối tượng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn học trên thế giới. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỉ XX, các học giả tại Việt Nam mới bắt đầu chú ý đến mảng văn học này. Đã có nhiều nỗ lực trong đội ngũ các nhà nghiên cứu Việt Nam nhằm khám phá thể loại mới mẻ này.

Cuốn sách "Phản trinh thám và tiểu thuyết Paul Auster" (NXB Đại học Quốc gia, 2021) của Đặng Thị Bích Hồng nằm trong nỗ lực đó. Cuốn sách tập trung nghiên cứu thể loại phản trinh thám trên cơ sở phân tích thế giới nghệ thuật đặc thù trong tiểu thuyết của nhà văn hậu hiện đại Mỹ Paul Auster.

Cuốn sách gần 200 trang này bao gồm 2 phần chính: "Phản trinh thám trong tiến trình thể loại văn học trinh thám" và "Tiểu thuyết phản trinh thám của Paul Auster". Tác giả cuốn sách, từ những thực tế về sự khan hiếm các chuyên luận về thể loại trinh thám, đã cố gắng đưa ra diện mạo của văn học phản trinh thám một cách khái quát nhất, đối chiếu giữa hai thể loại trinh thám và phản trinh thám; từ đó, xây dựng những cơ sở lí thuyết để phân tích những nét độc đáo trong nghệ thuật tự sự phản trinh thám của Paul Auster.

sách cô hồng.jpg -0
Bìa cuốn chuyên luận “PHẢN TRINH THÁM VÀ TIỂU THUYẾT PAUL AUSTER” của Đặng Thị Bích Hồng.

Ở phần một, dựa vào sự phát triển của các hình thái truyện trinh thám, tác giả Đặng Thị Bích Hồng khẳng định tiểu thuyết phản trinh thám là một hình thái nảy sinh trong quá trình vận động của thể loại tiểu thuyết trinh thám vào nửa sau thế kỉ XX. Thời kì này, văn học thế giới bước vào xu hướng hậu hiện đại với sự đa dạng về kĩ thuật sáng tác và tư tưởng văn nghệ nhằm phản ứng lại các quy chuẩn của văn học hiện đại. Trong xu hướng đó, một số nhà văn đã vận dụng, phỏng nhại hình thức và những nguyên tắc của tiểu thuyết trinh thám để sáng tạo nên tiểu thuyết phản trinh thám.

Để làm sáng tỏ sự cách tân từ truyện trinh thám đến phản trinh thám, người viết đối chiếu hai thể loại này trên hai bình diện là nhân vật và cốt truyện. Việc tìm hiểu những vận động của yếu tố nhân vật và cốt truyện đã giúp tác giả làm sáng tỏ các đặc điểm khác biệt của thể loại phản trinh thám. Những điểm khác biệt này đã làm rõ hơn tiến trình của tiểu thuyết trinh thám, một thể loại văn học vốn từng chỉ được coi là văn học giải trí. Nói cách khác, những phân tích trên đã nâng tầm vị thế của văn học trinh thám như là một đối tượng của nghiên cứu khoa học, cụ thể ở đây là bộ môn nghiên cứu văn học. Như thế, chính là sự biến chuyển của truyện trinh thám - từ việc bị coi là "sản phẩm tiêu thụ" của xã hội phương Tây - sang vùng "văn chương đích thực" đã dẫn đến sự hình thành của tiểu thuyết phản trinh thám. 

Để xây dựng lí thuyết về phản trinh thám, tác giả Đặng Thị Bích Hồng đã khảo sát các định nghĩa, các quan niệm về thuật ngữ phản trinh thám và cũng phân tích các tác phẩm được xếp vào thể loại phản trinh thám trên thế giới để đúc kết được một khái niệm của riêng mình về truyện phản trinh thám. Theo đó, thuật ngữ "phản trinh thám" được sử dụng để nói về xu hướng phát triển của tiểu thuyết trinh thám trong bối cảnh hậu hiện đại (trang 34).

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh hai yếu tố của thể loại phản trinh thám, đó là yếu tố nhân vật và cốt truyện. Nhân vật thám tử của phản trinh thám phủ định khả năng ưu việt, óc phán đoán tài tình của nhân vật thám tử truyền thống. Cốt truyện của phản trinh thám vượt qua ngoài khuôn khổ của cuộc điều tra với tình tiết kịch tính. Tác giả lấy chuỗi tiểu thuyết của Samuel Beckett (1906-1989), Jorge Luis Borges (1899-1986) và Umberto Eco (1932-2016) để làm ví dụ điển hình cho khái niệm tiểu thuyết phản trinh thám của mình.

Ở phần hai của cuốn sách, tác giả đã diễn giải các tác phẩm phản trinh thám của Paul Auster để chứng minh rằng văn chương phản trinh thám có thể đạt đến "vị thế tháp ngà văn chương bác học". Nhà nghiên cứu Đặng Thị Bích Hồng tập trung bàn về tính thi pháp của Paul Auster trên các phương diện "hành trình tiếp nhận", "thế giới trinh thám: thám tử với mê cung", "câu hỏi về bản ngã: mã kép nhân diện thám tử", "siêu hư cấu như là nghệ thuật mờ hóa cốt truyện trinh thám" và "liên văn bản như là nghệ thuật đa tuyến cốt truyện".

Ở phần này, tác giả cuốn sách nhấn mạnh việc các nhà nghiên cứu Việt Nam đã nỗ lực phân tích những thành công của tiểu thuyết Paul Austernhư "Paul Auster và Nhạc đời may rủi" của Lê Huy Bắc (2009), "Trần trụi với văn chương và ngòi bút phản tiểu thuyết trinh thám của Paul Auster" của Nguyễn Thị Thanh Hiếu (2009) hoặc công trình "Đặc trưng bút pháp hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Paul Auster" của Nguyễn Thị Thanh Hiếu (2014).

Riêng trong cuốn sách này, Đặng Thị Bích Hồng tiếp nhận tiểu thuyết của Paul Auster thông qua trường hợp cụ thể là tác phẩm "Bộ ba New York" (The New York Trilogy) (1987). Với công trình của mình, người viết tập trung phân tích hình tượng nhân vật và mô hình cốt truyện trong "Bộ ba New York" (The New York Trilogy) để giúp độc giả mở rộng góc nhìn về các thủ pháp nghệ thuật thuộc về hư cấu hậu hiện đại của thể loại phản trinh thám. Song song với đó, cuốn sách của Đặng Thị Bích Hồng làm nổi bật lối viết cách tân đầy mạnh mẽ và táo bạo, hình thức sáng tạo độc đáo và cách tri nhận thế giới theo hình thức mới trong thế giới nghệ thuật truyện trinh thám của Paul Auster, từ đó nhằm giúp người đọc nhận ra những độc đáo về nghệ thuật của văn học phản trinh thám.

Những "bánh răng" trong phản trinh thám của Paul Auster không hoàn toàn khớp với "bộ máy" nguyên tắc của truyện trinh thám. Đặng Thị Bích Hồng đã so sánh hành trình tìm ra thủ phạm của thám tử như mê trận trò chơi trí tuệ, đặt ra câu hỏi về bản ngã, đàm luận về việc giải mã bí ẩn câu chuyện trở thành thứ yếu và giải thích mô hình liên văn bản trong "Bộ ba New York" với những văn bản trước đó.

Điều đáng chú ý là thông qua những so sánh này, tác giả chỉ ra tính phản trinh thám trong "vỏ bọc" truyện trinh thám của "Bộ ba New York". Đó là sự phá vỡ cấu trúc những yếu tố truyền thống, đập tan những nguyên tắc trần thuật vốn có, việc đi tìm đáp án cho câu hỏi về bản thể hơn là tìm kiếm sự thật.

Quá trình đi tìm chân lí của truyện trinh thám lại có thể đồng bộ với quá trình xâm nhập cõi vô thức để đi tìm bản ngã của nhân vật. Sự đồng bộ đó thâm nhập vào bản chất ngôn ngữ của nhà văn để tái tạo hiện thực. Bộ ba tiểu thuyết thể hiện dưới ngòi bút của Paul Auster mang tính đa trị nhiều hơn so với cấu trúc nguyên bản của một tác phẩm trinh thám. Như chính Đặng Thị Bích Hồng đã viết: "Nó giải cấu trúc truyện trinh thám truyền thống, đặt ra những câu hỏi sâu sắc liên quan đến bản chất của hiện thực, giới hạn của tri thức, khả năng của sáng tạo văn chương" (trang 7).

Có thể nói văn bản phản trinh thám mang trong mình một thách thức lớn lao đối với tri thức và cảm xúc của con người. Tác giả đã thành công trong việc chứng minh "Bộ ba New York" nói riêng và phản trinh thám nói chung thể hiện sự không giới hạn trong sáng tạo của con người và sự bất biến trong chân lí cuộc đời.

Công trình "Phản trinh thám và tiểu thuyết Paul Auster" của tác giả Đặng Thị Bích Hồng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thể loại phản trinh thám chưa nhận được chú ý đối với giới học giả ở Việt Nam. Nói cách khác, ở Việt Nam (và trên thế giới) chưa có công trình nào tập trung chuyên sâu bóc tách lịch sử cũng như các phương diện của thể loại này.

Các nghiên cứu bằng tiếng Anh như "Thám tử và giới hạn: vài lưu ý về hư cấu văn chương hậu hiện đại" (The Detective and the Boundary: Some Notes on the Postmodern Literary Imagination) của Spanos William (1972),"Cấu trúc bất biến và linh hoạt" của Major và "Truyền thống phản trinh thám" (Major's Reflex and Bone Structure and the Anti-Detective Tradition) đồng tác giả bởi Larry McCaffery và Sinda Gregory (1979), "Thám tử bị kết tội: đóng góp của tiểu thuyết trinh thám vào văn xuôi hậu hiện đại Mỹ và Ý" (The Doomed Detective: The Contribution of the Detective Novel to Postmodern American and Italian Fiction) của Stefano Tani (1984) hoặc "Chủ nghĩa Hậu hiện đại Quốc tế: Lí thuyết và Thực hành Văn học" (International Postmodernism: Theory and Literary Practice) của Hans Bertens (1997) đưa ra những định nghĩa khác nhau, không thống nhất về thuật ngữ "phản trinh thám".

Ở Việt Nam, cũng như vậy, chưa có một chuyên luận nào tập trung vào vấn đề này. Hiện nay mới chỉ có những nhận định bước đầu về thể loại phản trinh thám trong các bài báo như "Truyện trinh thám" của Vũ Đức Phúc đăng trên Tạp chí Văn học số 1/1981, "Edgar Allan Poe nhà văn trinh thám và kinh dị xuất sắc" của Lê Đình Cúc đăng trên Tạp chí Văn học, số 8/2000, "Truyện trinh thám từ Tây sang Đông" của Trần Thanh Hà đăng trên Văn nghệ Công an, số 9/2004 hoặc "Giả trinh thám trong tự sự hậu hiện đại" của Lê Huy Bắc đăng trên Tạp chí Khoa học (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) số 2/2011.

Trong bối cảnh các nghiên cứu về thể loại phản trinh thám còn thiếu vắng ở Việt Nam, cuốn "Phản trinh thám và tiểu thuyết Paul Auster" của Đặng Thị Bích Hồng có vai trò quan trọng trong việc giúp độc giả tại Việt Nam có cái nhìn hệ thống về thể loại trinh thám nói chung và phản trinh thám nói riêng. Định nghĩa tiểu thuyết phản trinh thám là văn chương bác học thông qua nghiên cứu thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết gia Paul Auster thực sự là một đóng góp mới mẻ của công trình này. Không những thế, việc định danh một hình thái của thể loại phản trinh thám có thể gợi mở ra những con đường nghiên cứu tiềm năng về cả thể loại lẫn tác phẩm của Paul Auster.

Minh Thủy
.
.